Vì sao nói Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt quyết định của cách mạng Việt Nam
Từ năm 1858, thực dân Pháp xâm lược và từng bước thiết lập chế độ thống trị rất tàn bạo, hà khắc và phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi lớn: Từ chế độ phong kiến chuyển sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến; hai mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu trong xã ...
Từ năm 1858, thực dân Pháp xâm lược và từng bước thiết lập chế độ thống trị rất tàn bạo, hà khắc và phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi lớn: Từ chế độ phong kiến chuyển sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến; hai mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu trong xã hội ngày càng gay gắt. Đó là, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với đế quốc Pháp xâm lược và giữa nhân dân ta chủ yếu là nông dân với bọn địa chủ, phong kiến tay sai, chỗ dựa của thực dân Pháp.
Nhiệm vụ chống đế quốc Pháp xâm lược và nhiệm vụ chống bọn phong kiến tay sai là không tách rời nhau. Đó là yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai ở khắp mọi nơi, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu và các nhà yêu nước đương thời theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Song các phong trào đấu tranh đó đều thất bại, nguyên nhân chủ yếu là chưa tìm được con đường cứu nước đúng đắn, chưa có một lực lượng xã hội, một giai cấp tiên tiến và một tổ chức cách mạng chặt chẽ đủ sức lãnh đạo phong trào. Cách mạng Việt Nam đứng trước sự bế tắc và khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Giữa lúc đó, Nguyễn ái Quốc – người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước. Sau 10 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể đã bắt gặp được chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm được con đường cứu nước đúng đắn, Người nói: Muốn cứu nước giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển biến quyết định mở đường thắng lợi cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Nguyễn ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, sáng lập và trực tiếp huấn luyện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên, xuất bản tác phẩm Đường Kách Mệnh để tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tiếp tục chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng.
Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ trì và lãnh đạo của Bác Hồ. Hội nghị nhất trí thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các văn kiện: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt do Nguyễn ái Quốc khởi thảo. Đó là cương lĩnh và điều lệ đầu tiên của Đảng…Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong thời đại mới; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử; là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của các chiến sĩ cách mạng đứng đầu là Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ rằng: Giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là cột mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm đã được giải quyết. Từ đây, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng Mác- Lênin chân chính với đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo là cơ sở lý luận vững chắc đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc phát triển của đất nước.