Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của nhà thơ Nguyễn Du tuyệt hay
Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của nhà thơ Nguyễn Du Bài làm: Trong lịch sử của nền văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với “Quốc âm thi tập” mang nhiều giá trị, là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc. ...
Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của nhà thơ Nguyễn Du
Bài làm:
Trong lịch sử của nền văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với “Quốc âm thi tập” mang nhiều giá trị, là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc. Thì Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều” lại là người đặt nền móng cho nền ngôn ngữ hiện đại, được mệnh danh là “bậc thầy ngôn ngữ” của nền văn học nước nhà. Nguyễn Du với tiếng thơ “rưng rưng”, mang nhiều cảm xúc, thấu hiểu mọi nỗi đau của cuộc đời con người trong xã hội, đặc biệt là cảm thông với người phụ nữ xưa, ông đã gây dựng được một kho tàng tác phẩm đồ sộ về than phận con người trong đó có bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” được in trong tập “Thanh Hiên thi tập”, để bày tỏ lòng cảm thông của ông đối với số phận Tiểu Thanh – một người tài hoa nhưng bạc mệnh.
“Có thể nói, Nguyễn Du là nhà thơ đã viết được về nỗi đau của con người, nhất là nỗi đau của người phụ nữ như là nỗi đau riêng của bản thân mình”. Quả thật vậy, đã mấy trăm năm trôi qua, lớp bụi thời gian đã phủ đầy trên những trang thơ ngày nào, tháng nào đã qua còn để lại dấu chân trên lớp bụi mờ. Những vần thơ đẫm nước mắt, đẫm màu của máu nhưng vẫn sáng long lanh trong sự đau buốt của lòng người. Được biết rằng, Nguyễn Du với Tiểu Thanh là hai người xa lạ, vốn chẳng quen than. Nhưng Nguyễn Du vẫn viết về Tiểu Thanh với sự cảm thông sâu sắc. Vậy Tiểu Thanh là ai? Tương truyền Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc với tài sắc vẹn toàn, sống vào thời nhà Minh. Cô vốn là một người thông minh, sắc sảo, xinh đẹp, từ nhỏ đã tinh thông nghệ thuật, cầm kì thi họa. Khi lên mười sáu tuổi, cô làm vợ lẽ một nhà quyền quý, nhưng lại gặp phải cô vợ cả hay ghen, đố kị nên đã bắt cô phải sống riêng ở Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Bài thơ đã thể hiện nỗi uất ức và đau khổ tột cùng của cô gái ấy. Nguyễn Du cảm thương cho người con gái tài sắc kia nhưng số phận bạc bẽo, trớ trêu mà viết nên “Độc Tiểu Thanh kí”
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Sự thay đổi phũ phàng, ngịch lý của cảnh vật đã tác động vào cảm xúc con người. Cặp từ đối lập “cảnh đẹp” và “gò hoang”, đã gợi lại nét xưa và nay hoàn toàn khác biệt. Khi xưa cảnh sắc mĩ miều, tuyệt đẹp, nay đã trở thành một bãi hoang với sự lạnh lẽo, hiu quạnh. Nơi “gò hoang” ấy chính là gò Côn Sơn tuyệt đẹp xưa kia nay đã thay đổi và trở thành nơi sống của cô gái Tiểu Thanh để chôn vùi thanh xuân đẹp đẽ ở đây. Đây là hai câu thơ tức cảnh sinh tình, dù bài thơ không được sáng tác ở Tây Hồ nhưng vẫn mang nét chân thực, đầy sáng tạo. Cảnh không được nhà thơ nhìn trực tiếp mà chỉ được gián tiếp qua tâm tưởng của Nguyễn Du, dù vậy, nó vẫn tái hiện được cái cảnh sắc và lòng người trong đấy. Chốn ở của một phu nhân nhà quyền quý, danh giá chắc hẳn là đẹp, là mông mơ ở Tây Hồ vốn đẹp nổi tiếng. Nhưng hiện thực lại hết sức cay nghiệt và không đúng với lẽ tự nhiên. Cuộc đời nàng Tiểu Thanh lại bị chôn vùi nơi “gò hoang”, một cồn đất nhỏ có gì mà đẹp, mà sang. Hay có thể nói, đó chính là một nấm mồ vô chủ, lạnh lẽo, cô đơn vô cùng. Người ở nơi gò kia là nàng Tiểu Thanh bạc mệnh chỉ còn lại ở dương thế “mảnh giấy tàn” đang “thổn thức bên song”. Hình ảnh “gò hoang” và “mảnh giấy tàn” chính là nguyên nhân khiến nhà thơ nao lòng, đồng cảm. Mảnh giấy ấy là phần thơ còn sót lại của Tiểu Thanh gợi nhắc lên một số phận bất hạnh của người phụ nữ. Từ láy “thổn thức” đã gợi tả được nổi lòng và sự thương cảm của nhà thơ Nguyễn Du trước tình cảnh trớ trêu của cuộc đời cô gái tài hoa nhưng bạc mệnh – Tiểu Thanh. Dường như, tác giả đang kêu lên một tiếng than dài trước lẽ “biến thiên bể dâu” của cuộc đời và nỗi niềm đang thổn thức, nao nao của một tấm lòng nhân đạo cao cả.
Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Nguyễn Du chính là hiện thân cao cả của nỗi đau vĩ đại, nỗi đau cho than phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Xã hội xưa là vậy, cái xã hội đã vùi dập nhân phẩm, tài hoa, cốt cách của một con người, đảy họ vào tình cảnh éo le, đáng thương. Với trái tim đồng cảm , nhà thơ đã nhận ra nỗi đau của con người trong nỗi đau của chính mình
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Phép hoán dụ “son phấn” như là biểu tượng cho hình ảnh nàng Tiểu Thanh, cô dù đã “chôn” nhưng linh hồn còn xót xa, căm hận người đã đốt những trang thơ của mình. Đó cũng chính là nỗi giận hờn kim cổ, nỗi hận muôn đời của xưa mà kéo dài cho đến nay. Và hình ảnh “văn chương” đang ngụ ý chỉ tài năng của nàng, nhưng số phận lại bạc như vôi, không như ý nguyện. Phải nói rằng, Nguyễn Du đã rất ngưỡng mộ và đề cao cái tài sắc của Tiểu Thanh. Nhưng “hồng nhan thì bạc mệnh”,chính cái tài sắc trời phú ấy đã vùi dập số phận nàng, ôm đau hận cùng số phận theo mình đến cả lúc đã chết, “chôn vẫn hận”. Con người mệnh bạc để khi trang thơ của cô khi đã đốt đi vẫn còn sót lại, như tiếng ai oán, tiếng xót thương của một kiếp người, một số phận quá bất công.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Nguyễn Du đã xót xa vô cùng, ông mang nặng nỗi niềm con người và cất lên một tiếng khóc vĩ dạ, ôm nỗi oán hận ngàn đời. “Nỗi hờn kim cổ”, một nỗi hờn sâu cay, hờn thế thời, hờn những con người đã gieo nên số phận đau thương. Đó không chỉ là nỗi giận dỗi nhất thời, mà đã xuất phát từ lâu, là nỗi hận muôn đời khó bề giải thoát. Chi tiết “án phong lưu” như gợi tả một nỗi oan vì nết sống phong nhã, vì sự đồng cảm quá rộng đã khiến nhà thơ phải để tâm đến những số phận trong xã hội. Nhà thơ tự cho mình là “khách” và “tự mang” cho mình cái gọi là chuyện bao đồng kia. Ông đã coi mình là người cùng hội cùng thuyền cới kẻ mắc án oan lạ lung vì một nết sống phong lưu. Qua đó, tác giả hiểu được số phận và đồng cảm với cuộc đời của Tiểu Thanh, tự cho mình cùng thân phận với Tiểu Thanh cùng niềm xót xa, thương cảm cho người phụ nữ mệnh bạc, đó cũng là cái hận muôn đời, muôn người trong đó có bản thân nhà thơ.
Con người – chính con người là tạo vật hoàn mĩ nhất của thế giới tự nhiên. Nhưng cũng chính con người đã tự gieo đau khổ cho nhau. Nếu như xã hội công bằng, thì người phụ nữ xưa đã không phải chịu những đắng cay tủi nhục mà thế thời mang lại. chính vì thế mà nhà thơ Nguyễn Du từng viết trong “Truyện Kiều”:
“Thương thay thân phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Không chỉ có Tiểu Thanh, mà trong thơ Nguyễn Du còn có nhân vật Kiều tài sắc bạc mệnh. Có lẽ, nổi bật nhất trong thơ đại thi hào Nguyễn Du không ai khác chính là người phụ nữ – tầng lớp phải chịu nhiều cay đắng, tủi hờn nhất trong xã hội. Điều đó cho thấy rằng, nhà thơ đã thấm thía nỗi đau khổ của những con người bạc mệnh ấy mà cảm thương cho họ, đồng thời tự vấn cả bản thân mình
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Nhà thơ đã tự dự cảm về số phận của mình, với Tiểu Thanh, một người phụ nữ có phần đời bất hạnh đã khiến ông cảm thương sâu sắc mặc dù nàng sống trước Nguyễn Du mấy trăm năm. Nhưng nỗi lòng ông vẫn luôn khắc khoải rằng, ba trăm năm sau, liệu còn ai nhớ đến mình? Lời tự vấn với người đời sau “người đời ai khóc Tố Như chăng?” như mong ước có một sự đồng cảm, cảm thông giữa những con người biết trọng giá trị văn chương, giá trị nghệ thuật. Tố Như! Tiếng khóc của ông là tiếng vọng muôn đời. Ba trăm năm sau, Kiều vẫn còn đây, những tác phẩm nghệ thuật của ông vẫn còn đây và bao nhiêu người đang khóc, khóc cho nhà thơ và khóc cho sự tiếc nuối, khóc cho nỗi đau của Nguyễn Du thưở bấy giờ. Vì thế mà trong lịch sử văn học Việt Nam, có thể nói rằng “Nguyễn Du là nhà thơ đã viết được về nỗi đau của chính mình”. Vươn lên trên hạn định của thời gian và không gian, một câu hỏi về tương lai sau “ba trăm năm” mà nhà thơ đã hỏi quả là một câu hỏi nhức nhối mà Tố Như đã hỏi nhân loại. Ông hỏi đời, hỏi con người, hỏi từng vòng quay lịch sử, hỏi đến ngàn năm sau, và đến mãi mãi sau này. Niềm tự thương, tự đau đến cực độ vì nỗi buồn nhân thế. Bài thơ mở đầu với tiếng khóc thương người và kết thúc lại là tiếng khóc thương mình. Khóc người, thương người chính là tấm lòng cao cả, nhân đạo trong trái tim mênh mông. Còn khóc thương mình có lẽ là sự bắt nguồn từ lòng sâu sắc của tư tưởng nhân văn, nhân ái.
“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
Dù là “Truyện Kiều” hay “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du thì đều là những tác phẩm tiêu biểu, tái hiện lên hình ảnh người phụ nữ bạc mệnh cùng những bất công trong xã hội. Bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” chính là niềm thương cảm của Nguyễn Du dành cho nàng Tiểu Thanh với sự đồng cảm sâu sắc. Bằng khả năng thống nhất nhưng mặt đối lập trong hình ảnh, ngôn từ, sử dụng tài tình các chất liệu nghệ thuật, ngôn ngữ trữ tình, đậm chất triết lý, bài thơ đã thật sự thành công và mang nhiều giá trị, ý nghĩa sâu sắc về vẻ đẹp của chủ nghĩa nhân đạo – Nguyễn Du.
Bùi Phương Thảo