24/05/2018, 21:39

Về khả năng của sẽ trong vai trò đánh dấu thời tương lai tiếng Việt

Bài viết gửi Tạp chí Ngôn ngữ Kim Phượng Đặt vấn đề Để phủ định sự tồn tại của phạm trù thời và khả năng của phó từ biểu thị các thời trong tiếng Việt, có tác giả cho rằng phó từ đã hoàn toàn không có một ...

Bài viết gửi Tạp chí Ngôn ngữ

Kim Phượng

Đặt vấn đề

Để phủ định sự tồn tại của phạm trù thời và khả năng của phó từ biểu thị các thời trong tiếng Việt, có tác giả cho rằng phó từ đãhoàn toàn không có một sự tương ứng nào hết với hình thái thời quá khứ trong tiếng Nga, chỉ có sẽ tương ứng với hình thái thời tương lai vào khoảng hơn 30% [4, tr7]. Và tuy sẽlà vị từ tình thái có ý nghĩa thời gian duy nhất được dùng một cách bắt buộc trong một số phát ngôn (…) ngay cả khi ngôn cảnh cho phép người nghe định vị sự tình trong thời gian, song sẽ không phải chỉ dùng để định vị một sự tình trong tương lai [4, tr25-26].

Để khẳng định sự tồn tại của phạm trù thời trong tiếng Việt, có tác giả cho rằng thời tương lai được áp dụng cho tất cả các loại vị từ… và điều này đã hoàn toàn đủ để phủ định thái độ hoài nghi đối với phạm trù thời trong tiếng Việt, bởi sự đối lập giữa thời tương lai và phi tương lai đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ nhờ từ sẽ[8, tr130].

Bài báo này công bố kết quả khảo sát của chúng tôi về sự tương ứng giữa cách biểu thị ý nghĩa tương lai trong tiếng Việt bằng các phó từ sẽsắp với tiếng Anh và với một vài ngôn ngữ có phạm trù thời, nhằm thêm một cơ sở đánh giá khả năng của hai phó từ này trong vai trò đánh dấu thời tương lai tiếng Việt.

Kết quả nghiên cứu

Đối chiếu cách dịch thời tương lai tiếng Anh sang tiếng Việt

Về đối tượng khảo sát: Chúng tôi chọn hai văn bản song ngữ sau đây như là một sự lựa chọn ngẫu nhiên:

- Love story của Erich Segal, dịch giả Trần Anh Kim (*).

- Romeo and Juliet của Shakespeare, Saigon Book dịch.

Về quy ước làm việc: Có rất nhiều điểm cần bàn về thời tương lai tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Tuy nhiên, ở đây, để tiện làm việc, chúng tôi quy định như sau:

- Đối với tiếng Anh: Các trợ động từ và hình thái động từ sau đây được coi là biểu thị thời tương lai:

+ Will/ shall + V

+ To be going to +V

- Đối với tiếng Việt: sẽsắp được coi là hai chỉ tố đánh dấu thời tương lai.

Về kết quả khảo sát văn bản 1 ( Love story ):

  • Tổng số câu có ý nghĩa tương lai: 70
  • Tổng số câu có ý nghĩa tương lai được đánh dấu bằng chỉ tố thời tương lai trong tiếng Anh: 62/70 (83,3%)
  • Tổng số câu có ý nghĩa tương lai được đánh dấu bằng chỉ tố thời tương lai trong tiếng Việt: 68/70 (97,1%)
  • Thời tương lai tiếng Anh được đánh dấu bằng Will/Shall: 50/62 (80,6%)
  • Thời tương lai tiếng Anh được đánh dấu bằng To be going to +V: 12/62 (19,4%)
  • Thời tương lai của tiếng Anh dịch là sẽ, sắp: 54/62 (87,1%)
  • Thời tương lai của tiếng Anh không được dịch là sẽ, sắp: 8/62 (12,9%)

Nhận xét

(1) Việc dịch thời tương lai tiếng Anh bằng sẽsắp chiếm tỷ lệ rất cao (87,1%).

(2) Ngay cả đối với tiếng Anh, một ngôn ngữ chắc chắn là có thời, thì ý nghĩa tương lai không phải bao giờ cũng bắt buộc biểu thị bằng thời tương lai. Chỉ 83,3% trường hợp ý nghĩa tương lai được biểu thị bằng thời tương lai của tiếng Anh. Có 5 trường hợp tiếng Anh dùng thời hiện tại tiếp diễn (to be + V-ing) và 3 trường hợp dùng thời hiện tại thường để biểu thị ý nghĩa tương lai. Trong khi đó, ở tiếng Việt, ý nghĩa tương lai được biểu hiện bằng sẽsắp là 97,1%.

(3) Thực ra, trong tiếng Anh, chỉ có Willshall là hai chỉ tố biểu hiện phạm trù thời tương lai. Song thời tương lai biểu hiện bằng Willshall cũng chỉ chiếm 80,6%. Còn To be going to +V là một cấu trúc diễn đạt ý nghĩa tương lai. Tuy nhiên, nó cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể (19,4%).

Về kết quả khảo sát văn bản 2 (Romeo and Juliet):

- Tổng số câu tiếng Anh có chỉ tố thời tương lai (will, would): 32

  • Thời tương lai của tiếng Anh dịch là sẽ, sắp: 27/32 (84,4%)
  • Thời tương lai của tiếng Anh không được dịch là sẽ, sắp: 5/32 (15,6%)

Các con số thống kê này, so với văn bản 1 là khá thống nhất.

Khả năng của sẽ trong vai trò đánh dấu thời tương lai tiếng Việt

Để khẳng định khả năng của sẽ trong vai trò đánh dấu thời tương lai tiếng Việt, có hai vấn đề đặt ra là:

a. Sẽ có thường được sử dụng khi câu nói có ý nghĩa tương lai không?

b. Khi biểu hiện các ý nghĩa về thời gian, những ngôn ngữ có phạm trù thời tương đối ổn định và điển hình (như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp) có tồn tại ngoại lệ không?

Việc sử dụng sẽ trong trường hợp ngữ cảnh đã chỉ tương lai

Chúng tôi đã phát 200 phiếu điều tra cho sinh viên với yêu cầu: Bạn hãy kể những việc mà bạn dự định làm vào ngày mai. Kết quả như sau:

Trong 200 phiếu khảo sát, chúng tôi thống kê được 663 vị từ có khả năng kết hợp với sẽ, trong đó:

  • Có 421/663 trường hợp sử dụng sẽ, chiếm 63,5%
  • Có 242/663 trường hợp không sử dụng sẽ, chiếm 36,5%.

Những con số này cho thấy dù không bắt buộc phải sử dụng phó từ sẽ, bởi ý nghĩa tương lai đã hoàn toàn rõ qua ngữ cảnh nhờ câu hỏi đi trước có trạng ngữ ngày mai; thêm vào đó, trạng ngữ này cũng được nhắc lại ngay trong câu trả lời, song xu hướng sử dụng sẽ vẫn là phổ biến. Rõ ràng người Việt luôn luôn muốn minh xác hoá ý nghĩa thời gian tương lai của sự tình được nêu trong câu thông qua việc dùng phó từ này.

Một số ví dụ:

- Chiều mai, tôi sẽ rủ bạn tôi đi chợ và tôi sẽ kể cho bạn tôi nghe về ngày nghỉ 30-4 vừa qua của tôi. Lúc đó, tôi sẽ tìm cách bắt y kể về người gặp ở Hà Nội hôm trước. Tối mai thì tôi sẽ đi gặp bạn tôi ở nhà số 14.

- Ngày mai tôi sẽ đi học ở thư viện, đó là quyết tâm của tôi. Tôi dự định sẽ đi may quần áo vào sáng thứ tư, ở hiệu may Hồng Hạnh. Ngày mai, lĩnh được tiền, tôi sẽ mua hai quyển sách ở hiệu sách Đức Hiển. Tôi sẽ có chương trình học tập cụ thể từ sáng ngày mai cho lịch học ở nhà.

Số liệu thống kê trên đây không khẳng định ý kiến của GS Cao Xuân Hạo: Tiếng Việt thường không diễn đạt ý nghĩa thời gian nếu ý nghĩa này đã rõ nhờ ngôn cảnh [4, tr9], ít nhất là trong trường hợp sử dụng phó từ sẽ.

Những trường hợp ngoại lệ trong các ngôn ngữ có phạm trù thời và thể

Trong những câu mà ngữ cảnh đã hoàn toàn rõ là chỉ tương lai, phó từ sẽ của tiếng Việt được dùng tới 63,5%, song việc dùng nó vẫn không phải là bắt buộc. Nó chỉ bắt buộc phải dùng đối với những vị từ nhất định. Nếu cho rằng sẽ là chỉ tố đánh dấu phạm trù thời (tương lai/phi tương lai) trong tiếng Việt thì phải chấp nhận ngoại lệ. Vấn đề là ở chỗ, các ngôn ngữ có thời tương lai tương đối ổn định và điển hình (như Anh, Pháp, Nga) có ngoại lệ hay không?

Những ngoại lệ của phạm trù thời và thể trong tiếng Anh.

Trong tiếng Anh, will shall là những trợ động từ biểu thị thời tương lai. Song vẫn có hai ngoại lệ:

* Thứ nhất: Sự tình diễn ra ở tương lai nhưng động từ không được đánh dấu bằng will (shall) trong các trường hợp sau đây:

a. Đối với mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian:

Phải dùng thời hiện tại đơn giản trong mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian để diễn tả ý nghĩa tương lai:

- I shall wait until you come. Tôi sẽ chờ tới khi anh đến.

Không nói: I shall wait until you shall come. (-)

Trường hợp này hoàn toàn giống với tiếng Việt. Người Việt cũng không bao giờ nói: Tôi sẽ chờ tới khi anh sẽ đến. (-)

b. Đối với một kế hoạch định sẵn trong một tương lai gần:

Có thể dùng thời hiện tại tiếp diễn để diễn tả ý nghĩa tương lai:

- I am getting married next month. (L63). Tôi sẽ lấy vợ vào tháng tới.

c. Đối với một lịch làm việc, một thời gian biểu:

Có thể dùng thời hiện tại đơn giản để diễn tả ý nghĩa tương lai:

- Listen, Friday night is the Dartmouth hockey match. (L13) Thứ sáu này có một trận đấu của đội bóng Dartmouth đấy.

d. Đối với việc mà người nói chuẩn bị thực hiện

Có thể dùng cấu trúc To be about to với nghĩa là sắp:

- I am about to go to the library. Tôi sắp đi thư viện.

e. Đối với các động từ khuyết thiếu must, can, may:

Các động từ này được sử dụng giống nhau trong cả thời hiện tại và tương lai, hay nói cách khác, các động từ này không có thời tương lai. Vd:

- You may go now. Anh được phép đi bây giờ.

- You may go tomorrow. Ngày mai anh sẽ được phép đi.

f. Đối với động từ ought to:

Ought to dùng với nghĩa hiện tại, tương lai và cả quá khứ trong câu nói gián tiếp:

- Ought we to do it at once? (Chúng ta có phải làm ngay không?)

- We ought to do it tomorrow. (Ngày mai, chúng ta sẽ phải làm).

- I knew that I ought not to open the letter. (Tôi biết rằng tôi không nên mở thư).

* Thứ hai: Động từ được đánh dấu bằng will (shall) nhưng sự tình lại không diễn ra ở tương lai.

Will (shall) trong những trường hợp sau đây không diễn tả ý nghĩa thời gian tương lai cho động từ đi sau mà nó diễn tả:

a. Sự phỏng đoán:

- Your name is Antonio, I see. You will be Italian then. (Tên anh là Antonio. Vậy thì có lẽ anh là người Ý).

b. Thói quen ở hiện tại:

- He will go to movie, every Saturday. (Thứ bảy nào nó cũng quen đi xem phim).

Tuy nhiên, trong trường hợp này, người ta thường ưa dùng thời hiện tại đơn giản (present simple) hơn.

c. Sự thỉnh cầu:

- Will you open the door, please. (Xin bạn làm ơn mở cửa).

d. Sự mời mọc:

- Will you have a cup of tea.? (Mời ông uống một tách trà nhé!)

e. Sự từ chối (will + not):

- I’ve tried to advise her but she will not listen. (Tôi đã cố gắng khuyên cô ấy nhưng cô ấy (đã) không chịu nghe).

g. Sự bắt buộc:

- Each competitor shall wear a number. (Mỗi người dự thi phải mang số)

Rõ ràng là, mặc dù không thể phủ nhận rằng will và shall xuất hiện trong nhiều câu chỉ tương lai nhưng chúng cũng xuất hiện trong những câu không chỉ tương lai. Và chúng cũng không nhất thiết xuất hiện trong những câu chỉ thời gian tương lai [7, tr485].

Ngoài những ngoại lệ về thời tương lai, vấn đề thời quá khứ của tiếng Anh cũng có những ngoại lệ. Trường hợp của Will not là một minh chứng: nó có thể được dùng biểu thị thời gian quá khứ với nghĩa từ chối (Vd (e) trong phần trên, theo lôgic thông thường, lẽ ra phải dùng would – hình thái quá khứ của will chứ?).

Tiếng Anh còn sử dụng cả thời hiện tại hoàn thành (present perfect) để diễn tả một hành động diễn ra trong quá khứ nhưng kết quả lại ở hiện tại. Việc một sự kiện đã kết thúc hay chưa là thuộc phạm trù thể, còn việc một sự kiện đã diễn ra trong quá khứ và kết thúc trong quá khứ thì phải thuộc về thời, mà ở đây phải là thời quá khứ. Vd:

  • Tom is looking for his key. He can’t find it. He has lost his key.

(Tom đang tìm chiếc chìa khoá. Anh ấy không tìm thấy nó. Anh ấy đã làm mất chìa khoá của mình ).

Câu “He has lost his key” khi dịch sang tiếng Việt phải có đã là có lý do của nó. Việc anh ấy làm mất chìa khoá là đã diễn ra trong quá khứ. Tuy nhiên, dù có ý nghĩa này, tiếng Anh vẫn gọi nó là present perfect (hiện tại hoàn thành), với hàm ý là hiện nay anh ấy vẫn chưa tìm thấy nó.

Qua đây, chúng tôi cũng nhận thấy rằng thời và thể trong các ngôn ngữ Ấn Âu là gắn rất chặt với nhau. Nếu tách riêng thời và thể, những trường hợp trên là rất khó lý giải. B. Comrie cũng cho rằng thể hoàn thành hiện tại + quá khứ, trong đó cách chung của sự kết hợp nghĩa hiện tại và quá khứ là sử dụng thời hiện tại của một trợ động từ với một phân từ quá khứ: trợ động từ hiện tại diễn đạt ý nghĩa hiện tại, còn phân từ quá khứ diễn đạt ý nghĩa quá khứ của hành động (tr106-107). Nghĩa là khó mà phân biệt rạch ròi thời hiện tại và quá khứ trong cái gọi là present perfect.

Bây giờ chúng ta so sánh thời hiện tại hoàn thành (present perfect) với thời hiện tại đơn (present simple), ví dụ:

  • The door has been open. (Cửa đã được mở).
  • The door is open. (Cửa thì mở).

Trong câu thứ nhất, động từ chỉ trạng thái open nói lên rằng cửa ở trong trạng thái mở vào cái lúc mà người ta đang nói đến (time of reference), đó là lúc mà câu được phát ra. Câu này khác với câu không hoàn thành tương ứng: The door is open ở chỗ nó nói rằng cửa đã bắt đầu mở vào một thời gian nào đó trước lúc người ta thông báo về nó. Nói cách khác, thể hoàn thành bổ sung ý nghĩa bằng cách chỉ rằng cái trạng thái hiện tại (mở) có nguồn gốc từ quá khứ.

Như vậy, cái mà trong tiếng Anh gọi là present perfect thực ra luôn có liên hệ với quá khứ, nhưng vẫn được gọi là present.

Tiếng Anh có đối lập về thể (hoàn thành/ phi hoàn thành). Tuy nhiên, thể hoàn thành cũng chỉ có ở một loại động từ nhất định. Theo L. Chafe, thể hoàn thành chỉ là đặc trưng riêng của các động từ phi trạng thái. Không có cấu trúc ngữ nghĩa dẫn đến các cấu trúc nổi kiểu: The door is being open có động từ chỉ trạng thái. Động từ chỉ trạng thái hoặc động từ chỉ quá trình chỉ được dùng ở thể hoàn thành nếu nó có nghĩa riêng.

Tiếng Anh có ý nghĩa tiếp diễn, song nó không áp dụng được với tất cả các động từ. Vd, các động từ sau đây không được dùng với thể tiếp diễn: like, love, hate, want, need, prefer, know, realise, suppose, mean, understand, believe, remember, belong, contain, consist, depend, seem… Nói cách khác, thể tiếp diễn cũng chỉ có ở các động từ phi trạng thái.

Những ngoại lệ của các phạm trù thời và thể trong tiếng Nga

Tiếng Nga cũng là một ngôn ngữ có phạm trù thời điển hình. Tuy nhiên, trong tiếng Nga, người ta vẫn tìm thấy những ngoại lệ. Dưới đây là tổng kết của Phan Thị Minh Thuý [10, tr119-121]:

- Thời hiện tại có khi được dùng với ý nghĩa quá khứ, vì mục đích tu từ: miêu tả một hành động đã xảy ra trong quá khứ hay kể chuyện quá khứ, làm cho câu chuyện thêm sinh động, tăng hiệu lực diễn cảm của lời nói.

- Thời hiện tại cũng có khi được dùng với ý nghĩa tương lai để chỉ một hành động nhất định sẽ được thực hiện đến cùng. Đây là ý nghĩa đặc thù của các động từ chuyển động.

- Thời tương lai có thể biểu thị một hành động xảy ra đồng thời với một hành động khác.

- Thời tương lai còn dùng để biểu thị những hành động lặp đi lặp lại hay khi nói về những sự kiện ở thời quá khứ xa, hoặc kể về những công việc thường lặp lại hàng ngày (trong hiện tại).

- Thời tương lai cũng có thể dùng thay cho thời quá khứ (kể chuyện quá khứ), để biểu thị hành động ập đến bất ngờ.

Như vậy, trong tiếng Nga, không nhất thiết sự kiện nào diễn ra trong quá khứ cũng bắt buộc phải được diễn đạt bằng một câu có động từ được chia ở thời quá khứ. Thời hiện tại và tương lai cũng tương tự như vậy.

Một ngoại lệ nữa: Hình thái của từ tiếng Nga được tạo ra bằng phương thức tổng hợp tính. Tuy nhiên, chỉ có thời hiện tại và thời quá khứ trong tiếng Nga là được cấu tạo theo phương thức này. Còn thời tương lai, thể chưa hoàn thành thì lại được cấu tạo bằng còn đường phân tích tính [6, tr109]. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng không phải mọi động từ tiếng Nga đều có đối lập thể hoàn thành/ không hoàn thành, đúng như nhận xét của V.B. Kasevich: Mọi từ hình động từ của tiếng Nga đều phải được đặc trưng từ góc độ phạm trù thể; song ở khá nhiều trường hợp, có hàng loạt lớp động từ được thể hiện bằng một hệ đối vị thể không đầy đủ, nghĩa là chỉ có hình thái của thể hoàn thành, hoặc thể chưa hoàn thành mà thôi [6, tr124]. Nhưng bất chấp những ngoại lệ này, V.B. Kasevich vẫn khẳng định tiếng Nga có phạm trù thể, do việc cấu tạo hình thái thể có tính chất đều đặn nhất định.

Những ngoại lệ của phạm trù thời và thể trong tiếng Pháp

Tiếng Pháp là một ngôn ngữ mà ở đó sự phân cắt về thời gian được phản ánh khá tỷ mỷ trong hình thái của từ. Đặc biệt, theo Phạm Quang Trường [12], tiếng Pháp có tới bảy dạng thức khác nhau cùng nói về quá khứ. Đó là: Imparfait (quá khứ không hoàn thành), Passé anterieur (quá khứ trước), Passé composé (quá khứ kép), Plus-que-parfait (quá khứ trước), Passé simple (quá khứ đơn), Passé surcomposé (quá khứ kép trước). Tuy nhiên, theo chúng tôi, các thời quá khứ trên đây không phải lúc nào cũng diễn đạt ý nghĩa quá khứ. Vd:

a. Thời quá khứ kép (Passé composé) có khi diễn tả ý nghĩa tương lai:

  • Si vous avez terminé dans une heure, vous m’en avertirez.

(Nếu một giờ nữa anh xong, anh báo cho tôi biết nhé).

b. Thời quá khứ kép (Passé composé) có khi còn biểu đạt những sự tình được xem như một chân lý có tính phi thời gian:

  • Le monde n’a jamais manqué de charlatans.

(Thế gian không bao giờ thiếu kẻ lường gạt).

c. Thời quá khứ không hoàn thành (Imparfair) còn dùng để diễn tả những hành động lặp đi lặp lại trong quá khứ như một thói quen:

- Il sortait tous les jours à 7 heures. Ngày nào anh ta cũng đi khỏi nhà vào lúc 7 giờ.

Thời quá khứ kép (Passé composé) còn được một số tác giả coi là vừa là thời của hiện tại, vừa là thời của quá khứ: Thời hiện tại khi nó dùng để biểu đạt thể hoàn thành của một sự thể đang còn hiện diện ở thời điểm phát ngôn, và là thời của quá khứ khi nó dùng để định vị một sự tình đã kết thúc. (Quan điểm của R.L Wagner và J. Pinchon, dẫn theo Phạm Quang Trường [12, tr60].

Tiếng Pháp cũng sử dụng cả thời hiện tại để diễn tả ý nghĩa tương lai:

- Je pars demain. (Tôi sẽ ra đi vào ngày mai).

Nói rộng ra, không riêng gì phạm trù thời-thể, các phạm trù khác cũng đều có những ngoại lệ. Trong tiếng Anh chẳng hạn, cũng như phần lớn các thứ tiếng châu Âu khác, đối với hầu hết các danh từ chỉ vật, sự phân biệt về ý nghĩa số là bắt buộc. Tuy nhiên vẫn có trường hợp các danh từ chỉ sự vật như cattle, game, poultry, lightning, thunder, furniture…, không thấy có sự phân biệt bắt buộc này [5, tr8]. Tiếng Nga có phạm trù ngôi nhưng các động từ thời quá khứ thì lại không có thế đối lập về ngôi.v.v.

Kết luận

Tỷ lệ tương ứng của phó từ sẽ trong tiếng Việt với thời tương lai của tiếng Anh là rất cao (tính trung bình qua khảo sát hai văn bản là 85,8%).

Trong trường hợp ý nghĩa tương lai đã rõ qua ngữ cảnh thì người Việt cũng vẫn thường dùng sẽ (63,5 %). Nếu xét thêm cả những trường hợp ngữ cảnh chưa rõ là chỉ tương lai (trường hợp này bắt buộc phải dùng sẽ) thì tần số sử dụng phó từ này, tất nhiên, sẽ cao hơn rất nhiều. (Con số thống kê qua bản dịch Love Story cho thấy: 97,1% trường hợp câu có ý nghĩa tương lai được diễn tả bằng sẽ, sắp).

Khi biểu hiện các ý nghĩa thời gian, các ngôn ngữ có phạm trù thời và thể (như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp) cũng đều có những ngoại lệ.

Nếu như những ngoại lệ về từ sẽ của tiếng Việt cũng được chấp nhận như người ta đã chấp nhận will và shall của tiếng Anh, hay cũng được chấp nhận như những ngoại lệ khác nữa trong tiếng Nga và tiếng Pháp thì quan niệm trong tiếng Việt có phạm trù thời (bởi có đối lập tương lai/phi tương lai) [8] [11], theo chúng tôi, là hoàn toàn có căn cứ.

Tuy nhiên, để khẳng định sự tồn tại của thời tương lai trong tiếng Việt với tư cách là một phạm trù ngữ pháp, ở đó có sự đối lập tương lai/ phi tương lai nhờ từ sẽ, vẫn cần phải có thêm những nghiên cứu khác.

Chú thích

(*) Đây không phải là một bản dịch hay, tuy nhiên, nó là một bản dịch đúng. Chúng tôi có đối chiếu bản dịch này với bản dịch của Hoàng Cường, (Câu chuyện tình yêu, NXB Tác phẩm mới, 1988). Bản dịch của Hoàng Cường hay hơn, chau chuốt hơn, song đó không phải là sách song ngữ. Về cơ bản, cách dịch thời tương lai của hai dịch giả là giống nhau.

1. Erich Segan, Love story (Học tiếng Anh qua Love story), Trần Anh Kim dịch, NXB Thanh niên, 1993. Viết tắt: L + số trang.

2. Shakespeare, Romeo and Juliet, Saigon Book dịch, NXB Đà Nẵng, 2002. Viết tắt: R + số trang.

  1. Comrie Berrnad, 1978. Aspect. London, New York, Melbourne: Cambridge University Press.
  2. Chafe W.L., 1998. ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Nguyễn Tuấn Đăng, 2004. Sự chồng chéo giữa các phạm trù thì, thức, thể và sự biểu hiện của chúng trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số3, tr14-21.
  4. Cao Xuân Hạo, 1998. Về ý nghĩa thì và thể trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, Số 5, tr1-31.
  5. Cao Xuân Hạo, 2002. Bắt buộc và tùy ý, về hai cách biểu đạt trong ngôn ngữ, Ngôn ngữ, số 9, tr1-23
  6. Kasevich V.B., 1998. Những yếu tố cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  7. Lyons John, 1996. Nhập môn ngôn ngữ học lý thuyết, NXB Giáodục, Hà Nội.
  8. Panfilov V.X., 1993. Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt, ĐHQG Xanh Peterburg, (Thuỷ Minh dịch).
  9. Trần Kim Phượng, 2004. Những trường hợp không thể dùng phó từ đã trong tiếng Việt, Ngôn ngữ và đời sống, số 5, tr5-9
  10. Phan Thị Minh Thuý, 2003. Cách diễn đạt ý nghĩa thời gian trong tiếng Việt (So sánh với tiếng Nga), Luận án tiến sĩ ngữ văn, TP Hồ Chí Minh.
  11. Nguyễn Minh Thuyết, 1995. Các tiền phó từ chỉ thời, thể trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, Số 2, tr1-10.
  12. Phạm Quang Trường, 2002. Nghiên cứu đối chiếu thời quá khứ tiếng Pháp và những phương tiện biểu đạt ý nghĩa tương ứng trong tiếng Việt, Luận án tiến sỹ ngữ văn, Hà Nội.
0