Văn mẫu lớp 9: Các cuộc gặp gỡ trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
Truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng Ôn tập văn lớp 9: Cuộc gặp gỡ trong truyện ngắn Chiếc lược ngà Nhằm giúp các bạn học sinh lớp 9 học tập tốt môn văn, cũng như chuẩn bị kiến thức cho kì thi ...
Ôn tập văn lớp 9: Cuộc gặp gỡ trong truyện ngắn Chiếc lược ngà
Nhằm giúp các bạn học sinh lớp 9 học tập tốt môn văn, cũng như chuẩn bị kiến thức cho kì thi vào lớp 10, VnDoc đã sưu tầm và giới thiệu tài liệu "Văn mẫu lớp 9: Các cuộc gặp gỡ trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng". Mời các em cùng tham khảo bài viết
Đề bài: Các cuộc gặp gỡ trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
Bài làm
Hãy nói về cuộc gặp gỡ thứ nhất. Khi ấy, nhân vật Thu còn là một cô bé. Người cha được về thăm nhà sau bao nhiêu năm ở khu chiến đấu. Khao khát đốt lòng là được gặp con, là được nghe con gọi tiếng "ba", để được sống giây phút hạnh phúc bấy lâu ông mong đợi. Nhưng mọi chuyện đã diễn ra rất éo le. Đứa con gái đã hoàn toàn lạnh lùng trước mọi tình cảm vồ vập của cha. Ông càng xích lại gần, nó lại càng rời xa. Ông càng yêu thương nó, nó càng lảng tránh. Ông càng khao khát được nghe tiếng "ba" của con, nó càng cố tình cự nự. Ngọn lửa nồng nàn của lòng cha cứ bị những đối xử xa lánh, ương ngạnh của con dội xuống những gáo nước lạnh. Có những tình huống tưởng chừng như cô bé không thể ương bướng được nữa, ấy thế mà nó vẫn quyết liệt. Đó là lúc cơm sôi, một mình nó bé, không thể tự mình nhấc nồi để chắt nước. Nó đã phải cầu cứu đến người lớn. Tình thế khiến người đọc ngỡ rằng nó sẽ phải thua, không thể chiến tranh lạnh được nữa - nó buộc phải gọi "ba" để được giúp đỡ. Nhưng không. Nó vẫn không chịu cất lên tiếng mà ba nó mong! Chỉ cần nói lên cái tiếng "ba" ấy thôi, là nó sẽ thoát khỏi thế bí. Nhưng quyết không! Nó vẫn hành động theo sự bướng bỉnh: Bất cần! Tự mình làm lấy một công việc nguy hiểm và quá sức! Nghĩa là nó không chịu nhượng bộ, không chịu thua cuộc. Điều ấy đã làm cho người cha, người bạn của cha và cả người đọc đều đau lòng. Còn gì đau lòng cho bằng người cha giàu lòng thương yêu con, mà lại bị chính đứa con ấy kiên quyết chối bỏ!
Nhưng, khi ta hiểu ra thì lại thấy rằng: Chính cái hành động đáng ghét ấy lại vô cùng đáng quý! Chính thái độ quyết liệt ngang ngạnh đó là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha. Đơn giản vì bây giờ cô bé thấy vết sẹo dài trên má người đang xưng là ba đây không giống với ảnh của cha mình. Cô bé không tin và thậm chí còn ngờ vực. Điều đáng nói là cô bé không dễ tin người khác. Cả bạn của cha, cả mẹ xác nhận là cha. Nhưng không ai tháo gỡ thắc mắc thầm kín trong lòng mình, thì cô bé vẫn chưa chịu thông. Khi mà chưa thông thì chưa chịu. Nó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một con bé đỏng đảnh, nhiễu sách, mà đó là sự kiên định, quyết liệt của một người có lập trường. Đây chính là cái mầm sâu kín, sau này làm nên tính cách cứng cỏi ngoan cường của chị giao liên giải phóng. Đến khi được ngoại giảng giải về lai lịch vết sẹo trên má ba, thì Thu mới vỡ lẽ đó thực là ba mình. Hình ảnh người ba thân yêu trên ảnh, người ba kính mến mà cô bé ghi sâu trong lòng, đến lúc ấy, mới nhập vào người đang xưng ba có vết sẹo dài đây. Đã vỡ lẽ, thì lòng yêu ba nhân lên gấp bội. Nhưng muộn quá, đúng lúc ba từ giã lên đường, nó mới có thể gọi ba. Tiếng "ba" vỡ ra từ sâu thẳm lòng cô bé. Cái tiếng ba nó đã chờ đợi suốt chín năm trời xa con, đã chờ đợi suốt mấy ngày trời về bên con, ông đã tưởng chẳng thể còn được nghe, thì bất ngờ, nó thét lên. Nó vỡ ra còn người đọc thì nghẹn lại. Người cha không cầm nổi nước mắt vì bất ngờ, vì sung sướng, vì thương yêu và vì cả sự éo le của tình cảm nữa. Nhưng thật lạ lùng, đúng lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa, (...) Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba... a...a... ba!
- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó khắp nơi: Nó hôn tóc, hôn cổ vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa". Đối với người cha ấy, đó là tiếng gọi "ba" đầu tiên và cũng là cuối cùng ông nghe được từ con!
Có thể còn kể thêm nhiều nét tính cách khác ở nhân vật Thu, nhưng đây là vẻ đẹp cốt lõi của hình tượng nhân vật này khi còn là một cô bé.
Còn người cha, ông cũng có nhiều nét khác như chiến đấu ngoan cường, trung thành với cách mạng, gắn bó với quê hương, đồng chí, đồng đội. Nhưng vẻ đẹp nổi bật nhất được tô đậm ở đây chính là tình phụ tử. Những ngày chưa được gặp con, người cha ấy khổ sở nôn nao bao nhiêu, thì giây phút ông được nhìn thấy con ông càng vồ vập, cuống quýt bấy nhiêu. Và khi con không còn nhận mình ngay ông đã đau khổ và kìm nén đau khổ như thế nào. Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện ấy chỉ là thứ yếu. Điều cảm động nhất là việc tự tay làm chiếc lược ngà cho con gái: "Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!" đó là mong ước đầu tiên và cũng là duy nhất. Cho nên, nó cứ thôi thúc trong lòng. Kiếm cho con cây lược, trở thành bổn phận của người cha, thành tiếng gọi cầu khẩn của tình phụ tử trong lòng. Ông đã làm công việc ấy bằng tất cả: Sức mạnh và sự cố gắng của tình phụ tử.
Ông đã ngồi bật dậy như bỗng lóe lên một sáng kiến lớn, làm lược cho con bằng chiếc ngà voi. Có lẽ không đơn thuần vì ở rừng rú chiến khu, anh không thể mua sắm được cây lược. Làm lược bằng ngà voi là một cách khắc phục được khó khăn. Mà còn hơn thế, sâu hơn thế, ngà voi là thứ quý hiếm – chiếc lược cho con của anh phải được làm bằng thứ quý giá ấy. Và anh không muốn mau mà muốn tự tay mình làm ra. Anh sẽ đặt vào đấy tất cả tình cha con của mình. Kiếm được ngà voi, "mặt anh hớn hở như một đứa trẻ nhận được quà". Vậy đấy, khi con người ta hóa thành trẻ con, lại chính là lúc người ta hiện lên cái tư cách người cha cao quý của mình. Rồi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc (...) anh gò lưng tẩn mẩn khắc từng nét: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Anh thường xuyên "lấy lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược cho thêm bóng, thêm mượt". Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ thành một nghệ nhân – nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời. Cho nên cây lược ngà đã kết tinh trong nó tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm sâu xa, đơn sơ mà kì diệu làm sao!
Thế rồi, anh không kịp đưa cây lược ngà đến tận tay cho con. Người cha ấy đã hi sinh. Nhưng "hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được". Không còn đủ sức trăng trối điều gì, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho anh làm được một việc "đưa tay vào túi, móc cây lược" đưa cho người bạn chiến đấu thân thiết và cứ nhìn bạn hồi lâu.
Nhưng đó là điều trăng trối không lời, nó rõ ràng và thiêng liêng hơn cả một lời di chúc. Bởi đó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng của người bạn thân: Ước nguyện của tình phụ tử!
Bắt đầu từ giây phút ấy, cây lược ngà của tình phụ tử đã biến người đồng đội thành một người cha – người cha thứ hai của cô bé Thu.