Văn mẫu lớp 4: Tả con trâu ở làng quê Việt Nam
Văn mẫu lớp 4: Tả con trâu ở làng quê Việt Nam Những bài văn tả con trâu hay lớp 4 Tả con trâu ở làng quê Việt Nam bao gồm các bài văn hay, chọn lọc giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong ...
Văn mẫu lớp 4: Tả con trâu ở làng quê Việt Nam
Tả con trâu ở làng quê Việt Nam
bao gồm các bài văn hay, chọn lọc giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú, rèn luyện kỹ năng viết để làm tốt bài văn miêu tả nói riêng và tả con trâu nói chung. Sau đây mời các thầy cô, cùng các bậc phụ huynh, các em học sinh tham khảo.
Bài tham khảo 1:
Trong các con vật, mỗi con lại có một ưu điểm riêng. Mèo thì bắt chuột, chó để trông nhà, gà trống đánh thức mọi người mỗi sáng, còn trâu lại giúp bác nông dân cày ruộng. Nhà bà em cũng nuôi một chú trâu. Trâu là loài vật em thích nhất.
Chú trâu nhà bè trông thật lực lưỡng, khỏe mạnh. Thân chú mập mạp với làn da đen. Cái đầu to luôn chúi về phía trước của chú có cái mũi đen xỏ một sợi dây thừng. Hai tai trâu như hai cái lá đa cứ phe phẩy, phe phẩy. Nổi bật trên cái đầu ấy là cặp sừng cong và nhọn hoắt. Đây là vũ khí lợi hại nhất của chú. Bình thường hiền lành là thế nhưng khi có điều gì tức giận chú lại giương cặp sừng nhọn hoắt ra khiến đối thủ khiếp sợ. Bốn cái chân rắn chắc đỡ lấy thân hình nặng nề rất có ích mỗi khi cày ruộng. Cái đuôi dài suốt ngày ngoe nguẩy rất đáng yêu. Trông chú như một lực sĩ vậy.
Chú trâu nhà bà cày ruộng rất khỏe. Từ tờ mờ sáng, bác em đã dắt trâu ra đồng. Sau khi mắc cày vào cổ trâu, bác quất một roi vào thân trâu, dục “Đi”. Chú trâu hiểu ý chậm rãi đi đều đều trên mảnh ruộng. Cái cày cũng ngoan ngoãn đi theo trâu. Trâu đi qua chỗ nào đất cũng tơi xốp hơn giúp bác em gieo mạ dễ dàng. Trâu cày rất chăm chỉ, hăng say. Mặt trời đã lên cao mà trâu và bác em vẫn hì hục làm việc. Đến xế chiều, mảnh ruộng rộng đã được cày xong xuôi. Bác em lấy tay lau mồ hôi trên trán, vuốt ve chú trâu trìu mến. Trâu nghiêng nghiêng đầu nhìn mảnh ruộng như hạnh phúc với thành quả lao động của mình. Bác dắt trâu về nhà, buộc vào chuồng. Em đi theo bà ra cho trâu ăn. Bà cho đầy rơm vào chuồng cho nó ăn suốt đêm. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, trâu ăn no nê rồi lại lim dim mắt ngủ. Cứ chợp mắt một chút, chú lại tỉnh, he hé mắt nhìn rồi lại ngủ tiếp trông rất ngộ.
Có lần, cu Đức – con của cậu em ru em đi chăn trâu ngoài bờ đê. Ngồi trên lưng trâu ngắm nhìn bờ đê thật tuyệt. Đức chọn một chỗ nhiều cỏ tươi nhất cho trâu ăn. Khi thấy trâu ăn no nê, chúng em dắt trâu xuống đê tắm rửa, uống nước. Lúc người làm đồng về nhà, chúng em cũng dắt trâu về. Nó được ăn no căng bụng, uống nước hả hê. Trông nó lúc này béo múp béo míp trông thật thích mắt.
Em rất yêu quý chú trâu nhà ngoại. Nhờ có chú nên những người nông dân như bà nội em được mùa bội thu. Chú là người bạn thân thiết của nông dân Việt Nam. Tôi càng thấm thía câu nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Bài tham khảo 2:
Con trâu là hình ảnh gắn liền với làng quê từ ngàn năm nay. Khi nhắc đến con trâu,chúng ta lại nghĩ đến vai trò to lớn của nó trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam bao đời nay. Nó đã là một người bạn thân thiết, được xem là biểu tượng của người nông dân Việt Nam.
Từ bao đời nay, hình ảnh con trâu được nhắc đến như là biểu tượng của sự cần cù, chăm chỉ, chất phác của con người Việt Nam. Trâu có hai loại: trâu đực và trâu cái và là động vật nhai lại. Một đặc điểm khá dễ nhận ra của trâu, đó là nó không có hàm răng trên. Tấm thân của trâu rất chắc chắn, da của nó màu đen, rất dai. Sừng có hình lưỡi liềm. Cân nặng trung bình của trâu cái là từ 350-400 kg thì trâu đực nặng từ 400-450kg.
Thân hình của trâu rất vạm vỡ, sức chịu đựng dẻo dai cho nên nó có thể chở được nhiều đồ đạc. Với người nông dân Việt Nam, trâu gắn bó thân thiết như một người bạn đáng quý, từ công việc cày bừa hay kéo léo, kéo ngô,... Chả thế mà ông cha ta đã từng đúc kết rằng “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, hay là:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cái cày nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Chắc bạn vẫn còn nhớ, biểu tượng của Seagame 22 tổ chức tại Việt Nam chính là chú trâu vàng, đó chính là biểu tượng, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Bởi vì con trâu chính là biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của người dân, nông dân Việt Nam: cần cù, chăm chỉ, cần mẫn, hiền lành. Tuổi thơ của các em nhỏ miền quê làm sao thiếu được hình ảnh con trâu, với những trưa hè chăn trâu thả diều, đọc sách, thổi sáo trên lưng trâu.
Ngày nay, nhiều loại máy móc, phương tiện hiện đại đã xuất hiện nhưng trâu vẫn luôn là hình ảnh không thế thay thế trong đời sống nông nghiệp của làng quê Việt Nam.
Bài tham khảo 3:
Con trâu là vật nuôi đứng đầu hàng lục súc. Hầu như em bé Việt Nam nào cũng thuộc bài ca dao:
“Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta”.
Con trâu là biểu tượng cho những đức tính như hiền lành, cần cù, chịu khó… Nó là cánh tay phải, là tài sản vô giá của người nông dân Việt Nam: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Mỗi con trâu có thể nặng trên ba, bốn tạ. Da trâu đen bóng, lông lưa thưa. Chiếc đuôi dà khoảng một mét, có chùm lông dài và mượt, lúc nào cũng đập qua đập lại để đuổi muỗi, đuổi ruồi. Bốn chân trâu to và dài, bàn chân có móng guốc to, dày và nhọn. Hai chiếc sừng nhọn hoắc, uốn cong rất đẹp. Ở Đồ Sơn, Hải Phòng có lễ chọi trâu:
“Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mùng chín tháng tám, chọi trâu thì về”.
(Ca dao)
Mắt trâu lồi to rất ưa nhìn. Bụng trâu khá to; có phải vì thế mà trâu bước đi chậm chạm? Trâu là loài nhai lại, nó chỉ có một hàm răng (hàm dưới). Trâu rất dễ nuôi. Thức ăn chính là cỏ tươi. Trâu cũng biết ăn rơm, ăn cám. Phân trâu màu đen, dùng để bón cây, bón lúa rất tốt.
Trâu chịu rét kém, nhưng chịu nắng giỏi. Về mùa hè, nó có thể kéo cày, kéo bừa từ sáng sớm đến non trưa. Trâu tơ, trâu đực kéo cày rất khỏe. trâu cái độ 2, 3 năm đẻ một lứa, mỗi lứa một con nghé. Câu tục ngữ: “Ruộng sâu, trâu nái” nói lên chuyện làm giàu ở nhà quê ngày xưa.
Thịt trâu tuy không ngon bằng thịt bò, nhưng là nguồn thực phẩm rất dồi dào và có giá trị. Sữa trâu rất bổ. Da trâu thuộc để xuất khẩu, để làm giày dép.
Màu xanh mênh mông của những đồng lúa, cánh có trắng rập rờn điểm tô, và con trâu hiền lành gặm cỏ ven đê… là hình ảnh thân thuộc đáng yêu của làng quê Bắc Bộ. Câu hát: “Ai bảo chăn trâu là khổ”… của chú bé vắt vẻo ngồi trên lưng trâu, và tiếng sáo mục đồng mãi mãi in đậm trong ký ức về tuổi thơ của mỗi người dân Việt Nam.
Bài tham khảo 4:
Cuối tuần, em theo bố đi Đồng Nai thăm một người bạn cũ của bố. Khi xe đừng ăn trưa dọc đường, em tình cờ trông thấy một con trâu đang ăn cỏ ven đường.
Con trâu lông đen mượt, to và cao, bề dài trâu áng chừng một mét rưỡi. Đầu trâu hình khối kim tự tháp. Sừng trâu cong cong hình lưỡi liềm, to bằng bắp tay em nhọn vút. Mắt trâu to và dài, lông mi của nó có màu trắng bạc như tóc một cụ già. Mũi trâu to, người ta xỏ một sợi dây thừng qua mũi trâu để dễ nắm dắt trâu đi. Con trâu đứng bên vệ đường điềm nhiên ăn co dọc theo bờ ruộng. Hàm trâu đưa qua, đưa lại nhai cỏ, tiếng trâu liếm cỏ nghe '“xực xực”, nom rất ngon lành. Con trâu em trông thấy có lẽ là một con trâu cày vì vai nó lực lưỡng, bốn chân to còn bê bết bùn sình và ách cày đang tháo đổ ở ruộng. Chắc là chủ trâu cho trâu nghỉ ăn cỏ. Con trâu bước tới từng bước một, chậm rãi nhai cỏ, đuôi chủ trâu ve vẩy trông rất nhàn rỗi.
Con trâu là bạn của nhà nông, trâu giúp nông dân cày bừa. Phân trâu dùng để bón ruộng đất rất tốt. Ngày nay, mặc dù người ta dùng máy cày để cày ruộng nhưng trâu vẫn vô cùng cần thiết. Ở những đám ruộng nhỏ, khó đi thì dùng trâu cày tiện hơn cày máy. Trâu còn dùng để kéo xe, kéo các guồng xay xát như ép mía để làm đường theo kiểu sản xuất thủ công. Trâu còn dùng để trục bùn đáy ao nuôi tôm trong chăn nuôi thủy sản... Vì thế, bà con nông dân ta có câu: "Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Được đi chơi xa cùng bố và được nhìn thấy một con trâu khỏe đẹp, trông thấy cảnh đồng quê thanh bình em rất vui sướng. Cảnh vật cũng làm cho em hiểu biết thêm về đời sống, sinh hoạt của nhà nông. Em sẽ học tập tốt để có khả năng cống hiến sức mình, giúp nông dân và trâu đỡ vất vả hơn.