21/02/2018, 08:34

[Văn học 11] Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề bài thơ “Tràng giang” – Huy Cận

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề bài thơ “Tràng giang” – Huy Cận Huy Cận là một nhà thơ sinh ra và lớn lên trong thời kì Pháp thuộc, bởi vậy thơ ông vừa mang hướng cổ xưa của thơ Đường, cũng chịu nhiều ảnh hưởng của ...

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề bài thơ “Tràng giang” – Huy Cận

Huy Cận là một nhà thơ sinh ra và lớn lên trong thời kì Pháp thuộc, bởi vậy thơ ông vừa mang hướng cổ xưa của thơ Đường, cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp. Được sáng tác vào một buổi chiều mùa thu năm 1939 khi Huy Cận vừa tròn 20 tuổi, bài thơ “Tràng giang” mang đậm phong vị thơ Đường và được đánh giá là tác phẩm hay nhất, tiêu biểu nhất cho hồn thơ Huy Cận.

Huy Cận từng viết: “Tôi có thú vui thường vào ngày chủ nhật hằng tuần đi lên vùng Chèm, Vẽ để ngoạn cảnh sông Hồng và hồ Tây. Phong cảnh sông nước đẹp gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, bài thơ không chỉ do sông Hồng gợi cảm hứng mà còn mang cảm xúc chung về những dòng sông khác của quê hương”. Đứng trước dòng sông Hồng mênh mang – con sông đầy vị phù sa mà đất mẹ đã bồi tụ nên, tình yêu nước, yêu quê hương cùng những tâm sự sâu thẳm trong lòng tác giả như được con sông khơi lên và bộc lộ tất cả qua bài thơ “Tràng giang”.

“Tràng giang” – nhan đề chỉ gồm hai chữ nhưng mang bao ý nghĩa. “Tràng” (trường) là dài, “giang” là sông. Hai từ ghép lại với ý nghĩa sông dài, sông rộng lớn, cũng mang ẩn ý về nỗi lòng tác giả buồn đến mênh mang. Với nhan đề này, ta thấy được chất thơ Đường đã có sự ảnh hưởng rất lớn tới Huy Cận. Viết về con sông Hồng và mang trong mình cảm xúc chung về những con sông quê hương khác, Huy Cận không chỉ muốn miêu tả một con sông với bóng hình chân thực của nó nữa, nhà thơ đã phóng bút tạo nên một dòng sông đầy những cảm xúc của lòng người.

Vốn mang trong mình sự cô đơn, xa nhà, xa quê, Huy Cận càng nhìn sông Hồng rộng lớn và mênh mông thì lại càng sầu não. Chàng trai trẻ nhớ về miền Hà Tĩnh quê mình, lại thấy sao kiếp người nhỏ bé, chênh vênh. Gió thu nhẹ thổi làm tâm hồn thi sĩ càng thêm buồn. Nhìn về phía dòng sông – nơi chợ chiều vắng vẻ, hoang sơ, nơi mước mênh mang chẳng có một bóng con đò chở khách, Huy Cận nhớ nhà. Một nỗi sầu mà ai xa quê cũng từng gặp, nhưng đâu chỉ có thế. Với nhan đề bài thơ, người ta còn liên tưởng tới một chàng trai đau khổ khi nhìn cảnh đau thương mà thực dân Pháp đã gây nên, muốn đứng lên, muốn đấu tranh cho dân tộc nhưng chẳng thấy một ngã rẽ nào mà cuối con đường có ánh sáng. Những muộn phiền về gia đình, quê hương, những tình yêu thân thuộc đối với đất nước, dân tộc,… Nhưng sóng nước cứ mênh mang giống như kiếp người vô định, lòng tác giả như chán chường hơn.

Từ nơi sông Hồng rộng và dài cùng cảm xúc của Huy Cận đã tạo nên nhan đề “Tràng giang” đậm phong vị thơ Đường, bộc bộ được tâm sự của nhà thơ trước nỗi nhớ khôn nguôi, tạo nên mạch thơ xuyên suốt cho hồn thơ Huy Cận trong thời kì đầu của phong trào Thơ mới.

Nguồn: 

0