21/02/2018, 08:30

[văn học 11] – Các cách hiểu về hình ảnh ‘mặt chữ điền” – Đây thôn Vĩ Dạ

[văn học 11] – Các cách hiểu về hình ảnh ‘mặt chữ điền” – Đây thôn Vĩ Dạ Các cách hiểu về hình ảnh ‘mặt chữ điền” – Đây thôn Vĩ Dạ Lá trúc che ngang mặt chữ điền… (Phạm Hữu Cường) Bài thơ ...

[văn học 11] – Các cách hiểu về hình ảnh ‘mặt chữ điền” – Đây thôn Vĩ Dạ

Các cách hiểu về hình ảnh 'mặt chữ điền" - Đây thôn Vĩ DạCác cách hiểu về hình ảnh ‘mặt chữ điền” – Đây thôn Vĩ Dạ
  1. Lá trúc che ngang mặt chữ điền… (Phạm Hữu Cường)

Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử đến nay vẫn như một viên ngọc âm thầm tỏa sáng, thứ ánh sáng lung linh chứa nhiều ẩn ức. Như mọi viên ngọc quý, nhìn từ các góc độ khác nhau người ta có thể thấy những sắc màu khác nhau của nó biến ảo khôn lường. Người thì bảo đây là một bài thơ giản dị, trong sáng tới mức tinh chất, người thì liệt nó vào trường thơ điên, ma mị. Trong bài viết nhỏ này tác giả không có tham vọng phân tích tiếp về khía cạnh đó, mà chỉ muốn bàn thêm đôi lời về cách hiểu câu thơ nổi tiếng “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Kể ra giới cầm bút cũng đã tốn không ít giấy mực cho câu này – một câu thơ được kết từ hai yếu tố rất minh bạch là “lá trúc” và “mặt chữ điền”, thêm một động từ “che” và một trạng từ “ngang”. Một câu văn thuần Việt, đơn giản, rõ ràng, thậm chí không hề biến vị trong cấu trúc, vậy mà vẫn là đề tài tranh luận, một thách đố dằng dai chưa dứt qua nhiều thập kỷ.

Điều khiến người ta tranh cãi lại chính là nghĩa của câu thơ, đặc biệt của cụm từ “mặt chữ điền” – đó là gì vậy? – Một mảnh vườn vuông vức? – Một khuôn mặt nữ xinh xắn thấp thoáng sau cành trúc khi chàng trai nghé nhìn vào mảnh vườn nhà nàng? (ý này nhiều người không đồng tình, vì trong tâm thức Việt, mặt chữ điền là cụm từ dành để mô tả khuôn mặt người trai). – Một khuôn mặt chữ điền của người trai từ phương xa hình dung mình được trở về Vỹ Dạ, nhìn ngắm vườn ai qua cành lá trúc che ngang… Ý cuối cùng này là của Chu Văn Sơn(1), theo chúng tôi là cách lý giải hợp lý, nhưng mới chỉ hợp về tình huống. Khi Hàn Mặc Tử lâm trọng bệnh, trong ông hình thành rõ rệt hai thế giới “trong này” và “ngoài kia”. Ở “trong này”, ông khát khao được phân thân, ra với “ngoài kia”, ra với đời thường đẹp đẽ, quyến rũ. Ước mơ ấy thể hiện rõ nét khi ông mô tả thôn Vỹ Dạ. Phong cảnh của cái thôn ven sông Hương ấy trở nên thơ mộng, đẹp trong sáng, chân thực đến xót xa! Nhưng trong khung cảnh ấy, liệu Hàn Mặc Tử có cần tự họa mình với khuôn mặt bảnh trai (chữ điền) theo kiểu “vơ vào” đầy kiêu hãnh như Chu Văn Sơn nghĩ? Trong trường hợp này, theo chúng tôi chắc không phải vậy.

Trong một dịp công tác vào Huế, chúng tôi nóng lòng muốn thấy lại dù chút gì đó nhắc nhớ tới cái hồn của “Đây thôn Vỹ Dạ” – cái làng thôn bình dị bên sông Hương đã trở nên nổi tiếng từ một bài thơ, hệt như địa danh “Núi Đôi” trong thơ Vũ Cao vậy. Chúng tôi ngồi ăn cơm hến ngay bên đường Hàn Mặc Tử, uống café trong quán “Vỹ Dạ Xưa” bên bờ sông Hương và thả bộ lên Cồn Hến ngắm bãi bắp mùa nàykhông hoa, nhưng những bông bắp từ trong thơ Hàn thuở nào đến nay vẫn còn “lay” động mãi khôn nguôi.Tuy nhiên, cái mà chúng tôi chú ý khi đi theo từng ngõ ngách của Vỹ Dạ chính là những mảnh vườn quê. Còn đó những hàng cau, cây khế, khóm tre, bụi trúc… Ngăn cách vườn nhà với đường thôn là hàng rào hoặc tường xây, với những ô trống như con mắt của mảnh vườn. Qua những “mắt vườn” có thể nhìn ra ngoài đường và từ bên ngoài cũng có thể nhìn qua đó để thấy được cây lá bên trong. Có lẽ tưởng tượng mình được nhìn qua những mắt vườn như thế mà Hàn thi sỹ đã thốt lên: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Nếu đúng vậy, liệu ta có cần hiểu cái “mặt chữ điền” kia là mặt người thôn Vỹ (mặt nữ) hay mặt người trở về thôn Vỹ (là mặt nam, có thể là của chính thi nhân) không? Đành rằng hiểu theo nghĩa nào cũng có cái lý riêng của nó.

 Sau khi quan sát các mắt vườn – những khoảng trống trang trí trên tường vườn, chúng tôi nảy ra ý nghĩ, có thể lý giải “mặt chữ điền” một cách dung dị hơn. Đành rằng những khoảng trống (mắt vườn) đó không phải đã có từ thời bài “Đây thôn Vỹ Dạ” được viết ra, nhưng chúng vẫn như một vật chứng vượt qua thời gian, muốn mách bảo cho chúng ta một điều gì đó…

Phần lớn những mắt vườn hôm nay có hình chữ nhật kéo dài theo chiều thẳng đứng, khá thông thoáng. Song cũng không hiếm những ô vuông. Các ô có thể trống rỗng, nhưng đa phần được lắp gạch trang trí. Ngày xưa có một thứ gạch trang trí hình vuông, phía trong có một chữ ĐIỀN rất rõ, được gọi là gạch chữ điền. Loại gạch đó của xứ Huế ngày nay hầu như chỉ còn lại trong các kiến trúc cổ, ví dụ trong khu vực lăng vua Tự Đức còn có khá nhiều. Nhiều loại gạch trang trí ngày nay vẫn còn dáng của chữ điền cách điệu. Tuy nhiên, riêng những ô vuông trống rỗng trên tường (bên trong không có gạch trang trí) cũng đã gợi về một chữ điền rồi – một cách gọi ví von cho những vật có hình dạng vuông vức. Khuôn mặt nam nhi vuông vức được gọi là mặt chữ điền với nghĩa như thế, chứ không phải nó giống hệt chữ điền với tất cả cả đường ngang nét dọc. Cũng tương tự, khuôn mặt tròn từng được coi là vẻ đẹp của thiếu nữ đã được ví là mặt nguyệt (cũng chỉ mang ý nghĩa biểu trưng).

Vì thế, rất có thể trong trường hợp này thi nhân của chúng ta đã tả thực. Khi ông nhìn qua viên gạch chữ điền, ông thấy có mấy lá trúc che ngang, rồi thấy tiếp những cây lá khác trong mảnh vườn xanh tốt. Điều kỳ diệu là các yếu tố lá trúc và chữ điền kết hợp đã khắc họa một hình ảnh thật đẹp đẽ, nên thơ, như một khung cửa nhỏ thấp thoáng tấm rèm thưa kết bằng lá trúc. Bản thân lá trúc là loại lá thanh mảnh, nhiều lá che cũng không lấp nổi mắt vườn. Sự lựa chọn chi tiết của thi nhân trong trường hợp này quả là rất dụng công và hiệu quả.

 Với cảm nhận như vậy, khi đi trên xứ Huế chúng tôi nghĩ rằng mình đã tiệm cận được một cách hiểu câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” từng gây nhiều tranh cãi trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

  1. Cách hiểu câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử (Dương Hiền Nga)

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều bài viết trao đổi về câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” trên mặt báo. Để trả lời câu hỏi “mặt chữ điền” là gương mặt của ai? Mặt cô gái hay chàng trai, cho đến này dường như vẫn chưa thật ngã ngũ một cách thỏa đáng.

Theo tôi, nên đặt câu thơ và chỉnh thể nghệ thuật Đây thôn Vĩ Dạ để xem xét sẽ thấy đây là câu thơ tả cảnh thôn Vĩ chứ không phải tả mặt người.

Như chúng ta đã biết, Hàn Mặc Tử sinh ở Quảng Bình nhưng sống chủ yếu ở Quy Nhơn, có thời gian ra Huế học hai năm sau đó vào Bình Định làm ở Sở Đạc Điền rồi vào Sài Gòn làm báo. Từ nằm 1936 ông bị bệnh phong, từ đó ông sống trong trại phong Quy Hòa – Quy Nhơn.

Trong thời gian làm ở Sở Đạc Điền, Hàn Mặc Từ yêu đơn phương Hoàng Cúc, con ông chủ Sở Đạc Điền, nhưng do hoàn cảnh hai gia đình quá khác biệt nên Hàn Mặc Tử không dám thổ lộ, về sau Hoàng Cúc theo cha về Huế sống ở Vĩ Dạ. Năm 1936, Hàn Mặc Tử về Quy Nhơn nhưng không gặp Hoàng Cúc nữa. Từ năm 1937, ông vào trại phong. Khi Hoàng Cúc nghe tin ông mắc bệnh hiểm nghèo đã gửi cho Hàn Mặc Tử một tấm bưu ảnh chụp cảnh sông nước bến thuyền kèm theo lời hỏi thăm sức khỏe và lời trách: “Sao lâu nay không ra thăm Vĩ Dạ?”.

Hàn Mặc Từ xúc động mạnh, năm 1937, ông viết bài thơ gửi Hoàng Cúc, bà đã giữ bài thơ cho đến lúc từ trần (1989).

Xuất xứ bài thơ đặc biệt như thế nhưng chúng ta không nên hiểu hạn hẹp đây là bài thơ tình dành riêng cho Hoàng Cúc. Thực ra bài thơ nói đến những vấn đề lớn trong cuộc đời Hàn Mặc Tử. Đó là cuộc đời người mắc bệnh vô phương cứu chữa, bị cách li, bị ghẻ lạnh, cuộc sống khép kín oan nghiệt khiến nhà thơ khao khát đắm đuối một cách vô vọng cuộc sống bên ngoài.

Nhân việc Hoàng Cúc gửi thư, thiếp thăm hỏi, Hàn Mặc Tử đã trải lòng mình, đã trút bầu tâm sự vào bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

Nhan đề bài thơ lấy thôn Vĩ Dạ làm không gian nghệ thuật, mọi chi tiết nghệ thuật đều triển khai từ không gian này và thuộc không gian này với đặc trưng phong cảnh nhà vườn soi bóng dòng Hương. Vào năm 1937 đối với Hàn Mặc Tử thì thôn Vĩ không thuần túy mang tính chất không gian địa lí mà là không gian tâm lý, có tính khái quát là cõi ngoài kia: Cõi đời thơm tho, tràn trề hạnh phúc non tơ quyến rũ (Trái ngược với cõi trong này: Là hồn, là máu, điên cuồng thét gào tuyệt vọng). Tâm sự này rất rõ ở nhiều bài khác:

               Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa

               Trời ở trong đây chẳng có mùa

               Không niềm trăng và ý nhạc

                                                  (Nhớ thương)

            Anh đứng cách xa hàng thế giới

            Lặng nhìn trong mộng miệng em cười

                                                  (Lưu Luyến)

Câu thơ đầu tiên có lẽ xuất phát từ ý lời nhắn gửi của Hoàng Cúc, với sáu thanh bằng nhè nhẹ như tiếng thở dài, bỗng vút lên một thanh trắc và dấu hỏi cuối câu làm cho âm điệu bài thơ có phần da diết, nức nở như đọng đầy nước mắt: Làm sao còn có thể trở về cuộc sống bình thường nữa!

. Năm dòng thơ tiếp theo miêu tả cảnh thôn Vĩ đẹp tươi đầy sức sống, trong trẻo, long lanh và ấm áp với những nắng mới, hàng cau, vườn mướt, xanh như ngọc, lá trúc, gió, mây, dòng nước…Câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” nằm trong đoạn này. Sở dĩ tôi cho rằng nên hiểu đây là câu thơ tả cảnh thôn Vĩ còn vì: Năm 1996 tôi cùng đoàn cán bộ quản lý của Yên Bái đi thực tế trong Huế, tôi có tới Vĩ Dạ (Tất nhiên bây giờ đã khác nhiều) và qua gặp gỡ một số đồng nghiệp, nhân nói đến câu thơ này mọi người cho biết Vĩ Dạ thời đó là một thôn với những nhà vườn xinh xắn thơ mộng bên dòng Hương, nơi này chủ yếu các quan triều đình về già được vua ban đất và nhà để nghỉ ngơi. Ở Vĩ Dạ lúc đó trồng nhiều trúc bên lối đi, cổng nhà trường có tấm “Chấn Phong” để chắn gió, trên đó thường đắp nổi hoặc viết một chữ điền (bằng chữ Hán) vừa cho đẹp vừa hàm ơn là đất vua ban khi tuổi già xế bóng. Gặp một vài người già ở Huế hỏi điều này, họ xác nhận như vậy nhưng quan trọng nhất là đặt trong mạch thơ đầy lưu luyến hồi tưởng về thôn Vĩ, về cuộc sống bên ngoài, tôi thấy hợp lý.

Bài thơ chủ yếu nói đến nỗi nhớ, nỗi băn khoăn của một tâm hồn khao khát níu giữ cái đẹp trong tâm khảm nên tác giả chú trọng diễn tả tâm hồn người chứ không chú trọng tả mặt người. Có một số dòng thơ nhắc đến người đều dùng đại từ phiếm chỉ: Vườn ai, thuyền ai, ai biết, tình ai… và càng về sau càng “mờ nhân ảnh” trong nhạt nhòa, bất định.

Mọi người đều thống nhất rằng bài thơ rất giầu chất hội họa bởi đó chính là bức tranh thôn Vĩ được tái hiện từ một tâm hồn cô đơn đau đớn phấp phỏng lo âu trước số phận phũ phàng. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là một nét phác thảo đẹp trong bức tranh ấy, cái tĩnh của mặt chữ điền, cái động của ngọn trúc nhẹ lay trước gió làm cho cảnh sắc thêm sống động biết bao.

Nhân đọc những bài viết trao đổi của các thầy, cô giáo và các em học sinh, tôi mạo muội nêu thêm cách hiểu trên để bạn đọc cùng tham khảo và góp ý.

  1. “Mặt chữ điền” – một cách nhìn hiện thực thơ mộng và tinh tế của nhà thơ Hàn Mặc Tử (Thạch Quỳ-Tạp chí Sông Hương)

 

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được tuyển chọn để giảng dạy ở trường phổ thông vài chục năm nay. Đó cũng là bài thơ xuất sắc được bạn đọc cả nước yêu mến. Tuy vậy, cho đến hôm nay, cái hình ảnh “Mặt chữ điền” đầy sức quyến rũ và ám ảnh ấy vẫn chưa được nhận chân, nhận diện một cách chính xác.

Có người bảo Mặt chữ điền là mặt người. Người đàn ông hay người phụ nữ mang gương mặt chữ điền lấp ló sau dậu trúc? Có người bảo “mặt chữ điền” là mặt tấm rèm đan bằng tre hoặc bằng nứa với những ô vuông cài nan ngang dọc, tượng hình cho con chữ ấy… Các nhà nghiên cứu, mỗi người nói mỗi phách. Các thầy giáo, cô giáo thì hàng ngày hàng giờ phải đối diện với câu hỏi của học trò, toát mồ hôi hột cũng chẳng biết nên cắt nghĩa cái mặt chữ điền ấy sao cho thoả đáng!

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. Đó là cách hành xử với Mặt chữ điền mấy chục năm nay.

Vừa rồi tôi vào Huế, các thầy giáo ở trường Quốc học, trường Hai Bà Trưng, trường Cao đẳng sư phạm gặp tôi, họ lại “mang chuyện trăm năm giở lại bàn”. Trước yêu cầu cấp thiết của các thầy, cô giáo tôi thấy cần mạnh dạn nói ý kiến của mình về câu thơ đó để cùng tham khảo.

 

               Sao anh không về chơi Thôn Vĩ

               Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

               Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

                Lá trúc che ngang mặt chữ điền….

Hãy để ý và dõi theo ánh mắt của nhà thơ. Ánh mắt ấy từ trên cao phía hàng cau, gặp nắng mới lên, thời gian đang là buổi sáng sớm. Ánh mắt từ từ hạ xuống nhìn qua dậu trúc, nhìn thấy mảnh vườn. Nhà thơ thấy gì ở mảnh vườn đó trong buổi sáng sớm ấy? Thứ nhất, thấy bằng cảm giác. Một cảm giác chung, choáng ngợp tâm hồn, nhà thơ phải thốt lên: “Mướt quá!”

Thứ hai, thấy bằng trực giác. Trực giác thông qua liên tưởng và so sánh: “Xanh như ngọc!”

Thứ ba, và đây là hình ảnh trung tâm của cái nhìn sáng tạo: Mảnh vườn vuông vức, luống đất chạy dọc, lá trúc che ngang nên nó hiện lên trong mắt nhà thơ hình ảnh chữ điền 田. Lá trúc là thực, mảnh vườn là thực nhưng “lá trúc che ngang” tầm mắt đã biến cái nhìn của nhà thơ không còn 100% sự thực nữa. Lúc này, “Mặt chữ điền” hiện ra từ cái bóng của hai sự thực đơn lẻ, riêng biệt chồng lên nhau tạo ra một hình ảnh mới thực mà hư, hư mà thực. Nếu không có cái lá trúc che ngang tất nhiên mảnh vườn không thể hiện ra trong hình ảnh đó. Mới biết, câu thơ Hàn Mặc Tử chân xác một cách tinh vi. Nói câu thơ ấy thơ mộng và tinh tế là bởi vậy. Nói mắt nhà thơ có khác mắt thường cũng là bởi vậy. Mặt chữ điền không phải là mặt người, không phải là mặt rèm mà là mặt vườn, mặt ruộng trong cách nhìn hiện thực thơ mộng, tinh tế và tài hoa của một nhà thơ đáng kính.

 

  1. Lá trúc che ngang mặt chữ điền: Những điều chưa mấy ai chú ý kĩ (PGS Nguyễn Hùng Vĩ-Chủ nhiệm khoa Sư phạm – ĐHQGHN)

Mặt vuông chữ điền là cách nói dân gian có tính thông dụng và không thể đại diện đầy đủ cho mặt chữ điền. Và như vậy, mặt chữ điền chắc chắn trong cảm thức nghệ thuật thời Hàn Mặc Tử sẽ là một gương mặt đoan chính, phúc hậu. Đọc theo cách ngắt nhịp b, ta có thể chuyển nghĩa gần gũi kiểu như : Lá trúc che ngang mặt người hiền… chẳng hạn. Còn họ là ai thì có thể là một người phiếm định trong niềm trân trọng, yêu thương, quí mến của nhà thơ, những người có thể không quen biết như vẫn thật nồng hậu với nhà thơ.,, Hàn Mặc Tử sáng tạo chứ không trích cú. Bởi vậy, khi bột phát lời thơ giữa cơn cảm hứng nồng nàn và day dứt, mọi điều có thể xảy đến, có thể đồng hiện: đó là người thương, người quen, người dưng đằm thắm, là khu vườn, là bình phong, mắt gạch. Ấn tượng bùng lên từ thăm thẳm tâm thức thì ai mà khảo đến tận cùng. Cũng như cầu thủ giỏi, đi một động tác không tưởng thì có ai biết được từ ông thầy nào dạy cho. Kĩ năng đã trở thành bản năng. Người làm thơ cũng xuất thần như vậy. Hàn Mặc Tử cũng như vậy, gương mặt người trong mộng hiện lên nhưng cùng với nó sẽ là bao tâm cảm chứa trong ba chữ MẶT CHỮ ĐIỀN.

                                                                                                                                                              ( sưu tầm)

Nguồn: 

0