Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu năm thứ 3 (1518)
Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là quy chế đã lập thành của các bậc đế vương mưu đồ nền trí trị, trọng dụng người hiền không hạn chế là đạo trung dung xưa nay không thay đổi. Thần thường nhân câu nói đó mà suy rộng ra: đảm nhiệm quốc chính của nhà Hạ đều là các quan cũ của nhà Ngu, chọn vào ...
Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là quy chế đã lập thành của các bậc đế vương mưu đồ nền trí trị, trọng dụng người hiền không hạn chế là đạo trung dung xưa nay không thay đổi.
Thần thường nhân câu nói đó mà suy rộng ra: đảm nhiệm quốc chính của nhà Hạ đều là các quan cũ của nhà Ngu, chọn vào vương đình của nhà Thương đều là liêu thuộc của nhà Hạ, phụ tế ở kinh đô nhà Chu lại là sĩ phu của nhà Ân, kẻ đứng hàng tể phụ triều Tống cũng là cựu thần của nhà Hậu Chu. Có lẽ vì phép chọn học trò bắt đầu từ thời Ngu, Chu, thịnh hành ở đời Triệu Tống, còn đạo trung dung trọng dùng người hiền không hạn chế cách nào thì xưa đã có mà cũng thấy cả ở ngày nay chăng?
Kính nghĩ thánh triều quang minh mở vận, thánh thánh nối truyền. Thánh thiên tử sùng Nho trọng đạo, sửa sang trường học để nuôi dưỡng nhân tài. Chế độ đổi mới, quy mô rộng lớn lâu dài. Đặc sai hữu ti kiểm tra các bia đề danh Tiến sĩ các khoa của triều trước hễ khoa nào đã có bia mà bị vỡ hỏng thì cho dựng lại bia khác, khoa nào chưa có bia mà đáng ghi thì dựng thêm. Lại sai từ thần chia nhau soạn các bài ký. Làm như thế là để coi trọng những điều mà nền tư văn đáng trọng, làm cho đủ những việc mà đời trước chưa làm, ý nghĩa thật rất to lớn.
Thần tham dự triều chính, việc đáng phải cầm bút. Thần kính xét: Triều trước khai khoa năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), sau đó hoặc 6 năm, hoặc 5 năm mở một khoa, chưa thành định lệ. Từ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) trở đi mới định 3 năm mở một khoa. Cũng theo Hội điển của nhà Minh lấy các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu mở khoa thi Hương, lấy các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi mở khoa thi Hội. Riêng về năm Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) có khoa thi là vì năm thứ 2 Đinh Sửu (1517) là năm đáng phải mở thi Hội, nhưng bấy giờ trong nước có biến1 nên đến năm Mậu Dần mới cử hành được. Bảng này chọn được kẻ sĩ 17 người: Đệ nhất giáp là bọn Ngô Miễn Thiệu 3 người được ban Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp 6 người là bọn Lại Kim Bảng được ban Tiến sĩ xuất thân, Đệ tam giáp 8 người là bọn Nguyễn Độ được ban đồng Tiến sĩ xuất thân. Những người này hiện đang giữ các chức quan, dần dần còn được dùng vào việc lớn, hoặc tham dự việc lễ, nhạc, binh, hình, hoặc giữ các ti chuyên trách việc kỷ cương tai mắt của triều đình, có người kiêm chức ở quán các giúp việc cất nhắc thuyên chuyển, hoặc giữ các chức đô đài, gián nghị, có người tham gia chính sự lớn ở một địa phương, có người giữ chức hiến ti ở ngoại đài. Những người đỗ Tiến sĩ khoa này, từ sau khi được đề tên ở bảng vàng đến nay đã hai chục năm mới được đề danh vào bia đá. Nhờ ơn vua được tô điểm vẻ vang, được khích lệ long trọng như vậy, phải nên báo đáp thế nào? Ắt phải cùng nhau gắng sức, giữ lòng tận trung, lau cạo thật sáng, trau dồi tiết hạnh để cho khí khái lỗi lạc, tiếng tăm vang lừng, làm viên ngọc vẹn toàn, làm nén vàng mười, làm viên đan sa rất mực quý báu, làm vẻ vang vương độ, giữ vững cơ đồ hoàng gia, đặt thiên hạ vào chốn yên vững như Thái Sơn bàn thạch. Được như thế thì tấm đá này, những tên tuổi này khác nào muôn cân nặng, càng lâu càng không mòn vậy. Nếu không được như thế thì ngoài ngọc trong đá, danh và thực không xứng nhau, người đời sau sẽ chỉ vào tấm đá này mà chê trách. Vì sao vậy? Vì danh là khách của thực, thực là chủ của danh, có danh có thực thì thực còn mà danh vì thế được coi trọng; có danh không có thực, thì thực chẳng còn mà danh cũng vì thế mà bị coi khinh. Thần xin lấy mấy điều ấy khuyên răn những người được đề tên và cũng để tự răn mình. Còn quan tước tên họ các quan Đề điệu, Độc quyển, Giám thí thì kê ở mặt sau bia.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ Đạo Xuyên bá Trụ quốc Nguyễn Trí Thái2 vâng sắc soạn.
Thông chương đại phu Trung thư giám Chính tự Tư chính khanh họ Vũ vâng sắc viết chữ (chân).
Thông chương đại phu kim quang môn đãi chiếu tư chính khanh họ Nguyễn vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 5 tháng giêng niên hiệu Đại Chính thứ 7 (1536).
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
NGÔ MIỄN THIỆU 吳勉紹3 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN MẪN ĐỐC 阮敏篤4 người xã Xuân Lũng huyện Sơn Vi.
LƯU KHẢI CHUYÊN 劉啟顓5 người xã An Đê huyện Đường An.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 6 người:
LẠI KIM BẢNG 賴金榜6 người xã Kim Lan huyện Cẩm Giàng.
ĐẶNG ẤT 鄧乙7 người xã Phúc Hải huyện Ngự Thiên.
NGUYỄN CHẤN CHI 阮振之8 người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi.
NGUYỄN HỒNG TIỆM 阮鴻漸9 người xã Đồng Xá huyện Thanh Lâm.
NGHIÊM VĂN HẬU 嚴文厚10 người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn.
LÊ VÔ ĐỊCH 黎無敵11 người xã Thiên Biểu huyện Yên Lãng.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:
NGUYỄN ĐỘ 阮度12 người xã Phù Vệ huyện Đường Hào.
NGUYỄN CƯ NHÂN 阮居仁13 người xã Ông Lâu huyện Lương Tài.
NGUYỄN CỦNG 阮鞏14 người xã Hoàng Đôi huyện Văn Giang.
ĐỖ DƯƠNG 杜洋15 người xã Quang Bị huyện Gia Lộc.
VƯƠNG HOÀNH 王浤16 người xã Ngô Đạo huyện Tân Phúc.
NGUYỄN HÒA TRUNG 阮和衷17 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
NGỌ DOÃN TRÙ 午尹儔18 người xã Bắc Lý huyện Yên Việt.
NGUYỄN TẢO 阮藻19 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
Chú thích:
1. Chỉ các việc biến loạn ở kinh thành đầu đời Chiêu Tông.
2. Nguyễn Trí Thái: Xem chú thích 6, Bia số 10.
3. Ngô Miễn Thiệu (1499-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Thời Lê, ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lại kiêm Đô Ngự sử, Chưởng Hàn lâm viện sự, Nhập thị Kinh diên và tước Lý Khê bá. Sau ông làm quan với nhà Mạc, giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ, Ngự sử đài Đô Ngự sử, Hàn lâm viện Thị thư và thăng Trình Khê hầu.
4. Nguyễn Mẫn Đốc (1492-?) người xã Xuân Lũng huyện Sơn Vi (nay là xã Xuân Lũng huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ), nguyên quán xã Đông Viên huyện Tứ Kỳ (nay thuộc huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư, theo vua Lê Chiêu Tông vào Thanh Hoa, tuẫn tiết, được phong phúc thần.
5. Lưu Khải Chuyên (?-?) người xã An Đê huyện Đường An (nay thuộc huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình.
6. Lại Kim Bảng (?-?) người xã Kim Lan huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Kim Giang huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Đời Lê, ông làm quan Đô Ngự sử. Khi Mạc Đăng Dung sắp ngôi nhà Lê, ông lánh về quê, sau bị Đăng Dung cưỡng ép mời gọi. Khi qua giữa sông Nhị, ông mũ áo chỉnh tề, bài vọng về Lam Sơn, lớn tiếng chửi Đăng Dung rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Triều Lê Trung hưng truy tặng chức Tả Thị lang Bộ Lễ, tước Quận công và tôn vào bậc Tiết nghĩa.
7. Đặng Ất (1495-?) người xã Phúc Hải huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Phạm Lễ huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Bia Văn Miếu tỉnh Hưng Yên ghi ông người xã Hải Triều huyện Hưng Nhân.
8. Nguyễn Chấn Chi (?-?) người xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (nay thuộc thị trấn huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan đến Thiêm đô Ngự sử. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Lễ.
9. Nguyễn Hồng Tiệm (?-?) người xã Đồng Xá huyện Thanh Lâm (nay thuộc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Hình. Có tài liệu ghi ông người xã Đồng Nẫm.
10. Nghiêm Văn Hậu (?-?) người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan đến Tham chính.
11. Lê Vô Địch (?-?) người xã Thiên Biều huyện Yên Lãng (nay là thuộc xã Kim Chung huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hộ khoa Đô Cấp sự trung.
12. Nguyễn Độ (1493-?) người xã Phù Vệ huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước bá.
13. Nguyễn Cư Nhân (?-?) người xã Ông Lâu huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Lương huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện sự, tước Đạm Hà bá.
14. Nguyễn Củng (?-?) người xã Hoàng Đôi huyện Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thị lang.
15. Đỗ Dương (?-?) người xã Quang Bị huyện Gia Lộc (nay thuộc xã Phạm Trấn huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Ông làm quan Tham chính.
16. Vương Hoành (?-?) người xã Ngô Đạo huyện Tân Phong (nay thuộc xã Tân Hưng huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông làm quan với nhà Mạc đến chức Thị lang.
17. Nguyễn Hoà Trung (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tả Thị lang.
18. Ngọ Doãn Trù (?-?) người xã Bắc Lý huyện Yên Việt (nay thuộc xã Bắc Lý huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Đoán sự. Có tài liệu ghi ông người xã Ngọ Xá và tên là Hứa Doãn Trù.
19. Nguyễn Tảo (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc trải Thượng thư Lục bộ, rồi Thừa chính sứ Hải Dương.