25/05/2018, 16:13

Văn 6 - Bài 3: Thơ ngụ ngôn La Fontaine

Bài 3 Thơ ngụ ngôn La Fontaine Hướng dẫn học Bạn vừa đọc thầm vừa chuẩn bị trả lời những câu hỏi sau: 1. Ngụ ngôn nghĩa là gì? 2. Tác giả ngụ ngôn tạo ra các nhân vật như thế nào trong câu chuyện họ kể? ...

Bài 3

Thơ ngụ ngôn La Fontaine

Hướng dẫn học

Bạn vừa đọc thầm vừa chuẩn bị trả lời những câu hỏi sau:

       1. Ngụ ngôn nghĩa là gì?

       2. Tác giả ngụ ngôn tạo ra các nhân vật như thế nào trong câu chuyện họ kể?

       3. Cùng nhau kể về cuộc đời tác giả Ésope. Tại sao ông bị giết chết? Những ai tổ chức giết ông chết? Có đúng ông can tội ăn cắp chén vàng ở đền thờ thần linh không?

       4. Nói vắn tắt về sáng tác của La Fontaine. Bạn hiểu câu nói của La Fontaine như thế nào: Tôi dùng loài vật để dạy con người”?

       5. Tham khảo sách Tiếng Việt lớp Sáu để kể về cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh. Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn nhằm mục đích gì?

       6. Tự sơ kết cách diễn đạt của ngụ ngôn theo mô hình đã học

        7. Bài tập lớn: Cả lớp cùng nhau soạn và diễn vở kịch về Ésope.

Ngụ ngôn là gì

       Ngụ ngôn, từ Hán Việt, có yếu tố “ngôn” - lời nói, và “ngụ” hiểu theo nghĩa “có một ý trú ngụ bên trong”, là câu truyện ngắn bằng lời kể có chứa một bài học đường đời cho con người.

       Ngụ ngôn được kể bằng lời để răn đời, nên người kể phải làm cách gì cho người đời chịu nghe mình. Cách thích hợp nhất là câu truyện phải vui, hài hước, nghe xong thì buồn cười, nhưng cười xong đến đêm nằm ngẫm nghĩ mới thấm thía một bài học gì đó.

       Người kể truyện ngụ ngôn lại khôn khéo chọn nhân vật trong câu truyện. Nhân vật thường là con vật, đồ vật. Những con vật và đồ vật ấy cũng hành động và nói năng như con người trong bối cảnh cuộc sống của con người.

       Tại sao người ta kể rồi viết ngụ ngôn theo cách đó?

       Trước hết, người kể và viết ngụ ngôn cần tránh kiểm duyệt. Kể truyện ngụ ngôn là để mọi người nhận ra những cái xấu trong cuộc sống. Khi đó, người kể ngụ ngôn trở thành kẻ thù của những kẻ có quyền thế đã lạm dụng quyền lực để gây ra những cái chướng tai gai mắt trong cuộc sống, những điều phi lí, bất công trong cuộc sống. Bọn người có chức quyền, những người gây ra bất công có thể bịa đặt nhiều “lí do” để dẹp bỏ những nhà sáng tác truyện ngụ ngôn. Đó chính là điều đã xảy ra với nhà ngụ ngôn Ésope – xin đọc bên dưới.

       Ngoài ra, không chỉ bọn người có quyền thế mới có thói hư tật xấu. Những con người bình thường cũng có thể có tật xấu của mình – kể cả thói xấu sống hèn nhát, quen sống nô lệ, thích sống yên phận. Khi ngụ ngôn mượn truyện loài vật để giúp con người tự nhìn thấy thói hư tật xấu của mình một cách vui vẻ hài hước, thì sẽ có hiệu quả hơn học những bài học đạo đức khô khan, máy móc. Chính nhà viết thơ ngụ ngôn Pháp La Fontaine từng viết: “Tôi dùng loài vật để dạy con người

Ba nhà ngụ ngôn Ésope, La Fontaine và Nguyễn Văn Vĩnh

       Ngụ ngôn xuất hiện từ rất sớm, khi con người sống chung trong xã hội. Căn cứ vào văn bản viết thì biết được là ngụ ngôn ra đời khi nào. Một trong những tác phẩm đầu tiên quan trọng phải kể đến là Truyện kể và sự thông thái của Ahikar người Assyria (Histoire et Sagesse d’Ahikar l’Assyrien), ra đời vào khoảng thế kỷ 7 trước công nguyên, được viết bằng tiếng Armanie, thứ tiếng cổ của người Syrie.

       Tuy vậy, thể loại truyện ngụ ngôn chỉ thực sự được định hình với tên tuổi của Ésope sống vào khoảng thế kỷ 7 và thứ 6 trước công nguyên (nếu Ésope là người có thực). Mãi về sau, đến thế kỷ 17 mới lại có Jean de La Fontaine người Pháp, kể truyện bằng thơ ngụ ngôn. Ở Việt Nam, các bản dịch thơ ngụ ngôncủa học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã giúp người Việt Nam đến với ngụ ngôn La Fontaine từ những năm đầu thế kỷ 20

       Bài đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine là bài Con chó sói và con chiên con, đăng ở Đăng Cổ Tùng báo năm 1907, nhưng cho đến tận năm 1928 các bài dịch mới được tập hợp lại và in thành sách (Theo Ban biên tập Tannamtu.com).

       Những nhà kể ngụ ngôn cũng như nhà dịch ngụ ngôn này đều dùng ngụ ngôn để biểu đạt những ưu tư của mình trước thời thế, trước những điều xấu xa trong xã hội nhằm tác động đến nhận thức và lối sống của người đọc.

Ưu tư của Ésope

       Đối với người Hy Lạp cổ đại, Ésope là người sáng tạo ra ngụ ngôn. Cuộc đời của ông gắn với nhiều huyền thoại, và hiếm khi ta tìm được dấu tích của huyền thoại trong các văn bản chính thức của lịch sử. Người ta nói với nhau rằng ông sinh vào khoảng năm 620 trước công nguyên, và mất khoảng năm 564 trước công nguyên, ông là nô lệ của Iadmon de Samos và là bạn của Rhodopis, một cựu cận thần trong triều của Amasis, rằng ông chết rất tức tưởi, vì bị kết tội ăn trộm chiếc cốc vàng ở đền thờ Apollon ở Delphes, nên ông bị đẩy xuống vực từ một tảng đá gần thành Delphes đó.

       Ngụ ngôn Ésope là những mẩu truyện ngắn đầy tính chất ngụ ngôn, được người đời sau tập hợp lại thành những văn bản bằng văn xuôi. Ta có thể hiểu hoặc đoán chừng rằng, Ésope không hẳn là người duy nhất đã viết ra những mẩu truyện ấy. Bởi ông là người vô cùng nổi tiếng bởi những lời kể truyện của nhà hiền triết nên người xưa muốn biến ông thành cha đẻ của ngụ ngôn. Thời của ông sống, những người cai trị thường bỏ tù hoặc giết hại những người nói lên sự thật (thường là sự thật về những điều phi lí, bất công). Cho nên những người kể truyện ngụ ngôn như Ésope thường phải là những người rất am hiểu nghệ thuật “lấy cái giả mà nói cái thật”, nghệ thuật “nói mà như không nói”, mượn lời con vật để nói về đời con người. Từ Ésope trở đi, ngụ ngôn mang ý thức của nghệ thuật hư cấu, một “lời bịa đặt” đặc biệt, vì lời bịa đặt đó lại không khác gì sự thật.

       Những ưu tư của Ésope được đặt vào truyện các loài vật, những con vật xuất hiện nhiều nhất mang những tính cách rất phổ biến của con người: lừa ngu ngốc, cáo gian manh, sói độc ác, và những bài học đi kèm cũng rất rõ ràng, ví dụ: hãy hài lòng với những gì mình có, tránh thói hám lợi vô cùng (truyện “Con gà đẻ trứng vàng”); người chăm chỉ sẽ thắng người thông minh nhưng chểnh mảng (truyện “Rùa và Thỏ”); trước những bất công, mọi lẽ phải đều vô dụng (truyện “Con lừa và con sói”); cái khó ló cái khôn (truyện “ Con quạ và hũ nước”); khuyên người thì dễ, làm thì mới khó (truyện “Hai mẹ con nhà hươu”), v.v…

Ưu tư của La Fontaine

       La Fontaine khám phá niềm say mê viết ngụ ngôn của mình năm ông tầm 40 tuổi, và từ đó, trong khoảng 30 năm, từ 1660 đến 1694 ông viết 12 cuốn ngụ ngôn, ngoài ra ông còn viết truyện, viết opéra, thư văn vần và bản dịch và phóng tác các tác phẩm cổ đại.

       La Fontaine đã dùng truyện ngụ ngôn, truyện về các loài vật để răn dạy và đôi khi đả kích vào những thói hư tật xấu trong xã hội Pháp thế kỷ 17, đặc biệt là đối tượng triều đình đầy những bọn bù nhìn, bịp bợm, vô tích sự…

       Với La Fontaine, quan niệm về ngụ ngôn được đúc kết lại trong hai yếu tố có mối quan hệ không thể tách rời: sự giáo huấn và điều thú vị, cụ thể hơn: giáo huấn bằng điều thú vị, bằng sự hấp dẫn, như có lần ông viết cho Hiệp sĩ de Bouillon: “Tôi nhận trách nhiệm biến thói hư tật xấu thành thứ nực cười, vì ta không thể tấn công nó với cánh tay của Hercule”, và rằng, “một bài học đạo đức trần trụi thì chỉ mang đến sự chán ngắt”. Vũ khí của ngụ ngôn La Fontaine là tiếng cười, sự hài hước, hóm hỉnh một cách tự nhiên nhất có thể:

“Thế giới thì già nua, người ta nói thế, và tôi tin; thế nhưng,

Hãy nên vui đùa với cụ ấy, đùa vui như một đứa trẻ”

Ưu tư của Nguyễn Văn Vĩnh

       Khi còn là cậu bé mười một tuổi đi kéo quạt thuê cho thầy trò Trường Thông ngôn tại đình làng Yên Phụ, các bài thơ ngụ ngôn La Fontaine hay các vở kịch Molière với Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn xa lạ, dửng dưng, vô nghĩa – cậu bé Vĩnh hoàn toàn không biết trên đời này có một La Fontaine, một Molière và những tác phẩm làm chấn động xã hội con người. Rồi cậu bé Nguyễn Văn Vĩnh kéo quạt thuê của Trường Thông ngôn đã tình cờ lọt qua cuộc thi tốt nghiệp của đàn anh và lọt cả vào con mắt trân trọng của thầy giáo, từ đó ông mới có điều kiện học tiếp để chính thức trở thành người biết tiếng Pháp.

       Nếu sau đó Nguyễn Văn Vĩnh ra trường và tiếp tục đi làm thông phán tòa sứ “sáng vác ô đi tối vác về”, “sáng rượu sâm banh tối sữa bò” như bao người khác, chắc hẳn là ta vẫn chưa có những bản dịch La Fontaine (và vô số bản dịch khác nữa). Cái quá trình chuẩn bị để xin thôi chức ông tham ông phán và dấn thân vào công việc xuất bản và dịch thuật là một tiến trình nhận thức để đi đến việc chọn lấy văn hóa làm vũ khí đấu tranh và tồn tại; như lời ông viết : “Nước Nam ta muốn chóng bước lên đường tiến hóa thì phải mau thu thái lấy những tư tưởng mới. Muốn cho những tư tưởng mới trong văn hóa Âu Tây truyền bá khắp trong dân gian, thì phải cần phiên dịch những sách chữ nước ngoài ra Việt Nam

       Nguyễn Thị Lệ Hà,Nguyễn Văn Vĩnh với việc cổ vũ và truyền bá chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ 20 (Theo lời phát biểu của Nguyễn Văn Vĩnh tại Hội quán Trí Tri ngày 4/8/1907), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 5/2004.

       Quan điểm dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh không xa là mấy so với lí luận dịch hiện đại, thể hiện rõ nhất trong “Mấy lời của dịch giả” trong cuốn Thơ ngụ ngôn La Fontaine:

Tập dịch-văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn vần bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng, chấp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc-cấc lắm, nhưng các bạn độc giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh thần, chứ không có nề gì những chữ “hổ” đổi làm “sư tử”, “cái gậy” đổi ra “con chó”, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chỗ dịch lầm

       Nguyễn Văn Vĩnh, Thơ ngụ ngôn La Fontaine, Nhà xuất bản Cảo thơm, 1970, trang đầu sách.

Niềm đam mê Nguyễn Văn Vĩnh: tựa ghế phòng khách nhà ôngcó chạm khắc hình minh họa
“Cò và Cáo” - Hàng chữ trên tranh khắc:

Phải miếng xương mắc trong cổ họng,

Phúc mười đời Cò bỗng bay qua… ”

       Như vậy ta thấy, có những yếu tố tâm lý tác động vào Nguyễn Văn Vĩnh, khiến ông chọn những bài ngụ ngôn đầy tính phê phán của La Fontaine để góp phần phê phán những thói xấu, những thói cổ hủ, lạc hậu của dân tộc ông, những thói xấu sẽ ngăn cản công cuộc khai sáng cho dân tộc đó, giải phóng nó trước khi và đồng thời với việc tháo ách thực dân, thuộc địa, phong kiến cho đồng bào.

       Những bài ngụ ngôn được chuyển sang tiếng Việt của Nguyễn Văn Vĩnh mang lại một sự gần gũi, không thấy gợn lên sự cách biệt văn hóa giữa lời lẽ của La Fontaine và lời lẽ thơ ca dân gian Việt Nam, nhưng vẫn duy trì được sức sống hài hước đương đại cho những nhân vật trong những câu truyện đã có từ nghìn đời…

       Mời bạn cùng phân tích mẫu một bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

Hội đồng Chuột

       Hội đồng Chuột trong Truyện ngụ ngôn Ésope được viết như sau: Một hôm, lũ chuột họp nhau lại để bàn bạc những biện pháp tốt nhất để tránh hàng loạt cuộc tấn công của con mèo. Bọn chúng thảo luận rất nhiều phương án, rồi một con chuột giàu kinh nghiệm và có vai vế trong đàn đứng lên và nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đã tìm thấy một kế hoạch, nếu các bạn đồng ý và tiến hành đến cùng, nó có thể đảm bảo cho sự an toàn của chúng ta trong tương lai. Và đây là ý kiến của tôi: chúng ta nên buộc vào cổ con mèo kẻ thù của chúng ta một cái chuông, tiếng chuông sẽ cảnh báo cho ta mỗi khi nó đến gần”. Ý kiến này được nhiệt liệt tán thành, bọn chuột đồng ý thông qua, thế rồi một con chuột già, đứng lên và nói: “Tôi đồng ý với tất cả các bạn rằng kế hoạch này thật đáng ngưỡng mộ; nhưng tôi muốn hỏi là ai sẽ đem chuông đeo cổ mèo?” (Thu Nguyên dịch từ bản tiếng Pháp).

Một con mèo tên là Trạng Mỡ,

Bắt chuột nhiều long lở hầm hang.

Mèo đâu dữ dội lạ dường!

Để cho đến nỗi sạch quang trong ngoài.

Họa còn sót một hai chú lỏi,

Đố dám thò ra khỏi cửa hang.

Chú nào cũng đói họng gang,

Trông thấy Trạng Mỡ coi dường yêu tinh.

May được buổi tiên sinh chạy gái,

Chốn cao xa trên mái nhà người.

Chuột thừa được lúc thảnh thơi,

Họp nhau bàn việc kim thời nguy nan,

Chú chuột già ra bàn ngay trước:

— Liệu mau mau trong bước hiểm nghèo,

Đem chuông mà buộc cổ mèo,

Để cho khi hắn leo trèo tìm ta,

Leng keng nghe hiệu là ta chạy,

Ai cũng khen mà lạy Cụ Trùm.

Duy còn một việc đeo chuông,

Nghe như hơi khó tìm phương thi hành.

Hỏi lũ chuột, thì anh từ cáo;

Anh lại rằng:

— Đây lão dại gì?

Đã đành nơi chết ai đi.

Ngẩn ngơ một lát rồi thì hội tan.

Té ra cuộc luận bàn thực hão.

Có lạ gì bàn láo xưa nay!

Chẳng là việc chuột thế này;

Việc dân, việc nước cũng hay bàn xằng.

Thơ rằng:

Nghị luận còn dở dang,

Triều đình đông nhan nhản

Thi hành làm cục trung,

Bá quan đà tận tán.

       Bài ngụ ngôn được dịch hết sức linh hoạt, đầy ý thức phản ánh tình trạng xã hội Việt Nam đương thời (và không chỉ của Việt Nam) qua một sự kiện phản ánh mâu thuẫn ngàn đời của loài vật: cuộc họp của Hội đồng Chuột tìm giải pháp chống Mèo.

       Có thể nhận thấy lối dịch rất tiêu biểu (và chứa đựng quan niệm dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh): không câu nệ việc lược bỏ một vài chi tiết, chữ nghĩa, mà điều quan trọng là làm sao dịch được cái tinh thần của bài ngụ ngôn.              Ông đã rất có ý thức này khi lược bỏ những yếu tố dài dòng của nguyên bản, để tập trung vào khắc họa nhân vật và diễn biến chính của câu truyện:

Có một con mèo, tên là Rodilardus, / Đã làm cho họ nhà chuột tan hoang,/ Đến nỗi chẳng còn con nào, vì có con nào con nấy đều chui vào mồ cả / Còn sót được con nào thì đều không dám thò ra khỏi lỗ,/ Và chỉ kiếm được cái ăn lửng dạ độ một phần tư. / Và đối với đám cư dân khốn khổ ấy,/ Thì mèo ta không còn là mèo, mà là một con quỷ”.

       Nguyễn Văn Vĩnh đã “gói” lại kiểu kể truyện ấy bằng vài ba cụm từ thâu tóm được thần thái của nhân vật và bối cảnh câu truyện: mèo thì “dữ dội lạ thường”, bắt chuột thì “long lở hầm hang”, làm cho lũ chuột “sạch quang trong ngoài”, chỉ còn “một hai chú lỏi” lúc nào cũng “đói họng gang”…

       Những chi tiết cụ thể, tỉ mỉ của câu truyện trong cuộc họp nhà Chuột cũng được lược bớt, để khắc họa rõ hơn, ấn tượng hơn về diễn biến và tính cách của từng con chuột tham gia cuộc họp:

Chú chuột già ra bàn ngay trước: / - Liệu mau mau trong bước hiểm nghèo, / Đem chuông mà buộc cổ mèo, / Để cho khi hắn leo trèo tìm ta, / Leng keng nghe hiệu là ta chạy,/ Ai cũng khen mà lạy Cụ Trùm / Duy còn một việc đeo chuông, / Nghe như hơi khó tìm phương thi hành / Hỏi lũ chuột, thì anh từ cáo; / Anh lại rằng: - Đây lão dại gì? / Đã đành nơi chết ai đi. / Ngẩn ngơ một lát rồi thì hội tan.

       Nguyễn Văn Vĩnh đã lược bớt một số chi tiết của đoạn này như chi tiết mô tả “chuột già”:

bậc cao niên nhất trong nhà chuột – một người vô cùng thận trọng”, hay một câu nói

của chuột “Tôi chỉ còn biết có mỗi cách ấy thôi”.

       Hay lời tường thuật: “Ai cũng đồng ý với vị trưởng lão rằng/ Đó là điều không gì khôn ngoan hơn, giá trị hơn” cũng chỉ được tóm lại bằng một ý:

Ai cũng khen mà lạy Cụ Trùm”.

       Chữ “lạy” và nhân vật “Cụ Trùm” đã mang lại hình ảnh của một “người quen” trong những cuộc họp của hội đồng làng xã Việt Nam đương thời, giúp câu truyện có sức gợi liên tưởng mạnh hơn.

       Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ “bớt” mà còn “thêm” để rõ ý La Fontaine: Trong nguyên bản chỉ có một câu:

Điều khó khăn là truyện đeo cái chuông”,

ông diễn đạt thành hai câu:

Duy còn một việc đeo chuông, / Nghe như hơi khó tìm phương thi hành”.

       Hay đoạn cuối cùng, phần “Thơ rằng” và bốn dòng luận bàn của dịch phẩm hoàn toàn là phần thêm vào của dịch giả:

Thơ rằng:

Nghị luận còn dở dang

Triều đình đông nhan nhản

Thi hành lâm cục trung

Bá quan đà tận tán.

       Phần bình luận này mô phỏng kết cấu truyện kể Trung Quốc, Việt Nam thời trung đại: giới thiệu nhân vật, miêu tả sự kiện, tường thuật diễn biến của truyện, kết luận bằng một lời bình (phổ biến là lời bình bằng thơ).

       Truyện xích mích giữa Mèo và Chuột, truyện “đeo chuông cổ mèo” vốn không xa lạ gì với những “Đám cưới chuột” của dòng tranh dân gian Đông Hồ, nhưng phải nói rằng, đối với bản dịch này, điều thành công nhất của Nguyễn Văn Vĩnh chính là tạo ra được nét hài hước lẫn với nỗi niềm u uất, bất bình, chán nản vốn không thể có ở một tác phẩm văn học dân gian.

       Trước hết, nét hài hước thể hiện ngay trong cách dịch tên của nhân vật: trong nguyên tác, tên con mèo “sát chuột” kia là Rodilardus, hay Rodilard, đuôi “lard” có nghĩa là mỡ, và âm “Rodi” gợi cho người ta nghĩ đến những nhân vật văn hóa như Rodin, Rodrige…, để rồi đến Nguyễn Văn Vĩnh, liên tưởng này được sáng tạo thành một cái tên tưởng là sang trọng, song lại vô cùng hóm hỉnh: anh Trạng Mỡ!

       Anh chàng Trạng Mỡ này là một con vật có tài, và còn là một tay mê gái. Nguyễn Văn Vĩnh đã thêm một nét hóm hỉnh khi dịch “Anh chàng hào hoa đi tìm gái” thành “tiên sinh chạy gái”. Khi chuyển “hào hoa” thành “tiên sinh chạy gái”, độc giả cảm nhận được trọn vẹn nét hài hước thú vị trong lời dịch.

       Cuộc họp của họ nhà Chuột đã được dịch một cách thành công. Không ít lần độc giả bật cười khi đọc lại những câu chữ thường được dùng trong các hội nghị, khi gặp lại những nhân vật, những tính cách, những “trí tuệ” rất quen thuộc trong những cuộc hội họp ấy. Đó là nhờ cái nhìn sắc sảo của Nguyễn Văn Vĩnh và cách diễn đạt thâm thúy với những từ ngữ chính trị mang màu sắc chính thống, phần nhiều là những từ Hán Việt trang trọng. Những từ ngữ này, những tính cách này bản thân nó không bao hàm sắc thái hóm hỉnh, cái làm nên sự hóm hỉnh đó là nghệ thuật nắm bắt tinh thần văn bản và đặt nó vào đúng hoàn cảnh.

       Ví dụ: khi nói đến mục đích của cuộc họp, ông dùng một cụm từ Hán Việt đầy tính quốc gia trọng đại: “Họp nhau bàn việc kim-thời nguy-nan”. Cái việc “kim-thời nguy-nan” ấy trong nguyên bản chỉ đơn giản là “những nhu cầu hiện nay” (la nécessité présente); hay cách dùng những từ ngữ để “quan trọng hóa” vấn đề như: “bước hiểm nghèo, phương thi hành, cuộc luận bàn..”, đặc biệt là bốn câu kết luận dày đặc từ và cú pháp Hán Việt:

Nghị luận còn dở dang

Triều đình đông nhan nhản

Thi hành lâm cục trung

Bá quan đà tận tán.

       Phần bình luận này thể hiện rõ quan điểm Nguyễn Văn Vĩnh – một con người không bao giờ theo đuổi công việc gì chỉ là lí thuyết – đối với những cuộc hội họp vô bổ của một lũ người vô trách nhiệm, chỉ nghĩ đến được mất của bản thân. Sự hủ lậu của những cuộc họp, của một lớp người trong xã hội này đã khiến cho bài ngụ ngôn trong bản dịch được thêm một nét chua xót.

       Tuy thế, nếu chỉ dùng từ Hán Việt thì Nguyễn Văn Vĩnh cũng sẽ không lột tả được hết bản chất thật sự của nhân vật, sự kiện và ý nghĩa bài ngụ ngôn này. Có thể nói, việc dùng từ Hán Việt đã mang lại một sự sang trọng bao nhiêu thì từ thuần Việt lại đưa đến một sự thật trần trụi về những ông nghị Chuột bấy nhiêu: dịch giả vô cùng khéo léo dùng những tính từ thuần Việt bên cạnh những danh từ Hán Việt một cách tự nhiên:

Té ra cuộc luận bàn thực hão,

Có lạ gì bàn láo xưa nay!

Chẳng là việc chuột thế này:

Việc dân, việc nước cũng hay bàn xằng,

       Những tính từ thuần Việt “hão”, “láo”, “xằng” đã đủ để lột tả bản chất của hội đồng nghị Chuột!

       Hài hước mà vẫn chua xót, đó chính là điều mà sau này người ta vẫn tìm thấy trong văn học hiện đại thế giới…

Thơ ngụ ngôn La Fontaine

(Một số bài thơ Nguyễn Văn Vĩnh dịch của La Fontaine)

TRUYỆN: CON CHÓ-SÓI VÀ CON CHIÊN CON

Dịch ở tập thơ Dĩ vật giáo nhân của ông La Fontaine làm ra

Lý kẻ khỏe bao giờ cũng cứng

Như chuyện nầy thử đứng mà nghe

Chiên con một bữa vào khe

Cúi đầu uống nước bỗng nghe tiếng gầm

Giật mình Chiên cũng hàn tâm

Trông ra chó sói lăm lăm lẻn vào

Sói ta bụng đói như cào

Lên cơn tức giận ào ào mắng Chiên

Làm sao ngươi quá bạo gan

Nước tao vẫn uống đục lên vì mày;

Tội mi láo xược phen này bảo cho

Chiên ta sợ hãi đứng so

Muôn tâu Lâm chúa thứ cho lần này

Quả tôi lòng thảo dạ ngay

Tôi uống dưới này, Điện hạ trên kia

Hai mươi bước cách quãng khe

Nào tôi làm đục một li nước nào

Sói càng đổ diệt ngay vào

Chính mày làm đục của tao, cãi gì?

Thôi đi! đừng trối nữa đi

Rủa tao năm ngoái những gì nhớ không?

Chiên rằng: muôn lạy Sói công

Vốn tôi năm ngoái chưa trông thấy ngày

Nghĩa là: chưa sinh ra.

Quả rằng đến tận ngày nay

Tôi còn hãi phải bú ngày bú đêm

Sói rằng: ờ phải! tao quên!

Anh mày kia đấy, tội em anh làm

Thưa ông thực quả là oan

Tôi nhà con một, anh em đâu mà

Sói rằng: cũng họ gần xa

Chẳng mày thì lại ông cha họ hàng

Giống Chiên thôi cũng một làng

Chúng bay quen thói chửi quàng chửi xiên

Nể tao chi? họ nhà Chiên!

Từ thằng cầm gậy đi chăn xược mình

Chó săn bay cũng bỉ khinh

Gặp mày nay thật là tình cờ cho

Im ngay! tao cấm được ho

Phen này thù giả để cho sau chừa

Chiên ta chưa kịp nhời thưa

Bỗng đâu Sói đã quắp đưa vào rừng

Đứng ngay một xó dửng dưng

Vật chiên xẻ thịt không từng khảo tra

Cứng tay thì lý vẫn già.

 

GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG

Tham thì thâm cổ nhân dạy thế,

Lấy truyện gà ra để răn đời.

Đem câu bịa đặt kể chơi

Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng.

Chủ ngỡ có bảo tàng trong bụng.

Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu.

Ai ngờ có cóc chi đâu!

Gà thường cũng vậy khác nhau chút nào.

Chủ biết dại kêu gào tiếc của,

Làm gương soi cho đứa tham tâm.

Mới đây lắm kẻ nghĩ lầm,

Được muời lại muốn ngay trăm ngay nghìn

Trơ ra hết nhẵn, ngồi nhìn.

 

CHÓ SÓI VÀ GIÀN NHO

Chó sói kia ở nơi rừng ấy,

Đương đói lòng lại thấy giàn nho.

Mấy chùm vừa chín vừa to,

Nước da đỏ thắm, thơm-tho ngọt-ngào.

Cậu sói cũng ước ao được bữa,

Nhưng giàn cao không với đến nơi.

Chê bai sói lại được lời:

- Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu.

 

CON NHÁI MUỐN TO BẰNG CON BÒ

Con nhái nom thấy con bò,

Hình dung đẹp-đẽ mình to béo tròn.

Nhái bằng quả trứng tí hon,

Lại toan cố sức bằng con bò vàng.

Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương;

Kêu : Chị em đến xem tường cho ta.

Đã bằng chưa chị trông, nà!

Bạn rằng còn kém – Nhái đà phồng thêm;

Hỏi rằng : Được chửa, chị em?

Đáp rằng : Chưa được, phồng thêm ít nhiều!

- Chị ơi còn kém bao nhiêu?

Bạn rằng : - Còn phải phồng nhiều, kém xa!

Tức mình chị nhái vắt ta,

Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền.

Ở đời lắm kẻ thực điên,

Sức hèn lại muốn tranh tiên với người. 

Dại thay những thói đua đòi!

Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh.

Để cho cơ nghiệp tan tành.

 

CON CHÓ RỪNG VÀ CON CÒ

Chó rừng tham ăn hay nuốt vội,

Nhân một khi vui hội anh em.

Miếng ngon đương lúc miệng thèm,

Chưa trôi miếng gối đã thêm miếng đầu.

Phải cái xương mắc sâu trong họng,

Phúc mười đời cò bỗng đi qua.

Chó rừng mới gật chị ta,

Đến ngay thò mỏ gắp ra một hòn.

Xong công việc cò còn tính giá,

Chó rừng đà chẳng trả tiền công.

Lại còn ơn vỗ như không :

- Đầu mày trong cổ họng ông mới rồi.

Đã thoát khỏi thì thôi, phúc đức!

Lại chửa mừng còn chực đòi công.

Bội ơn! Cút thẳng cho xong,

Chớ hề đến trước mặt ông mà ngầy.

 

Một trang sách in song ngữ Pháp và Việt “ Cò và Cáo”

 

Ghế ở phòng khách nhà dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh với ba hình chạm khác Thơ ngụ ngôn La Fontaine

Bài tập tùy chọn

  1. Bạn thấy bài ngụ ngôn nào giống với một người đang sống chung quanh bạn? (ở trường, ở lớp, ở gia đình, trong họ hàng, trong những người quen biết với gia đình bạn).
  2. Thi nhau soạn câu chuyện ngụ ngôn: cho ba nhân vật, một con mèo, một con chó, một con vịt, hãy dựng một câu chuyện ngụ ngôn có giá trị răn dạy con người trong cuộc sống hiện đại.
0