31/03/2021, 15:27

Tục ăn trầu của người Việt - 5 bài văn thuyết minh về những phong tục truyền thống của Việt Nam

Không biết tự bao giờ trầu cau đã đi vào tâm thức người Việt Nam trở nên thật gần gũi. Nhắc tới trầu cau ta thường liên tưởng tới tục ăn trầu . Tục ăn trầu là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Thông qua việc nhai trầu, người ta sẽ thể hiện văn hóa giao tiếp cũng ...

Không biết tự bao giờ trầu cau đã đi vào tâm thức người Việt Nam trở nên thật gần gũi. Nhắc tới trầu cau ta thường liên tưởng tới tục ăn trầu. Tục ăn trầu là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Thông qua việc nhai trầu, người ta sẽ thể hiện văn hóa giao tiếp cũng như tình nghĩa thủy chung son sắt. Vậy tục ăn trầu có từ bao giờ và trầu cau mang những ý nghĩa gì trong văn hoá người Việt Nam xưa và nay?

Tục ăn trầu đã có từ thời vua Hùng (2879 - 258 trước Công Nguyên). Theo như cuốn sách “Lĩnh nam chích quái” được biên soạn vào khoảng năm 1370 - 1400 của Trần Thế Pháp thì nguồn gốc của tục nhai trầu câu bắt nguồn từ một câu chuyện như sau: Ngày xưa, có một chàng trai tên gọi Quang Lang. Chàng có tướng mạo cao lớn nên được nhà vua ban cho họ Cao. Chàng trai đó sinh được hai người con đặt tên là Tân và Lang. Hai anh em lớn lên theo học đạo sĩ họ Lưu. Lúc đó, nhà họ Lưu có người con gái đến tuổi lấy chồng nên đã gả cho người anh. Từ khi Tân có vợ, hai anh em nhà họ Cao không còn thân thiết như trước. Một hôm, người em vì quá buồn tủi nên đã bỏ đi. Giữa đường, người em gặp một con suối lớn không vượt qua được, chàng vừa đói, vừa mệt, vừa khát và cứ thế lả đi rồi chết. Sau khi mất, chàng hóa thành phiến đá vôi. Người anh vì mãi không thấy em trở về nên đã lên đường đi tìm. Khi chàng đến bờ suối vì quá thương nhớ em nên đã chết và hóa thành cây cau mọc bên cạnh tảng đá vôi - hiện thân của người em. Vợ người anh đi tìm chồng cũng chết bên bờ suối đó và hóa thành cây trầu leo vấn vít trên cây cau. Lại tiếp tục đến cha mẹ đi tìm con gái, con rể, đến bờ suối nghe dân trong vùng kể chuyện, cảm động liền lập đền thờ ba người. Một hôm nọ, vua Hùng đi tuần dừng chân bên bờ suối và nghe được câu chuyện của gia đình nọ. Nhà vua đã bảo cận thần hái một quả trên cây cau, ngắt một lá trầu rồi nhai thử cùng ít vôi từ tảng đá. Vua nhai ba thứ đó thì thấy người nóng bừng như có hơi men, môi đỏ tươi sắc mặt hồng hào. Lúc ấy, ông đã thốt lên rằng “Thật là linh dị! Đúng là họ rồi! Tình yêu thương của họ thật là nồng nàn thắm đỏ”. Vua bèn sai người lấy ba thứ ấy về rồi dạy dân lấy lửa nung đá cho xốp rồi lấy trái cây, lá dây leo, cuộn chung lại mà ăn. Vua cũng ban chiếu chỉ rằng những lễ cưới, tiệc lớn nhỏ đều phải lấy những món này ra làm vật phẩm trước để tượng trưng cho tình nghĩa anh em, vợ chồng. Kể từ đó, phong tục nhai trầu của người Việt ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.

Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện của phong cách vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo.Trước tiên, miếng trầu thắm têm vôi nồng, vỏ chay, cùng cau bổ tám bổ tư luôn là sự bắt đầu, khơi mở tình cảm, bởi thế có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu đã làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên gần gũi cởi mở với nhau hơn. Với các nam nữ thanh niên xưa thì trầu cau còn là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước. Mượn câu hát mời trầu để bày tỏ lòng mình. Bên cạnh “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba” là những “trầu giải yếm giải khăn”, “trầu nhân trầu ngãi” để rồi “trầu mình lấy ta”.trầu cau là thứ sính lễ không thể thiếu trong mỗi đám hỏi ở Việt Nam “trầu vàng nhá lẫn cau xanh, Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.

Không những xuất hiện trong cưới hỏi, trong mỗi cuộc vui buồn của làng quê, xuân đến, tết về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng. Thơ Nguyễn Khuyến có câu: “kiếm một cơi trầu sang biếu cụ, xin đôi câu đối để mừng ông”. Hơn thế trầu cau còn là đồ cúng giỗ, dân gian có câu “sửa cơi trầu đĩa hoa dâng cụ” để tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của các bậc tiền nhân. Như thế đủ để biết trầu cau gắn liền với đời sống người dân như thế nào.

Trầu cau dùng tiếp khách hàng ngày như bát chè xanh,như điếu thuốc lào. Đồng thời ăn trầu còn gắn liền với phong tục nhuộm răng đen,một thời là vẻ đẹp hồn hậu chất phác mang đậm vẻ Á Đông của người phụ nữ nơi các làng quê Viêt Nam. Tục ăn trầu không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn có ở rất nhiều nước như: Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Đài Loan… Đặc biệt sớm nhất ở Ấn Độ.

Ngày nay, những người ăn trầu dần ít đi, đa phần chỉ còn các cụ già ở nông thôn là còn giữ phong tục này. Nếu về miền quê Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già móm mém vừa ngồi nhai trầu, vừa kể chuyện cho con cháu nghe một cách rất bình dị. Như vậy, mặc dù trải qua thời gian khá dài nhưng tục ăn trầu ở Việt Nam nói riêng và ở các nước nói chung vẫn được duy trì. Chúng ta tin rằng trong tương lai tục ăn trầu vẫn tồn tại và mãi là nét văn hoá đẹp.
Tục ăn trầu của người Việt
Tục ăn trầu của người Việt
Tục ăn trầu của người Việt
Tục ăn trầu của người Việt

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

0