Tuần 3 – Thương Vợ
Tuần 3 – Thương Vợ Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Trần Tế Xương (1870 – 1907), thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định). Tú Xương lận đận về đường quan trường. Ông đi thi nhiều lần nhưng ...
Tuần 3 – Thương Vợ
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Trần Tế Xương (1870 – 1907), thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định). Tú Xương lận đận về đường quan trường. Ông đi thi nhiều lần nhưng chỉ đỗ đến tú tài. Mặc dù vậy, sự nghiệp thơ ca của ông đã trở thành bất tử.
Trước tác của Tú Xương có khoảng trên 100 bài, chủ yếu là thơ Nôm được viết theo nhiều thể loại (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát) và một số bài văn tế, phú, câu đối,… Thơ Tú Xưong nổi bật ở cả hai mảng trào phúng và trữ tình (còn gọi là hiện thực và trữ tình). Đề tài trong thơ gắn liền với các vấn đề nổi cộm ở thành Nam quê ông lúc đó và hầu hết đều bắt nguồn từ tâm huyết của nhà thơ với dân, với nước, với đời.
2. Tú Xương có bà vợ tao khang từng chịu nhiều gian truân vất vả trong cuộc đời, nhưng đổi lại bà có được niềm hạnh phúc khi dành trọn tình thương yêu và sự trân trọng của chồng. Trong văn học trung đại, ít thấy việc người chồng thể hiện tình cảm trực tiếp đối với vợ qua thơ hoặc giả chỉ được thể hiện qua các bài văn tế (nghĩa là nhà thơ thường chỉ viết về người bạn trăm năm khi họ đã qua đời). Thế nhưng điều đó không đúng với trường hợp Tú Xương. Trong sáng tác của ông Tú, có hẳn một đề tài viết về bà Tú gồm cả thơ, văn tế và câu đối. Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất trong số đó.
3. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, quý trọng của Tú Xương dành cho người vợ tao khang. Qua những lời thơ tự trào, người đọc thấy được vẻ đẹp nhân cách Tú Xương: tự nhận khiếm khuyết khi không hoàn thành trách nhiệm đối với vợ con để rồi càng thấy thương yêu, quý trọng vợ. Bài thơ cũng thể hiện phần nào tâm sự của nhà thơ trước cuộc đời.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Bốn câu thơ đầu là hình ảnh bà Tú qua nỗi lòng thương vợ của Tú Xương. Tình thương vợ sâu nặng của nhà thơ thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao cũng như những đức tính cao đẹp của người vợ tao khang.
Câu thơ đầu mở ra một hoàn cảnh – hoàn cảnh làm ăn buôn bán của bà Tú. Câu thơ là lời giới thiệu nhưng cũng đồng thời gợi ra ngay cái nét tần tảo, tất bật ngược xuôi của bà Tú:
Quanh năm buôn bán ở mom sông.
Câu thơ đắt nhất có lẽ là ở hai từ "quanh năm" và "mom sông". Một từ chỉ thời gian, một từ chỉ không gian hoạt động của nhân vật, thế mà cũng đủ để nêu bật toàn bộ cái công việc lam lũ của người vợ thảo hiền.
Trong thời buổi khốn khó, bà Tú buôn gạo để nuôi chồng, nuôi con. Công việc ấy diễn ra "quanh năm" nghĩa là không trừ một ngày nào dù ngày mưa hay ngày nắng. "Quanh năm" còn là từ năm này tiếp qua năm khác đến rã rời, đến chóng mặt chẳng có chút nghỉ ngơi. Thời gian đằng đẵng kết hợp với cái nơi làm việc là một doi đất nhô ra ngoài sông ấy (mom sông) đủ gợi ra cái gian nan, chênh vênh, chơi vơi của công việc và của cả số phận người phụ nữ nữa.
Hai câu thực gợi tả cụ thể hơn cuộc sống tảo tần gắn với việc buôn bán ngược xuôi của bà Tú. Câu thơ cho thấy nhãn quan sắc sảo, tinh tế và khả năng vận dụng ca dao một cách sáng tạo của Tú Xương. Thấm thía nỗi vất vả, gian lao của vợ, nhà thơ đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà Tú:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Hai câu thơ gợi lại hình ảnh cái cò gánh gạo đưa chồng trong ca dao cổ:
Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Thế nhưng nếu hình ảnh con cò trong ca dao chỉ xuất hiện giữa cái rợn ngợp của không gian thì hình ảnh con cò trong thơ của Tú Xương còn lặn lội trong cả cái rợn ngợp của thời gian. Ba từ "khi quãng vắng" đã nói lên được cả cái rợn ngợp của thời gian và không gian. Nó heo hút, vắng lặng chứa đầy những lo âu, nguy hiểm. Câu thơ lại dùng phép đảo ngữ (đưa từ "lặn lội" lên đầu câu) và dùng từ "thân cò" thay cho từ "con cò" càng làm tăng thêm nỗi vất vả gian truân của bà Tú. Không những thế, từ "thân cò" còn gợi nỗi ngậm ngùi về thân phận nữa. Lời thơ, vì thế, mà cũng sâu sắc hơn, thấm thía hơn.
Nếu câu thơ thứ ba gợi nỗi vất vả, đơn chiếc thì câu thứ tư lại làm rõ sự vật lộn với cuộc sống đầy gian nan của bà Tú:
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Câu thơ gợi tả cảnh chen chúc, bươn bả trên sông nước của những người làm nghề buôn bán nhỏ. Sự cạnh tranh chưa đến mức sát phạt nhau nhưng cũng không thiếu lời qua tiếng lại. Hơn thế nữa "buổi đò đông" còn hàm chứa không phải ít những lo âu, nguy hiểm. Câu thơ gợi lên sinh động đầy đủ một buổi họp chợ có đủ những lời phàn nàn, cáu gắt, có cả những sự chen lấn, xô đẩy hàm chứa đầy bất trắc, hiểm nguy.
Hai câu thực còn đối nhau rất chỉnh, nhất là ở hai cụm từ "khi quãng vắng" với "buổi đò đông" khiến cho sự miêu tả nỗi vất vả của bà Tú càng thêm nổi bật. Bốn câu thơ đầu thực tả cảnh công việc và thân phận của bà Tú, cũng đồng thời cho ta thấy tấm lòng xót thương da diết của Tú Xương.
2. Đi liền với những câu thơ miêu tả cuộc sống gian truân là những câu thơ thầm kín ngợi ca vẻ đẹp đức hạnh của bà Tú. vẻ đẹp ấy trước hết được cảm nhận ở sự đảm đang, tháo vát, chu toàn với chồng con:
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Câu thơ đọc lên đã thấy cái gánh nặng gia đình cứ như đang đè xuống đôi vai của người đang đóng thế vai của người "chủ gia đình". Mỗi chữ trong câu thơ chất chứa bao tình ý. Từ "đủ" trong "nuôi đủ" vừa nói số lượng, vừa nói chất lượng. Oái oăm hơn, câu thơ chia làm hai vế thì vế bên này (một chồng) lại cân xứng với tất cả gánh nặng ở vế bên kia (năm con). Câu thơ là một sự thật, bởi nuôi ông Tú đâu chỉ cơm hai bữa mà còn tiền chè, tiền rượu,… Tú Xương ý thức rõ lắm nỗi lo của vợ và cả sự khiếm khuyết của mình nữa. Câu thơ nén một nỗi xót xa, cay đắng.
Ở bà Tú, sự đảm đang tháo vát đi liền với đức hi sinh. Như đã phân tích ở trên, cái đức hi sinh vì chồng vì con của bà Tú trước hết thể hiện ở việc bất chấp gian khó, chạy vạy bán buôn để nuôi đủ gia đình. Nếu chỉ có thế thôi thì cũng đủ để nhà thơ cảm thương và trân trọng lắm rồi. Song dường như những lời thơ miêu tả còn chưa đủ, Tú Xương còn bình luận tiếp:
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Thành ngữ "năm nắng mười mưa" vốn đã hàm nghĩa chỉ sự gian lao, vất vả nay được dùng trong trường hợp của bà Tú nó còn thể hiện được nổi bật đức tính chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú nữa.
3. Câu thơ cuối là lời Tú Xương, Tú Xương tự rủa mát mình, cũng là lời tự phán xét, tự lên án:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
Hai câu kết chỉ ra hai nguyên nhân gây nên nỗi khổ của vợ: ấy là mình và đời. Đời đen bạc, chồng hờ hững. Hận đời, giận mình chính là đỉnh điểm của tình thương, là cao trào của cay đắng khổ tâm. Câu thơ thực sự là tiếng chửi đời. Đời bạc, mình cũng bạc. Đời bạc đã đày ải người vợ hiền và đời bạc đã biến mình thành ông chồng vô tích sự, ông chồng bạc. Câu thơ là tiếng chửi đời căm phẫn, gay gắt nhưng sắc thái xỉ vả bản thân còn thậm tệ hơn nữa. Lời chửi ẩn sâu từ trong tâm khảm sự thương yêu và có cả những ngậm ngùi, chua xót đến đắng lòng.
4. Thương vợ dựng lên hai bức chân dung: bức chân dung hiện thực của bà Tú và bức chân dung tinh thần của Tú Xương. Trong những bài thơ viết về vợ của Tú Xương, dường như bao giờ người ta cũng gặp hai hình ảnh song hành: bà Tú hiện lên phía trước và ông Tú khuất lấp ớ phía sau.
Ở bài thơ Thương vợ cũng vậy, ông Tú không xuất hiện trực tiếp nhưng vẫn hiển hiện trong từng câu thơ. Đằng sau cốt cách khôi hài, trào phúng là cả một tấm lòng, không chỉ là thương mà còn là biết ơn đối với người vợ nữa.
Yêu thương, quý trọng, tri ân với vợ, đó là những điều làm nên nhân cách của Tú Xương. Ông Tú không dựa vào duyên số để trút bỏ trách nhiệm. Bà Tú lấy ông Tú là do "duyên” nhưng "duyên" một mà "nợ” hai. Tú Xương tự coi mình là cái nợ đời mà bà Tú phải gánh chịu. Vậy là thiệt thòi cho bà Tú. Duyên ít mà nợ nhiều. Có lẽ cũng chính bởi điều đó mà ở trong câu thơ cuối, Tú Xương đã tự rủa mát mình: "Có chồng hờ hững cũng như không".
Điều lạ là dù xuất thân Nho học, song Tú Xương không nhìn nhận theo nhũng quan điểm của nhà nho: quan điểm "trọng nam khinh nữ”, "xuất giá tòng phu" (lấy chồng theo chồng), "phu xướng, phụ tuỳ" (chồng nói vợ theo) mà lại rất công bằng. Tú Xương dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám nhìn nhận ra những khuyết thiếu của mình để mà day dứt. Một con người như thế là một nhân cách đẹp.
III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Thương vợ là một trong những bài thơ mà Tú Xương vận dụng một cách rất sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian.
+ Về hình ảnh: Ta hãy làm một phép so sánh. Trong ca dao, hình ảnh con cò có khá nhiều ý nghĩa. Có khi nó được dùng để nói về thân phận người phụ nữ lam lũ, vất vả, chịu thương, chịu khó ("Cái cò lặn lợi bờ sông – Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non"). Có khi lại tượng trưng cho thân phận người lao động nói chung với nhiều bất trắc, thua thiệt ("Con cò mà đi ăn đêm – Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao"). Như thế, con cò trong ca dao vốn đã gợi nhiều cay đắng, xót xa. Song dường như ứng vào một thân phận cụ thể (như trong bài thơ Thương vợ là nói về bà Tú chẳng hạn) nó lại càng gợi sự xót xa, tội nghiệp nhiều hơn. Như đã phân tích, con cò trong ca dao tội nghiệp trong cái rợn ngợp của không gian còn con cò trong thơ của Tú Xương thì bị bao vây bởi cả không gian lẫn thời gian rợn ngợp, heo hút. Hơn thế nữa, so với từ "con cò" trong ca dao thì từ "thân cò" của Tú Xương mang tính khái quát cao hơn, do vậy mà tình thương yêu của Tú Xương cũng sâụ sắc và thấm thía hơn.
– Ngôn ngữ: Đáng chú ý nhất là vận dụng rất sáng tạo thành ngữ "năm nắng mười mưa". Cụm từ "nắng mưa" chỉ sự vất vả. Các từ năm, mười là số lượng phiếm chỉ, để nói số nhiều, được tách ra rồi kết hợp với "nắng mưa" tạo nên một thành ngữ chéo. Hiệu quả của nó là vừa nói lên sự vất vả, gian lao, vừa thể hiện được đức tính chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng, vì con của bà Tú.
Mai Thu