Tuần 27 – Người trong bao
Tuần 27 – Người trong bao Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904) là một trong những đại biểu cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga, bước vào lịch sử văn học Nga như một nhà cách tân thiên tài trong lĩnh vực truyện ngắn và kịch nói. Tác ...
Tuần 27 – Người trong bao
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904) là một trong những đại biểu cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga, bước vào lịch sử văn học Nga như một nhà cách tân thiên tài trong lĩnh vực truyện ngắn và kịch nói. Tác phẩm của Sê-khốp đã nghiêm khắc lên án chế độ xã hội bất công, thói cường bạo và cuộc sống ăn hại của tầng lớp cầm quyền nước Nga đương thời, phê phán sự bất lực của giới trí thức và sự sa đoạ về tinh thần của một bộ phận trong số họ, đồng thời biểu hiện sâu sắc sự đồng cảm và trân trọng đối với những người lao động nghèo, tình yêu thắm thiết và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của nhân dân Nga, đất nước Nga.
A. Sê-khốp sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta-gan-rốc, bên bờ biển A-dốp, miền Nam nước Nga.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y, Sê-khốp vừa làm bác sĩ nông thôn vừa viết báo, viết văn đồng thời tham gia nhiều công việc xã hội, giáo dục, văn hoá; nổi bật là chuyến đi thăm đảo Xa-kha-lin (1890) – nơi đày ải các tù nhân Nga.
Năm 1887, Sê-khốp được nhận Giải thưởng Pu-skin của Viện Hàn lâm khoa học Nga; năm 1900, ông được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga. Năm 1904, Sê-khốp ốm nặng và qua đời ở Đức.
2. Người trong bao (1898) là truyện ngắn nổi tiếng của Sê-khốp, được sáng tác trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen. Thời ấy, xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế nặng nề cuối thế kỉ XIX. Môi trường xã hội ấy đã đẻ ra lắm kiểu người kì quái mà "người trong bao" Bê-li-cốp là một phát hiện nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của nhà văn. Đây là một trong ba truyện ngắn có chung chủ đề phê phán lối sống tầm thường, dung tục tiểu tư sản, lối sống của một kiểu người, một bộ phận trí thức xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX. Đó là các truyện: Khóm phúc bồn tử, Một chuyện tình yêu, Người trong bao.
3. Nhìn chung, truyện ngắn của Sê-khốp thâm trầm, kín đáo, ý tứ sâu sắc, chủ đề tư tưởng thường được gửi gắm vào hình tượng nhân vật, vào nhân vật người kể chuyện, có khi vào cả nhan đề truyện. Thái độ, tình cảm của tác giả thường tỏ ra kìm nén, lạnh lùng, khách quan đứng ngoài để người đọc tự suy ngẫm, tự hiểu. Nhưng cũng có khi ông trực tiếp bày tỏ thái độ của mình một cách dứt khoát, thậm chí quyết liệt nhưng vẫn với giọng điệu bình tĩnh, mỉa mai, châm biếm và đượm một nỗi buồn sâu sắc: buồn, về cuộc sống chung quanh, buồn về không ít những con người tầm thường, tẻ nhạt hoặc đê tiện khủng khiếp đang sống cùng thời với ông. Sê-khốp muốn nhắc đi nhắc lại lời nhắn gửi người đọc: "Không thể sống như thế mãi được!".
Trong truyện ngắn Người trong bao, qua cuộc trò chuyện của hai người bạn: thầy giáo trường làng Bu-rơ-kin và bác sĩ thú y I-van I-va-nứt, qua việc khắc hoạ chân dung nhân vật thầy giáo dạy tiếng Hi Lạp cổ Bê-li-cốp, tác giả muốn khắc hoạ chủ đề người trí thức Nga, lối sống mê-si-an (tiểu tư sản) ở Nga, lối sống tầm thường, hủ lậu, hèn nhát, cá nhân và ích kỉ, máy móc và giáo điều, đê tiện và dung tục. Lối sống mê-si-an đầu độc tâm hồn con người, đầu độc cuộc sống. Nó gây ảnh hưởng và hậu quả nặng nề, lâu dài, dai dẳng trong xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Câu chuyện cảnh tỉnh người đọc: phải tìm mọi cách thoát ra khỏi cuộc sống, lối sống trong bao, thu mình vào bao, lối sống bò sát như con sên, nằm co như con ốc, tự mình làm khổ mình, làm khổ mọi người,… để vươn tới cuộc sống mới chân thực, rộng mở, hồn nhiên, lành mạnh, trong sáng, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Đó cũng chính là khát khao khắc khoải của Sê-khốp trong cuộc đời viết văn của mình.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Hình tượng nhân vật Bê-li-cốp – Người trong bao
a) Chân dung Bê-li-cốp được vẽ bằng những nét khá cụ thể và đặc biệt rất kì dị: cặp kính đen trên gương mặt nhợt nhạt, nhỏ bé, choắt lại như mặt chồn, hắn nổi tiếng vì cách ăn mặc, phục sức khác người: tất cả đều để trong bao, mang bao, cho vào bao (giày, ủng, kính, ô,…). Đến ý nghĩ của mình, y cũng cố giấu vào bao. Y không bao giờ dám có ý kiến riêng về bất cứ một vấn để nhỏ, to nào,…
Từ những nét vẽ rất thành công, nhà văn khái quát khát vọng mãnh liệt – kì dị của Bê-li-cốp. Thu mình trong một cái vỏ, tạo cho mình một thứ bao để có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng, tác động của cuộc sống bên ngoài. Sống với mọi người, giữa mọi người trong môi trường xã hội, trong một trường học, khát vọng ấy càng trở nên khó hiểu, trái khoáy và lập dị hơn.
Bê-li-cốp nhút nhát, ghê sợ hiện tại nhưng lại ngợi ca, tôn sùng quá khứ (hắn rất say mê tiếng Hi Lạp cổ). Bê-li-cốp chỉ thích sống theo những thông tư, chi thị một cách máy móc, giáo điều rập khuôn như cái máy vô hồn,… Tính cách kì quặc của Bê-li-cốp được tác giả đẩy lên cao hơn nữa với khá nhiều dẫn chứng sinh động trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày (buồng ngủ, quan hệ với đồng nghiệp, cả mối tình đầu muộn mằn của y với Va-ren-ca,…). Bê-li-cốp sống trong cô độc. Hắn luôn luôn lo lắng, sợ hãi, sợ tất cả. Câu nói cửa miệng của hắn là: "Nhỡ lại xảy ra chuyện gì thì sao!". Chính vì kiểu sống và tính cách như thế cho nên mối tình đầu muộn mằn của y với Va-ren-ca, khi y đã ngoài bốn mươi tuổi, vẫn không thành là điều dễ hiểu.
Điều đáng nói là dù đầy nhược điểm, nhưng bản thân Bê-li-cốp lại luôn luôn thoả mãn, luôn hài lòng với lối sống cổ lỗ, hủ lậu, kì quái của mình. Y cho rằng sống như y mới là sống, làm việc như y mới là làm việc, mới là người có trách nhiệm, người công dân tốt của nhà nước, người viên chức mẫn cán đối với cấp trên. Đó là lẽ sống, lối sống, triết lí sống tự nhiên của y. Bê-li-cốp tự nguyện, tự giác tuân thủ nghiêm túc và thường xuyên cái lối sống trong bao đó. Y không hề biết và không thể biết mọi người nghĩ về y, sợ y, chế giễu y, khinh ghét y, ghê tởm y như thế nào. Cái đáng lưu ý nhất trong tính cách của Bê-li-cốp, cái làm cho y trở nên kì quái nhất, cô độc nhất chính là ở chỗ đó.
Bê-li-cốp luôn tự tin ở cách sống đúng mực của mình. Y rất ngạc nhiên và không thể chịu đựng được cách sống của chị em Va-ren-ca. Y càng ngạc nhiên đến hoảng hốt vì lại có thể có người vẽ bức tranh châm biếm chế giễu mối tình đầu trong sạch và chân thành nhất của y. Y không hiểu vì sao để đáp lại thịnh tình của y, cái anh chàng Cô-va-len-cô lại có thể đối xử thô bạo, bất nhã với y đến như vậy.
Quả thật, Bê-li-cốp không hiểu mọi người xung quanh, không hiểu xã hội, cuộc sống đương thời. Y cứ nhởn nhơ, tự nhiên đắm chìm trong quá khứ, trong những xác tín cực kì lạc hậu, đen tối như cặp kính đen luôn gắn với đôi mắt nhỏ của mình. Bê-li-cốp quả thật là một con người lạc lõng, cô độc, kì quái, khủng khiếp với chân dung và tính cách của y. Đó thực là một kẻ hèn nhát, cô độc, máy móc, giáo điều, thu mình trong bao, trong vỏ ốc và cảm thấy yên tâm, sung sướng, hạnh phúc, mãn nguyện trong đó. Đó là người trong bao, lối sống trong bao, tính cách trong bao hay người mang vỏ ốc.
b) Lối sống và con người Bê-li-cốp đã ảnh hưởng mạnh mẽ và dai dẳng đến lối sống và tinh thần của anh chị em trong trường nơi y làm việc, trong cả thành phố nơi y sống. Mọi người ghét y, sợ y, tránh xa y, không muốn dây với y.
Đôi khi có một người cũng muốn tò mò thử thay đổi cách sống của y bằng cách gán ghép y với Va-ren-ca, nhưng chẳng ăn thua gì! Có người như Cô-va-len-cô khinh ghét ra mặt, nói thẳng vào mặt Bê-li-cốp, gây gổ với y, to tiếng với y, đẩy y ngã lăn xuống cầu thang,…
Nhưng tất thảy, xét đến cùng, đều không những chẳng thể làm gì để có thể thay đổi, biến đổi cách sống, tính cách của Bê-li-cốp mà ngược lại, còn luôn bị tính cách ấy, lối sống ấy đầu độc, ám ảnh tinh thần mọi người suốt mười lăm năm trời, cho đến tận khi Bê-li-cốp chết.
Nhưng đáng buồn thay, ngay cả khi Bê-li-cốp chết, tính cách và lối sống của y vẫn tiếp tục tồn tại và gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hiện tại và tương lai của cả dân thành phố, không tài nào thoát ra được. Bởi, Bê-li-cốp đâu chỉ là một tác nhân kì quái nhất, cổ hủ nhất, tầm thường, dung tục nhất, mà toàn bộ hình ảnh con người y, tính cách y chính là điển hình cho một kiểu người, một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại trong cuộc sống của một bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX. Nó chỉ có thể chấm dứt, hoặc thay đổi tận gốc cùng với cả xã hội bằng một cuộc cách mạng xã hội mà thôi!
2. Trong cấu trúc nghệ thuật của truyện, nhà văn đã để Bê-li-cốp chết một cách bất ngờ. Cái chết của nhân vật chính đã gây ra không ít những ngạc nhiên cho những người xung quanh trong trường, trong thành phố nơi y sống và làm việc.
Có thể xem việc để Bê-li-cốp chết một cách bất ngờ là một "ý đồ nghệ thuật" của Sê-khốp. Đó là cách để tác giả đẩy tính cách nhân vật lên tới đỉnh cao. Xét về mặt lô gích cuộc sống, đó là cái chết tất yếu. Bê-li-cốp với tạng người, cách sống của y, dẫn đến cái chết như thế là lô gích. Nhất là với cái chết, với việc được nằm vĩnh viễn trong quan tài, cuối cùng Bê-li-cốp đã tìm được cho mình cái bao tốt nhất, bền vững nhất. Đó vẫn là mong muốn thành thực nhất của y.
Với mọi người, khi Bê-li-cốp còn sống, họ sợ hãi, căm ghét y; khi y chết, họ cảm thấy được thoát khỏi gánh nặng, thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng chưa được bao lâu, cuộc sống của họ lại diễn ra như cũ, như khi Bê-li-cốp còn sống: nặng nề, mệt nhọc, vô vị và tù túng vô cùng. Từ cách thể hiện nghệ thuật này, nhà văn khái quát ảnh hưởng, tác động dai dẳng, nặng nề của kiểu người Bê-li-cốp, lối sống Bê-li-cốp lên bầu không khí ngột ngạt, nặng nề của văn hoá, đạo đức xã hội nước Nga đương thời như thế nào.
3. a) Hình ảnh cái bao là một trong những sáng tạo độc đáo của tác giả. Nó có thể bao hàm và gợi ra cho người đọc những ý nghĩa sau:
– Nghĩa đen (nghĩa gốc): Vật dùng để bao, gói, đựng đồ vật, hàng hoá,… hình túi, hình hộp,…
– Nghĩa bóng (nghĩa chuyển): Lối sống và tính cách của Bê-li-cốp.
– Nghĩa tượng trưng: Kiểu người trong bao, lối sống trong bao – một kiểu người, một lối sống không chỉ đã và đang tồn tại ở nước Nga cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX mà còn có ý nghĩa phổ quát hơn nhiều.
b) Chủ đề tư tưởng của truyện
Người trong bao lên án mạnh mẽ kiểu người trong bao, lối sống trong bao hèn nhát, cá nhân, ích kỉ, hủ lậu của một bộ phận trí thức Nga và tác hại của nó đối với hiện tại và tương lai của nước Nga.
Truyện cũng bức thiết cảnh cáo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cuộc sống, cách sống, không thể sống tầm thường, vô vị và hủ lậu như thế mãi!
4. Những đặc sắc nghệ thuật của truyện được thể hiện ở:
– Cách chọn ngôi kể: Tác giả đồng thời sử dụng cả hai hình thức người kể chuyện và nhân vật kể chuyện. Nhân vật trong truyện đồng thời cũng là nhân vật kể chuyện (Bu-rơ-kin) ở ngôi thứ nhất (xưng tôi). Tác giả vẫn giữ ngôi thứ ba, kể lại câu chuyện của Bu-rơ-kin. Nhờ cách chọn ngôi kể như vậy, tác giả vừa đảm bảo được tính khách quan vừa vẫn thể hiện được tính chủ quan, gây được cảm giác gần gũi và chân thật của câu chuyện.
Tạo ra cấu trúc kể truyện lồng trong truyện:
+ Truyện kể của tác giả về hai người đi săn về muộn.
+ Truyện kể của Bu-rơ-kin về Bê-li-cốp.
– Giọng kể: Giọng mỉa mai, châm biếm mà trầm tĩnh, chậm buồn, bề ngoài có vẻ khách quan, bình thản nhưng giấu bên trong sự bức xúc, trăn trở mạnh và sâu.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Bê-li-cốp được khắc hoạ một cách rất điển hình – một tính cách kì quái mà chân thực từ ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động đến tính cách, lối sống.
– Biện pháp đối lập giữa các kiểu người, các tính cách và lối sống trái ngược:
+ Bê-li-cốp và chị em Va-ren-ca, Cô-va-len-cô.
+ Bê-li-cốp và cán bộ giáo viên trường trung học, nơi y làm việc và mọi người trong thành phố.
– Nghệ thuật xây dựng biểu tượng: Hình ảnh cái bao và lời nói "Nhỡ lại xảy ra việc gì thì sao?". Hình ảnh và lời nói này đều vừa có ý nghĩa cụ thể vừa có ý nghĩa biểu tượng.
– Kết thúc truyện bằng cách trực tiếp phát biểu chủ đề qua một câu cảm thán (hoặc câu hỏi tu từ: Không thể sống như thế mãi được!) gây ấn tượng mạnh với người đọc.
5. Người trong bao có ý nghĩa thời sự rộng rãi và sâu sắc với đương thời ở nước Nga. Không những thế, lối sống trong bao, kiểu người trong bao với những biến thể, dị bản khác nhau có ý nghĩa toàn thế giới, lâu dài cho đến tận ngày nay. Chỉ đến khi nào xã hội loài người trở nên trong sạch, lành mạnh, tự do, khi mỗi cá nhân ý thức được mục đích và cách sống của mình thống nhất với các chuẩn mực văn hoá, đạo đức của cộng đồng hiện đại,… thì lối sống trong bao mới triệt để chấm dứt.
III – HUỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Kể sáng tạo truyện bằng cách nhập vai nhân vật chính Bê-li-cốp – xưng "tôi" hoặc "mình", kể cả khi Bè-li-cốp đã chết.
2. Không nên và không thể thay nhan đề Người trong bao bằng các nhan đề:
A – Bê-li-cốp
B – Một con người kì quái
C – Không thể sống như thế!
D – Câu chuyện trong nhà kho
vì:
– Nhan đề Người trong bao là một nhan đề giàu hình ảnh, vừa mang tính khái quát lại vừa gây ấn tượng sâu sắc nhất, lạ nhất (Tác giả Nguyễn Hữu Vui dịch là Người mang vỏ ốc).
– Đó là sáng tạo độc đáo của tác giả.
– Đó là cách dịch sát nghĩa nguyên tác nhất.
3. Một số thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có nội dung gần với lối sống và kiểu người trong bao:
– Mũ ni che tai. – Co vòi rụt cổ.
– Con ốc nằm co. – Nhát như thỏ đế.
– Rụt cổ rùa. – Len lét như thằn lằn mồng năm.
Mai Thu