06/02/2018, 00:20

Tuần 22 – Rừng xà nu

Tuần 22 – Rừng xà nu Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyên Ngọc. Nguyễn Trung Thành sinh nãm 1932 ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, khi đang học trung học phổ thông, ông xin gia nhập ...

Tuần 22 – Rừng xà nu

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyên Ngọc. Nguyễn Trung Thành sinh nãm 1932 ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, khi đang học trung học phổ thông, ông xin gia nhập quân đội. Sau một thời gian ở đon vị chiến đấu, ông được chuyển làm phóng viên báo Quân đội nhân dân ở Liên khu V. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Nguyên Ngọc tập kết ra Bắc nhưng năm 1962, ông lại trở về miền Nam làm Chủ tịch chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ, đồng thời phụ trách tạp chí Văn nghệ quân giải phóng của Quân khu V.

Các tác phẩm chính: Đất nước đứng lên (tiểu thuyết, 1954), Mạch nước ngầm (truyện vừa, 1960), Rẻo cao (tập truyện ngắn, 1961), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (tập truyện và kí, 1969), Đất Quảng (tiểu thuyết, phần I – 1971, phần II- 1974).

Trong cả hai cuộc kháng chiến, Nguyên Ngọc chủ yếu gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Những thành công lớn nhất trong sự nghiệp văn học của Nguyên Ngọc cũng gắn với mảnh đất ấy.

2. Năm 1962, Nguyên Ngọc trở lại miền Nam, vừa chiến đấu vừa sáng tác. Mùa hè năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam, các chiến dịch càn quét được tổ chức quy mô và rầm rộ hơn. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyên Ngọc viết Rừng xà nu như là một biểu tượng cho tinh thần bất khuất kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào ta nói chung. Rừng xà nu đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ (số 2, 1965), sau đó được tuyển in trong tập truyện và kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

Rừng xà nu là câu chuyện về quá trình trưởng thành trong nhận thức cách mạng của một con người, cũng như của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chân lí tất yếu mà họ nhận ra đó là chỉ có dùng bạo lực cách mạng mới có thể đè bẹp được bạo lực phản cách mạng. Truyện ngắn giàu âm hưởng sử thi. Âm hưởng sử thi trước hết thể hiện ở ngay chủ đề của tác phẩm, ở cuộc đời và số phận mang tính bi tráng của nhân vật chính. Sau nữa là ở cách đặt toàn bộ câu chuyện vào một khung cảnh thiên nhiên hoành tráng, kết hợp với giọng kể trang nghiêm như lời phán truyền của cụ Mết. Ngôn ngữ truyện giàu âm hưởng, vừa rất trang nghiêm, vừa rất hào hùng khiến cho câu chuyện kể hiện tại của cuộc kháng chiến chống Mĩ bỗng có một "độ lùi sử thi" trong sự chiêm nghiệm của người đọc.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Gợi ý

Tâm hồn mỗi nhà văn dường như được vẫy gọi bởi những ngoại cảnh riêng biệt, ám ảnh. Với Nguyễn Trung Thành, mảnh đất Tây Nguyên vừa hào hùng, man dại, vừa linh thiêng, bí ẩn khôn cùng, có một sức hấp dẫn lớn. Bắt rễ từ chính hồn thiêng sòng núi nơi đây, cây xà nu, rừng xà nu và sức sống mãnh liệt của nó đã trở thành điểm nhấn đặc biệt khắc sâu, ghi tạc trong cảm hứng sáng tạo của ông. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành được ẩn hiện trong những rừng cây xà nu tít tắp đến chân trời, được hoá thân trong bao nhiêu con người tiếp nối những thế hệ, được âm vang trong hồn thiêng núi nước Tây Nguyên. Không khí sử thi mở ra trong tác phẩm vừa linh thiêng, man dại, vừa hào hùng, bi tráng cuốn hút người đọc trong từng chi tiết, rạo rực lòng người theo những khúc tráng ca.

Chính Nguyên Ngọc đã từng tâm sự: "Tôi yêu say mê cây rừng xà nu. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hàng vạn, hàng triệu cây vô tận". Chính tình yêu đầy đam mê cho cây rừng xà nu, chính sự gắn bó máu thịt với núi nước Tây Nguyên anh hùng đã khiến ngòi bút Nguyễn Trung Thành khắc tạc những hình ảnh tuyệt mĩ về thiên nhiên, con người nơi đây. Cảm hứng mãnh liệt về loài cây "hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch" đã thôi thúc tận tâm can, thúc giục tự trong máu để rồi "hình tượng lớn bao trùm toàn tác phẩm là hình tượng những cây xà nu, những rừng xà nu. Chính nó đã đem lại cho tác phẩm sức khái quát lớn cũng như sự sinh động, chân thực như cuộc đời".

"Sức khái quát lớn" và "sự sinh động, chân thực" của hình tượng cây Rừng xà nu nằm ở chỗ viết về cây rừng xà nu nhưng Nguyễn Trung Thành còn gợi đến tận cùng bản chất khốc liệt của chiến tranh. Bút pháp miêu tả được sử dụng đầy sáng tạo, tài hoa khiến người đọc hình dung được trước mắt bức tranh Tây Nguyên khốc liệt, xót đau mà hào hùng, kiêu hãnh. Những trang văn đậm chất anh hùng ca cứ vang vọng, hào sảng, lời của núi rừng tạo nên một không khí rất riêng cho truyện.

"Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn". Rừng xà nu vươn mình hứng chịu, gánh lấy cái dữ dội, bạo tàn của chiến tranh, bom đạn. Người ta như nghe được tiếng bom rơi đạn nổ dội vào nơi đây nhưng cũng như nghiêng mình ngưỡng vọng trước một thế trường tồn đầy kiêu hùng, thách thức. Thu vào mình bao đau thương nhưng ấn tượng về cây rừng xà nu lại là một cảm hứng mãnh liệt, hào hùng. Nguyễn Trung Thành miêu tả rất ấn tượng hình ảnh những cây xà nu bị thương, có tác động mạnh mẽ đến giác quan người đọc: "Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn". Ngay khi cây gục ngã, người ta vẫn thấy bừng lên một sức sống diệu kì, chính ở chỗ vết thương, sự sống của cây như căng trào, tràn trề nhất. Cái gay gắt của nắng hè gặp gỡ cái ứa tràn của nhựa cây, kết tụ thành một vẻ đẹp long lanh, lộng lẫy. Ngay trong cái chết, sự sống vẫn trỗi dây, tưởng như không gì ngăn cản nổi, vẻ đẹp vẫn thăng hoa, ngỡ như không bom đạn nào có thể tàn phá. Nguyễn Trung Thành đã nhìn cây xà nu như một sinh thể sống khi đặc biệt khắc tạo hình ảnh những "cục máu lớn". Nhựa xà nu hay máu con người mà cũng mang trong mình đầy đủ và sống động cái đau thương, khốc liệt của chiến tranh? Câu văn sinh động với thủ pháp nhân hoá, có sức gợi rất sâu và đánh động đến nỗi đau sâu thẳm của con người trong chiến tranh. Nhìn những cây xà nu bị thương mà người ta tưởng chừng tác giả cũng xót xa, đau đớn như chính hình ảnh những con người Tây Nguyên bị thương, tàn phá. "Sức khái quát và sự chân thực, sinh động của hình tượng cây rừng xà nu nằm chính ở sức gợi khôn cùng này chăng?

Sức sống kì diệu của cây đối lập gay gắt với sự tàn bạo, khốc liệt của kẻ thù. Như một sự thách thức, cây này mới ngã gục, "đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời". Bất chấp bom đạn chiến tranh, bất chấp những đợt đại bác, xà nu vẫn mãnh liệt sinh sôi và kiêu hãnh trường tồn. Hình tượng được miêu tả không chỉ "sinh động, chân thực như cuộc đời" mà còn có sức khái quát lớn lao khi mở ra những liên tưởng thú vị giữa sự sinh sôi của cây xà nu với sức sống con người Tây Nguyên. Nếu sự sinh sôi của cây là bất tận thì sức sống của con người nơi đây là khôn cùng. Nếu không bom đạn nào tàn phá được hết cây rừng xà nu thì cũng không cuộc chiến tranh nào có thể khiến con người Tây Nguyên gục ngã, đầu hàng. Dường như sức sống man dại, mãnh liệt và kiêu hùng đã trở thành bản chất của núi nước, đại ngàn Tây Nguyên. Những cây con nhọn hoắt hình mũi tên, "phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng" như mang theo cùng cái khát vọng vươn tới mạnh mẽ, quyết tâm của con người trong đấu tranh cách mạng. Sức vươn tới và sự ham sống của rừng xà nu cũng là niềm khao khát tự do của những ý chí sục sôi, tinh thần đấu tranh anh dũng của dân làng Xô Man. Ngắm nhìn cái dáng vươn lên, cái thế đứng đón đợi mặt trời của cây rừng xà nu, người ta như thấy cả cái bất khuất, ngạo nghễ trong tư thế con người, dân tộc Tây Nguyên. Xà nu đẹp đến lạ thường, ngay cả khi nó đối diện với đạn đại bác của giặc: "thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng". Câu văn nồng nàn cái men say đầy chất thơ, căng trào cái mỡ màng, óng ánh của sự sống, đưa người đọc đến với vẻ đẹp tráng lệ của cây xà nu, lạc bước vào khu rừng đầy sự kì diệu. Sức sống xà nu trào dâng trong không gian, bao bọc khắp núi rừng bằng một mùi thơm rất riêng, ngọt ngào, tươi mới. Nó đánh thức niềm tự hào, kiêu hãnh sâu sắc trong lòng người, nó khơi lên cái dào dạt của sức sống Tây Nguyên. "Đạn đại bác không giết nổi chúng", những cây xà nu cứ hiên ngang tồn tại như một sự thách thức đầy kiêu hùng với kẻ thù. Câu văn là một lời phủ định nhưng lại bao hàm một sự khẳng định đầy mạnh mẽ, tự hào về sức sống bền bỉ, lâu dài của cây xà nu. Bất chấp sự tàn bạo, khốc liệt của chiến tranh, xà nu trường tồn cùng hồn thiêng sông núi, với vẻ đẹp hoang dại mà đầy chất thơ, với sức sống bền bỉ mà bất khuất. Hình tượng xà nu đã hiện ra như thế, dưới ngòi bút hừng hực cảm hứng ngợi ca và dạt dào một tình yêu dam mê cho mảnh đất nơi này. Nó không chỉ phập phồng hơi thở núi rừng "sinh động, chân thực như cuộc đời" mà còn ẩn chứa những ý nghĩa "khái quát" lớn lao. Sức sống mãnh liệt, ý chí bền gan, tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên phải chăng đã bật lên từ chính gốc rễ cây rừng xà nu, được nuôi dưỡng bằng nhựa sống xà nu? Cây xà nu, rừng xà nu đã trở thành hồn thiêng của núi nước Tây Nguyên, mang trong mình linh hồn con người Tây Nguyên. Người ta hiểu vì sao người Tây Nguyên yêu quý cây xà nu đến thế, tình người và hồn đất lại quyện hoà sâu sắc đến vậy. "Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng", trở thành bức thành trì vững chắc, kiên cố để bảo vệ cho dân làng Xô Man. Người ta không chỉ hình dung được cái lớn lao, khoẻ khoắn của "tấm ngực lớn" xà nu mà còn cảm nhận được mối quan hệ, sự gắn bó, chở che máu thịt thiêng liêng giữa cây và người. Lời khen tặng của Nguyễn Trung Thành được dệt nên bởi bao nhiêu xúc cảm nâng niu, trân trọng, tự hào, bởi vậy nó không chỉ có "sức khái quát, sự sinh động, chân thực" mà còn lắng đọng tấm tình chân thành, cảm hứng ngợi ca của tác giả.

"Tấm ngực lớn" của cây rừng xà nu không chỉ che chở, bao bọc dân làng Xô Man mà còn bao trùm toàn tác phẩm của Nguyễn Trung Thành. Xà nu trở thành một nhân vật trung tâm mà từ đây, phát khởi biết bao sức sống, lan toả biết bao vẻ đẹp và gọi dậy những tinh thần, ý chí kiên định, sục sôi. "Chính nó đã đem lại cho tác phẩm sức khái quát lớn cũng như sự sinh động, chân thực như cuộc đời". Nó kết tinh được linh hồn, tinh thần, sức mạnh của con người và mảnh đất Tây Nguyên, nó hiển hiện đầy sống động và linh diệu sự sống trường tồn, vẻ đẹp mỡ màng và tư thế bất khuất. Bút lực Nguyễn Trung Thành đã dồn tụ bao nhiêu tâm huyết đã chạy đua với vẻ đẹp, sức sống xà nu để thâu tóm, kết tụ lên trang văn, cho hình tượng trung tâm này một sức khái quát, một sự "sinh động, chân thực" độc đáo và đặc sắc.

Xà nu không chỉ toả bóng trên trang vãn mà còn khắc tạc trong máu tim người nghệ sĩ để "khơi lên nguồn cảm hứng dạt dào, trở thành điểm tựa, điểm gợi tứ đề nhà văn suy ngẫm về mạch sống của đất nước và sức sống của nhân dân". Hình tượng xà nu đã đánh động đến cõi sâu thẳm của tâm linh, đã khơi gợi những suy ngẫm, chiêm nghiệm đầy lắng đọng của người viết. Nó không chỉ ào ạt, vang động cái không khí đánh Mĩ hừng hực lúc bấy giờ mà còn tìm về những chiều sâu suy ngẫm "về mạch sống của đất nước và sức sống của nhân dân". Xà nu đã kết tinh cái lắng sâu của tư tưởng, mở ra phút thăng hoa của cảm xúc để rồi gợi hứng, gợi tứ cho những trang văn. Nguyễn Trung Thành đã viết về "điểm tựa" điểm gợi tứ ấy: "Rừng xà nu chợt đến và lập tức tôi biết tôi đã tạo được không khí, đã có không gian ba chiều. Và cũng lập tức đã nhập được vào không khí và không gian ấy. Tất cả trở nên dễ dàng đến ngạc nhiên đối với tôi. Tôi hình dung ra, thấy hiển hiện ra tất cả. Các chi tiết tự nó đến, cách sắp xếp các lớp thời gian, xen kẽ, đan quyện những mạch nối cùng đến dễ dàng và tự nhiên, như tất nó phải vậy". Chỉ một phút chợt đến mà rừng xà nu đã mở ra biết bao không gian, hình ảnh, đã "khơi lên nguồn cảm hứng dạt dào" cho ngòi bút Nguyễn Trung Thành. Chẳng phải "điểm tựa, điểm gợi tứ" đã làm được những điều kì diệu đó sao?

Cây rừng xà nu đã trở thành biểu tượng của "đất nước đứng lên", của Tây Nguyên nổi dậy. Chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng đã chung đúc, hội tụ trong tâm hồn, trí óc của tất cả mọi người, tạo nên một sức mạnh thống nhất chặt chẽ trong tác phẩm. "Mạch sống của đất nước" cuồn cuộn trào dâng với tinh thần đồng khởi, với khát vọng diệt giặc cứu nước của tập thể nhân dân anh hùng. "Mạch sống của đất nước" âm ỉ mà mãnh liệt, lặng thầm mà mạnh mẽ, bất tận, không bao giờ thôi trôi chảy, không khi nào ngừng tiếp nối. Giống như hình tượng xà nu "nối tiếp tới chân trời", con đường kháng chiến của dân tộc còn dài lâu, gian khổ nhưng luôn vút lên cái thế đứng bất khuất, anh hùng. Cây xà nu còn, "mạch sống của đất nước" còn, cây xà nu nối tân chân trời, những thế hệ con người của đất nước ấy vẫn sinh sôi, trưởng thành trong kháng chiến. Cuộc kháng chiến trường kì đòi hỏi bao nhiêu cống hiến, hi sinh, một con đường dài đang trải ra trước mắt nhưng "mạch nguồn đất nước" vẫn cứ chảy trôi. Mở ra và kết thúc tác phẩm, hình ảnh những cây xà nu tít tắp phía chân trời giống như một khúc vĩ thanh đẹp đẽ, âm vang và hào sảng, mang theo lời của hồn thiêng sông núi, vang động mạch sống của đất nước, quê hương.

2. a) Tnú là nhân vật trung tâm của tác phẩm, dồn tụ những sáng tạo của bút lực Nguyễn Trung Thành, kết tinh đậm nét cảm hứng anh hùng ca. Nhân vật được xây dựng trong cả một quá trình, cả một con đường đời từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành. Gan lì, nhanh nhẹn, nghị lực, quyết tâm và tình yêu thương sâu thẳm chính là những nét tính cách cơ bản, ổn định của nhân vật. Chân dung người anh hùng mang đậm nét sử thi đã hiện lên đầy sống động dưới ngòi bút của Nguyễn Trung Thành, con người của lòng quả cảm, cũng là con người của tình yêu thương. Tnú là nhân vật trung tâm của tác phẩm, điển hình cho người dân Tây Nguyên nói riêng và người dân miền núi nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Tnú là biểu tượng đẹp nhất cho con người giác ngộ cách mạng, đi từ đau thương nô lệ đến vùng trời của ánh sáng, tự do, đi từ mất mát, hi sinh đến chỗ làm nên những kì tích anh hùng. Khác với cuộc đời cô độc của A Phủ, Tnú từ nhỏ đã sống trong sự bao bọc, yêu thương của dân làng Xô Man. Cha mẹ mất sớm, là một đứa trẻ bất hạnh nhưng sự trưởng thành của nhân vật có sự chứng kiến, nuôi dưỡng của núi rừng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên gan góc, đôn hậu. Bởi thế mà hình ảnh quê hương, tình yêu cho buôn làng, đại ngàn Tây Nguyên luôn thúc giục, ám ảnh, thao thức trong anh, khi xa thì nhớ, khi gần thì thương. Được nuôi dưỡng bởi chính núi nước Tây Nguyên, Tnú là niềm tự hào của mọi người nơi đây. Ai cũng tự hào, kiêu hãnh khi nhắc đến anh, nói về anh với tất cả sự say mê, ngưỡng mộ, thán phục. Đó chính là linh hồn của con người Tây Nguyên, không chỉ lôi cuốn, thuyết phục người đọc bởi sự gan góc, dũng mãnh mà còn bởi sự chân thật, lòng yêu thương sâu thẳm, đầy tình người. Nếu A Phủ chỉ được miêu tả bởi cái nhìn bề ngoài thì Tnú còn được tác giả khám phá từ những xung đột, giằng xé nội tâm từ bên trong. Nhân vật không phải là cái loa thuyết minh, phát ngôn cho tư tưởng nhà vãn mà cũng có những vận động, diễn biến nội tại của nó.

b) Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú không chỉ có chiến công, anh hùng mà còn có những nỗi đau, sự bất lực, chua xót. Con đường cách mạng của Tnú là con đường có tính chất tất yếu, chân chính. Đó không phải là một con đường bằng phẳng, nhẹ nhàng mà là một con đường đầy thử thách, chông gai. Tnú phải vượt qua, chiến thắng những thử thách ấy để khẳng định sức mạnh trong thời đại cách mạng. Đó là một quá trình gian khó, đi từ đau thương, nô lệ đến tự do, giải phóng. Chính nỗi đau thương của cuộc đời, những trải nghiệm trong chiến đấu đã giúp Tnú trưởng thành, chiến thắng, trở thành biểu tượng đẹp nhất của núi rừng, con người Tây Nguyên. Qua câu chuyện bi tráng của cuộc đời Tnú, tác giả đã trình bày một quy luật tất yếu của chiến tranh cách mạng: đau thương là cơ sở thôi thúc lòng căm thù, ý chí chiến đấu của con người. Phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bọn phản cách mạng, đó chính là chân lí đấu tranh ngàn đời của dân tộc. Tác giả không chỉ nhận ra vẻ đẹp của cá nhân con người mà còn khẳng định sức mạnh, sức sống của cả dân tộc, vượt lên đau thương để chiến đấu và chiến thắng.

c) Sức sống con người Tây Nguyên như hiển hiện trên gốc xà nu này, tán xà nu kia, mỗi con người Xô Man là một mảnh hồn riêng khắc tạc nên vẻ đẹp kiên dũng của xà nu. "Sức sống của nhân dân" là mạch thở ấm nóng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cụ Mết "là cội nguồn, là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên trường tồn đến hôm nay", những Mai, những Dít là những chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, tâm huyết, nhiệt tình, Tnú – người con anh dũng của bản làng Xô Man, hay Heng, câu bé nhỏ mà gan góc, kiên cường. Những nhân vật cứ nối tiếp nhân vật, những anh hùng cứ tiếp bước những anh hùng. Như những cây xà nu vững chắc, kiên định, dân làng Xô Man bừng lên ngọn lửa sống mãnh liệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngọn lửa ấy không bao giờ nguội tắt, giống như được đốt lên từ thứ nhựa xà nu mỡ màng. Sự vững chãi của cụ Mết, lòng nhiệt tình của Dít, Mai, vẻ đẹp hồn nhiên, khoẻ khoắn của Heng, mà đặc biệt, sống động nhất là sự trưởng thành của Tnú, đã làm nên "sức sống nhân dân" mãnh liệt, anh dũng lạ thường trên mảnh đất Tây Nguyên. Sức sống ấy được gợi tứ từ "những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người", "từ "những cây vượt lên được đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ". Chính hình tượng cây xà nu, chính câu chuyện của Tnú cũng như của dân làng Xô Man nói lên chân lí lớn của dân tộc trong thời đại bấy giờ: đó chính là sức sống mãnh liệt của dân tộc sẽ bền bỉ, kiêu hãnh trường tồn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bất chấp mọi súng đạn của kẻ thù.

d) Con người anh hùng của một Tây Nguyên quật cường, một đất nước đứng lên đã hiện lên đầy sống động, chân thực với cuộc sống chiến đấu và những nét đẹp tâm hồn. Thế giới nhân vật có sự tiếp nối, kế thừa và phát triển, bản chất bi hùng của rừng núi đại ngàn đã thấm vào những thế hệ hôm nay và mai sau, bởi thế chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Rừng xà nu là một mạch chảy liên tiếp, liền mạch, tiếp nối. Một cụ Mết tráng kiện, kiên cường, là cội nguồn của sức mạnh Tây Nguyên, một thế hệ trẻ những Tnú, những Mai, những Dít gan dạ, yêu thương mà quả cảm, đến những mầm non như cậu bé Heng,… tất cả thế giới nhân vật của Rừng xà nu đều mang trong mình phẩm chất anh hùng mạnh mẽ và mãnh liệt. Chất anh hùng ca đặc biệt sục sôi, khoẻ khoắn, phi thường của núi rừng Tây Nguyên giống như một ngọn lửa nồng nàn, man dại, không bao giờ nguội tắt, được thế hệ này truyền cho thế hệ khác, đầy tin tưởng và thành kính, đầy ấm nóng và mê say. Dân làng Xô Man, ai cũng đốt lên trong trái tim mình cái khát vọng được sống và ham sống, được vươn lên, không khuất phục trước địch thù. Để rồi, chủ nghĩa anh hùng đã toả sáng trên khắp các buôn làng, chiếu rọi qua bao nhiêu thế hệ, trở thành một truyền thống quật cường của con người Tây Nguyên. Sự tài hoa của ngòi bút Nguyễn Trung Thành được thể hiện chính ở năng lực xúc cảm và chiều sâu trí tuệ, khi ông thu nhận được linh hồn của núi nước Tây Nguyên, nhìn ra những con người anh hùng, những thế hệ anh hùng.

3. Xà nu là "điểm tựa" cho cảm hứng sáng tạo Nguyễn Trung Thành, để ngắm nhìn sự kiên dũng của xà nu, ông tìm được cội nguồn sức sống nhân dân, bật lên những Dít, Mai, Trú,… anh dũng, kiên cường. Phẩm chất anh hùng thấm vào từng thớ đất, tâm hồn mỗi con người. Xà nu đã khơi chung một mạch nguồn của tình yêu đất nước, tình yêu buôn làng để tưới tắm cho hồn dân Xô Man. Ngòi bút Nguyễn Trung Thành đã tựa vào "điểm tựa" xà nu để làm bất tử những con người "đẹp như ánh mặt trời", sáng như "những ngôi sao của thời đại" gợi tứ cho một sức sống dạt dào mà bền bỉ của nhân dân. Hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú có một sự gắn kết hữu cơ hết sức sâu sắc, mà ở đó, sức sống mãnh liệt, sự kiên định trường tồn được thể hiện sinh động, mạnh mẽ, kiêu hãnh.

Hình tượng xà nu bao trùm toàn tác phẩm, được tác giả "ra sức tả một cách hết sức tạo hình, như chạm nổi lên, có không gian như tượng tròn và có cả mùi vị có thể ngửi thấy được" đã tạo được những hiệu ứng thẩm mĩ vô cùng độc đáo. vẻ đẹp sức sống và sự gắn bó của cây rừng xà nu đã thấm rất sâu vào đời sống vật chất, tinh thần của con người Tây Nguyên, trở thành một phần của sự sống Tây Nguyên. Hình tượng xà nu đã "đem lại cho tác phẩm sức khái quát lớn cũng như sự sinh động, chân thực như cuộc đời. Và trước hết nó khơi lên nguồn cảm hứng dạt dào ở người viết, trở thành điểm tựa, điểm gợi từ để nhà văn suy ngẫm về mạch sống của đất nước và sức sống của nhân dân". Vừa gần gũi, thân quen, ấm áp hơi thở núi rừng, vừa sống động, linh diệu, chất chứa những suy tư của người viết, cây rừng xà nu đã dồn tụ bao nhiêu xúc cảm yêu thương và tư tưởng thẩm mĩ, tác động mạnh mẽ tâm hồn độc giả ở những chiều sâu khôn cùng. Xà nu đã bắt rễ vào lòng người và ghi dấu ở đó ấn tượng ám ảnh về sức sống trường tồn của con người và dân tộc.

4. Tác phẩm là "chuyện của một đời được kể trong một đêm", thể hiện khả năng dồn nén hiện thực đầy điêu luyện, tinh tế của tác giả khi ông luôn chú trọng lựa chọn được những chi tiết nghệ thuật điển hình: âm thanh tiếng chày, Tnú chứng kiến mẹ con Mai bị đánh,…

– Kết cấu song trùng, mở đầu và kết thúc đều là hình ảnh cây xà nu. Đó không phải là kết cấu khép mà là kết cấu mở, thể hiện dụng ý nghệ thuật sâu xa của tác giả. Hình ảnh rừng xà nu nối tiếp mở ra con đường kháng chiến gian khổ, đau thương nhưng anh hùng, bất khuất. Cây xà nu còn là sức sống của con người Tây Nguyên còn, trường tồn và vĩnh cửu. Cây xà nu nối tận chân trời giống như thế hệ những con người Tây Nguyên vẫn sinh sôi, trưởng thành trong kháng chiến. Cuộc kháng chiến trường kì đòi hỏi bao nhiêu cống hiến, mất mát, hi sinh của con người. Một con đường rộng dài đang trải ra trước mắt được thể hiện trong chi tiết

Tnú lại ra đi, khẳng định cái đẹp vĩnh hằng của con người trong đấu tranh cách mạng, của những phẩm chất anh hùng đẹp đẽ.

– Ngôn ngữ phù hợp với cá tính nhân vật, mang đậm bản sắc Tây Nguyên, đậm chất anh hùng ca, thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa hiện thực khốc liệt và sắc màu lãng mạn, anh hùng ca. Đó cũng chính là sự thống nhất cao độ giữa chân lí đời sống và chân lí nghệ thuật.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Viết một đoạn văn phát biểu suy nghĩ và cảm xúc của anh (chị) về hình ảnh đôi bàn tay Tnú.

Tham khảo đoạn văn sau:

Dường như, cảm hứng anh hùng ca của tác phẩm được dồn tụ trong nhân vật Tnú mà kết tinh cao độ trong hình ảnh của đôi bàn tay. Bàn tay Tnú đã đi dọc cuộc đời anh, đi dọc theo tác phẩm và trở thành điểm nhấn ám ảnh khôn cùng. Đó là đôi bàn tay của nghị lực viết chữ, đôi bàn tay lành lặn, yêu thương khi nắm tay Mai, cũng là đôi bàn tay hừng hực ngọn lửa chiến đấu, căm thù. Dường như, con người sử thi Tnú đã "cháy lên" để mà "toả sáng" (Ra-xun Gam-da-tốp) trong ngọn lửa của đôi bàn tay: "Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc". Có phải chính khi nhựa xà nu, máu Tnú hoà trong ngọn lửa man rợ của kẻ thù cũng là lúc chủ nghĩa anh hùng cách mạng đạt đến chỗ đỉnh điểm, thăng hoa? Ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt căm hờn, ý chí con người chưa bao giờ mạnh mẽ, mãnh liệt và sôi sục hơn thế. Nỗi đau xót bỏng của da thịt không nhói lòng bằng nỗi đau của tình yêu thương đang cuộn cháy trong tâm can. Tnú nhảy ra cứu mẹ con Mai nhưng cuối cùng anh vẫn mất vợ, mất con, mất cả mười đầu ngón tay mình. Con người sử thi gan góc, kiên cường cũng là con người đời thường bình dị nhất, cũng có phút sai lầm, cũng có khi tác giả Nguyễn Trung Thành đã đốt lên ánh sáng của một nhân vật sử thi, một chủ nghĩa anh hùng nhưng lại quyện hoà trong đó chiều sâu thăm thẳm của tình yêu thương. Nhân vật sử thi, bởi thế sống động và gần gũi, không phải là con người cứng nhắc của lí trí khô khan mà đi theo những quy luật tâm hồn rất người và rất đời. Chủ nghĩa anh hùng ca, bởi vây vừa hào hùng, man dại, vừa thắm thiết, yêu thương. "Những rung động, những hấp dẫn thật riêng biệt độc đáo" của Rừng xà nu nằm ở sự quyện hoà này sao?

Mai Thu


Từ khóa tìm kiếm:

  • cảm nhận của em bề vể đẹp con người việt nam trong kháng chiến chống mĩ cứu nước cúa hai nhân vật tnu và việt
0