06/02/2018, 00:26

Tuần 17 – Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận

Tuần 17 – Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận Hướng dẫn 1. Phát hiện và phân tích các lỗi lập luận trong những đoạn văn SGK trang 211-212 đã dẫn. a) Câu chốt nêu lên chủ đề của đoạn là "giá trị nhận thức" của văn học dân gian. Nhưng câu 3 của đoạn văn lại đề cập đến tác ...

Tuần 17 – Thực hành chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận

Hướng dẫn

1. Phát hiện và phân tích các lỗi lập luận trong những đoạn văn SGK trang 211-212 đã dẫn.

a) Câu chốt nêu lên chủ đề của đoạn là "giá trị nhận thức" của văn học dân gian. Nhưng câu 3 của đoạn văn lại đề cập đến tác dụng "tác động mạnh mẽ đến tâm hồn con người".

Mặt khác, luận cứ của lập luận này cũng không đầy đủ. Luận điểm chính của đoạn văn là "Giá trị quan trọng nhất của văn học dân gian là giá trị nhận thức" nhưng những câu sau lại chỉ tập trung vào tục ngữ, ca dao mà không đề cập đến các thể loại văn học dân gian khác (thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười,…). Luận cứ cũng chỉ nêu lên một khía cạnh rất hẹp của giá trị nhân thức của văn học dân gian là những kinh nghiệm về thời tiết.

b) Luận điểm nêu không rõ ràng, luận cứ không chặt chẽ. Câu chủ đề của đoạn văn tập trung vào vấn đề "(mà còn) rất thèm người" của nhân vật anh thanh niên, vì vậy nội dung của đoạn văn cần đề cập đến những vấn đề liên quan đến sự "thèm người" này. Nhưng ba câu cuối đoạn văn đã lạc sang một vấn đề khác: tinh thần lạc quan của anh thanh niên.

c) Câu 1 nêu lên chủ đề của đoạn văn: "sức mạnh của tình người (trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân) trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống". Câu cuối cùng nâng cao vấn đề cũng khá hợp lí: "Đó chính là biểu hiện của giá trị nhân đạo trong tác phẩm". Nhưng hai câu triển khai ý của câu chốt (câu 2 và câu 3) lại lạc sang vấn đề khác khiến lập luận không mạch lạc, chặt chẽ.

d) Đoạn văn triển khai theo mạch đi từ vẻ đẹp và sức mạnh của những con sóng biển để từ đó liên hệ đến hình ảnh sóng trong những câu thơ mở đầu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Nhưng đoạn văn chuyển ý chưa tốt. Câu 4 đặt ra câu hỏi: "Sóng từ đâu đến và sóng đi đâu, về đâu?". Câu 5 không giải quyết vấn đề mà sử dụng lập luận "Chính vì thế…" dễ gây hiểu nhầm: chính vì những điều còn nghi vấn ở câu 4 nên Xuân Quỳnh đã ví tình yêu của mình như những con sóng. Điều đó không hợp lí.

e) Vấn đề mà đoạn văn triển khai là "Lòng thương người của Nguyễn Du bao trùm lên toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều” nhưng câu cuối của đoạn văn lại là: "Ta càng hiểu thế nào là hồng nhan mà bạc mệnh" khiến lập luận không lô gích, thiếu thống nhất trong việc triển khai và kết lại vấn đề. Mặt khác, luận cứ trong đoạn văn cũng không đầy đủ. Mối liên hệ giữa các luận cứ không chặt chẽ.

g) Đoạn văn đề cập đến cây xà nu và ý nghĩa biểu tượng của loài cây này. Nhưng câu cuối cùng lập luận chưa rõ. Câu văn này đưa ra nhận định: "Hình ảnh những thế hệ cây xà nu cũng gợi lên sự tiếp nối của thế hệ những người dân Xô Man" và trích dẫn đoạn văn tả những thế hệ cây xà nu mà không có sự phân tích để làm rõ mối liên hệ giữa những hình ảnh ấy với "thế hệ những người dân Xô Man". Mặt khác, nội dung của những câu văn trích dẫn cũng không phù hợp với lô gích lập luận của đoạn văn.

h) Luận điểm của đoạn văn được nêu trong câu mở đầu ("văn học dân gian có giá trị trong việc bảo tồn và nuôi dưỡng tâm hồn nhân dân") nhưng không rõ ràng, không phù hợp với kết luận ("Với những giá tri ấy, văn học dân gian là bộ phận của văn học Việt Nam và là nền tảng của văn học viết"). Mặt khác, luận cứ được nêu lên cũng không đầy đủ (truyện cổ tích Tấm Cám và một câu ca dao), không hệ thống và thiếu toàn diện, do đó không làm sáng tỏ được luận điểm.

2. Dựa vào các lỗi lập luận đã phân tích trong mỗi đoạn văn để chữa lại sao cho lập luận trong đoạn vãn trở nên chặt chẽ, lô gích và thuyết phục.

Mai Thu

0