06/02/2018, 00:33

Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng)

Hướng dẫn Mạnh Hạo Nhiên là người bạn thơ – bạn rượu được Lí Bạch rất mực hâm mộ và kính trọng: Ngộ ái Mạnh phu tử Phong lưu thiên hạ văn (Ta yêu Mạnh phu tử đã nổi tiếng phong lưu khắp thiên hạ). Nhà thơ từng ngợi ca mối quan hệ đặc biệt thân tình ấy: Hoàng kim vạn ...

Hướng dẫn

Mạnh Hạo Nhiên là người bạn thơ – bạn rượu được Lí Bạch rất mực hâm mộ và kính trọng:

Ngộ ái Mạnh phu tử

Phong lưu thiên hạ văn

(Ta yêu Mạnh phu tử đã nổi tiếng phong lưu khắp thiên hạ).

Nhà thơ từng ngợi ca mối quan hệ đặc biệt thân tình ấy:

Hoàng kim vạn lượng dung dị đắc

Thế thượng tri kỉ tối nan cầu

(Vàng muôn lượng còn dễ kiếm được, còn tri kỉ thì trên đời này khó tìm thấy).

Bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng là một bài thơ tứ tuyệt bộc lộ tình cảm sâu nặng của Lý Bạch với người bạn tri kỉ ấy của mình.

1. Cảnh tiễn biệt

Hai câu đầu dựng lên một cảnh tiễn biệt.

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu

(Bạn từ lầu Hạc lên đường,

Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng).

Tưởng như nhà thơ chỉ tường thuật sự việc đưa tiễn bạn với đủ các yếu tố từ thời điểm: cuối xuân (tháng ba); địa điểm: lầu Hạc; hướng ra đi: về phía đông; phương thức: đường thủy; nơi đến: Dương Châu; không gian: đầy hoa khói… những câu chữ ngỡ là khách quan đó thực ra đã chan chứa xiết bao nỗi niềm thầm kín. Này nhé! Phong cảnh nơi đưa tiễn thật tráng lệ: mùa xuân trăm hoa đua nở, lầu Hoàng Hạc đầy thơ mộng với bao huyền thoại: cũng là nơi chứng kiến bao lần hai người gặp gỡ, tâm tình, Dương Châu nơi bạn đến là chốn phồn hoa đô hội của đất Giang Nam. Đặc biệt hơn là từ cố nhân. Cố nhân là người bạn cũ, là bạn cố tri. Lý Bạch dùng từ cốnhân sâu nặng này để chỉ Mạnh Hạo Nhiên tuy là lúc này hai người quen nhau chưa lâu lắm. Từ cố nhân lại được đặt ở vị trí trang trọng đầu câu thơ, đầu bài thơ bộc lộ tình cảm sâu nặng của Lý Bạch đối với Mạnh Hạo Nhiên, người bạn vong niên tri kỉ của mình.

Hai câu thơ đầu không nói về tình mà tình lại dào dạt trong thơ. Người đọc không những thấu hiểu tấm lòng quyến luyến bè bạn mà còn cảm thông được tâm trạng nao nức của nhà thơ khi ấy. Ông không nỡ rời như muốn theo bạn về Dương Châu… Lòng buồn tiếc xiết bao mà không một lời buồn tiếc.

2. Tình quyến luyến bè bạn

Bức tranh đó trong mắt nhà thơ, mắt người ở lại với hai hình ảnh cô phàmbích không đối nhau mạnh mẽ. Nhà thơ chỉ phác họa hình ảnh cánh buồm đơn độc mờ xa dần và mất hút giữa khoảng không vô tận thế mà từ câu chữ ấy lại thấy cả bóng người tiễn đưa đang đơn độc đứng trông theo. Đúng là cánh buồm của bạn đã mất hút mà nhà thơ còn nhìn theo mãi. Ông nhìn theo cho đến lúc chỉ còn thấy nước Trường Giang cuồn cuộn mà thôi. Đúng như lời bình của Đường Nhữ Tuân đời Minh: Phàm ảnh tận tắc mục lực, dĩ cực, giang thủy trường tắc ly vô nhai. Tương vọng chi trình cụ tại ngôn ngoại. (Bóng buồm biến mất thì sức nhìn đã hết, dòng sông dài thì nỗi niềm chia li không bến bờ. Tình cảm khi ngóng trông theo đều ở ngoài lời).

Nhà thơ tả cảnh nhưng thực chất là tả tình. Hai câu sau nói về người ra đi nhưng thực chất là nói về tâm tình của người ở lại. Dòng sông cuối bài thơ ngoài ý nghĩa một thực tại khách quan còn mang một ý nghĩa ẩn dụ: tình của nhà thơ cũng dào dạt dâng trào như dòng sông bên trời cuồn cuộn chảy.

Hàm súc, khêu gợi, ý ở ngoài lời, lời cạn ý sâu, lấy cảnh nói tình, từ nhỏ thấy lớn… Đó là những đặc trưng thi pháp của bài thơ này, nói riêng.

Bài thơ thất ngôn tuyệt cú này được Ngô Tất Tố dịch sang thể thơ lục bát thể hiện được cái vi diệu thần thái của bài thơ. Nhưng hai câu sau: Cô phàm viễn ảnh bích không tận. Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu (Bóng buồm đã khuất bầu không. Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời); cô phàm, địch là bóng buồm, bích không dịch là bầu không thì chưa lột tả được cái vô hạn của bầu trời, cái bát ngát của dòng sông, cái đơn lẻ của cánh buồm và nhất là cái mạnh mẽ của câu thơ cuối. Nhận xét về bài thơ, dịch giả Ngô Tất Tố khen ngợi: Tất cả có 28 chữ, đủ cả chỗ ở, nơi ở, cảnh đi và tấm lòng quyến luyến bè bạn. Thật là hiệt tác.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1.

Gợi ý làm bài

Người ta thường cho rằng: “Cái hay của thơ Đường là ở chỗ thể hiện được những ý ở ngoài lời”.

Bài thơ thất ngôn tuyệt cú này chỉ có 28 chữ, không hề có một từ nào nói về tình cảm, tâm trạng nhưng cả bài thơ là cả một dòng tình cảm.

Nói như Du Việt: “Dĩ vô tình ngôn tình tắc tình xuất” lấy vô tình để nói tình thì tình tất hiện ra. Ớ đây do những nghĩa hàm ẩn của từ ngữ, do các mối quan hệ, do hình ảnh cánh buồm lẻ loi dần xa trong đôi mắt…. đều thể hiện một tình bạn triền miên bất tận trong tấm lòng.

Bài tập 2.

Gợi ý làm bài

Trong thơ Đường, tình bạn cũng là đề tài quan trọng các thi sĩ đời Đường ai cũng trân trọng tình bạn

Hoàng kim vạn lạng dung dị dắc

Nhân sinh tri kỉ tối nan tầm

(Vạn lạng hoàng kim còn dễ kiếm

Thế gian tri kỉ thật khó tìm)

(Lý Bạch)

Lý Bạch là thi sĩ của tình bằng hữu. Ông giao du rộng, kết thân với nhiều người không kể địa vị tuổi tác. Ông suy nghĩ:

Ở đời biết nhau quý

Cần chi bạc với tiền

Từ đó học sinh suy nghĩ về vị trí và ý nghĩa của tình bạn trong cuộc sống ngày nay.

Mai Thu

0