Tư tưởng về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Tư tưởng về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân Nhà nước của dân là Nhà nước trong đó dân là chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. ...
Tư tưởng về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Nhà nước của dân là Nhà nước trong đó dân là chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
a) Về Nhà nước của dân, do dân, vì dân
- Nhà nước của dân là Nhà nước trong đó dân là chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong Nhà nước ta, dân là chủ thể của quyền lực thì người cầm quyền, cán bộ công chức nhà nước chỉ là người được uỷ quyền, được nhân dân trao quyền để gánh vác, giải quyết những công việc chung của đất nước. Cán bộ, công chức nhà nước là "đầy tớ", "công bộc" của dân, phải gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, tin dân và biết sử dụng sức mạnh của dân.
- Nhà nước do dân: dân làm chủ nhà nước. Quyền làm chủ Nhà nước của dân rất rộng, trước hết thể hiện ở chỗ: Nhân dân là người tổ chức nên các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Nhân dân có quyền bầu cử, ứng cử thì cũng có quyền thực hiện chế độ bãi miễn theo ba mức độ từ thấp đến cao: bãi miễn đại biểu; bãi miễn các cơ quan nhà nước; bãi miên nội các Chính phủ nếu các đại biểu đó, các cơ quan nhà nước và nội các Chính phủ không còn phù hợp với nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Nhân dân còn có quyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước do mình cử ra...
Nhà nước do dân, nghĩa là dân có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp trí tuệ, sức người, sức của tổ chức, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhà nước do dân còn bao hàm việc nhân dân có quyền tham gia vào công việc quản lý nhà nước, phê bình, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đại biểu do mình cử ra.
- Nhà nước vì dân: là Nhà nước phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích cho nhân dân. Điều này được Người giải thích rõ trên các phương diện: Nhà nước phục vụ nhân dân, nghĩa là Nhà nước đó được tổ chức và hoạt động theo một mục tiêu duy nhất: không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân đúng với phương châm: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh". Nhà nước biết chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân, trước hết là thoả mãn các nhu cầu thiết yếu nhất: làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân được học hành; làm cho dân có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Nhà nước chăm lo cho dân không phải làm thay dân mà là hướng dẫn dân tự chăm lo đời sống của chính mình.
Nhà nước phải biết kết hợp, điều chỉnh các loại lợi ích khác nhau giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các bộ phận dân cư để luôn được mọi người dân ủng hộ, xây dựng. Đồng thời với hướng dẫn dân, Nhà nước phải còn biết kết hợp giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích của Trung ương và lợi ích của địa phương, lợi ích của các ban, ngành, các chủ thể xã hội làm sao để bất kỳ ai cũng thấy được Nhà nước là người đại diện cho lợi ích chân chính, hợp pháp của họ. Nhà nước phải thực sự liêm khiết, trong sạch, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, phải biết loại hết tất cả "các ông quan cách mạng" ra khỏi bộ máy nhà nước.
b)Về bản chất của Nhà nước
Nhà nước nào cũng mang tính giai cấp: Không có một Nhà nước nào lại đứng ngoài giai cấp, đứng trên giai cấp, không có Nhà nước phi giai cấp. Nhà nước bao giờ cũng là công cụ thống trị của một giai cấp và nhằm bảo vệ lợi ích của một giai cấp nhất định.
- Nhà nước Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân: "Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công - nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo".
Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước kiểu mới được thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây: Nhà nước luôn luôn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản. Cơ sở xã hội của Nhà nước là khối đại đoàn kết dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân, mà nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức. Nhà nước ta được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng trong tổ chức và hoạt động có sự phân công rành mạch về chức năng, nhiệm vụ giữa quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Nhà nước ta điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật mà pháp luật đó đại biểu cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng lao động thực hiện công cuộc cải tạo xã hội cũ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
- Trong Nhà nước Việt Nam, bản chất giai cấp công nhân thống nhất chặt chẽ với tính nhân dân và tính dân tộc. Sự thống nhất lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân với nhân dân lao động, các dân tộc tạo nên cơ sở khách quan quy định sự thống nhất bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc. Nhà nước dân chủ nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân trở thành nhà nước của dân, do dân, vì dân là theo nghĩa đó.
c) Về xây dựng bộ máy nhà nước và cán bộ công chức
Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một bộ máy nhà nước gọn, nhẹ, có cơ cấu hợp lý, hoạt động có hiệu quả. Trong đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho quyền lợi của toàn dân, cả nước; Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân; xây dựng bộ máy tư pháp có tính độc lập tương đối, hoạt động chỉ tuân thủ luật pháp.
Theo Người, cần xây dựng một đội ngũ công chức có tính chuyên môn hoá và chuyên nghiệp hoá. Công chức phải có đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phong cách công tác dân chủ. Người đã xây dựng quy chế tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng công chức rất chu đáo, thiết thực, mang tính dân chủ và rất hiện đại.
Để xây dựng một Nhà nước trong sạch, phục vụ nhân dân, cần phải đề phòng, khắc phục và đấu tranh loại trừ những tiêu cực trong hoạt động của Nhà nước: đặc quyền, đặc lợi; tham ô, lãng phí, quan liêu...
Tăng cường pháp luật đi đôi với giáo dục đạo đức cách mạng, kết hợp cả "đức trị" và "pháp trị" trong quản lý xã hội. Trong mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức thì đạo đức vẫn là gốc, là cơ sở để xây dựng và thực hiện luật pháp. Vì thế, pháp quyền của Hồ Chí Minh là pháp quyền nhân nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc.