Từ bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hãy kể về kỉ niệm của mình gắn liền với hình ảnh bếp lửa ấy.
Những ngày giáp Tết, ngồi bó gối trông nồi bánh Tét sôi sùng sục, lại nhớ cái bếp lửa ngày nào. Bếp lửa trong kí ức tôi là bếp bằng đất nung, là ba ông đầu rau chính hiệu được đặt trên một tấm tôn cán phẳng. Đó chính là giang sơn của bếp. Tro bếp lúc nào ...
Những ngày giáp Tết, ngồi bó gối trông nồi bánh Tét sôi sùng sục, lại nhớ cái bếp lửa ngày nào. Bếp lửa trong kí ức tôi là bếp bằng đất nung, là ba ông đầu rau chính hiệu được đặt trên một tấm tôn cán phẳng. Đó chính là giang sơn của bếp.
Tro bếp lúc nào cũng nhiều. Bà tôi hốt tro cho vào những cái lu sành, thỉnh thoảng bán cho những người đi mua tro mỗi chiều vẫn cất tiếng rao trước ngõ.
Bếp là nơi trẻ nhỏ như chị em chúng tôi rất thích, vì mứt dừa, kẹo đậu phộng, hạt mít luộc, khoai lang, khoai mì luộc… từ đó mà ra. Má vất vả đi dạy một buổi, đi bán hàng một buổi nên chị em quấn quýt bên bà, đứa lớn trông đứa bé. Bếp trên nhà sàn chính là nơi quây quần sau giấc ngủ trưa. Hôm nào sau hè nhà có trái mít chín, mấy bà cháu lại lục đục xẻ mít, nấu cơm chiều sơm sớm. Cái ống đồng thổi lửa lại được dịp dùng nhiều hơn, gió sau nhà lại lộng hơn, và mùi bùn của con rạch nhỏ cũng mãi còn quanh quẩn.
Tuổi thơ tôi gắn liền với nhà sàn, với bếp. Lên năm tuổi tôi đã biết thổi lửa nấu cơm (dĩ nhiên là có người lớn, hoặc chị lớn trông chừng). Buổichiều mát, mấy chị em thơ thẩn bên hông nhà, nhặt nhạnh những cành vú sữa khô rụng, bó lại, để dành nhóm bếp. Có khi lại rủ nhau vào hẻm lượm những tàn thuốc lá người ta hút bỏ dở về cho bà. Bà sẽ lấy sợi thuốc còn mà quấn lại làm thuốc mới. Nếu như là bây giờ, chắc bọn nhỏ chúng tôi sẽ khuyên bà bỏ thuốc. Nhưng thời ấy đã quá xa…
Trong tôi, kí ức về bà không nhiều bởi bà đã đi xa khi tôi còn chưa từng bước chân đến trường học. Nhưng hình ảnh bà bên bếp lửa, củi là cành vú sữa làm khói um lên, kho một nồi cá to, pha chén bột mì tinh cho vào cái chén nhựa đỏ, gọi tôi đến cho ăn… là những kỉ niệm khó quên.
Chị em tôi không được thấy “một bếp lửa chờn vờn sương sớm”, cũng không được nghe tiếng tu hú gọi bầy, nhưng hình ảnh bếp lửa trong thơ Bằng Việt đã lung linh suốt bao năm ròng. Có lẽ vì hình ảnh bếp lửa quá đỗi thân quen, nên chị hai người chị của tôi đã thuộc lòng Bếp lửa cho đến bây giờ; và tôi, đứa bé nhất – đứa hay đọc ké sách giáo khoa của chị, cũng thuộc lòng bài thơ trước khi cầm trên tay quyển sách văn 9.
Hai mươi năm rồi, bếp nhà đã từ bếp ông Táo sang bếp dầu, bếp ga, nhưng tôi nhớ hoài tấm tôn đầy tro bếp, cái ông đồng thổi lửa, bụi chuối, hàng dừa, hàng bình bát sau nhà và cả hàng tre xào xạc trước sân.
Lâu lắm rồi không thấy khói bay lên.
Cũng lâu lắm rồi khóe mắt chẳng còn cay.
Ơi bếp lửa.