Truyện ngụ ngôn: Hổ và Ngựa

Người ta bảo làm người phải biết khiêm tốn và giữ lễ nghĩa, không nên kiêu ngạo và khoác lác vì nó sẽ giết chết chính mình. Cái gì là của mình thì mới nhận là của mình không thể của người khác cũng nói là của mình, không thể vì không có tài như người khác mà lợi dụng, hay làm chuyện có lỗi với ...

  Người ta bảo làm người phải biết khiêm tốn và giữ lễ nghĩa, không nên kiêu ngạo và khoác lác vì nó sẽ giết chết chính mình. Cái gì là của mình thì mới nhận là của mình không thể của người khác cũng nói là của mình, không thể vì không có tài như người khác mà lợi dụng, hay làm chuyện có lỗi với lương tâm. Đọc thêm truyện ngụ ngôn bọ ngựa bắt ve sầu để có thể biết mình đang làm gì nhé!

 

Con ngựa có tính huênh hoang, khoác lác, ra khỏi nhà là nó nện bốn cái vó xuống đất, nghe ròn hơn gõ mõ làng, hí váng cả tai hàng xóm. Một hôm trời chưa sáng hẳn, ngựa còn đang ngủ say, chủ nhà đã ra bắt ngựa cưỡi đi chợ.

  Ngựa phải đưa chủ qua suối, qua đồi, qua khe. Đường xa, bụng đói, chân mỏi, người đẫm mồ hôi, nhưng con ngựa không dám kêu, vì kêu thì sợ lúc trở về chủ sẽ không cho ăn bắp ngô, chậu cám. Đến chợ, chủ nhà buộc ngựa ngoài gốc cây, vào quán ăn thịt uống rượu. Con ngựa khát nước khô cả cổ mà không dám đòi, vì sợ chủ ăn không ngon, lúc về sẽ bắt ngựa chạy nhanh hơn. Ngựa về, bụng đã đói, chân đã mỏi, nhưng chủ nhà vẫn giục ngựa chạy nhanh. Lưng ngựa oằn xuống, bọt xùi ra mép, ngựa vẫn cắm đầu chạy một mạch, mong mau về đến nhà kiếm nắm cỏ tươi. Nhưng vừa mới về đến cửa thì con chủ nhà đã ra đón. Ngựa lại phải đưa con chủ nhà đi thăm nương, rẫy. Mãi đến nửa chiều, ngựa mới được về nhà uống một chậu nước cám. Uống xong, lại sức, con ngựa ra sông tắm. Vừa mới tắm xong ngựa đã lên bờ giũ lông, hí vang, ra dáng khoan khoái lắm. Lúc đó có một con hổ đi ngang. Thấy hổ lủi thủi đi một mình, đuôi cụp, đầu cúi, dáng buồn bã, ngựa nghển cổ lên nói khích:


Hổ lủi thủi đi một mình, đuôi cụp, đầu cúi, dáng buồn bã


- Đi đâu mà trông khổ sở thế anh hổ?

- Tôi đi kiếm ăn ở rừng dưới về. Anh chẳng làm gì sao mà trông thong thả thế?

Ngựa càng lên mặt, giũ lại bộ lông một lần nữa, hí vang thêm một lượt, rồi mới ngạo nghễ nói:

- Tôi lúc nào mà chẳng thong thả? Đi dạo chơi từ sáng đến giờ, bây giờ ra tắm cái cho khỏe.

- Anh sung sướng quá! Phận tôi thì phải chạy tối ngày mà có khi cũng chẳng được miếng ăn.

Được hổ nịnh, ngựa càng vênh mặt:

- Anh vất vả quá thật. Đường rộng rãi thế này, mà tôi dạo một lúc đã thấy mỏi chân. Còn anh thì núi rừng thế kia, đi vướng trước, đụng sau làm sao mà chịu được?

Ngựa còn khoe lúc nào cũng thừa thóc thừa ngô, ăn chẳng hết, rồi mời hổ về nhà chơi, để xem những thứ đó. Tính hổ ít nói, lại không muốn mang ơn bạn trước, nên mời ngựa đến nhà mình chơi trước, rồi mới đến trả lễ sau. Hổ về, chạy vào rừng tìm bắt những con nai, con hươu làm tiệc đón ngựa. Ngựa đến cùng hổ ăn thịt, uống rượu tới một ngày rồi kết nghĩa làm anh em. Xong bữa tiệc đó, ngựa về lo đón hổ, tỏ cho hổ biết mình là người sang trọng. Ngựa lấy lục lạc tròng vào cổ, mang yên vào lưng, ngắm nghía một lúc rồi ra đứng đón hổ. Hôm đó nhà chủ ngựa lại có cỗ, ngựa chờ chủ nhà ngủ yên, vào lấy hết mâm cỗ ra tiếp hổ. Hai bên ngồi ăn uống, ngựa chỉ vào từng món thức ăn, khoe:

- Cái này là thịt gà xào này!

- Cái này là mật ong này, ngọt lắm.

- Cái này làm chỗ ở của tôi - Ngựa chỉ ra chuồng, nói tiếp - chỗ tôi ở mưa không dột, nắng không đến, chứ đâu có khổ sở như anh, lúc mưa phải núp vào hang đá, lúc nắng trú dưới bóng cây...

Ngựa còn đang khoác lác thì trời đã sáng, chủ nhà cầm một cái roi ra bắt ngựa cưỡi đi chợ. Thấy ngựa ăn cắp mâm cỗ, sẵn roi chủ nhà đến tóm bờm ngựa đánh một trận nên thân. Ngựa cúi đầu chạy, hổ núp bên ngoài nhìn thấy mọi chuyện vừa xảy ra. Hổ tự hỏi:

- Ta ở trong rừng. Núp mưa trong hang đá, núp nắng dưới gốc cây mà không bị đánh là sướng, hay ở nhà gỗ ăn cám ngô mà bị đánh là sướng?

- Đi đường dốc, vấp phải đá, quàng phải dây mà không bị người ta ngồi trên lưng là sướng, hay đi đất bằng, đường rộng mà bị người ngồi trên lưng là sướng?


Ăn xong một nắm cỏ, nó lại ra suối tắm


Hổ ra bờ suối, chui vào bụi rậm nằm, chờ ngựa, còn ngựa đưa chủ đi đến nửa buổi chiều mới được về. Ăn xong một nắm cỏ, nó lại ra suối tắm. Hổ hỏi:

- Anh ngựa này? Cái sướng của anh tôi không muốn đâu! Anh được ăn ngô, ăn thóc, ăn cỏ, được ở nhà gỗ mà bị người ta đánh vào đầu, người ta cưỡi lên lưng thì sướng làm sao được?

Con ngựa chống chế:

- Tôi không phải làm nhà mà được ở, ngô, thóc tôi không cấy mà được ăn... Anh bảo thế chưa sướng thì thế nào là sướng? Lủi thủi trong rừng quanh năm suốt đời như anh là sướng đấy sao?

- Núi rừng tuy có âm u rậm rạp, nhưng tôi muốn đi đâu cũng được, muốn nằm đâu cũng được. Lúc tôi ngủ không ai dám gọi, lúc tôi chơi không ai dám ngăn. Hươu, nai, cáo, cầy không phải là của tôi, nhưng tôi có công bắt được thì tôi cứ ăn; không bị ai giành lại, không bị ai đánh mắng. Cái sướng của anh tôi không muốn đâu... Tôi không làm bạn với anh nữa đâu. Tôi đi về rừng rậm núi cao của tôi đây.

Nói rồi hổ cong đuôi chạy vào rừng.

  Một tình bạn chưa kịp nhen nhóm đã tàn lụi, với thói khoác lác tự cao, khi bị phát hiện ra sẽ bị tổn thương nặng nê và cảm thấy lòng tự trọng bị xúc phạm. Thói đời là thế cái gì càng cố giấu, cố che đậy thì nó lại càng sớm bị phanh phui một cách tàn nhẫn. Như trong câu chuyện trên khi ngựa đang mãi khoác lác sau khi mời được hổ về nhà thì trời sáng và bị chủ bắt quả tang ăn cắp mâm cổ. Bị chủ đánh mắng là một chuyện nhưng lại bị mang tiếng đãi bạn bè là đồ ăn cắp, mời bạn về cũng không được tự do thoải mái, nhưng lúc nào cũng ra vẻ là ta đây. Truyện ngụ ngôn trên cho chúng ta thêm một bài học về cuộc sống và đạo lý làm người trong xã hội.

0