21/02/2018, 08:52

Truyện ngắn: “Heo hút mù sương” của tác giả Phạm Thuận Thành

Tháng ba rồi mà gió bấc vẫn còn hun hút thổi. Hàng cây trên bến Thuý Hoa bạc mặt đứng chịu gió. Nước hồ nổi sóng vỗ oàm oạp vào bờ. Từng cuộn sương trắng đặc quánh lăn long lóc từ phía xa ập vào. Nhưng cuộn sương này đã làm nên tên hồ: Hồ Dâm ...

Tháng ba rồi mà gió bấc vẫn còn hun hút thổi. Hàng cây trên bến Thuý Hoa bạc mặt đứng chịu gió. Nước hồ nổi sóng vỗ oàm oạp vào bờ. Từng cuộn sương trắng đặc quánh lăn long lóc từ phía xa ập vào. Nhưng cuộn sương này đã làm nên tên hồ: Hồ Dâm Đàm. Hồ rộng ngút ngát. Vào những hôm trời trong từ bến Thuý Hoa nhìn sang bờ đối diện chỉ thấy mờ mờ rặng cây. Bên kia bờ bãi đầy lau lách chưa có người khai phá. Chim sâm cầm hàng đàn. Các loại chồn, cáo, nhím cũng sẵn. Cuối chiều người ta vẫn bày bán đồ tươi, sản phẩm săn bẫy đầy chợ Bưởi. Cuộc sống thật thanh bình. Từ ngày Thái Tổ dựng nghiệp đến nay đã gần trăm năm mà kinh thành chưa một lần phải chịu cảnh chiến tranh, việc dựng xây mỗi ngày mỗi sầm uất.

Từ phía lầu Thuý Ái ngay trên bến Thuý Hoa tiếng đàn hát vang lừng. Lê Thái sư biết chắc ngài ngự đang ở đó vui vẻ cùng đám cung nữ. Chỉ độ một canh giờ nữa ngài cùng đám cung nữ, quan thị lên lâu thuyền dong chơi hồ. Cuộc vui kéo dài sang giờ chiều thuyền mới cập bến. Ngày nào cũng như ngày nào. Số cung nữ trẻ đẹp luôn được bổ sung để ngài ngự thay đổi không khí. Thái sư biết, số lượng cung nữ nhiều thì số lượng quan thị cũng nhiều. Kể từ khi chàng thanh niên Ngô Tuấn tự cung hình để vào làm quan trong cung và nay trở thành quan Thái uý đầu triều thì đang có phong trào tự cung hình loang ra trong cả nước. Số lượng quan thị nhiều nên việc cạnh tranh chức tước trong đám quan thị này cũng khá gay gắt. Việc tổ chức cuộc chơi ở lầu Thuý Ái do Thái giám Mục Nhân bày ra và ông ta liền được phong chức Tổng quản Thái giám. Ngài ngự đang thời thanh xuân cường tráng nên những cuộc vui tràn ngày thâu đêm không biết chán. Đám quan thị được lệnh đi khắp các hang cùng ngõ hẻm tuyển mĩ nữ. Mỗi mĩ nữ được ngài ngự dùng thì viên quan thị có công tuyển sẽ được thăng một cấp. Tổng quản Thái giám Mục Nhân cho dựng lầu Thuý Ái làm nơi dành riêng chứa những cung nữ mới tuyển. Sau vài tháng số cung nữ này được chuyển vào hậu cung trong nội thành để chia về các ngự phòng làm việc. Cung nữ nào may mắn mang thai rồng sẽ được phong làm Tu dung, có cung nữ hầu hạ. Ngài ngự đã bố cáo từ lâu, Tu dung nào sinh hoàng tử sẽ lập tức được sách phong làm hoàng hậu. Ác nỗi, đã gần chục năm qua chưa Tu dung nào có diễm phúc ấy.

Thái sư ngày nào cũng nghe đàn hát mà không quen tai nổi. Tiếng đàn hát cứa vào lòng những vết đau âm ỉ. Ông lo lắng về việc ngài ngự mải vui quên cả triều chính. Ông lo cả cho sức khoẻ của vua. Trẻ khoẻ đến mấy mà tối ngày đam mê tửu sắc vô độ thì cũng không chịu nổi. Ông đã từng tâu bày với Linh Nhân Thái hậu. Thái hậu gạt đi: Hoàng thượng võ công hiển hách, đánh Tống bình Chiêm, thu phục đất đai phía Bắc, mở rộng cương vực phía Nam, công lao tột đỉnh hơn cả các bậc tiên vương thì cứ để hoàng thượng hưởng lạc một chút đã sao. Có việc gì Thái sư cứ bàn với Quốc sư là được. Bàn với Quốc sư ư. Quốc sư tham dự triều chính mà gần như không tham dự. Đã bao năm qua ngài chỉ lo việc độ càng nhiều tăng lữ, xây càng nhiều chùa càng tốt chứ không tham gia việc chính sự bao giờ. Kể từ khi Lê Sư phó nhận chức Thái sư thì Quốc sư càng im lặng, một thứ im lặng khó hiểu. Thái sư chợt nhớ lại năm Ất Mão, sau khi triều đình chọn ông vào cung nhận chức Sư phó qua kì thi Minh Kinh bác sĩ, Quốc sư đã nói một câu đầy ám chỉ: “Đám chữ nghĩa này rồi sẽ làm loạn lòng dân thôi”. Thái hậu dường như không chú ý đến câu nói ấy mà chỉ phấn khởi nói: “Ngươi tỏ ra xuất sắc nhất kì thi để nhận chức Sư phó, hãy đem hết kiến thức giúp vua an dân trị quốc thịnh trị như Hán Quang Vũ, Đường Thái Tông cho ta”. Càng nghĩ đến lời căn dặn ấy Thái sư càng bứt rứt không yên. Vua anh minh là luôn biết sửa mình, chăm lo triều chính, quan tâm tới đời sống muôn dân. Đam mê tửu sắc là bước đầu vào con đường hôn quân sau này. Có lẽ cứ nên gặp Quốc sư xem ngài ấy có cao kiến gì chăng. Sư phụ Lý Thường Chiếu chẳng đã từng dặn là cần phải khéo léo quan hệ với Quốc sư đó ư. Sư phụ Lý Thường Chiếu đã từng từ chối chức Quốc sư để chuyên tu ở chùa Thiên Thư núi Thiên Thai. Ngài muốn đem kiến thức rèn giũa lớp tuổi trẻ giúp nước. Muốn đất nước thịnh đạt phải có nhiều người tài kinh bang tế thế. Độ nhiều tăng, xây nhiều chùa mới chỉ làm được cái việc yên dân về tinh thần chứ chưa thể yên dân về đời sống. Mà với người dân thì miếng ăn là trời. Đói thì sinh loạn không bậc cao tăng nào ngăn nổi. Việc triều đình cho xây Văn Miếu, mở trường Quốc học cũng là do sư phụ Lý Thường Chiếu dùng uy tín cá nhân tác động đến tiên vương và Nguyên phi, đặng mở đầu cho nền văn trị đang manh nha mà sư phụ chính là người chủ trương.

Đang mải mê bơi trong dòng suy nghĩ thì lão quản gia đột ngột xuất hiện. Tưởng lão mang trà đến rồi đi ra, nhưng lão vẫn cứ đứng chờ. Thái sư đành hỏi:

– Lão muốn nói gì à?

– Trình ông, ngoài cổng có vị khách lạ. Khách không biết tiếng ta, ăn mặc thì lôi thôi rách rưới, tôi cho ăn không nhận, cho tiền cũng không nhận, đuổi thì không đi, cứ nói xì xà xì xồ ý muốn gặp ông chủ, vậy mời ông ra xem sao ạ.

Cảm thấy tò mò, Thái sư liền theo lão quản ra cổng.

Vị khách đúng vẻ một hành khất, mới trải qua quãng đường dài đầy gian truân để đến được đây. Quần áo rách rưới, bụi bặm. Râu tóc nhơm nhở, rối bù. Chân đi đôi dép cỏ xơ tướp. Thấy Thái sư ra, khách mừng quá giơ cả hai tay lên trời kêu to:

– Tai rân, ua sư Sâng Trua. Quảng Doen, Quảng Doen. (Đại nhân, tôi là Thành Trạc. Quảng Nguyên, Quảng Nguyên).

Trong hình hài tàn tạ, Thái sư ngớ người không nhận ra khách là ai. Nhưng ông biết đây là khách Tàu. Vừa mới năm trước ông thay mặt triều đình sang Tống đàm phán về đất Quảng Nguyên. Việc đàm phán bằng bút đàm. Nhưng do va chạm nhiều nên ông cũng nhận ra được một số âm Tàu gần với âm ta. Nhất là tên đất Quảng Nguyên. Đoán khách có thể gặp mình ở nơi đàm phán nên Thái sư gật đầu chào rồi sai lão quản đi lấy giấy bút. Lão quản vội vào thư phòng mang giấy bút ra. Thái sư viết lên giấy hỏi:

– Ngươi là ai, cần gặp ta à?

Khách viết, nét chữ rắn rỏi có lực chứ không như vẻ ngoài tàn tạ:

– Tôi là Thành Trạc, Gián nghị đại phu, đã cùng ngài nói chuyện đất Quảng Nguyên năm ngoái. Do đồng ý trả đất cho ngài mà bị cách chức đày đi biên ải Nhạn Môn Quan. Tôi trốn sang đây nhờ ngài giúp đỡ.

À ra thế. Mình đòi được đất thì lên chức. Người ta buộc phải trả đất thì mất chức. Quan Gián nghị đại phu đây cũng là người lắm lí lẽ nhưng do đuối lí mà chịu nhún. Số là sau khi Quách Quỳ không vượt qua được phòng tuyến sông Như Nguyệt, sợ ở lại lâu bất lợi nên đã ra lệnh rút quân. Sợ về nước bị trị tội nên đã chia quân giữ lại châu Quảng Nguyên, coi như không chịu về không. Châu Quảng Nguyên dân đông lại có mỏ vàng dễ khai thác. Đại Việt không muốn động binh chỉ gửi thư đòi đất nhưng nhà Tống không chịu với lí do Nùng quốc vương Quảng Nguyên đã nhượng đất nhập Tống rồi. Nhùng nhằng mấy năm không xong. Năm ngoái triều đình cử ông đi đàm phán. Ông đã nhắc lại chuyện họ Nùng làm phản, tự đặt quốc hiệu và đã bị trừng trị. Đến khi Nùng Trí Cao lại dấy binh đi đánh khắp biên giới Tống, nguyên soái Địch Thanh thua trận liểng xiểng phải nhờ Đại Việt giúp mới dẹp yên. Họ Nùng lui binh giữ đất Quảng Nguyên và chịu thần phục Đại Việt. Đại quân Quách Quỳ tràn đến chiếm đất, họ Nùng yếu thế phải chịu theo. Nhưng kẻ tôi đòi triều đình làm gì có quyền mang đất của vua đi cho người khác, hành động ấy khác nào kẻ cắp cần phải trừng trị, mà kẻ nhận đồ ăn cắp cũng cần phải trừng trị. Thành Trạc tuy đuối lí nhưng cậy nước lớn cứ chối quanh. Đến khi nghe tin Thái uý Lý Thường Kiệt đã mang quân áp sát Quảng Nguyên và đã có công bố yêu cầu tướng Tống rút quân nếu không sẽ bị tiêu diệt. Họ Nùng dựa thanh thế Lý Thường Kiệt cũng mang quân bản bộ vây soái phủ Hùng Tín, một bộ tướng của Triệu Tiết, đòi tự rút quân về nước. Hùng Tín trước đã từng nếm đòn Thái uý Lý Thường Kiệt ở Liêm Châu nên vội vã ra lệnh lui binh. Ở bàn đàm phán, Thành Trạc bấy giờ mới chịu kí giấy xác nhận trả đất Quảng Nguyên cho Đại Việt. Nhưng Tống triều đối xử với Thành Trạc, và chắc cả với Hùng Tín như vậy thật tàn nhẫn.

Thái sư viết:

– Tôi hoan nghênh ông ở lại làm gia khách.

Thành Trạc chắp tay cúi đầu “tua xia tai rân” lia lịa.

*

Chuyến đi chùa Vạn Quốc về làm Thái sư thêm phiền não. Chùa cách kinh thành chừng ba chục dặm, nhưng lối nhỏ ngoắt ngoéo khó đi. Riêng chặng cuối phải đi bộ leo dốc núi đá hơn một dặm. Các bậc cao tăng đắc đạo đều ở nơi heo hút như vậy cả. Quốc sư tỏ rõ sự không hoan nghênh cuộc viếng thăm này. Ngài cứ toạ thiền trong động không ra đón tiếp. Thái sư phải lấy danh phận quan đầu triều đến gặp Quốc sư bàn chuyện đại sự thì mấy tiểu tăng mới bất đắc dĩ đồng ý cho ông vào động. Quốc sư vẫn thiền trong tư thế kiết già trồng cây chuối trầm mặc. Vẻ mặt ngài không một chút động rung thế sự. Thái sư cũng phải thầm thán phục cái đắc đạo của cao tăng.

– Thái hậu bảo tôi đến gặp Quốc sư.

– Mô Phật. – Quốc sư đáp bằng một giọng nói thâm trầm như vọng từ lòng đất lên vậy.

– Hoàng thượng nhiều ngày nay chỉ ham vui tửu sắc không thiết triều, Quốc sư có cao kiến gì khuyên ngăn hoàng thượng xin chỉ giáo cho.

– Mô Phật. Thường Chiếu luôn chống đối ta, làm giảm uy tín Phật môn. Thái sư là môn đệ yêu của Thường Chiếu, nay tham triều ngang chức với ta thì ta còn dám nói gì được. Thái sư còn là Sư phó của Hoàng thượng thì hãy nhận lấy kết quả này đi. Mô Phật.

Tiếng là không nói gì nhưng thực ra Quốc sư đã cho ý kiến. Nếu danh nghĩa thần tử không khuyên ngăn được vua thì lấy danh nghĩa thầy dạy để khuyên ngăn. Thái sư phút chốc ngộ ra như vậy liền bái tạ:

– Cám ơn Quốc sư đã chỉ giáo.

– Mô Phật. Đám chữ nghĩa các người rồi sẽ làm loạn lòng dân cho coi. Mô Phật.

Đáng lẽ thì ra về vui vẻ, nhưng câu nói sau cùng lặp lại y nguyên câu nói khi nhậm chức năm nào khiến ông phải suy nghĩ. Hán Đường thịnh trị đâu chỉ dựa vào Phật pháp, mà chủ yếu là do có người tài kinh bang tế thế trị quốc. Trước nữa, những kẻ sĩ nổi danh như Quản Trọng, Phạm Thư, Vệ Ưởng, Khổng Minh đủ khả năng làm xoay chuyển cục diện đất nước. Ngay như ông, nếu không có tài ăn học thì làm sao bày mưu giúp Thái uý bày trận Như Nguyệt thắng lợi, rồi cãi lí đòi được đất Quảng Nguyên. Sư phụ Lý Thường Chiếu đã có một chủ trương sáng suốt giúp chấn hưng triều đình, chấn hưng đất nước sao Quốc sư luôn không bằng lòng như vậy.

Thái sư thay đổi quan phục, tay sách tay thước định đi sang Thuý Ái lầu thì gia khách Thành Trạc bước vào. Ông nán lại giữ lễ. Thành Trạc nói:

– Đại nhân đang lúc tâm trạng bất an thì chớ đi gặp đấng chí tôn. Công việc gián nghị rất cần tâm thế ổn định, một chút sơ suất có thể dẫn đến hoạ sát thân luôn à.

– Sao ông biết tôi đi gián nghị?

– Nhà vua đã nhiều ngày không thiết triều, đại nhân với chức phận Sư phó làm sao có thể không gián nghị đây.

Thành Trạc quả biết đọc tâm lí người khác. Có thế mới làm quan to Tống triều chứ. Thái sư thầm nghĩ và tự nhận mình đang có tâm trạng buồn bực thật. Ông đặt sách thước lên bàn ngồi thừ ra suy nghĩ. Thành Trạc tự rót rước mời Thái sư. Mới ở ít ngày mà ông ta đã quen với công việc gia khách. Ăn cơm chúa cũng nên làm vài việc phù hợp giúp chúa chứ. Và nay thì có cơ hội giúp việc lớn hơn. Thành Trạc ngồi đối ẩm. Chờ Thái sư uống hết chén trà, ông ta mới cất tiếng:

– Vua đắm say tửu sắc tất gần gũi bọn tiểu nhân. Bọn tiểu nhân đắc ý thì người quân tử hết đất dụng võ. Đó là cái hoạ của nước. Thái sư cần dựa vào các bậc công huân hợp sức can gián vua thì mới hiệu quả. Tôi xem ra các bậc lão thần dường như đang nản, cố tình xa lánh triều đình, Thái sư tại triều rất nên thận trọng.

– Vậy ta cứ để mặc hoàng thượng vui chơi ư?

– Phải can gián chứ. Lúc lâm triều thì lấy tư cách Thái sư mà can. Lúc thường thì lấy tư cách Sư phó để răn. Tôi còn…

– Phải chăng ông có cách gì khác sao?

– Có, có đấy, nhưng khó nói.

Thái sư sốt ruột giục:

– Ta lấy bụng chân thành đối đãi, lẽ nào ông không muốn làm một Tín Lăng Quân cho ta ư?

Thành Trạc ngần ngừ mãi mới nói nhỏ:

– Tôi biết Thái sư cầm tinh hổ, vua cầm tinh ngựa, mà hổ có thể chế áp ngựa. Tôi có thuật hoá trang, nhân trời nhiều sương ngài hoá trang thành bạch hổ tinh đi trên thuyền nhỏ đuổi theo ngự lâu thuyền, vua nhìn thấy ắt sẽ kinh sợ mà không dám du thuyền hưởng lạc nữa.

Đang muốn ngăn cản vua giảm bớt cuộc chơi để lo triều chính, Thái sư phấn khởi nghe theo diệu kế của Thành Trạc. Ông cho gọi lão quản vào làng Võng Thị thuê sẵn người làm nghề chài lưới chờ giao việc. Lão quản vâng dạ đi ngay. Thái sư cũng mang sách thước đi sang Thuý Ái lầu.

*

Thấy Thái sư vừa mới đi chưa đầy nửa canh giờ đã quay về, vẻ mặt khó đăm đăm, gia khách Thành Trạc ra đón nhưng không dám hỏi han gì. Thái sư ra hiệu Thành Trạc đi theo vào phòng khách. Ông vứt xoạch sách thước lên bàn rồi ngồi phịch xuống ghế. Đoạn cằn nhằn:

– Đúng là tiểu nhân đắc ý. Thái giám Mục Nhân dám đuổi ta khỏi lầu thì còn trời đất gì nữa.

Ông bỗng xót xa nghĩ đến lời nói của Thành Trạc lúc trước, vua đắm say tửu sắc thì thời của tiểu nhân đắc ý bắt đầu. Những lần gặp trước, hoàng thượng chưa bao giờ bỏ ngoài tai lời can gián và lần nào cũng hứa sẽ quay về dự thiết triều đúng giờ. Hôm sau Hoàng thượng lại tỏ ra ân hận vì trót mải vui mà quên mất lời hứa, đoạn hỏi thăm xem chính sự có gì đặc biệt không. Cuối cùng thì căn dặn Thái sư cùng Quốc sư cứ chủ động giải quyết công việc rồi tâu báo sau. Lần này thì khác. Chẳng biết Thái giám Mục Nhân đã ton hót với hoàng thượng những gì mà khi ông xuất hiện, Mục Nhân đã ra đứng chặn cửa lầu hỏi:

– Ngày nào ông cũng đến mà không thấy chán à?

Thái sư hơi bất ngờ về thái độ có vẻ xấc xược đó nhưng vẫn bỏ qua:

– Đến giờ giảng kinh sách, ta cần gặp Hoàng thượng ngay, người vào trong bẩm báo cho ta.

Thái giám Mục Nhân gõ gõ cái quạt vào cánh cửa như muốn đuổi ông ra:

– Hoàng thượng còn lo việc quốc gia đại sự cấp bách, hôm nay cho ông nghỉ, ông về đi.

  Vốn thường ngày giải quyết chính sự, làm gì có việc cấp bách như Thái giám nói nên Thái sư chất vấn:

– Việc cấp bách gì mà ta không biết nhỉ?

Thái giám Mục Nhân vươn dài cái cổ ngẳng nói khẽ vào tận tai ông:

– Hoàng thượng đang tìm Thái tử, Thái sư như ông mà không biết à. Việc tìm Thái tử chẳng lẽ không phải việc trọng đại, thôi ông về đi.

Thái sư không muốn đôi co thêm nên đành vác cái ấm ức quay về.

Thôi đành phải dùng biện pháp quyết liệt vậy. Doạ vua là chuyện chẳng hay ho gì, nhưng doạ cho vua sợ để bớt đắm say tửu sắc mà lo triều chính thì cũng nên làm. Bằng không thì còn có cách nào khác khả dĩ hơn đây. Thái sư quay ra hỏi Thành Trạc:

– Việc hoá trang có lâu không?

Thành Trạc nói có vẻ tự mãn:

– Chuyên nghề của tôi mà, vài khắc là xong thôi.

– Vậy ông tiến hành giúp ta ngay nào.

Thành Trạc về phòng mang lên cái lốt hổ. Chẳng biết ông ta đã sắm đồ này tự bao giờ. Cứ như diệu kế đã chuẩn bị từ trước dành cho Thái sư vậy. Ông ta tự khoác lốt lên người rồi làm vài động tác hổ gầm, hổ vồ sinh động như thật. Đoạn quay ra phân trần:

– Nếu có sương mù làm cho hình hài lúc ẩn lúc hiện thì còn giống thật hơn nữa.

– Hoàng thượng sắp xuống thuyền rồi, ông mau hoá trang cho ta đi nào.

  Thái sư đứng yên để Thành Trạc giúp mang lốt hổ. Lạ thay, khi lốt hổ vừa trùm kín người thì Thái sư liền cảm thấy chóng mặt hoa mắt muốn buồn nôn. Dường như có tinh bạch hổ bay từ ngoài cửa nhập vào người. Thái sư rùng mình ớn lạnh. Sau đó thì tay chân bứt rứt ngứa ngáy khó chịu cứ như muốn vồ con mồi đâu đó trước mặt ngay lập tức. Thành Trạc nheo nheo mắt nhìn, từ trong hốc mắt bắn ra những tia lửa có sức điều khiển khiến Thái sư chỉ biết mơ màng chịu trận. Bấy giờ Thành Trạc mới  khe khẽ thúc giục:

– Bạch hổ tinh, người hãy gầm lên cho ta nào.

Tức thì Thái sư vung hai tay như động tác hổ chồm lên, một tiếng gầm âm âm văng ra khủng khiếp. Lão quản vội chạy đến xem có chuyện gì xảy ra. Thành Trạc bảo:

– Thái sư đóng giả bạch hổ tinh thôi, lão thấy tiếng gầm có giống không?

Lão quản chưa hết kinh sợ vì thấy hổ xuất hiện trong nhà mà lại không thấy chủ nhân đâu, mặc dù nghe gia khách nói vậy nhưng vẫn còn ngờ vực. Thành Trạc lại ghé sát đầu hổ nói:

– Bạch hổ tinh thử vồ mồi cho lão quản xem nào.

Tức thì Thái sư quật quật đuôi rồi nhảy chồm vào người lão quản. Lão quản cả kinh ngã vật xuống đất. Thành Trạc đỡ lão quản dậy và bảo dẫn Thái sư xuống thuyền.

Mặc dù đã được lão quản nhanh chân xuống thuyền nói trước với người chèo thuyền là Thái sư mặc lốt hổ dạo chơi cùng thuyền của vua nhưng khi Thái sư đi đến ông ta vẫn cứ run cầm cập như đối diện với hổ thật. Thành Trạc đỡ Thái sư xuống thuyền và dặn:

– Bạch hổ tinh ngồi cho vững, bao giờ đuổi kịp ngự lâu thuyền hãy giơ nanh múa vuốt nghe.

  Thái sư ngồi im lặng phía mũi thuyền vẻ ủ rũ. Bấy giờ người chèo thuyền mới bớt sợ và yên tâm cho thuyền lao vào màn sương đang kéo ùn ùn đến. Thuyền nhẹ, người chèo thuyền thạo nghề nên lao vun vút như bay trên tầng trời. Chẳng mấy chốc đã nghe tiếng đàn hát rộn ràng phía trước. Mặc dù đang giữa buổi sáng mà ngự lâu thuyền vẫn thắp đèn nến sáng trưng. Khi nhìn rõ bóng người đi lại trên ngự lâu thuyền thì Thái sư liền chồm dậy vẻ rất hung hãn. Tiếng một cung nữ hoảng sợ hét lên:

– Có hổ! Có hổ!

Tiếng Thái giám Mục Nhân gắt:

– Có hồ chứ làm gì có hổ.

Liền đó chính Mục Nhân lại hét lên:

– Ối giời ơi! Thần hổ bay đến thật kìa!

Ngự lâu thuyền bỗng rối loạn hỗn tạp tiếng kêu tiếng khóc tiếng nấc. Một thần hổ màu trắng, đôi mắt sáng quắc như đèn pha chiếu rọi đang vùn vụt lao đến thì ai chẳng kinh hãi, nhất là đám cung nữ thần hồn nát thần tính. Nhà vua tưởng đám cung nữ bày trò trêu đùa tiêu khiển nên cũng ra khỏi phòng nhìn xem thực hư ra sao. Thốt nhiên vua cũng kinh hãi lặng người đi. Thái giám Mục Nhân vội kêu líu cả lưỡi:

– Cứu, cứu giá, bay đâu mau cứu giá!

Bấy giờ người chèo thuyền mới chợt nghĩ đã bị lão quản gia phủ Thái sư lừa, mang hổ đi sát hại vua thì tội tru di cửu tộc. Qua ánh đèn nến phản chiếu, người chèo thuyền lại nhìn thấy đôi mắt hổ rực màu đỏ sáng loá thì cả kinh, đúng là hổ thật rồi. Đoạn người chèo thuyền vội ghìm tay chèo cho thuyền đi chậm lại, rồi cúi người nhặt tấm chài dưới chân vung lên chụp gọn xuống bạch hổ. Liền đó một tiếng hổ gầm kinh hãi vang ra làm cho mặt nước hồ bỗng dưng cuộn sóng ào ạt. Người ở hai thuyền đều dựng tóc gáy lên. Con hổ vừa mới hung dữ là thế, sau tiếng gầm man dại thì đã chịu nằm yên trong chài như đang trong giấc ngủ say không biết gì nữa.

Đức vua giật mình nhận ra Thái sư đang thiêm thiếp trong lốt hổ. Chỉ đến khi Thái giám Mục Nhân hắt chén rượu vào mặt thì Thái sư mới chớp chớp mắt như đang còn say giấc chưa muốn dậy. Mục Nhân ra hiệu cho người chèo thuyền túm tay xốc Thái sư đứng lên. Bấy giờ Thái sư mới hoảng hốt đổ sụp xuống bái tạ:

– Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thượng cho gọi thần đến bao giờ đấy ạ?

Đức vua phẩy tay đi vào trong phòng. Mục Nhân sai người chèo thuyền trói gô Thái sư lại ném vào đống dây chão ở mũi thuyền. Mục Nhân lại gần cười gằn:

– Mưu hoá hổ hại Hoàng thượng à, nằm đấy chờ chết nghe con.

*

Tin Thái sư bị bắt giam nhanh chóng ập đến. Lão quản run bắn người không tin vào tai vào mắt của mình. Lão vội đến phòng gia khách Thành Trạc hỏi xem sự tình ra sao. Nhưng gia khách đã cuốn gói từ lúc nào rồi. Trong phòng chỉ còn một tờ giấy viết chữ đặt ngay ngắn trên giường ngủ, lão quản nhặt mang vào nhà lao đưa cho chủ nhân xem. Thái sư đọc xong bỗng cười ngất lên sằng sặc. Lão quản kinh sợ tưởng chủ nhân phát điên vội lay gọi. Thái sư cố nhịn cười nói:

– Thì ra là như vậy. Thì ra là như vậy.

Rồi lại cười ngất lên. Lão quản nghe mà chẳng hiểu gì.

Sau trận cười tưởng đứt hơi, Thái sư trở lại vẻ ung dung tự tại. Lão quản bớt lo lắng vài phần. Có lẽ mảnh giấy đã minh oan cho tội hoá hổ hại vua. Bấy giờ lão mới thanh thản hỏi dò:

– Thưa ông, chữ viết gì vậy?

– Chỉ có chữ “Quảng Nguyên” thôi. Đấy là đất ta đòi được của Tống triều. Thành Trạc vì việc đó bị giáng tội, nay dùng khổ nhục kế sang trả thù ta. Lão cứ yên tâm, ta đã đòi được đất ấy nay dù có chết cũng cam lòng.

– Vậy ông cho tôi theo hầu chứ?

– Không. Lão hãy về núi Thiên Thai trông nom chùa Thiên Thư và hương khói thầy Thường Chiếu giúp ta. Mệnh ta cứ để ông trời định đoạt.

Đoạn Thái sư dặn dò lão quản những việc cần làm.

Ở núi Thiên Thai lão quản sốt ruột ngóng tin tức chủ nhân và ngày nào cũng ba lần thắp hương cầu Phật phù hộ chủ nhân tai qua nạn khỏi bình an vô sự. Tội hoá hổ hại vua thì lớn quá. Nhưng chủ nhân làm sao có thể hại vua được. Chỉ tại cái tên gia khách xảo trá quỷ quyệt kia thôi. Mà hắn mưu trả thù chuyện để mất đất thì ai mà ngờ để đề phòng được. Nhất là kẻ chiến thắng lại càng mất cảnh giác. Lần sau tốt nhất đừng có dây với bọn chúng. Nhưng liệu có còn “lần sau” không hở trời.

Lão quản sốt ruột ngong ngóng tin tức. Rồi tin cũng truyền về. Chủ nhân có Linh Nhân Thái hậu bênh vực nên miễn tội chết, chỉ phải lĩnh án đày Thao Giang. Lão quản yên tâm ở lại trông nom chùa đợi ngày chủ nhân trở về.

Những lúc rỗi rãi, lão quản lại mang dụng cụ ra chạm khắc khối đá lớn ở ngay cổng chùa thành hình linh vật thuỷ quái Dâm Đàm tự cắn vào thân như lời thanh minh nỗi hàm oan cho chủ nhân của mình. Lão tin, rồi có ngày sương mù Dâm Đàm sẽ thanh quang, thân phận chủ nhân lại sáng rõ vùng núi Thiên Thai này.

0