Truyện cười: Tiết học dự giờ
Nghe tin có đoàn ở trên chuẩn bị về trường dự giờ, bà hiệu trưởng lo sốt vó. Dù mỗi lần họ về cũng chỉ đôi ba tiếng đồng hồ, họp hành xong, dự một hai tiết học là họ lại đi ngay thôi, nhưng để cho đôi ba tiếng đó êm xuôi là cả một quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị sôi máu mắt, đổ mồ hôi ấy chứ chẳng ...
Nghe tin có đoàn ở trên chuẩn bị về trường dự giờ, bà hiệu trưởng lo sốt vó. Dù mỗi lần họ về cũng chỉ đôi ba tiếng đồng hồ, họp hành xong, dự một hai tiết học là họ lại đi ngay thôi, nhưng để cho đôi ba tiếng đó êm xuôi là cả một quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị sôi máu mắt, đổ mồ hôi ấy chứ chẳng chơi! Cái này nó giống như làm phim vậy: tuy chỉ là một cảnh quay vài chục giây lướt qua màn ảnh, nhưng cả đoàn làm phim phải mất cả buổi sáng diễn tới diễn lui, quay đi quay lại vất vả, mệt nhoài…
Đầu tiên là phải bố trí giáo viên cứng, có kinh nghiệm đứng lớp chịu trách nhiệm giảng bài cho buổi dự giờ – kể cả hôm ấy giáo viên đó không có tiết thì cũng vẫn phải tới, bởi đây không phải là chuyện có tiết hay không, mà là chuyện tiếng tăm, chuyện sống còn của nhà trường – chứ nếu để cho mấy đứa giáo viên hợp đồng mới ra trường còn non tay, đứng trước đoàn dự giờ mà run như cầy sấy thì còn dạy được cái mẹ gì!? Sau nữa là phải chọn giảng lại cái bài đã học rồi để học sinh nó còn nhớ, chứ dạy bài mới tinh, học sinh nó ngu ngơ, nhìn trân trân lên bảng như một lũ bị đơ thì có mà dơ.
Chưa hết, dù là dạy lại bài cũ, nhưng vẫn phải tập đi tập lại cho nhuyễn kịch bản: “Đầu tiên, cô sẽ hỏi câu này nhé! Đây, câu trả lời đây! Bạn An học thuộc đi, lúc cô hỏi thì cả lớp đồng loạt giơ tay, nhưng chỉ có bạn An mới là người được cô gọi đứng lên trả lời. Còn bài tập này nữa nhé! Đáp án đây! Bạn Tèo xem kỹ đi, lúc cô hỏi ai xung phong lên bảng làm bài thì cả lớp đồng loạt giơ tay, nhưng chỉ có bạn Tèo là người được cô gọi lên thôi đấy!
Và cuối cùng, để đảm bảo cho buổi tiếp đón đoàn diễn ra thật thành công thì không thể không nhờ tới sự hỗ trợ của cô Thảo – giáo viên môn giáo dục giới tính. Cô giáo Thảo là cháu của một sếp bự được gửi gắm về trường. Và đã thành thông lệ, đúng một hôm trước khi đoàn dự giờ về, bà hiệu trưởng lại mua một túi hoa quả, bỏ vào đó thêm cái phong bì (có lần quen tay còn mua cả vàng mã, hương, nến), rồi nhẹ nhàng gọi cô Thảo qua phòng, mời cô Thảo ngồi, rót nước cho cô xơi, xong bà hiệu trưởng mới từ tốn cất lời: “Cô Thảo này! Mai là đoàn ở trên về thăm và dự giờ trường ta đấy. Để chuyến thăm không xảy ra sự cố, cũng là để nâng cao uy tín và hình ảnh của nhà trường, thì xin cô, ngày mai, cô đừng đến trường nhé! Cô cứ nằm nhà ngủ cho khỏe! Chứ cô mà lởn vởn ở trường rồi mấy người trong đoàn nhìn thấy gọi lại hỏi lung tung, rồi cô lại mở mồm ra trả lời như con khùng là thành “sôi hỏng bỏng không” hết cả! Mong cô tạo điều kiện giúp đỡ nhà trường” – Đấy! Không lần nào là thiếu được cái công đoạn quan trọng sống còn ấy!
Đúng giờ, xe ô tô của đoàn nghiêm trang tiến vào trường trong rừng khẩu hiệu cờ hoa phấp phới chào mừng. Sau những cái bắt tay thân thiện, những màn chào hỏi hân hoan, những bài diễn văn báo cáo thành tích (vẫn copy y nguyên từ những lần trước, chỉ sửa ngày, đổi tháng, thay năm), thì cũng tới phần dự giờ. Những em học sinh hằng ngày đen nhẻm, nhem nhuốc, mặc quần thủng đít, mang dép rách quai, nay bỗng quần lượt áo là thẳng tưng, sáng bừng. Những cô giáo mọi hôm tất tả, áo sơ mi nhăn nhúm mặc vội, cúc cài lệch hở cả dây áo con, tóc chẻ ngọn đỏ lòm búi vội vàng bằng sợi chun đen sì cắt ra từ cái săm xe hỏng, nay bỗng áo dài yểu điệu, thướt tha, tóc chải mượt mà xõa xuống bờ vai ơ hờ… – Chả vậy! Không vậy thì sẽ thành ra rất nghịch mắt và khập khiễng khi đứng, khi ngồi cùng những mái đầu hói lơ thơ vuốt keo óng ả, những com lê, cà vạt phẳng lì, những giầy tây bôi xi bóng nhoáng…
Sau khi cô giáo giới thiệu hôm nay có đoàn về dự giờ, cả lớp vỗ tay rào rào, nhưng liền sau đó, không khí trong lớp trở nên trật tự và nghiêm trang đáng sợ. Đúng kịch bản, cô giáo ôn lại chút bài cũ, xong cô đọc một đoạn thơ, rồi cô hỏi: “Bạn nào biết khổ thơ vừa rồi nằm trong bài thơ gì, và có ý nghĩa như thế nào?”. Trời ơi, cả lớp giơ tay rào rào! Nhưng cô nhìn mãi, không thấy tay của bạn An đâu. Ô hay! Đâu rồi ấy nhỉ? À kia rồi, cái thằng mất dạy nó đã trốn xuống bàn cuối chỗ góc lớp, và đang ngủ khì khì. Làm sao bây giờ nhỉ? Kêu nó dậy thì khác gì “vạch áo cho người xem ti”, mà gọi đứa khác, nhỡ vào đúng cái đứa không biết gì thì cũng nguy…
Nhưng thôi, hên xui vậy! Và cô giáo gọi đại một đứa đang ngồi bàn đầu với cánh tay giơ rất cao và nét mặt đầy vẻ tự tin. Nó đứng dậy, trả lời dõng dạc: “Thưa cô! Khổ thơ vừa rồi trích trong bài thơ “Tiểu đội xe không bánh” của nhà thơ Trần Nhật Duật ạ! Bài thơ muốn nêu lên thực trạng đường xá ở nước ta quá xuống cấp, ổ gà, ổ voi nhiều, nên xe đi vào bị rơi hết bánh ạ!”.
Cô giáo tái mặt! Cái thằng này, không biết gì mà còn giơ tay hăng hái thế, làm cô bị một phen ê chề. Cô đang định chống chế thì không kịp nữa rồi, ông trưởng đoàn dự giờ ngồi phía dưới đã từ từ đứng dậy với vẻ mặt đầy nghiêm trọng, ông lắc đầu thất vọng: “Chết! Học hành thế này thì chết! Phát biểu tào lao hết cả! Đây là xe của bộ đội, chạy đường rừng, làm gì có ổ voi ổ gà mà rơi hết bánh. Bánh ở đây không phải là bánh xe, mà là bánh kẹo. “Tiểu đội xe không bánh” ý muốn nói đến đời sống thiếu thốn của người lính, phải nhịn đói, không có bánh mà ăn. Học môn Văn, các em phải hiểu đúng ý, đúng từ của tác giả, có vậy mới cảm nhận được trọn vẹn cái hay, cái đẹp của tác phẩm!”.
Nói xong, ông trưởng đoàn trịnh trọng ngồi xuống, cả lớp lại vỗ tay rầm rầm, phục ông kiến thức uyên thâm. Còn cô giáo thì thở phào, rồi bảo cả lớp mở vở, chuyển qua học bài mới. Cô cầm sách đi dọc lớp, nhìn các em học sinh với ánh mắt trìu mến, thân thương, và cất giọng đọc du dương:
“Anh ở đầu sông, em cuối sông
Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông
Thương nhau đã chín ba mùa lúa
Chưa lần gặp lại nhớ mênh mông”.
“Em nào cho cô biết, tình yêu mãnh liệt và dai dẳng của đôi trai gái được thể hiện như thế nào trong khổ thơ?” – Cô giáo vừa hỏi dứt lời thì cả lớp lại giơ tay rào rào. Cô đưa mắt tìm cánh tay của Tèo. Nhưng hình như thằng Tèo đang sợ, nó cứ cúi gằm mặt, tránh ánh mắt cô, hai cánh tay rụt rè giấu vào dưới ngăn bàn đang rung rung, run rẩy. Cái thằng! Lúc tập thì rõ hăng, mà giờ làm thật thì co rúm vào thế kia! Thôi, lại phải hên xui, gọi đại một đứa khác vậy…
Cái con bé được cô gọi liền đứng dậy hứng khởi, giọng hồ hởi: “Thưa cô! Tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái thể hiện rất rõ rệt ở câu “Thương nhau đã chín ba mùa lúa” ạ! Lúa thì một năm có hai mùa, chín mươi ba mùa chia cho hai ta được bốn mươi sáu năm rưỡi. Yêu nhau tới bốn mươi sáu năm rưỡi chưa lần gặp lại mà vẫn nhớ mênh mông thì quả thực là một tình yêu mãnh liệt và dai dẳng vô cùng ạ!”.
Cô giáo lại tái mặt, đang định chống chế thì không kịp nữa rồi, ông trưởng đoàn dự giờ ngồi phía dưới đã lại từ từ đứng dậy với vẻ mặt đầy nghiêm trọng, ông lắc đầu thất vọng: “Chết! Học hành thế này thì chết! Phát biểu tào lao hết cả! Tác giả nói chín mươi ba mùa lúa là nói quá lên, ý muốn thể hiện cái thời gian chờ đợi rất lâu, chứ làm gì có đôi nào yêu nhau mà bốn mươi sáu năm rưỡi không gặp vẫn nhớ mênh mông! Thử tính xem nhé: lúc bắt đầu yêu nhau, hai người chắc cũng phải mười tám đôi mươi, cộng thêm bốn mươi sáu năm rưỡi xa nhau, tức là khi ấy hai người đã gần bảy chục rồi. Bảy chục nhiều cụ đã phải ngồi xe lăn, nhấc mông lên còn không nổi chứ nói gì là nhớ mênh mông! Văn học nó không phải là trần tục, càng không thể áp dụng các công thức toán học mà nhân chia trừ cộng, văn học nó có cách nói thậm xưng và cường điệu hóa. Các em có hiểu không?”.
Nói xong, ông trưởng đoàn trịnh trọng ngồi xuống, cả lớp lại vỗ tay rầm rầm, phục ông kiến thức uyên thâm. Và rồi cuối cùng, buổi dự giờ cũng kết thúc thành công…
Lúc tiễn đoàn dự giờ ra xe về, bà hiệu trưởng có nhét vào tay ông trưởng đoàn cái phong bì. Ông trưởng đoàn mở ra xem xem, đếm đếm rồi cười hì hì: “Nhiều thế? Những mười tờ cơ à? Năm ngoái có chỉ có năm tờ thôi”. Tới lượt bà hiệu trưởng cười, rồi kính cẩn đáp lời: “Dạ! Thì phải ngày càng phát triển đi lên chứ anh! Mà anh thấy chất lượng dạy và học của trường em năm nay thế nào ạ?”. Ông trưởng đoàn lại cười khà khà: “Tốt! Năm nay chất lượng tốt gấp đôi năm ngoái! Tuy nhiên, vẫn phải cố gắng để những năm sau sẽ tốt gấp ba, gấp mười năm nay, nhá!”.
Rồi ông trưởng đoàn bước lên xe. Chiếc xe rú ga lao vọt đi, bỏ lại đằng sau lớp bụi khói quyện vào nhau dày đặc trên không trung. Cái băng-rôn có dính dòng chữ “Thi đua dạy tốt, học tốt” treo trước cổng trường cũng mờ đi bởi lớp bụi khói mịt mùng…
Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO