Truyện cười: Cái chim của anh Cương

Chuyện về cái chim của anh Cương đã ly kì ngay từ thuở anh mới lọt lòng… Người ta kể rằng khi cô y tá lôi anh từ trong bụng mẹ ra và bế anh trên tay, như những đứa trẻ khác, cô chỉ vỗ nhẹ phát vào mông là chúng khóc ré lên ngay, đằng này, cô vỗ rát cả tay cô, đỏ cả mông anh, mà anh vẫn ...

Chuyện về cái chim của anh Cương đã ly kì ngay từ thuở anh mới lọt lòng…

Người ta kể rằng khi cô y tá lôi anh từ trong bụng mẹ ra và bế anh trên tay, như những đứa trẻ khác, cô chỉ vỗ nhẹ phát vào mông là chúng khóc ré lên ngay, đằng này, cô vỗ rát cả tay cô, đỏ cả mông anh, mà anh vẫn không khóc, mặt cứ trơ ra. Cô y tá thấy chim anh to, liền búng búng vào chim anh mấy phát, bất ngờ, chim anh Cương cửng lên, đái thẳng vào mặt cô, xong anh cười khanh khách.

Anh Cương lớn lên tính khí bộc trực, không quen nói những lời ngọt ngào, ngứa mắt con nào là anh chửi ngay, cộng thêm cái tội nhà nghèo và xấu giai, nên gái thôn tôi chả cô nào ưa anh Cương. Khả năng anh Cương ế vợ nó hiển nhiên như chuyện giá xăng A95 sẽ tiếp tục tăng để bù lỗ và kích cầu cho xăng sinh học E5.Người ta bảo “Đen tình đỏ bạc”, còn anh Cương là “Đen tình đỏ việc”: tăm tối đường vợ con, thì đường công việc lại sáng sủa: anh được mọi người tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội bảo vệ thôn. Từ khi anh Cương lên nắm quyền, tình hình trật tự của thôn được cải thiện rõ rệt: không còn tệ nạn chó thả rông chạy nhông nhông ngoài đường; hết luôn cảnh thanh niên tụ tập ở ngã ba rình bóp vú gái đi qua; hiện tượng ỉa bậy trước cổng nhà văn hóa cũng giảm; vườn chuối sau đền thờ thành hoàng làng đã thưa dần những kim tiêm; cái ao cạnh đình thôn bớt lều phều những băng vệ sinh, những bao cao su đã qua sử dụng…

Người ta đã cũng quên luôn mất rằng anh Cương là người có cái chim đặc biệt, cho đến một hôm…

Đó là hôm anh Cương đi tuần và phát hiện một bóng đen khả nghi đang vác cái gì đó từ nhà kho của thôn chạy ra. Nhanh như cắt, anh Cương đuổi theo và hô to: “Trộm! Trộm!”. Tức thì, từ các ngả, tiếng chân người rầm rập, tiếng gậy gộc lộc cộc… chả mấy chốc, dân làng đã túa ra đông kín. Ánh đèn pin loang loáng rọi thẳng vào mặt tên trộm đang rúm ró nép sau gốc cây xà cừ…

“Là ông trưởng thôn! Không phải trộm!” – Ai đó chưng hửng thốt lên. Quả đúng vậy, từ sau gốc cây xà cừ, ông trưởng thôn đĩnh đạc bước ra, mặt ông trịnh trọng, tay ông vung lên, giọng ông hùng hồn hệt khi ông phát biểu ở cuộc họp chi bộ thôn: “Xin chào bà con! Tôi mừng vì tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống trộm cắp của bà con thôn ta rất tốt! Tôi mong bà con tiếp tục phát huy và nêu cao tinh thần này, vì mục tiêu không còn trộm cắp ở thôn ta. Thôi, giờ cũng khuya rồi, bà con về ngủ đi, mai còn ra đồng lao động, làm giàu cho thôn, cho xã. Tôi đi tuần tra nốt vòng này nữa là cũng về nhà nghỉ đây.”

“Tuần tra? Ông tuần tra cái quái gì mà chui cả vào nhà kho rồi vác đồ ra thế hả?” – Giọng anh Cương gầm lên khiến ông trưởng thôn sững lại, còn đám đông cũng không khỏi ngỡ ngàng: họ hết nhìn ông trưởng thôn rồi lại nhìn qua anh Cương, như đang chờ đợi một điều gì đó rất nghiêm trọng chắc chắn sắp xảy ra…

“Tao sẽ viết đơn lên xã kiện mày tội vu khống! Mày bảo tao chui vào nhà kho vác đồ ra? Bằng chứng, bằng chứng đâu?” – Ông trưởng thôn nghiến răng kèn kẹt, găm cái nhìn đầy thách thức và hằn học về phía anh Cương. Không hề lộ vẻ hoang mang, anh Cương lạnh lùng tiến lại chỗ gốc cây xà cừ nơi ông trưởng thôn vừa náu, mắt anh rà quanh tứ phía tìm kiếm, anh xới tung mớ rơm khô – chắc của trâu bò nhà ai ăn dở, anh chui cả xuống cái cống đen ngòm um tùm cỏ dại gần đó, nhưng không thấy gì…. Trên bờ, giọng ông trưởng thôn vẫn gằm ghè, hệt như con chó bị xích đang thò cổ ra ngoài gầm gừ người lạ qua đường: “Tao sẽ kiện mày ra xã, đồ vu khống! Tao sẽ kiện mày!”.

Truyện trào phúng : Cái chim của anh Cương

Anh Cương vẫn im lặng, không nói gì, lầm lì bò từ dưới cống lên, rồi đột nhiên, anh đứng thẳng người, toàn thân cứng đờ, mắt dại đi như bị thôi miên. Tất cả còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bỗng thấy chỗ đũng quần anh rách toạc, và từ cái chỗ vừa rách toạc ấy, cái đầu chim của anh ngúc ngoắc thò ra. Ban đầu nó chỉ nhỏ như trái dưa leo, sau to dần, to dần, bằng quả bí đao, xong nó dựng đứng, ngoáy tít thò lò như cái kim la bàn đang dò hướng. Ngoáy một hồi, như thể đã xác định được mục tiêu, nó rung lên bần bật, chĩa thẳng về hướng bờ sông. Anh Cương lúc ấy như một con rô-bốt, cứ thế bước theo hướng đầu chim đang chỉ, tiến tới sát bờ sông. Đến đó, anh thấy một đám nước sát mép bờ đang sủi tăm, mấy bụm cỏ gần ấy cũng có dấu hiệu dập nát như vừa bị thứ gì đó chẹt qua. Anh Cương lao ùm xuống, hụp lặn một hồi, rồi hì hục vác lên vật gì đó rất nặng. Anh đi tới chỗ trước mặt ông trưởng thôn – lúc này đang cúi gằm, chết lặng – và quăng “uỵch” cái vật trên vai anh xuống đất: đó là một bao gạo!

Ngày hôm sau, sự việc đã lan đi khắp làng xã. Người ta phẫn nộ vì ông trưởng thôn khốn nạn: gạo cứu trợ – cho mấy hộ nghèo của thôn có nhà cửa ruộng vườn bị lũ cuốn trôi – mà ông cũng ăn cắp được. Có người lại bảo gạo của người nghèo thì ông trưởng thôn lấy cũng phải thôi, vì ông ấy cũng nghèo, nhưng không phải nghèo bạc nghèo tiền, mà là nghèo đạo đức, nghèo lương tri… Tuy thế, điều khiến người ta hào hứng, bàn tán sôi nổi hơn cả, ấy vẫn là chuyện cái chim thần kỳ của anh Cương có khả năng nhận diện ngay gian, ngoáy ngoáy vài vòng là chỉ trúng phóc chỗ cất giấu đồ ăn cắp; rằng ngày xưa nước Tống có Bao Thanh Thiên với Thượng Phương Bảo Kiếm chuôi ngọc lưỡi vàng chuyên diệt trừ kẻ gian, bảo vệ lẽ phải, thì ngày nay thôn ta có anh Cương với Thượng Dương Bảo Chim vừa to vừa dài vạch mặt bọn trộm cắp, thay trời hành đạo…

Cũng từ hôm đó, đầu ngõ nhà anh Cương lúc nào cũng có người nghiêng ngó: phần nhỏ trong số họ là những kẻ tò mò, đến xem mặt anh vì hiếu kì, còn phần lớn là các cô thôn nữ, đến gặp anh để bày tỏ tình cảm và lòng ngưỡng mộ, muốn cùng anh nên nghĩa chồng vợ. Anh Cương hỏi: “Tôi vừa nghèo, vừa xấu, lại chỉ là một thằng bảo vệ quèn, công tháng vài ba cân thóc, có cái cóc gì đâu để các cô phải ái mộ, ao ước?”. Các cô e thẹn, cười tủm tỉm, bảo: “Bọn em yêu anh không phải vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, bọn em yêu là yêu cái bên trong con người anh kìa!”.

Vậy là anh Cương có vợ, và có luôn cả uy tín, tiếng tăm với dân làng khi mà liên tiếp sau đó, anh lại phát hiện ra được nhiều vụ trộm cắp khác: lần thì bà trưởng ban kế hoạch hóa gia đình giấu thuốc tránh thai tuồn bán ra các nhà thuốc bên ngoài; lúc lại ông đội trưởng đội chăn nuôi trộm lợn của đội về giết thịt quẳng lên gác bếp ăn dần; rồi vụ bí thư thôn dùng tiền quỹ xây nhà tình nghĩa đi chơi gái; rồi trưởng ban dự án xây dựng tượng đài liệt sĩ của thôn chở sắt thép về giấu sau vườn và cho đổ móng, làm cột công trình bằng bê tông cốt tre cốt nứa…

Thế nhưng, chẳng hiểu sao, càng được bà con yêu thương, anh Cương càng gặp nhiều điềm xui rủi: đang đi tuần đêm, anh bị mấy thằng bịt mặt nó gạt tay trúng má, gạt chân trúng mồm, mặt mũi sưng vù, gẫy mấy cái răng; rồi anh bị kỉ luật do xuống đường xử lý vi phạm vỉa hè của thôn không đúng quy trình; sau đó, anh bị đuổi khỏi đội vì làm lộ bí mật của thôn; tưởng về quê với vợ là được yên ổn, ai ngờ, anh lại bị đưa ra tòa vì tội cố ý làm đúng quy định gây hậu quả nghiêm trọng – nghiêm trọng cho ai thì không thấy nói…

Đi tù về, sức khỏe anh Cương giảm sút rất nhiều. Anh sống lặng lẽ, khép mình, như lẩn tránh cuộc đời…

Chiều qua, tôi đến nhà anh Cương chơi, thấy anh đang ngồi đầu ngõ xóc lọ – vợ anh bán mắm tôm, mắm đựng vào lọ nên phải thường xuyên xóc rửa lọ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh ngồi xổm, mặc quần đùi rộng, và không có sịp, nên khi anh xóc lọ, cái đầu chim anh ủ rũ thò ra, khẽ rung rung, oặt à oặt ẹo, trông rất tội, không ai dám tin rằng chính cái chim ấy đã có thời cương to được như quả bí đao, tung hoành ngang dọc, lẫm liệt oai phong, làm ối đứa phải dè chừng và khiến bao người nể trọng.

Tôi và anh đang nói chuyện, chợt thằng con anh từ đâu chạy vào, lắc vai anh, bảo: “Bố ơi, con đi tè”. Anh dịu dàng tụt quần xuống cho con. Nhìn thằng nhóc tè mà tôi há hốc mồm kinh ngạc: Nó không có chim! À, chính xác hơn là nó có chim, nhưng đã bị cắt đi, chỉ còn lại vết sẹo phẳng lì với một cái lỗ nhỏ tròn nhỏ ti. Thấy được sự kinh hoàng trên mặt tôi, anh Cương cất giọng ngậm ngùi: “Anh cắt chim của nó đi đấy! Lúc cô y tá lôi nó từ trong bụng mẹ nó ra, cô ấy cũng vỗ đỏ cả mông, rát cả tay mà nó không thèm khóc, và khi cô ấy búng chim nó, thì chim nó cửng lên, đái vào mặt cô ấy xong rồi nó cười khanh khách” – anh nói rồi quay đi, lau vội dòng nước mắt…

Tôi hiểu quyết định của anh: đời anh sóng gió, khổ nhục vậy là đủ rồi, anh không muốn con anh sống tiếp cuộc đời như anh nữa! Cũng phải thôi, cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình được sống một kiếp đời an bình, yên ổn…

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

0