Truyện cười: Bầy kền kền
Tôi là phóng viên ảnh, và rất hay được mời đi chụp hình cho mấy cái vụ quảng cáo, tiếp thị hay khuếch trương thương hiệu của mấy công ty, doanh nghiệp. Bao nhiêu năm làm nghề, tôi rút ra một đặc thù của quảng cáo: đó là cường điệu và nói láo. Ví dụ như chụp quảng cáo kem đánh răng, nhất thiết bạn ...
Tôi là phóng viên ảnh, và rất hay được mời đi chụp hình cho mấy cái vụ quảng cáo, tiếp thị hay khuếch trương thương hiệu của mấy công ty, doanh nghiệp.
Bao nhiêu năm làm nghề, tôi rút ra một đặc thù của quảng cáo: đó là cường điệu và nói láo. Ví dụ như chụp quảng cáo kem đánh răng, nhất thiết bạn phải nặn làm sao cho ra một cục kem thật to, hai đầu thon thon, nhọn dần đều, một đầu cụp xuống, một đầu cửng lên, nằm đè lên đám lông…bàn chải – nói thật là ngoài đời tôi chưa thấy ai rặn được ra cái cục kem đánh răng đẹp như thế. Mà đẹp thường đi đôi với tốn kém và lãng phí: bạn cứ thử đánh răng mỗi lần bằng một cục to như trên quảng cáo xem, chả vài hôm là đi tong một hộp.
Hoặc như chụp quảng cáo cho mấy công ty nước lọc, nước suối cũng vậy: cứ phải cầm chai dốc ngược, đổ ồng ộc vào mồm, nước chảy xối xả xuống cằm, xuống cổ, xuống vai, xuống ngực – ngoài đời mà uống kiểu đó thì mỗi lần uống phải cởi hết quần áo ra, vừa uống vừa kì cọ, xong lấy khăn lau khô người, rồi mặc quần áo vào, tối về khỏi tắm.
Rồi có lần tôi chụp hình quảng cáo cho một hãng quan tài. Thông điệp của hãng đó là: người chết được nằm vào cái quan tài của hãng là một niềm hạnh phúc, chả có gì phải khóc lóc, đau khổ cả! Thế nên họ cho diễn viên đóng làm con cháu đứng quanh quan tài vỗ tay, cười ha hả – ngoài đời mà vậy chắc người chết sẽ vùng dậy, bóp cổ chết bà mấy đứa con cháu mất dạy…
Tuy nhiên, đó là xu hướng của quảng cáo truyền thống trước đây thôi, chứ giờ, các doanh nghiệp khôn lắm rồi, họ không quảng cáo kiểu ấy nữa, mà họ chuyển qua hình thức mới tinh vi, hiệu quả, nhân văn, và thấm đẫm tình người hơn, đó là mô hình quảng cáo “từ thiện theo dòng sự kiện”. Tức là họ sẽ rình rập, nghe ngóng xem trên mạng, trên Phây xem có vụ giết người, có ca ung thư, tử vong nào thương tâm, thu hút được sự cảm thông, động lòng của dư luận, của nhân dân, là họ nhảy vào làm từ thiện. Rồi họ thuê tôi đi theo chụp ảnh trao quà…
Bạn thử nghĩ xem, dân tộc ta có truyền thống lá lành đùm lá rách, một miếng khi ói, à nhầm, một miếng khi đói bằng một gói khi no, trong lúc tang gia đầy thiếu thốn, khó khăn và bối rối ấy, hình ảnh một doanh nghiệp đến tặng quà tài trợ, trao tận tay tấm bảng ghi to đùng giá trị món nợ, à nhầm, giá trị món quà, rồi bắt tay, rồi chụp hình lưu niệm nhoay nhoáy… Thật xúc động và đẹp đẽ biết mấy!
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải tính toán rất kĩ, chứ không phải cứ có người chết là lao đến trao quà. Họ còn phải xem đối tượng nhận quà có phù hợp với sản phẩm, dịch vụ của họ hay không. Ví dụ, một chị có chồng vừa chết, lập tức một hãng truyền hình cáp đến trao tặng phần quà là “2 năm miễn phí” xem truyền hình cáp của họ. Nghe qua thì chả có gì, nhưng nếu phân tích kĩ, ta sẽ thấy, thông điệp của hãng truyền hình cáp này gửi gắm trong đấy là cực kỳ sâu xa và đầy ẩn ý: “Chồng chết thì tất nhiên sẽ buồn, mà buồn thì hãy xem truyền hình cáp của chúng tôi là sẽ thấy vui. Và tại sao lại là 2 năm mà không phải 10 năm, 20 năm? Bởi vì chỉ cần 2 năm xem truyền hình cáp của chúng tôi thôi là đủ để nỗi buồn chồng chết nguôi ngoai đi hết!”.
Tương tự như thế, một anh nông dân nghèo có vợ vừa chết, lập tức một hãng máy tính đến tận nhà xác trao cho anh món quà là một chiếc laptop hàng tồn kho, với thông điệp là: “Vợ chết, tiền hết, không đá được phò? Đừng lo, có laptop rồi, cứ việc lên mạng xem sex, quay tay tha hồ”. Hoặc là vụ một chị chồng vừa chết, có ngay hãng sextoy đến tặng một bộ cu giả đời mới nhất với ba chế độ rung, lắc, ngọ nguậy, tự động phun nhớt kèm theo một thông điệp rất cụ thể: “Không gì là không thể thay thế!”.
Sáng nay, một anh bên công ty bao cao su gọi điện bảo tôi đi chụp ảnh trao quà của công ty anh cho khách hàng ở bệnh viện ung thư. Đối tượng nhận quà lần này là một chị gái có chồng bị ung thư dái. Tôi nghe qua thông tin thì hỏi lại bằng giọng ái ngại: “Chồng người ta bị ung thư dái mà mình tặng bao cao su liệu có ổn không anh?”. Anh giải thích ngay: “Bao cao su bên anh dùng được cho mọi đối tượng mà, có phải chỉ dành riêng cho chồng chị ta đâu!”.
Vậy là tôi xách máy ảnh lên và đi. Đoàn chúng tôi vào tận phòng bệnh, tới tận giường bệnh nhân thăm hỏi. Anh chồng chắc rất đau, chúng tôi vào anh cũng chả thèm chào, chỉ lấy tay ôm dái. Chị vợ anh ngồi bên cạnh thì mặt thẫn thờ, buồn tê tái. Anh trưởng đoàn – là đại diện của công ty bao cao su – thấy thế liền lại gần, cầm tay chị vợ xoa xoa, mân mê, rồi hỏi thăm bằng giọng tỉ tê: “Dái chồng em thế nào rồi?”. Chị vợ thở dài, giọng ngậm ngùi: “Bác sĩ bảo may mắn thì mới giữ được! Nhưng cũng chỉ dùng để đái thôi!”.
Xong, anh trưởng đoàn kêu mọi người đứng xếp hàng để chụp ảnh trao quà. Quà lần này là 10 thùng bao cao su loại gân sần, có gai, tự phát sáng trong đêm với hương thơm trái cây tự nhiên của miền nhiệt đới. Chả hiểu sao được nhận quà mà mặt chị vợ cứ nghệt ra, anh trưởng đoàn phải nhắc mãi chị mới cười tươi lên được!
Xong việc, lúc ra xe, anh trưởng đoàn ghé tai bảo tôi: “Em cố gửi ảnh sớm cho anh để anh chuyển cho các báo còn kịp lên bài tối nay nhé! Vụ ung thư dái này đang hot, phải lên bài càng nhanh càng tốt! À quên, cái cụ già bị mấy thằng lưu manh cướp tiền và đánh đập hôm trước ấy, có vẻ yếu lắm rồi, chắc khó mà qua khỏi! Em cứ chuẩn bị tinh thần, cụ chết phát là chúng ta tới trao quà ngay! Phải nhanh chân, không bọn khác nó trao mất đấy!”.
Chúng tôi leo lên xe, chiếc xe nổ máy phành phành, phụt khói lao đi, bỏ lại sau lưng đám bụi bay mịt mùng. Bầy kền kền chuyên ăn xác chết bậu kín trên những rào dây thép gai quanh bệnh viện nghe động thì giật mình kêu oang oác, rồi vỗ cánh phành phạch bay lên không trung, chúng bay lảng vảng, lòng vòng trên nền trời mịt mờ, u ám…
Tác giả: VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO