Trường hạ điểm chuẩn thí sinh đau đớn
Không còn cơ hội rút hồ sơ Nhiều thí sinh trong đợt 1 xét tuyển 2 trường: 1 trường yêu thích lấy cao điểm - không đủ điểm đỗ, 1 trường không yêu thích nhưng lại đủ điểm đỗ. Trong thời gian từ ngày biết điểm chuẩn đến trước ngày 21/8 thí sinh đủ điểm đỗ phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản ...
Không còn cơ hội rút hồ sơ
Nhiều thí sinh trong đợt 1 xét tuyển 2 trường: 1 trường yêu thích lấy cao điểm - không đủ điểm đỗ, 1 trường không yêu thích nhưng lại đủ điểm đỗ. Trong thời gian từ ngày biết điểm chuẩn đến trước ngày 21/8 thí sinh đủ điểm đỗ phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc để xác nhận trúng tuyển. Do đó, nhiều bạn đã nộp giấy vào trường mà mình không yêu thích, đến khi trường yêu thích tiếp tục xét tuyển bổ sung hạ mức điểm chuẩn thì thí sinh lúc này không còn cơ hội nữa vì theo quy định năm nay thí sinh sẽ không được rút hồ sơ.
>> Xem danh sách 151 trường xét tuyển NVBS đợt 1 tại đây
Trường hạ điểm chuẩn, thí sinh “đau”
Với việc xét tuyển năm nay, nhiều thí sinh rất “đau” bởi vì trường đăng ký nguyện vọng 1 hạ điểm chuẩn.
Năm nay, thí sinh P.T.V đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Kỹ thuật quân sự, nguyện vọng 2 vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Khi công bố điểm trúng tuyển, thí sinh P.T.V trượt Học viện Kỹ thuật quân sự nhưng lại trúng tuyển Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.
Tuy nhiên, kết thúc xét tuyển đợt 1, Học viện Kỹ thuật quân sự lại xét tuyển nguyện vọng bổ sung, xét theo mức điểm thí sinh P.T.V đã đỗ vào Học viện.
Thí sinh P.T.V đến Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông xin rút hồ sơ nhưng không được vì theo quy chế thi, thí sinh không được rút hồ sơ, giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh P.T.V, gia đình đã rất tiếc và rất “đau” vì ước mơ vào trường quân đội không thực hiện được.
Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ông Vũ Văn San cho biết, nếu theo nguyện vọng và ước mơ của các em thì cũng tiếc nhưng không có cách nào khác vì đây là quy chế của Bộ GD&ĐT đã quy định. Học viện chỉ còn cách là động viên thí sinh yên tâm học vì ở đây các em có nhiều cơ hội nhận được học bổng, môi trường học tập chất lượng.
Tương tự như trường hợp thí sinh trên, tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân… có rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển đến trường xin rút giấy chứng nhận kết quả thi để nộp sang trường quân đội. Bởi vì năm nay có tới 18 trường quân đội đều tuyển bổ sung. Tổng số chỉ tiêu tuyển bổ sung của các trường quân đội lên tới hơn 1.000 chỉ tiêu, chưa kể hệ dân sự.
Tuy nhiên, tất cả các thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi đều không được trả lại bởi đó là quy chế và có trả lại cho các em nhưng khi các em nộp vào trường khác, hệ thống phần mềm tuyển sinh mà Bộ quản lý cũng không nhận vì mã số trúng tuyển các em đã được nhập.
Việc các trường hạ điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung, GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, việc này cần phải cân nhắc thật cẩn trọng bởi hệ luỵ có thể sảy ra. Giả thiết khi các trường hạ điểm chuẩn thì các thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 2 sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc chọn trường, chọn ngành học. Nhưng chúng ta sẽ xử lý thế nào đối với các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 (của đợt 1), nếu các em muốn thay đổi nguyện vọng khi điểm chuẩn thay đổi. Công bằng cần đặt ra, khi hạ điểm chuẩn ở đợt 2 đối với thí sinh ở cả 2 đợt xét tuyển. Bức xúc của phụ huynh, thí sinh có thể lại phát sinh từ việc hạ điểm chuẩn.
Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc thí sinh đến xin rút hồ sơ là hiệu ứng tất yếu của quy định cho phép các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung trong quy chế tuyển sinh năm nay.
“Đây là luật chơi đã đặt ra và thí sinh buộc phải chấp nhận để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác. Sẽ không có một phương pháp tuyển sinh nào hoàn hảo nhất là trong bối cảnh hiện tại" - ông Triệu nhấn mạnh.
Theo Hồng Hạnh - Báo Dân Trí
>> Danh sách trường xét tuyển đợt bổ sung 2016