04/06/2017, 23:10

Trong cuộc thi hái hoa tặng mẹ, tặng cô nhân ngày 8 tháng 3 do lớp em tổ chức, nếu nhận được câu hỏi: Hãy đọc một bài thơ về mẹ mà em thích nhất thì em sẽ đọc bài thơ nào? Tại sao?

Có những bài thơ ta bất chợt gặp trong đời nhưng lại để trong ta những ấn tượng thật sâu đậm. Có một bài thơ tôi đã đọc trên báo “Thiếu niên tiền phong” từ ngày tôi còn rất nhỏ, đến nay tôi không còn nhớ tên bài thơ, nhớ tên tác giả nhưng từng câu, từng chữ trong bài thì tôi còn nhớ như in. Một bài ...

Có những bài thơ ta bất chợt gặp trong đời nhưng lại để trong ta những ấn tượng thật sâu đậm. Có một bài thơ tôi đã đọc trên báo “Thiếu niên tiền phong” từ ngày tôi còn rất nhỏ, đến nay tôi không còn nhớ tên bài thơ, nhớ tên tác giả nhưng từng câu, từng chữ trong bài thì tôi còn nhớ như in. Một bài thơ cảm động về tình mẫu tử.

" Hoa cúc vàng trước cửa
Giữ mùa thu tảo tần
 Giữ hao gầy dáng mẹ
Những tháng ngày chênh vênh
Con có khoảng trời xanh
Cả trong mơ cũng đẹp
 Con có một mặt trời
 Rực rỡ muôn tia nắng
 
Nhưng có gì đẹp hơn
Tình yêu thương của mẹ
 Như khoảng trời xanh đó
 Như mặt trời lung linh
 
Giờ đã sang mùa đông
Gió lạnh về bên cửa
 Áo len mẹ đan xong
 Con cười trong giấc ngủ".
 
Bài thơ là những lời tâm tình cảm động của người con về tình mẹ. Ngay từ những dòng đầu, tác giả đã nhắc đến tên một loài hoa tượng trưng cho tình mẫu tử: hoa cúc. Đó là loài hoa trong cổ tích mà người con gái nhỏ vì tình yêu mẹ tha thiết đã xé nhỏ từng cánh hoa để mẹ được sống lâu hơn. Hoa cúc cũng là loài hoa gọi mùa thu về với trần gian để dưới mỗi mái nhà lại vang lên lời hát: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ vừa măm...”. Với người con trong bài thơ thì hoa cúc và mùa thu lại mang thêm một ý nghĩa nữa:
 
"Giữ hao gầy dáng mẹ
 Những tháng ngày chênh vênh".
 
Mùa thu với cái se lạnh của đất trời càng làm se thắt thêm những trái tim bé nhỏ biết yêu thương. Và trước hết là yêu thương mẹ, người mẹ tảo tần vất vả với tháng năm. Tác giả đã dùng một từ thật hay: "chênh vênh" Đó là một từ tượng hình chỉ thế không vững, bất ổn định. Dùng từ chênh vênh để nói về những tháng ngày của đời mẹ nhằm nhấn mạnh sự truân chuyên, vất vả, nhọc nhằn.
 
Khác với mẹ, con chưa phải gánh vác việc nhà; ngược lại, con có cả một khung trời mộng mơ đầy màu sắc:
 
“Con có khoảng trời xanh
 Cả trong mơ cũng đẹp
 Con có một mặt trời
 Rực rỡ muôn tia nắng”.
 
Chỉ có tuổi trẻ mới có thể nói “Con có...” nhiều điều sống động và tươi đẹp đến thế bởi chúng em có nhiều ước mơ, có nhiều mộng tưởng. Mà thế giới của những mơ mộng thì khi nào chẳng đẹp, chẳng hấp dẫn, quyến rũ! Nhưng thật lạ kì! Còn có một thế giới còn đẹp hơn cả trong mơ, mà đó lại là một thế giới có thực:
 
“Nhưng có gì đẹp hơn
Tình yêu thương của mẹ
Như khoảng trời xanh đó
Như mặt trời lung linh”.
 
Đó là thế giới của yêu thương, của tình mẫu tử. Tình mẹ mang đến cho con sự ấm áp, yên vui nhất trên thế gian này. Tình mẹ rộng lớn như “khoảng trời xanh” bát ngát, tình mẹ nồng ấm như “mặt trời lung linh”. Có một nhà văn đã nói: “Gần mặt trời thì sáng, gần mẹ hiền thì ấm”. Quả thực, với cuộc đời con, mẹ như mặt trời mang lại ánh sáng, sự ấm áp, niềm tin và sự sống.
 
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh mẹ theo sát bên con giữa mùa đông lạnh giá. Mẹ đan áo cho con để con được hưởng những làn hơi ấm áp, để con được tự do mơ ước về những miền đất xa xôi của tuổi thơ mình:
 
“Giờ đã sang mùa đông
 Gió lạnh về bên cửa
 Áo len mẹ đan xong
 Con cười trong giấc ngủ”.
 
Nụ cười trong giấc mơ là nụ cười của hạnh phúc và của niềm tin yêu. Bài thơ viết về tình mẫu tử, một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của con người. Nhưng không vì sức nặng của đề tài mà bài thơ trở nên khô cứng, khuôn sáo. Cái hay của bài thơ là sự nhẹ nhàng, tinh tế của thể thơ năm chữ, sự ngắn gọn hàm súc của bốn khổ thơ ngắn ngủi và nhất là những hình ảnh thơ đẹp đẽ, gần gũi với lứa tuổi chúng em. Chính bởi những điều giản dị mà sâu sắc ấy, bài thơ đã theo suốt em trong những năm rất dài nhắc nhở em nhớ về mẹ và luôn biết ơn người.

Nguyễn Minh

0 chủ đề

23664 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0