Trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp
a. Thụ lý đơn và điều tra về khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp : – Các đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp gửi đơn đến Toà án nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp. + Nếu là chủ nợ : kèm theo ...
a. Thụ lý đơn và điều tra về khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp :
– Các đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp gửi đơn đến Toà án nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
+ Nếu là chủ nợ : kèm theo đơn phải có bản sao giấy đòi nợ, các tài liệu liên quan đến việc giải quyết tranh chấp các khoản nợ, các tài liệu chứng minh tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn …
+ Nếu là doanh nghiệp mắc nợ : kèm theo đơn là các tài liệu như danh sách chủ nợ, báo cáo tình hình kinh doanh 06 tháng trước khi mất khả năng thanh toán nợ đến hạn ; báo cáo quyết toán và thuyết trình chi tiết tình hình tài chính 02 năm cuối; báo cáo về các biện pháp tài chính cần thiết đã áp dụng để khắc phục …
– Toà án thụ lý đơn phải vào sổ và cấp cho người nộp đơn giấy báo đã nhận được đơn . Trong 7 ngày kể từ ngày thụ lý, toà án phải thông báo cho doanh nghiệp mắc nợ biết kèm theo bản sao đơn và các tài liệu khác có liên quan.
b. Mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp :
* Điều kiện mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp :
– Doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn do hai lý do là gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp phải chứng minh được các khoản thua lỗ là đúng, là hợp pháp, không có dấu hiệu của phá sản gian trá.
– Doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn gặp khó khăn, không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.
– Nếu là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và dịch vụ công cộng quan trọng phải có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc của thủ trưởng cơ quan nhà nước đã ra quyết định thành lập doanh nghiệp về việc không áp dụng các biện pháp cần thiết phục hồi khả năng thanh toán nợ đến hạn của doanh nghiệp.
– Có hồ sơ yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp hợp lệ, bao gồm đơn, bản sao giấy đòi nợ, các giấy tờ tài liệu chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.
– Có chứng từ chứng minh người nộp đơn đã nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật.
* Quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp :
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn , chánh toà kinh tế toà án nhân dân cấp tỉnh phải xem xét và ra một trong 2 quyết định:
+ Quyết định không mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, nếu xét thấy không đủ căn cứ.
+ Quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản trong đó ấn định thời điểm ngừng thanh toán nợ của doanh nghiệp, chỉ định thẩm phán và tổ chức quản lý tài sản để giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Trong quyết định này phải nêu rõ lý do mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; ấn định thời điểm ngừng thanh toán nợ của doanh nghiệp ; họ tên của Thẩm phán phụ trách và các nhân viên Tổ quản lý tài sản được chỉ định. Quyết định này được đăng báo địa phương và báo TƯ trong 3 số liên tiếp.
* Việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp được tiến hành thông qua hoạt động của toà kinh tế mà trực tiếp là thẩm phán và tổ quản lý tài sản. Tuỳ thuộc vào tính chất và quy mô của vụ kiện , chánh toà Toà kinh tế cấp tỉnh chỉ định 1 thẩm phán hoặc một tập thể gồm 3 thẩm phán để giải quyết.
* Toà án sẽ ấn định thởi điểm ngừng thanh toán nợ : (để bảo vệ con nợ không phải trả lãi những khoản nợ chưa đến hạn và để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ cấm con nợ thực hiện 1 số hành vi thanh toán cho bất kỳ chủ nợ nào.
* Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng báo quyết định của toà án về mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ doanh nghiệp và phải cung cấp những tài liệu , chứng cứ chứng minh về số nợ đó để hình thành danh sách chủ nợ .
c. Hội nghị chủ nợ , hoà giải và tổ chức lại doanh nghiệp
c.1 Hội nghị chủ nợ:
• Việc tổ chức hội nghị chủ nợ trước hết là nhằm bảo đảm cho việc giải quyết 1 cách bình đẳng lợi ích kinh tế của các chủ nợ trong quan hệ với doanh nghiệp bị yêu cầu phá sản và giữa họ với nhau.
• Hội nghị chủ nợ chỉ được triệu tập trong giai đoạn xem xét giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, do thẩm phán triệu tập và chủ trì.
• Thời gian họp hội nghị lần đầu là 30 ngày kể từ ngày khoá sổ danh sách đòi nợ.
• Thành phần gồm:
– Những đối tượng có tên trong danh sách chủ nợ
– Đại diện công đoàn hay đại diện người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn (Chỉ có quyền biểu quyết khi tham gia hội nghị chủ nợ với tư cách là chủ nợ lương).
– Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp mắc nợ.
– Đại diện hợp pháp của doanh nghiệp mắc nợ (Tham gia để trình bày phương án hoà giải và giải pháp tổ chức lại doanh nghiệp.
• Hội nghị chủ nợ chỉ hợp lệ khi có sự tham gia của quá nửa số chủ nợ đại diện cho ít nhất 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm tham gia
• Hội nghị chủ nợ có thể được hoãn 1 lần nếu rơi vào 1 trong 2 điều kiện
– Không đủ quá nửa số chủ nợ đại diện cho ít nhất 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm tham gia
– Đa số chủ nợ có mặt biểu quyết hoãn họp
• Trong vòng 30 ngày kể từ ngày hội nghị chủ nợ lần 1 bị hoãn thẩm phán phải triệu tập lại hội nghị chủ nợ lần 2 . Nếu triệu tập lại mà hội nghị chủ nợ vẫn không thành do không đủ số lương tham gia như quy định thì toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
• Nội dung của hội nghị chủ nợ : Chủ yếu bàn và giải quyết về 2 vấn đề chính
– Xem xét thông qua phương án hoà giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
– Thảo luận và kiến nghị với thẩm phán về phân chia tài sản của doanh nghiệp nếu không có phương án hoà giải hoặc phương án hoà giải không được thông qua.
c.2- Hoà giải và giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
• Việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng kết thúc bằng việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp đó mà còn có phương thức khác đó là hoà giải và tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
• Mục đích của phương thức này là tìm giải pháp duy trì doanh nghiệp tạo cơ hội để doanh nghiệp mắc nợ vượt qua tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thay vì bị tuyên bố phá sản.
• Ngay sau khi ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, thẩm phán phải yêu cầu chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp xây dựng phương án hoà giải và các giải pháp tổ chức lại kinh doanh.
• Nội dung của phương án gồm:
– Các kiến nghị về hoãn nợ, giảm nợ, xoá nợ, mua nợ, bảo lãnh nợ và các biện pháp khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, cũng như những cam kết về thời hạn, mức và phương thức thanh toán nợ đến hạn của doanh nghiệp.
– Các biện pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
• Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được yêu cầu phương án phải được gửi cho toà án
• Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải trình bày phương án hoà giải và các giải pháp tổ chức lại kinh doanh tại hội nghị chủ nợ và trả lời chất vấn của các chủ nợ.
• Nếu phương án hoà giải và giải pháp tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được hội nghị chủ nợ thông qua thì thẩm phán ra quyết định công nhận biên bản hoà giải thành và tạm đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.
d. Tuyên bố phá sản và phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp
d.1-Quyết định tuyên bố phá sản
• Thẩm phán Toà kinh tế cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp trong các trường hợp:
– Doanh nghiệp mắc nợ không có phương án hoà giải và các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh khi có đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp của chủ nợ và toà án đã có quyết định mở thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
– Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không có mặt ở hội nghị chủ nợ để trình bày phương án hoà giải và các giải pháp tổ chức lại sản xuất kinh doanh.
– Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án hoà giải và giải pháp tổ chức lại sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Hết thời hạn tổ chức lại hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có hiệu quả và các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
– Trong thời hạn tổ chức lại hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng những thoả thuận tại hội nghị chủ nợ và chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản.
– Trong quá trình giải quyết việc phá sản doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp tư nhân bỏ trốn hoặc bị chết và người thừa kế từ chối thừa kế hoặc không có người thừa kế.
• Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp được gửi đến chủ nợ, doanh nghiệp bị phá sản và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.
• Quyết định tuyên bố phá sản có thể bị khiếu nại ( đối với các chủ nợ và doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản) và kháng nghị (đối với Viện kiểm sát). Thời hạn khiếu nại và kháng nghị là 30 ngày kể từ ngày có quyết định.
• Quyết định này phải được đăng báo địa phương và báo hàng ngày của trung ương trong 3 số liên tiếp. Thời hạn đăng báo chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
d.2- Phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Việc phân chia tài sản của doanh nghiệp được tiến hành sau khi đã xác định rõ tài sản của doanh nghiệp.
• Tài sản của doanh nghiệp gồm:
– Tài sản cố định và tài sản lưu động của doanh nghiệp đang có trong doanh nghiệp
– Tiền hoặc tài sản góp vốn liên doanh, liên kết với cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức khác.
– Tiền hoặc tài sản của doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác đang nợ hoặc chiếm đoạt.
– Tài sản đang cho thuê hoặc cho mượn.
– Các quyền về tài sản.
– Riêng đối với doanh nghiệp tư nhân thì tài sản của doanh nghiệp còn bao gồm cả tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh.
• Tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản gọi là tài sản phá sản.
• Thứ tự ưu tiên phân chia tài sản
– Các khoản lệ phí, các chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp.
– Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký.
– Các khoản nợ nộp thuế
– Các khoản nợ cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ.
• Khi phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, có thể có 3 tình huống xảy ra :
– Nếu giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp phá sản còn đủ để thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình
– Nếu giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp phá sản không đủ để thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ thì mỗi chủ nợ được thanh toán một phần các khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng. Nếu vẫn còn thừa thì phần còn lại thuộc
+ Chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp tư nhân
+ Các thành viên công ty nếu là công ty
+ Ngân sách nhà nước nếu là doanh nghiệp nhà nước
e. Thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp
• Theo Luật phá sản doanh nghiệp của Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản là phòng thi hành án thuộc sở tư pháp nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
• Để tổ chức việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, trưởng phòng thi hành án phải ra quyết định thành lập tổ thanh toán tài sản và chỉ định một chấp hành viên phụ trách tổ này.
• Sau khi thanh toán hết tài sản phá sản thì tổ trưởng tổ thanh toán tài sản phải làm báo cáo về việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản gửi cho trưởng phòng thi hành án đồng thời niêm yết tại trụ sở phòng thi hành án.
• Sau 15 ngày kể từ ngày niêm yết nếu không có chủ nợ nào khiếu nại thì trưởng phòng thi hành án ra quyết định kết thúc việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
• Báo cáo thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp phải được gửi cho
– Toà án đã quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp
– Cục quản lý thi hành án
– Cơ quan đăng ký kinh doanh để xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh
f. Hậu quả của việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp
• Quyết định tuyên bố phá sản dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp
• Giám đốc, chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không được đảm đương giữ chức vụ này ở bất kỳ doanh nghiệp nào trong thời hạn từ 1 đến 3 năm.