trình bày phương pháp phỏng vấn sâu và phỏng vấn/ thảo luận nhóm tập trung.
Phương pháp tiến hành phỏng vấn – Thảo luận nhóm tập trung thường được tiến hành theo một nhóm 5 – 6 đối tượng có cùng đặc trưng nghiên cứu gần giống nhau và đội nghiên cứu gồm 2 người: người hướng dẫn thảo luận và người trợ giúp. Thông thường nếu chọn nhóm thảo luận quá đông thì một số người ...
Phương pháp tiến hành phỏng vấn
– Thảo luận nhóm tập trung thường được tiến hành theo một nhóm 5 – 6 đối tượng có cùng đặc trưng nghiên cứu gần giống nhau và đội nghiên cứu gồm 2 người: người hướng dẫn thảo luận và người trợ giúp.
Thông thường nếu chọn nhóm thảo luận quá đông thì một số người rụt rè thường hay ngồi yên và không có ý kiến gì. Nhưng nếu một nhóm quá ít thành viên tham gia thì không phản ánh hết được những quan niệm và các mối quan hệ xã hội phức tạp cần biết. Các thành viên tham gia phỏng vấn nói chung nên có đặc trưng không khác nhau đáng kể. Ví dụ, phỏng vấn phụ nữ lớn tuổi cùng với nhóm người mới lập gia đình để đánh giá hiểu biết tránh thai và chất lượng dịch vụ thì người ta mới lập gia đình có thể sẽ không tham gia tích cực trong quá trình thảo luận.
– Ý kiến của từng cá nhân trong nhóm có thể thống nhất với nhau, nhưng cũng có thể trái ngược nhau. Người ta hướng dẫn phỏng vấn nhóm không nêu ra quan điểm của mình mà chỉ gợi ý để các thành viên trong nhóm nêu rõ các ý kiến trái ngược đó để thu được không chỉ các quan điểm riêng lẻ mà còn cả những quan điểm tranh luận xung quanh những vấn đề phức tạp tế nhị. Thông qua thảo luận nhóm tập trung nhà nghiên cứu có thể mô tả sâu hơn hiện tượng cần nghiên cứu và những mối quan hệ xã hội phức tạp đằng sau những hiện tượng.
– Công cụ và chuẩn bị phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm.
Công cụ chủ yếu là bản hướng dẫn phỏng vấn. Hướng dẫn phỏng vấn không phải là bằng bảng hỏi được xây dựng trên hệ thống biến số được xác định mà đơn thuần là gợi ý các câu hỏi. Người ta hướng dẫn phỏng vấn và thảo luận nhóm dựa trên bảng hướng dẫn phỏng vấn để gợi ý thảo luận và căn cứ vào các tình huống trả lời mà phát biểu thêm các câu hỏi cần thiết khác. Bảng hướng dẫn cần được xây dựng dựa trên các mục tiêu nghiên cứu và các giả định nghiên cứu nhằm phát hiện những mối quan hệ và những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng cần nghiên cứu.
+ Một khung sơ lược thành viên tham gia phỏng vấn/thảo luận. Mô tả đặc tính của những đối tượng được mời tham gia thảo luận và phỏng vấn sâu.
+ Bảng hướng dẫn để xác định cho những người thực hiện phỏng vấn sâu. Hướng dẫn thảo luận nhóm cũng đưa ra các yêu cầu:
– Giới thiệu một nội dung và yêu cầu nghiên cứu. Giải thích cho những người tham gia phỏng vấn/thảo luận biết rằng những quan điểm trao đổi sẽ được giữ bí mật.
– Giới thiệu tên cán bộ nghiên cứu và yêu cầu các thành viên tham gia giới thiệu về mình.
– Giải thích và đề nghị cho phép ghi âm để nghe lại.
Trong một số thảo luận nhóm có thể xây dựng một câu chuyện mang tính thăm dò. Chuỵện này được chuẩn bị như là một câu chuyện giúp thảo luận sâu và thăm dò các ý kiến về nội dung nghiên cứu một cách khái quát nhất và thăm dò các quan điểm khi chúng ta không hỏi về họ mà hướng chú ý của các thành viên vào câu chuyện của người khác để họ nói lên quan điểm của mình.
– Khác với phỏng vấn sâu chỉ cần một cán bộ trực tiếp phỏng vấn, thảo luận nhóm tập trung cần hai cán bộ nghiên cứu tham gia. Một cán bộ nghiên cứu chính làm người hướng dẫn và một người trợ giúp.
+ Hướng dẫn phỏng vấn cần phải có phần linh động để cho phép người điều hành chủ động trong công việc của mình. Nhưng những hướng dẫn đó cũng phải thật chính xác để đảm bảo cho các cuộc phỏng vấn nhóm khác nhau đều thực hiện như nhau để có thể so sánh được.
+ Tiến hành phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tập trung đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và tính bền bỉ. Những người điều hành giỏi thiết lập mối quan hệ với nhóm và giúp họ thấy thoải mái ngay từ đầu cuộc thảo luận. Người điều hành cần biết đầy đủ về các vấn đề sẽ tìm hiểu nhưng không nhất thiết phải là nhà khoa học xã hội.
Người điều hành tốt là cốt yếu cho sự thành công của phỏng vấn nhóm, anh ta chắc chắn cần được đào tạo và đánh giá trước khi vào cuộc. Nhiệm vụ của người ghi chép biên bản thảo luận là chuẩn bị ban đầu cho người điều hành. Người ghi chép làm việc với máy ghi âm và sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người đến dự, thu băng người nói và ghi chép vài lời chuyển tiếp để sau này biết ai đang nói. Thành viên đến dự mỗi nhóm nên cùng trình độ.
Kỹ thuật phỏng vấn
Sẽ có một người hướng dẫn và một người giúp việc ở mỗi nhóm. Cả hai sẽ được giới thiệu trong phỏng vấn/thảo luận nhóm. Vai trò của người hướng dẫn là đặt các câu hỏi, sử dụng chúng để dẫn dắt thảo luận và làm sao có thể dễ dàng tìm được các quan điểm của thành viên tham gia thảo luận. Đối với phỏng vấn sâu, chỉ cần một người hướng dẫn để trao đổi ý kiến với đối tượng đang được phỏng vấn và ghi băng.
Vai trò của người trợ lý là điều chỉnh máy ghi âm, thực hiện ghi âm và thỉnh thoảng có thể nhắc khi người hướng dẫn quên đi một ý nào đó. Những lời cắt ngang này của trợ lý nên càng ít càng tốt.
Nếu có bất kỳ một người quan sát nào, họ nên giới thiệu và giải thích sự có mặt. Có càng ít người quan sát càng tốt đối với cuộc thảo luận thực sự, thành viên thảo luận nhóm không thể tập trung vào thảo luận nếu có người quan sát ngồi phán xét những điều họ nói.
– Không khí thảo luận nhóm/phỏng vấn sâu: Điều quan trọng là làm thế nào để những người tham gia thảo luận hoặc phỏng vấn sâu nhiệt tình trả lời câu hỏi. Những giây phút đầu tiên là thời gian quan trọng cho việc tạo dựng không khí thoải mái cho phỏng vấn/thảo luận nhóm. Cố gắng làm cho người tham gia thấy dễ chịu, coi họ như khách mà bạn đã mời đến nhà. Sẽ rất hữu ích khi nói chuyện một cách bình thường để bắt đầu cuộc thảo luận.
– Giới thiệu ý nghĩa nghiên cứu cho người tham dự phỏng vấn/thảo luận.
Nêu lên mục đích, vai trò và ý nghĩa của cuộc phỏng vấn và thảo luận mà bạn cần thu thập thông tin.
Chú ý: Bạn không được đưa ra quan điểm của mình trong cuộc thảo luận.
– Ghi chép:
+ Ghi văn bản: Ghi chép đầy đủ các thông tin, có thể tập trung ghi lại những ý tưởng và các từ khoá quan trọng. Viết nguyên văn cái gì người tham gia nói.
+ Sử dụng máy ghi âm: Kiểm tra máy trước khi ghi âm (pin, băng…), tốt nhất có 2 máy ghi âm.
– Khuyến khích người tham gia thảo luận trả lời hết ý kiến:
+ Thực hiện linh hoạt các chỉ dẫn thảo luận nhóm
+ Duy trì giao tiếp bằng mắt
+ Ủng hộ một cách tích cực
+ Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ
+ Các cố gắng không sử dụng từ “tại sao”?
– Điều chỉnh cuộc phỏng vấn:
+ Thay đổi từ của các câu hỏi chính
+ Thay đổi trật tự của câu hỏi chính
+ Thăm dò
+ Giữ yên lặng
+ Nhắc lại lời
+ Giả ngây ngô
+ Các ví dụ
+ Hỏi về xúc cảm và cảm giác