12/01/2018, 16:59

Triết học xã hội và đạo đức

Triết học xã hội và đạo đức Chủ nghĩa Tômát mới cũng như bất cứ hệ thống thần học nào, bao giờ cũng nói rằng trung tâm sự chú ý của họ là "thế giới bên kia", nhưng thực ra không bao giờ quên "thế giới bên này" ...

Triết học xã hội và đạo đức

Chủ nghĩa Tômát mới cũng như bất cứ hệ thống thần học nào, bao giờ cũng nói rằng trung tâm sự chú ý của họ là "thế giới bên kia", nhưng thực ra không bao giờ quên "thế giới bên này"

Chủ nghĩa Tômát mới cũng như bất cứ hệ thống thần học nào, bao giờ cũng nói rằng trung tâm sự chú ý của họ là "thế giới bên kia", nhưng thực ra không bao giờ quên "thế giới bên này". Cho nên, siêu hình học, nhận thức học của nó không chỉ là những điều bàn luận đầy tính chất kinh viện như ở thời Trung cổ, mà là những nguyên lý làm cơ sở lý luận cho triết học chính trị, đạo đức, tức cho những vấn đề của "thế giới bên này".

Triết học lịch sử của chủ nghĩa Tômát mới là chủ nghĩa mục đích xã hội cho rằng, mọi cái sinh ra trong thế giới này đều do Chúa sang tạo ra và đều quy về mục đích chứng minh cho trí sáng tạo của Chúa. Nhân học là cơ sở cho quan niệm về xã hội của chủ nghĩa Tômát mới. Nó xem xét xã hội như sự liên hệ giữa những cá nhân để đạt một mục đích chung. Gia đình, nhà nước, dân tộc đều được xem xét trong mối liên hệ với bản tính bất biến của con người.

Chủ nghĩa Tômát mới cho rằng, trên thế giới ngày nay xuất hiện ba kiểu quan hệ giữa cá nhân và xã hội: thứ nhất, là chủ nghĩa cá nhân (muốn chỉ chủ nghĩa tư bản); thứ hai, là chủ nghía tập thể muốn chỉ chủ nghĩa xã hội). Nó cho rằng đây là hai cực đoan giả dối đều phải gạt bỏ và muốn đưa ra kiểu thứ ba - một kiểu lý tưởng vượt lên cả hai xã hội trên: đó là chủ nghĩa đoàn kết được xác lập trên nguyên tắc "tình yêu Kytô giữa những anh em" và nguyên tắc hòa bình "giữa các giai cấp".

Dưới những nguyên tắc trên được gọi là "cái thiện chung", tồn tại một thứ bậc của những cái thiện khác quy định thứ bậc của những nghĩa vụ mà con người phải hoàn thành.

Những thuộc tính của cá nhân như tự do, sự tự ý thức, trách nhiệm với bản thân, khả năng biểu hiện trong hành động, khả năng sáng tạo là những giá trị chỉ có thể có được trong quan hệ với Chúa, bởi vì những phẩm cách của cá nhân đó chỉ tìm được trong sự hoàn thiện của Chúa.

Chủ nghĩa phổ quát trong học thuyết của Tômát. khi đặt con người trong cái toàn thể là Chúa, đã khẳng định rằng, con người được sáng tạo theo hình ảnh và theo sự tương tự với Chúa, vì vậy con người phải tự hoàn thiện theo hình ảnh ấy, phải nhìn ở hình ảnh của Chúa như một mẫu mực cần không ngừng hướng tới. Bởi vậy, đạo đức của con người chính là mức đọ mà linh hồn bất tử của Chúa chiến thắng tội lỗi của xác thịt.

Đạo đức học của chủ nghĩa Tômát mới một lần nữa bộc lộ dấu ấn của chủ nghĩa thực tại trung cổ đứng trên lập trường duy tâm của Platôn mà Tômát Đacanh là người cùng phái, bởi vì các nhà theo chủ nghĩa Tômát mới cũng cho rằng, thế giới siêu tự nhiên của những ý niệm đã tồn tại ở nơi Chúa, còn những đức tính của con nguời là bản sao hình ảnh của Chúa.

Giáo hội công giáo nêu lên khẩu hiệu "Trở về với Thánh Tômát Đacanh". Nhưng rõ ràng như ta đã thấy, điều đó không đơn thuần chỉ là việc hoài cổ, nó đã được đổi mới khá mạnh mẽ để thích ứng với thời đại ngày nay, vì vậy nó có những đặc điểm đáng chú ý sau đây:

Trước hết, nó là một chủ nghĩa phổ quát được tập hợp thành một tổng thể rộng những giá trị tinh thần và đạo đức nhiều màu, nhiều vẻ: đức tin và lý trí, chủ nghĩa phi lý và chủ nghĩa duy lý, tư biện và thực nghiệm... Đó là một trong những lý do làm cho ảnh hưởng của nó lan ra, nhiều khi vượt khỏi cả khuôn khổ của Giáo hội công giáo.

Sau nữa, chủ nghĩa Tômát mới đánh giá một cách lạc quan và có một quan niệm sáng rõ về thế giới vật chất. Đối với nó, thế giới không phải là những cái gì vô lý, vô nghĩa, là "ngôi nhà chứa sự ruồng bỏ của con người" như chủ nghĩa hiện sinh. Nó xem xét thế giới không phải là trò chơi nhỏ mọn của tính tích cực tùy tiện của con người như chủ nghĩa thực dụng. Nó không vừa lòng chỉ nhìn đời như những chuỗi, những dữ kiện về mặt lôgíc và không có hồn như chủ nghĩa thực chứng mới.

Trái lại, dưới con mắt của nó, thế giới là sự sáng tạo của Chúa. Hoàn toàn thừa nhận Chúa, nhưng nó cũng thấy được sự tồn tại của quy luật của thế giới, sau khi đã được Chúa sáng tạo. Con người do Chúa tạo thành là "bản thể bẩm sinh" tùy thuộc vào bản thể siêu tự nhiên, nhưng bản tính của nó không phải hoàn toàn thấp hèn mà cần được tôn trọng.

Bức tranh thế giới mà chủ nghĩa Tômát mới vẽ ra đã được đặt trên cơ sở những mô hình "cổ" và khá "hiển nhiên" theo kiểu Arixtốt. Trong hoàn cảnh của thế kỷ XX này, sự đối lập về tư tưởng đã trở thành một bầu không khí phổ biến. Muốn tồn tại, chủ nghĩa Tômát mới ra sức nêu cao sự tôn trọng ý nghĩa lành mạnh và đúng đắn của những tiến trình lôgíc.

Theo truyền thống triết học trung cổ, nó chia bản thể ra nhiều mức độ khác nhau, nhưng nó lại không xa lánh những kiểu tư duy hiện đại (như hiện tượng học, lôgíc học hiện đại). Người ta gọi đó là "cử chỉ cởi mở” của chủ nghĩa Tômát mới để nó có thể luôn luôn xuất hiện với bộ mặt sống động.

Nhờ triết học cổ đại (chủ nghĩa Arixtốt, chủ nghĩa Platôn), học thuyết của Tômát Đacanh đã được xây dựng có vẻ bề thế từ thời trung cổ. Chủ nghĩa phục cổ mà ở đây thể hiện rõ ở chủ nghĩa Tômát mới đã là một nhu cầu cấp bách của phương Tây. Chỉ có con đường đó mới khai thông được khủng hoảng tư tưởng khó có lối thoát. Nó gây cho người ta sự xúc cảm về những huyền nhiệm của tôn giáo, nó gây hứng thú về mặt thẩm mỹ đối vởi những gì là cổ kính, lý tưởng của một quá khứ êm đềm.

Đồng thời, với bộ mặt được hiện đại hóa, nó cũng thỏa mãn nhiều nhu cầu khác của xã hội tư sản, ngoài nhu cầu cơ bản là bảo vệ, duy trì chủ nghĩa tư bản với tư cách là hệ tư tưởng, nó còn hấp dẫn người ta về tính giản dị, trong sáng của lý luận, sự giải thích sự vật theo thực nghiệm, thậm chí mang cả "tính khoa học". Những chân lý của Thiên Khải và nhiều luận điệu siêu hình vĩnh cửu của nó không đưa lại những câu trả loừi nào đó giữa lúc cuộc khủng hoảng về hệ tư tưởng tư sản đang mở rộng.

Nhiều nhà khoa học ở phương Tây không tránh khỏi bị lôi kéo bởi tính "ngây thơ lành mạnh" của nó. Nếu chủ nghĩa thực chứng lấy việc quy ngôn ngữ khoa học thành ngôn ngữ hàng ngày là một sức mạnh về sự chứng thực của khoa học, thì chủ nghĩa Tômát mới tìm sức mạnh của đức tin - chân lý cao cả nhất - ở ý thức thông thưòng của con người. Đó là thực chất của sự "ngây thơ lành mạnh" phi lý chủ nghĩa mà người ta ưa chuộng. Sự thần bí và tính duy lý, tư biện siêu hình và tiến trình suy tư trong chủ nghĩa Tômát mới được xây dựng trên cơ sở tương tự với những sơ đồ làm việc của khoa học chính xác cũng là một nhân tố gây hấp dẫn ở phương Tây.

Tóm lại, trong chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa truyền thống ổn định và tính năng động đều được chú ý, được bổ sung cho nhau, được tổng hợp tạo thành một "trạng thái sảng khoái" Tômát chủ nghĩa.

soanbailop6.com

0