18/06/2018, 12:59

Trang phục dân tộc Việt thời xưa

Một cuộc triển lãm sẽ được khai mạc tại viện “Bảo tàng về chất liệu bông vải” ở San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ, cuộc triển lãm mang chủ đề mà chúng tôi tạm dịch là “Áo dài: một chặng đường thời trang” do hội Viet Art (tại Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức với viện vừa nói. ...

Một cuộc triển lãm sẽ được khai mạc tại viện “Bảo tàng về chất liệu bông vải” ở San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ, cuộc triển lãm mang chủ đề mà chúng tôi tạm dịch là “Áo dài: một chặng đường thời trang” do hội Viet Art (tại Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức với viện vừa nói.


Các cô người mẫu trong một cuộc trình diễn áo dài qua các thời kỳ, tổ chức tại Quận Cam, California. Hình chụp bởi Thy Nga.

Đây là lần đầu tiên, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam được giới thiệu ra thế giới với qui mô lớn như vậy. Nhân sự việc này, Thy Nga đã tìm tài liệu về trang phục dân tộc Việt qua các thời kỳ, và lồng với những ca khúc để gửi đến quý thính giả

Theo tài liệu của nghệ nhân Trịnh Bách, là người tham gia cuộc triển lãm cùng với ba nhà thiết kế thời trang từ trong nước, thì chưa ai khẳng định được là Áo dài có từ bao giờ.

Thuở xưa, với người Việt đàn ông cũng như đàn bà, cái áo dài là trang phục nền. Khi có lễ lạc thì phải khoác thêm áo lễ tay thụng. Áo này mang ảnh hưởng từ phương Bắc, do năm 1744 Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi xưng Vương, đã bắt quan dân Thuận Quảng phải mặc lễ phục lấy mẫu từ sách của nhà Minh bên Trung Quốc.

“Tà áo Văn Quân” Thanh Lan đang hát, kể lại sự tích Tư Mã Tương Như, nổi tiếng thơ hay đời nhà Hán, khi gặp gỡ Văn Quân …

Ngược dòng thời gian, Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, phụ nữ mặc váy cho tiện việc đồng áng. Váy bằng vải nhuộm cho dày, hay đắp vá thêm lên cho bền. Thường thì cái váy đó dài đến bắp chân.

Tới đầu thế kỷ 19, Vua Minh Mạng theo khuôn mẫu Trung Hoa, ra lệnh cho dân phải mặc như người Hoa, là mặc quần Khi đó, phụ nữ nông thôn Việt Nam đành thay váy bằng quần. Phần trên thì bên ngoài chiếc yếm bó chặt ngực, họ mặc áo cánh nhuộm bằng vỏ già cho ra màu nâu nâu. Nhà khá giả thì khi có hội hè, mới diện áo cánh bằng lụa tơ tằm.

Nữ giới quý tộc Việt Nam thì từ thế kỷ trước đó, đã đổi cách trang phục theo lối của người Hoa, là mặc quần và bên ngoài là cái áo dài.


Chiếc áo này như thế nào? Thy Nga hỏi chuyện một cụ bà đã tám mươi bảy tuổi, Cụ Minh cho biết là vải thời xưa bán theo vuông, khổ vải thì hẹp nên phải 4 vạt mới ráp thành áo, đó là cái áo tứ thân của phụ nữ ta.

“Áo tứ thân” do Ái Vân trình bày …

Về quần của phụ nữ thời đó thì Cụ nói là may bằng vải chéo go, kiểu chân què. Nhà khá giả thì mặc quần lĩnh tía.

 Các nữ sinh trung học Huế biểu diễn trang phục áo dài trên cầu Tràng Tiền hôm 8-5-2002. AFP PHOTO
Trang phục của phụ nữ vùng thôn quê miền Bắc được nhà thơ Nguyễn Bính mô tả trong bài “Hương đồng gió nội” Song Ngọc phổ nhạc, và Duy Quang trình bày sau đây.

“Hương đồng gió nội” …

Cũng vì khổ vải hẹp thành ra tay áo phải may nối. Tay, cổ và thân áo sát người nhưng không chít eo, rồi vạt may rộng.

Chúng ta hãy nghe nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp miêu tả trang phục của cô gái con nhà khá giả trong bài thơ “Chùa Hương” Trần Văn Khê phổ nhạc, Thanh Lan trình bày như sau …

“Đi chùa Hương” …

Hình ảnh cô gái ấy, theo như giai thoại về Nguyễn Nhược Pháp thì nhà thơ trẻ này lấy mẫu từ cô Đỗ thị Bính, một trong “Hà thành tứ mỹ” (bốn người đẹp của thành đô) là thiếu nữ mà ông thầm yêu. Hình ảnh mỹ nhân này, từ cái chân mày đến dáng điệu, người ta có thể thấy ẩn hiện qua những bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp.

Nghệ nhân Trịnh Bách ghi tiếp đến giữa thập niên 1930, phần đông phụ nữ mặc quần đen với áo dài. Riêng phụ nữ Huế thì chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may với ba lần gấp để khi bước đi, quần sẽ xòe thêm.

Thập niên 1930 cũng là thời gian mà Nguyễn Nhược Pháp đem lòng yêu cô Bính trong nhóm nổi tiếng là “Hà thành tứ mỹ”. Các thiếu nữ này ở thủ đô Hà Nội đã mặc áo dài hai vạt, dài đến khoảng một gang trên mắt cá chân.

Các cô “tân thời” ấy lại thích có thêm cái khuyết phụ độ 3 centimét bên phải cổ áo để cài khuy lệch ra đấy. Như thế, cổ sẽ hở ra cho quyến rũ hơn và cũng để khoe chuỗi hạt nhiều vòng. Đó là thời điểm bắt đầu du nhập ảnh hưởng phương Tây dẫn đến sự cải cách trong mọi lãnh vực xã hội, mà thay đổi thấy rõ nhất là trong cách trang phục.

Chương trình kỳ tới, Thy Nga sẽ mời quý vị đến với chiếc áo dài canh tân và những kiểu đa dạng, các thời trang mới lạ sau này. “Chiếc áo dài quê hương” …

 Trong âm thanh ca khúc “Chiếc áo dài quê hương” Mạnh Đình ca, Thy Nga xin tạm biệt quý thính giả.

0