18/06/2018, 13:00

Trang phục của người Nùng An

Nét đẹp phụ nữ Nùng Trong truyền thống văn hoá vật chất của người Nùng An ở Phúc Sen, điều đáng chú ý là việc giữ gìn, bảo lưu bộ trang phục dân tộc truyền thống. Giống như các dân tộc Tày, Nùng khác, trang phục của người Nùng An rất giản dị và chân ...

Nét đẹp phụ nữ Nùng


Trong truyền thống văn hoá vật chất của người Nùng An ở Phúc Sen, điều đáng chú ý là việc giữ gìn, bảo lưu bộ trang phục dân tộc truyền thống. Giống như các dân tộc Tày, Nùng khác, trang phục của người Nùng An rất giản dị và chân phương, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do họ tự tay làm nên. Điều đáng nói là hiện nay người dân PhyaChang vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ mặc trang phục truyền thống trong tất cả mọi việc như đi làm, đi học, đi chợ hay trong những ngày lễ hội, và từ người già đến con trẻ, từ phụ nữ đến nam giới đều mặc trang phục chàm. Cả những con em người Nùng An dù công tác ở đâu, ở bất kỳ cương vị nào khi họ về đến bản đều mặc những bộ trang phục này rồi mới đi chơi, thăm hỏi họ hàng, làng xóm hay đi làm nương rẫy giúp gia đình.
Trang phục của người Nùng An có phân biệt theo lứa tuổi và giới tính, rất phong phú về chủng loại. Trang phục nam gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc… Quần áo trẻ em ở đây cũng có điểm khác biệt so với các nhóm Nùng khác gồm áo, quần và mũ đội đầu, trong đó chiếc mũ được trang trí khá cầu kỳ với những hoa văn họa tiết sặc sỡ, đẹp mắt… Khi đứa trẻ mới lọt lòng, người ta quấn nó bằng quần áo cũ của bố mẹ vì theo quan niệm của họ là trẻ mới sinh ra không nên cho trẻ mặc đồ mới, lớn lên chúng hay đua đòi, và quần áo cũ thì vải đã mềm, thoáng rất tốt cho trẻ nhỏ. Khi đứa trẻ được một, hai tuổi người ta cắt quần áo đơn giản theo một kiểu chung không phân biệt nam nữ. Đến lúc chúng lên 9 – 10 tuổi, người mẹ bắt đầu cắt may quần áo phân biệt nam nữ cho con. Độ tuổi này các bé gái bắt đầu mặc quần áo và quấn đầu đội khăn như người lớn.

Đồ trang sức của người Nùng An chủ yếu bằng bạc trắng. Nam giới thường đeo vòng tay bằng bạc, nhẫn bạc, phụ nữ đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà tích ở ngang lưng. Theo quan niệm của người Nùng An thì bạc trắng không chỉ tôn thêm vẻ đẹp của con người, kết hợp với việc phô trương sự giàu có mà còn có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho họ. Bởi lẽ khi nhìn vào đồ trang sức bằng bạc, người ta có thể đoán biết được sức khoẻ của người đeo nó, nếu khỏe mạnh thì đồ trang sức vẫn trắng, sáng, nếu yếu, mệt hay có bệnh thì bạc bị thâm lại, màu xỉn, không sáng trắng nữa. Chính vì thế khi bị ốm, cảm người ta vẫn thường dùng đồng bạc trắng để đánh gió.

0