24/05/2018, 23:49

Tổng quan về tín dụng ngân hàng

NHTM được cấp tín dụng (Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/09/2000 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của NHTM) cho các tổ chức, cá nhân dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài ...

NHTM được cấp tín dụng (Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/09/2000 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của NHTM) cho các tổ chức, cá nhân dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các hình thức khác theo quy định của NHNN. Trong các hoạt động cấp tín dụng, cho vay là hoạt động quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Các loại tín dụng ngân hàng.

Tín dụng ngân hàng (sau đây gọi tắt là tín dụng) là quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng vốn từ ngân hàng cho khách hàng trong một thời hạn nhất định với một khoản chi phí nhất định. Cũng như quan hệ tín dụng khác, tín dụng chứa đựng ba nội dung:

  • Có sự chuyển nhượng quyền sử dụng vốn từ người sở hữu sang cho người sử dụng.
  • Sự chuyển nhượng này mang tính tạm thời hay có thời hạn.
  • Sự chuyển nhượng này kèm thêm chi phí.
    • Dựa vào mục đích của tín dụng – Theo tiêu thức này tín dụng ngân hàng có thể chia thành các loại sau:
  • Cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh công thương nghiệp.
  • Cho vay tiêu dùng cá nhân.
  • Cho vay bất động sản.
  • Cho vay nông nghiệp.
  • Cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu.
  • Dựa vào thời hạn tín dụng – Theo tiêu thức này tín dụng có thể phân chia thành mấy loại sau:
  • Cho vay ngắn hạn: Là loại cho vay có thời hạn dưới một năm. Mục đích của loại cho vay này thường là nhằm tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản lưu động.
  • Cho vay trung hạn: Là loại cho vay có thời hạn từ 1 đến 5 năm. Mục đích của loại cho vay này là nhằm tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản cố định.
  • Cho vay dài hạn: Là loại cho vay có thời hạn trên 5 năm. Mục đích của loại cho vay này thường là nhằm tài trợ đầu tư vào các dự án đầu tư.
  • Dựa vào mức độ tín nhiệm của khách hàng – Theo tiêu thức này, tín dụng có thể được phân chia thành các loại sau:
  • Cho vay không có đảm bảo: Là loại cho vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của người khác mà chỉ dựa vào uy tín của bản thân khách hàng vay vốn để quyết định cho vay.
  • Cho vay có đảm bảo: Là loại cho vay dựa trên cơ sở các bảo đảm cho tiền vay như thế chấp, cầm cố, hoặc bảo lãnh của một bên thứ ba nào khác.
  • Dựa vào phương thức cho vay – Theo tiêu thức này, tín dụng có thể chia thành các loại sau:
  • Cho vay theo món vay.
  • Cho vay theo hạn mức tín dụng.
  • Dựa vào phương thức hoàn trả nợ vay – Theo tiêu thức này, tín dụng có thể được phân chia thành các loại sau:
  • Cho vay chỉ có một kỳ hạn trả nợ hay còn gọi là cho vay trả nợ một lần khi đáo hạn.
  • Cho vay có nhiều kỳ hạn trả nợ hay còn gọi là cho vay trả góp.
  • Cho vay trả nợ nhiều lần nhưng không có kỳ hạn nợ cụ thể mà tuỳ vào khả năng tài chính của mình người đi vay có thể trả nợ bất cứ lúc nào.

Các phương pháp xác định lãi suất cho vay.

  • Lãi suất phi rủi ro: Là lãi suất áp dụng cho đối tượng vay không có rủi ro mất khả năng hoàn trả nợ vay. Chỉ có lãi suất tín phiếu Kho bạc hình thành dựa trên cơ sở đấu thầu tín phiếu mới có thể xem là lãi suất phi rủi ro.
  • Lãi suất huy động vốn: Là lãi suất ngân hàng trả cho khách hàng khi huy động tiền gửi. Lãi suất huy động vốn (Rd) có thể xác định như sau:

R d = R f + R td

Trong đó:

Rf: Lãi suất phi rủi ro xác định thông qua đấu thầu tín phiếu Kho bạc.

Rtd: Là tỷ lệ bù đắp rủi ro tín dụng do ngân hàng ước lượng.

  • Lãi suất cơ bản: Là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất cơ bản hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu tín dụng trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Lãi suất cơ bản có thể xác định theo công thức:

R cb = R d + R TN

Trong đó:

Rcb: Lãi suất cơ bản.

Rd: Lãi suất huy động vốn.

RTN: Tỷ lệ thu nhập do đầu tư ngân hàng.

  • Cách xác định lãi suất cho vay dựa vào lãi suất cơ bản: NHTM thường dựa vào lãi suất cơ bản để xác định lãi suất cho vay đối với khách hàng sau khi điều chỉnh rủi ro. Công thức xác định lãi suất cho vay như sau:

R = R cb + R th + R ct

Trong đó:

R: Lãi suất cho vay.

Rcb: Lãi suất cơ bản.

Rth: Tỷ lệ điều chỉnh rủi ro thời hạn.

Rct: Tỷ lệ điều chỉnh cạnh tranh.

  • Cách xác định lãi suất cho vay dựa vào lãi suất LIBOR hoặc SIBOR.

Đối với khoản tín dụng bằng USD, NHTM có thể xác định lãi suất cho vay dựa vào lãi suất LIBOR (London Interbank Offer Rate) hoặc SIBOR (Singapore Interbank Offer Rate). LIBOR là lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng London do Hiệp hội các ngân hàng hàng đầu của Anh xác định hàng ngày vào lúc 11:30. Ngân hàng có thể dựa vào LIBOR bằng công thức như sau:

R = LIBOR + R td + R th

Ý nghĩa của việc thiết lập quy trình tín dụng.

`

Sơ đồ 1.1: Quy trình cấp tín dụng.

Việc thiết lập và không ngừng hoàn thiện quy trình tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động tín dụng ngân hàng. Về mặt hiệu quả, quy trình tín dụng hợp lý góp phần nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro tín dụng. Về mặt quản trị, quy trình tín dụng có các tác dụng sau đây:

  • Quy trình tín dụng làm cơ sở cho việc phân định trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ phận liên quan trong hoạt động tín dụng.
  • Quy trình tín dụng làm cơ sở cho việc thiết lập các hồ sơ và thủ tục vay vốn về mặt hành chính.
  • Quy trình tín dụng chỉ rõ mối quan hệ giữa các bộ phận liên quan trong hoạt động tín dụng.

Quy trình tín dụng căn bản.

Tuỳ theo đặc điểm tổ chức và quản trị, mỗi ngân hàng đều tự thiết kế và xây dựng cho mình một quy trình tín dụng riêng. Các bước căn bản của một quy trình tín dụng căn bản, thể hiện ở bảng 1.1 và sơ đồ 1.1 như sau:

  • Lập hồ sơ đề nghị cấp tín dụng.
  • Hồ sơ đề nghị cấp tín dụng cần thu thập từ khách hàng những thông tin sau:

- Thông tin về năng lực pháp lý và năng lực hành vi của khách hàng.

- Thông tin về khả năng sử dụng và hoàn trả vốn của khách hàng.

- Thông tin về đảm bảo tín dụng.

  • Ngân hàng thường yêu cầu khách hàng lập và trình cho ngân hàng những giấy tờ:

- Giấy đề nghị vay vốn.

- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của khách hàng.

- Phương án sản xuất kinh doanh và kế hoạch trả nợ, hoặc dự án đầu tư.

- Báo cáo tài chính của thời kỳ gần nhất.

- Các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh nợ vay.

- Các giấy tờ liên quan khác nếu cần thiết.

  • Phân tích tín dụng.

Phân tích tín dụng là phân tích khả năng hiện tại và tiềm tàng của khách hàng về sử dụng vốn tín dụng, khả năng hoàn trả và khả năng thu hồi vốn vay cả gốc và lãi. Mục tiêu của phân tích tín dụng là tìm kiếm những tình huống có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng, tiên lượng khả năng kiểm soát những loại rủi ro đó và dự kiến các biện pháp phòng ngừa hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Mặt khác, phân tích tín dụng còn quan tâm đến việc kiểm tra tính chân thực của hồ sơ vay vốn mà khách hàng cung cấp, từ đó nhận định về thái độ trả nợ của khách hàng làm cơ sở quyết định cho vay.

  • Quyết định và ký hợp đồng tín dụng.

Quyết định tín dụng là quyết định cho vay hoặc từ chối cho vay đối với một hồ sơ vay vốn của khách hàng. Đây là khâu cực kỳ quan trọng trong quy trình tín dụng vì nó ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng. Có hai loại sai lầm cơ bản thường xảy ra trong khâu này:

  • Quyết định chấp thuận cho vay đối với một khách hàng không tốt.
  • Từ chối cho vay đối với một khách hàng tốt.

Cơ sở để ra quyết định tín dụng – Cơ sở để ra quyết định tín dụng trước hết dựa vào thông tin thu thập và xử lý hồ sơ tín dụng, do giai đoạn trước chuyển sang. Kế đến, dựa vào những thông tin khác hoặc thông tin cập nhật về tình hình thị trường, chính sách tín dụng của ngân hàng , các quy định về hoạt động tín dụng của NHNN…

Quyền phán quyết tín dụng – Tuỳ theo quy mô vốn vay lớn hay nhỏ quyền phán quyết thường được trao cho một hội động tín dụng hay một cá nhân phụ trách.

  • Giải ngân

Giải ngân là khâu tiếp theo sau khi hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Giải ngân là phát tiền vay cho khách hàng trên cơ sở mức tín dụng đã cam kết trong hợp đồng. Tuy là khâu tiếp theo sau của quyết định tín dụng, nhưng giải ngân cũng là khâu quan trọng vì nó có thể góp phần phát hiện sai sót ở các khâu trước. Ngoài ra, cách thức giải ngân còn góp phần kiểm tra và kiểm soát xem vốn tín dụng có được sử dụng đúng mục đích cam kết hay không.

  • Giám sát tín dụng.

Giám sát tín dụng là khâu khá quan trọng nhằm mục tiêu đảm bảo tiền vay sử dụng đúng mục đích đã cam kết, kiểm soát rủi ro tín dụng, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ sau này. Các phương pháp giám sát tín dụng:

  • Giám sát hoạt động tài khoản của khách hàng tại ngân hàng.
  • Phân tích các báo cáo tài chính của khách hàng theo định kỳ.
  • Giám sát khách hàng thông qua trả lãi định kỳ.
  • Viếng thăm và kiểm soát địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc nơi cư ngụ của khách hàng đứng tên vay vốn.
  • Kiểm tra các hình thức đảm bảo tiền vay.
  • Giám sát hoạt động khách hàng thông qua mối quan hệ với khách hàng khác.
  • Giám sát khách hàng thông qua những thông tin thu thập khác.
  • Thanh lý hợp đồng tín dụng.

Đây là khâu kết thúc quy trình tín dụng. Bao gồm các công việc sau:

Thu nợ - Ngân hàng tiến hành thu nợ khách hàng theo đúng những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Tuỳ theo tính chất của khoản vay và tình hình tài chính của khách hàng, hai bên có thể thoả thuận và lựa chọn một trong những hình thức thu nợ như sau:

- Thu nợ gốc và lãi một lần khi đáo hạn.

- Thu nợ gốc một lần khi đáo hạn và thu lãi theo định kỳ.

- Thu nợ gốc và lãi theo nhiều kỳ hạn.

Tái xét hợp đồng tín dụng – Thực chất là tiến hành phân tích tín dụng trong điều kiện khoản tín dụng đã được cấp nhằm mục tiêu đánh giá chất lượng tín dụng, phát hiện rủi ro để có hướng xử lý kịp thời.

Thanh lý hợp đồng tín dụng – Nếu hết thời hạn của hợp đồng tín dụng và khách hàng đã hoàn thành các nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi thì ngân hàng và khách hàng làm thủ tục thanh lý hợp đồng tín dụng, giải chấp tài sản nếu có và lưu hồ sơ vay vốn của khách hàng vào kho lưu trữ.

Giới thiệu chung về các hình thức bảo đảm tín dụng.

Bảo đảm tín dụng hay còn được gọi là bảo đảm tiền vay là việc tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay. Để bảo đảm tiền vay thực sự hiệu quả đòi hỏi:

  • Giá trị bảo đảm phải lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm.
  • Tài sản dùng làm bảo đảm nợ vay phải tạo ra được ngân lưu (phải có giá trị và phải có thị trường tiêu thụ)
  • Có đầy đủ cơ sở pháp lý để người cho vay có quyền xử lý tài sản dùng làm bảo đảm tiền vay.

Các hình thức bảo đảm tín dụng.

Bảo đảm tín dụng nói chung có thể thực hiện bằng nhiều cách, bao gồm đảm bảo bằng tài sản thế chấp, bảo đảm bằng tài sản cầm cố, bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay, và bảo đảm bằng hình thức bảo lãnh của bên thứ ba.

  • Bảo đảm tín dụng bằng tài sản thế chấp.

- Thế chấp bất động sản.

- Thế chấp quyền sử dụng đất

  • Bảo đảm tín dụng bằng tài sản cầm cố.

- Tài sản hữu hình như xe cộ, máy móc, hàng hoá, vàng bạc, tàu biển, máy bay…và các loại tài sản khác

- Tiền trên tài khoản tiền gửi hoặc tiền tệ

- Giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, thương phiếu.

- Quyền tài sản phái sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, các quyền phái sinh từ tài sản khác.

- Lợi tức và quyền phát sinh từ tài sản cầm cố

  • Bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay.

Bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay được áp dụng trong các trường hợp sau đây.

- Trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho ngân hàng cho vay đối với khách hàng và đối tượng vay.

- Ngân hàng cho vay trung hạn, dài hạn với các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống nếu khách hàng vay và tài sản hình thành từ vốn vay đáp ứng được các điều kiện khách hàng vay có tín nhiệm, có khả năng tài chính để trả nợ, có dự án đầu tư khả thi, có mức vốn tự có tham gia vào dự án và giá trị tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 50% vốn đầu tư.

  • Bảo đảm tín dụng bằng hình thức bảo lãnh.

- Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba là việc bên thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên cho vay về việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên đi vay, nếu không thực hiện hoặc không thể hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.

- Bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội là biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, theo đó tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình bảo lãnh cho bên đi vay.

0