Tỏ lòng (thuật hoài)
Hướng dẫn Gợi ý học bài Là một trong những khuôn mặt đẹp của triều đại nhà Trần, “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (thơ Huy Cận), Phạm Ngũ Lão đã viết bài thơ Thuật hoài trong hoàn cảnh đất nước đang bị đe dọa trước nạn ngoại xâm. Đây là thời điểm lực lượng ...
Hướng dẫn
Gợi ý học bài
Là một trong những khuôn mặt đẹp của triều đại nhà Trần, “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (thơ Huy Cận), Phạm Ngũ Lão đã viết bài thơ Thuật hoài trong hoàn cảnh đất nước đang bị đe dọa trước nạn ngoại xâm. Đây là thời điểm lực lượng kháng chiến của dân tộc, tuy đã lớn mạnh nhưng chưa đi đến thắng lợi cuối cùng. Bài thơ thể hiện một cách sống động, một niềm tự hào về chí nam nhi và khát vọng lập chiến công của bậc anh hùng khi Tổ quốc bị xâm lược. Với chỉ bốn câu, hai mươi tám chữ, nhưng bài thơ tứ tuyệt nhỏ nhắn này lại dung chứa biết bao điều lớn lao, kì vĩ về đất nước, về thời đại và đặc biệt là về con người: một nhân vật lịch sử được liệt vào hạng “văn võ toàn tài" lúc bấy giờ là Phạm Ngũ Lão. Mở đầu bài thơ là một bức tranh hoành tráng:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”
Nghĩa là: Cầm ngang ngọn giáo giữ gìn non sông đã mấy thu.
Dịch thơ: Múa giáo non sông trải mấy thu.
Câu thơ tuy nhỏ nhưng lại mang một hình ảnh lớn. Đó là hình ảnh người trai thời Trần thật hào hùng, đầy sức mạnh: cầm ngang ngọn giáo đi cứu nước ròng rã bao năm mà chưa hề mệt mỏi. Cầm ngang ngọn giáo (hoành sóc) là một tư thế chiến đấu hiên ngang, dũng mãnh, sẵn sàng xông lên bảo vệ Tổ quốc, lập nên những chiến công lừng lẫy. Tư thế ấy, hình ảnh ấy lại được nâng lên khi xuất hiện trong bối cảnh kì vĩ cả về không gian lẫn thời gian. Không gian là giang sơn (non sông). Thời gian là kháp kỉ thu (trải mấy thu). Kết hợp giữa sự mở rộng về không gian và sự trải dài thời gian ấy, câu thơ đã tạo dựng lên được tầm vóc hiên ngang của người tráng sĩ.
Tiếp đó, câu thơ thứ hai cũng là một hình ảnh lớn:
“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
Nghĩa là: Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.
Dịch thơ: “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”.
Tam quân (ba quân) nghĩa hẹp chỉ toàn thể quân đội, nghĩa rộng là hình ảnh của toàn dân tộc ta thời ấy, hàng hàng, lớp lớp, bừng bừng đứng lên chiến đấu. Hình ảnh của trang tráng sĩ cầm ngang ngọn giáo trong câu thơ đầu lồng vào hình ảnh của dân tộc trong câu thơ này thật đẹp đầy tính sử thi, hoành tráng. Đúng là bóng vang của một thời hào khí Đông A. Phép cường điệu được sử dụng trong câu thơ cũng đã đưa tầm vóc của dân tộc ta thời ấy “tam quân tì hổ” lên sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ: “Khí thôn ngưu”. “Khí thôn ngưu” nghĩa là khí thế ngất trời dũng mãnh đủ sức nuốt cả trâu. Nếu trong câu thơ đầu, hình ảnh người trai ít nhiều có tính cụ thể, khách quan thì trong câu thơ này, hình ảnh dân tộc đúng là mang tính ấn tượng, chủ quan. Cảm hứng của nhà thơ ở đây biết mấy sảng khoái tự hào. Tuy nói là chủ quan nhưng cũng rất chân thực. Bởi lẽ hình ảnh ấy đã khởi nguồn từ một hiện tượng khách quan. Đó là hiện thực của một đất nước đang bừng bừng trong một không khí ra quân, quyết chiến quyết thắng khi giặc Nguyên Mông tràn sang xâm lược, âm vang dội lại đến muôn đời sau:
Thuyền bè muôn đội
Tinh kì phấp phới
Tì hổ ba quân giáo gươm sáng chói
(Bạch Đằng giang phú – Trương Hán Siêu)
Hình ảnh người tráng sĩ Hoành sóc giang sơn trong câu thơ đầu đến đây lại trở lại trong hai câu thơ ba và bốn:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
Nghĩa là: Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.
Dịch thơ: Công danh nam tủ còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
Công danh trái hay nợ công danh ở đây, qua hình ảnh và tâm sự trong bài thơ chính là nợ nước. Công danh mà nhà thơ đề cập không phải là thứ công danh tầm thường của bọn giá áo túi cơm, mà chính là thứ công danh được tạo dựng lên bằng xương máu, bằng tài thao lược và tinh thần quả cảm của mình trong quá trình làm nên chiến công giữ nước chống quân xầm lược. Phải có công danh, đó là cái tâm, cái chí của kẻ nam nhi.
Đây là một nhân sinh quan trong thời đại phong kiến xưa. Tuy là quan niệm này trọng nam khinh nữ, nhưng cha ông ta xưa không ít người ấp ủ quan niệm nhân sinh đó từng đã làm nên nhiều sự nghiệp lớn lao, bao kì tích chiến công, lợi dân ích nước. Ở đây, nhà thơ cũng vì ấp ủ món nợ công danh phải trả như vừa nói, mà đã nảy sinh trong tâm trạng mình một cái thẹn:
“Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu”.
Phạm Ngũ Lão đã “thẹn” là mình chưa có tài mưu lược lớn như Vũ hầu Gia Cát Lượng, một bề tôi rường cột đã giúp nhà Hán làm nên cơ nghiệp. Ai cũng thừa nhận đó là một cái “thẹn” thật cao cả, đáng quý. Cái “thẹn” này không những bộc lộ sự khiêm tốn của nhà thơ mà còn cho thấy cả khát vọng vươn lên thật mạnh mẽ để lập chiến công đền ơn vua, báo nợ nước của bậc trung thần nghĩa sĩ này. Nhiều người cho rằng đây là cái “thẹn” đã làm nên nhân cách của tác giả. Nếu không có cái “thẹn” này, Phạm Ngũ Lão không thể trở thành Phạm Ngũ Lão, một trong những khuôn mặt đẹp của triều đại nhà Trần “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” như trên đã đề cập.
Đúng là qua bài thơ Thuật hoài, với lời lẽ giản dị, hàm súc, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện “Hào khí Đông A", phác họa cho người đọc thấy được mẫu người anh hùng luôn khao khát lập chiến công, luôn nôn nóng được ra sức phục vụ đất nước. Tuy chỉ là cảm xúc, nghĩ suy của một con người, nhưng bài thơ “Thuật hoài” này đã biểu hiện được một cách sâu sắc tư thế chiến đấu, khí thế xung trận và đặc biệt là khát vọng lập nhiều chiến công kì tích để: Sơn hà muôn thuở vững âu vàng” (Trần Nhân Tông).
Gợi ý thêm
1. Thuật hoài, Ngôn hoài, Cảm hoài… là những bài thơ thuộc loại thơ nói chí tỏ lòng quen thuộc thường gặp trong văn học trung đại nước ta. Bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, một vị võ tướng thời Trần, một thời đại đầy chiến công oanh liệt là cảm xúc của chính tác giả trước sức mạnh của dân tộc, của thời đại. Nội dung bài thơ nêu lên nỗi thẹn vì nợ nam nhi chưa trả và thể hiện hoài bão lập công danh của đất nước.
2. “Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu”.
Tuy đã từng cầm ngang ngọn giáo xông pha trận mạc, trải mấy thu rồi, thế mà tác giả vẫn nghĩ là mình chưa làm tròn trách nhiệm, còn nặng nợ với non sông đất nước. Ông vẫn thấy “thẹn” khi nghĩ mình không có mưu thần, chước thánh như Khổng Minh Gia Cát Lượng để tận hiến cho đời trừ giặc cứu nước, khôi phục giang sơn. Cái thẹn ở đây là cái thẹn của người tráng sĩ khi chưa thực hiện được hoài bão lớn lao. Đó là cái thẹn cao cả mang giá trị nhân cách rõ rệt. Nguyễn Khuyến sau này từng bày tỏ nỗi thẹn của mình, khi nghĩ đến Đào Uyên Minh, một danh sĩ cao khiết đời Tấn. Trong bài Thu vịnh: “Nhân hứng cũng vừa toan cất bát. Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Hay Tú Xương cũng tự rủa mát mình đã làm khổ vợ trong bài Thương vợ quen thuộc…
3. Qua bài thơ Thuật hoài, đặc biệt là qua động từ Hoành sóc (cầm ngang ngọn giáo) mở đầu bài thơ, ta thấy hiện lên bóng dáng ngang tàng, oai phong, lẫm liệt của người con trai thời Trần. Đó là bóng dáng một tráng sĩ thanh gươm ra trận, dầu sương dãi gió đã mấy thu rồi với lí tưởng cao đẹp, với hoài bão khôi phục giang sơn đất nước, với tầm vóc kì vĩ sánh ngang trời đất, khí phách hào hùng át cả sao Ngưu. Bóng dáng ấy ít nhiều gợi ta nhớ đến bóng dáng người tráng sĩ trong Chinh phụ ngâm sau này: “Múa gươm rượu tiễn chưa tàn. Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”.
Vẻ đẹp của những con trai đã làm nên hào khí Đông A ấy mãi mãi là hình tượng nghệ thuật đầy hấp dẫn đốì với tuổi trẻ hôm nay và mai sau. Hình tượng nghệ thuật đó nhắc nhở tuổi trẻ sống có trách nhiệm, sống có hoài bão và quyết tâm thực hiện lí tưởng của mình đề góp phần xây dựng đất nước.
4. Cả hai bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải và Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão đều thể hiện sinh động hào khí Đông A, hào khí thời Trần. Hào khí đó không những thể hiện trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, mà còn thế hiện cả trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, không những trong sức mạnh của toàn dân mà còn thể hiện cả trong sức mạnh của những người anh hùng tiêu biểu cho thời đại.
Hào khí trong bài Tụng giá hoàn kinh sư là lòng tự hào khôn xiết về sức mạnh quật cường của dân tộc về những chiến công vang dội của đất nước, ý chí và quyết tâm xây dựng giang san đất nước để Tố quốc mãi mãi trường tồn.
Hào khí Đông A trong bài Thuật hoài là tấm lòng cao đẹp của nhà thơ và cũng là tấm lòng cao đẹp và ý chí mãnh liệt của tất cả trai tráng thời Trần muốn được cống hiến, muốn được làm tròn sứ mệnh của đấng mày râu.
Mai Thu