06/02/2018, 00:31

Tuần 12 – Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)

Tuần 12 – Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ) Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) sinh tại Hà Nội trong một gia đình nghèo. Ông mồ côi cha từ khi mới được bảy tháng tuổi, được người mẹ tảo tần nuôi cho ăn học. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ...

Tuần 12 – Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) sinh tại Hà Nội trong một gia đình nghèo. Ông mồ côi cha từ khi mới được bảy tháng tuổi, được người mẹ tảo tần nuôi cho ăn học. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Vũ Trọng Phụng đi làm kiếm sống, nhưng chẳng bao lâu thì mất việc. Từ đó, ông sống bằng nghề báo và viết văn chuyên nghiệp. Khoảng năm 1937 – 1938, Vũ Trọng Phụng mắc bệnh lao, nhưng không có điều kiện chạy chữa. Ông mất tại Hà Nội.

Vũ Trọng Phụng là người chăm học và có sức sáng tạo dồi dào. Không đầy mười năm cầm bút (1930 – 1939), nhà văn đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm phong phú gồm nhiều thể loại: kịch, truyện ngắn, phóng sự và tiểu thuyết. Sáng tác của Vũ Trọng Phụng toát lên niềm căm phẫn mãnh liệt cái xã hội tàn bạo và thối nát đương thời.

2. Tiểu thuyết Số đỏ đăng báo năm 1936. Đây là năm đầu của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, không khí đấu tranh sôi nổi. Chế độ kiểm duyệt sách báo khắt khe của thực dân phải tạm thời bỏ. Bối cảnh ấy tạo điều kiện cho nhà văn phát huy cao độ những mặt tích cực và đạt được những thành tựu rực rỡ.

Số đỏ là tác phẩm tiêu biểu nhất của Vũ Trọng Phụng và được đánh giá vào loại xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam, kể từ khi có chữ quốc ngữ. Thông qua tác phẩm này, "nhà văn đả kích sâu cay cái xã hội tư sản thành thị đang chạy theo lối sống nhố nhăng đồi bại đương thời". Từ chuỗi vận đỏ của nhân vật Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện một cách chân thực cái quy luật tưởng chừng như vô lí nhưng lại rất thật: Đặt vào xã hội nhố nhăng đương thời, một kẻ bất tài, bịp bợm cũng trờ thành một đại trí thức, một "anh hùng cứu quốc", một mụ me Tây dâm đãng cũng có thể được tặng bằng Tiết hạnh khả phong. Từ đó, người đọc có thể nghĩ tới cái sân khấu chính trị đương thời vốn không ít những kẻ tai to mặt lớn thực chất chỉ là những Xuân Tóc Đỏ. Chính bởi điều này mà dù nhà văn chỉ mới phê phán xã hội thành thị ở phương diện sinh hoạt đạo đức, nhưng Số đỏ có ý nghĩa thời sự và tính chiến đấu khá rõ.

Về mặt nghệ thuật, Số đỏ thể hiện một trình độ tiểu thuyết già dặn, bút pháp châm biếm đặc biệt sắc sảo. Ngoài ra, trong Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng được một số nhân vật điển hình phản diện mang tính chất hí hoạ vào loại sớm nhất trong vãn học Việt Nam.

3. Hạnh phúc của một tang gia là toàn bộ chương XV của tác phẩm Số đỏ. Tiêu đề đầy đủ của chương là Hạnh phúc của một tang gia – Văn minh nữa cũng nói vào – Một đám ma gương mẫu.

Bằng nghệ thuật trào phúng sắc bén, qua chương Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng đã phê phán mãnh liệt bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội "thượng lưu" ở thành thị ngày ấy.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN

1. Nhan đề của chương truyện Hạnh phúc của một tang gia chứa đựng một mâu thuẫn đầy nghịch lí khiến người đọc ngay lập tức cảm thấy băn khoăn muốn tìm lời giải đáp. Tang gia mà lại hạnh phúc! Gia đình có người chết mà lại vui vẻ, sung sướng! Thật là bất bình thường. Người ta thường nói "tang gia bối rối". Đám tang này cũng có bối rối, cũng lo lắng, cũng bận tâm nhưng không phải vì buồn rầu, vì hẫng hụt mà mọi người bận rộn là để tìm cách này hay cách khác tổ chức sao cho chu đáo, cho thật linh đình, cho thật ấn tượng một cái… đám ma. Như vậy, tiêu đề Hạnh phúc của một tang gia vừa gây chú ý cho người đọc, vừa phản ánh rất đúng một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn.

Hoá ra, tất cả căn nguyên khiến mọi thành viên trong cái đại gia đình kia đáng ra phải buồn rầu, não ruột lại thành ra vui vẻ là ở cái tờ di chúc mà cụ cố tổ để lại. Cụ cố tổ mất đi nghĩa là tờ di chúc của cụ đã đến lúc được thực hiện, nghĩa là từ đây cái gia tài kếch sù của cụ mới được chia cho con và cháu, trai và gái, dâu và rể,…"chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa!". Thế là cái chết kia đã được tất cả mọi người chờ đợi, thậm chí mong muốn nó đến thật nhanh từ rất lâu rồi. Vũ Trọng Phụng đúng là rất tài tình trong việc dựng lên tình huống. Tình huống này đã làm bộc lộ không biết bao nhiêu mâu thuẫn trào phúng khác và làm đậm nét hàng loạt chân dung hài hước. Đây cũng là tình huống trào phúng chính của toàn bộ chương truyện.

2. Như đã nói, cái chết của cụ cố tổ đã làm vỡ oà niềm "hạnh phúc" được dồn nén và chờ đợi từ lâu của gia đình "đại bất hiếu" kia, bởi nó đánh dấu giai đoạn tờ chúc thư không còn ở cái thời kì "lí thuyết" nữa. Trong niềm vui chung của gia đình kia, mỗi người lại được nhà văn mô tả với một niềm vui riêng, một hạnh phúc riêng, không ai giống ai.

Cụ cố Hồng tuy mới 50 tuổi nhưng lâu nay chỉ mơ ước được gọi là cụ cố. Dịp may đã tới khi cụ cố tổ nằm xuống. Cố Hồng nhắm nghiền mắt lại để nghĩ đến lúc được mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa khóc mếu máo diễn trò già nua ốm yếu giữa phố đông người để cho thiên hạ trầm trồ: "úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!". Nhân vật này điển hình cho loại người ngu dốt, háo danh.

Văn Minh – nhà cải cách y phục Âu hoá – được dịp lăng xê những mốt y phục táo bạo nhất, "có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời". Đây là cơ hội để ông quảng cáo hàng và để kiếm tiền. Văn Minh là cháu đích tôn, thế nên cái lợi mà Văn Minh được hưởng từ cái chúc thư kia là không nhỏ (Ngữ văn 11, tập 1, SGV).

Cô Tuyết thì được dịp "mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng,…”, đồng thời "trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám". Khi trông thấy Tuyết, những ông bạn thân của cụ cố Hồng, trong đó có nhiều vị tai to mặt lớn "đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng!". Cái chết của cụ cố tố đúng là cơ hội để Tuyết trưng diện, phô bày sự hấp dẫn của cơ thể.

Cậu tú Tân thì sướng điên người vì được dùng đến cái máy ảnh mới mua (khi chưa phát phục, cậu sốt ruột đến "điên người lên" vì cậu chuẩn bị mấy cái máy ảnh mà mãi không được dùng!). Đây là cơ hội hiếm có để cậu tú giải trí và chứng tỏ tài nghệ chụp ảnh của mình nữa.

Ông Phán mọc sừng cũng thật sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu của mình lại có giá trị đến thế và ông tin chắc rằng mình sẽ được trả công xứng đáng. Bởi lẽ, cụ cố tổ sở dĩ lăn đùng ra và cấm khẩu vì biết tin con rể mọc sừng, biết tin con gái mình "hư hỏng" quá!

Xuân Tóc Đỏ thì danh giá và uy tín càng cao thêm vì chính nhờ hắn mà cụ cố tổ chết (Xuân đã tố cáo cái tin gây sốc (việc ông Phán mọc sừng) trước mặt cụ cố tổ khiến cụ tắt thở ngay).

Hạnh phúc của cái tang gia ấy, thậm chí còn lây lan ra cả những người ngoài tang quyến nữa.

Cảnh sát Min Đo và Min Toa đang lúc thất nghiệp, được thuê giữ trật tự cho đám tang vì đó đúng là cơ hội không thể tốt hơn để vừa được nhàn nhã lại có tiền.

Xã hội trưởng giả bè bạn của cụ cố Hồng cũng được dịp khoe các thứ huy chương, phẩm hàm nào là Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh,… và bao nhiêu các thứ râu ria trên mép, dưới cằm, "hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn…".

Và tất nhiên, hàng phố thì được xem một đám ma to tát chưa từng có, "đi đến đâu cũng làm huyên náo đến đấy…" (Ngữ văn 11, tập 1, SGV).

3. Đoạn tả cảnh đám tang diễn từ nhà cụ cố Hồng ra đến huyệt cũng rất hài hước. Đám ma mà như một đám rước vậy. Không những thế, nó lại được tổ chức theo một cách vô cùng "hổ lốn". Có đủ cả kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu. Lại có hàng trăm câu đối, vòng hoa, bức trướng. Người đi đưa đông đúc, sang trọng, nam nữ "chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma…". Tác giả buông lời bình: "Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu!".

Tóm lại, đám ma diễn ra như một tấn đại hài kịch. Nó nói lên sự lố lăng, đồi bại của cái xã hội thượng lưu đương thời.

4. Số đỏ là tác phẩm tiêu biểu nhất của Vũ Trọng Phụng và được đánh giá là tác phẩm vào loại xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam, kể từ khi có chữ quốc ngữ. Thông qua tác phẩm này, nhà văn đả kích sâu cay cái xã hội tư sản thành thị đang chạy theo lối sống nhố nhăng đồi bại đương thời.

Dùng tiếng cười làm vũ khí, Số đỏ vạch trần thực chất thối nát của các phong trào "Âu hoá", "Thể thao", "Vui vẻ trẻ trung",… được bọn thống trị khuyến khích và lợi dụng, từng lên cơn sốt vào những năm 30 của thế kỉ XX. Chương XV của truyện là một trong những chương truyện xuất sắc và điển hình cho nghệ thuật trào phúng sâu cay của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ.

Từ một tình huống trào phúng cơ bản (hạnh phúc của một gia đình có tang), nhà văn triển khai mâu thuẫn theo nhiều tình huống khác nhau tạo nên một màn đại hài kịch phong phú và rất biến hoá. Một trong những thủ pháp quen thuộc được Vũ Trọng Phụng sử dụng là phát hiện những chi tiết đối lập nhau gay gắt nhưng cùng tồn tại trong một sự vật, một con người, để từ đó làm bật lên tiếng cười. Ngoài ra, các thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa,… đều được sử dụng một cách đan xen linh hoạt. Và tất cả đều đem lại hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Chẳng hạn, cụ cố tổ chết khiến cho cái đại gia đình bất hiếu này đều hạnh phúc, nhưng mỗi người lại có niềm hạnh phúc riêng, tuỳ theo hoàn cảnh của từng người, rất phong phú và đa dạng, từ con cháu trong nhà tới bạn bè của cụ, thậm chí đến cả bọn cảnh sát. Đặc biệt, đám ma được tổ chức rất nhố nhăng, lố bịch và cái đám ma này thực chất là một đám rước; đi đưa ma là cơ hội để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, đùa cợt nhau, tán tỉnh nhau (Ngữ văn 77, tập 1, SGV).

Mai Thu

0