Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên của cả nước
Tổ hợp không gian khoa học đặt ở phố biển Quy Nhơn (Bình Định) có nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học, đài quan sát thiên văn. Tổ hợp không gian khoa học được thiết kế theo khối nhà hình tròn độc đáo, hài hòa giữa thiên nhiên hoang sơ ở thung lũng Quy Hòa (Bình Định). Tổ hợp ...
Tổ hợp không gian khoa học đặt ở phố biển Quy Nhơn (Bình Định) có nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học, đài quan sát thiên văn.
Tổ hợp không gian khoa học được thiết kế theo khối nhà hình tròn độc đáo, hài hòa giữa thiên nhiên hoang sơ ở thung lũng Quy Hòa (Bình Định).
Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên tại Việt Nam được xây trên diện tích 12,6 ha ở thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn). Tháng 7/2015, tổ hợp khởi công với mục đích khơi dậy tình yêu khoa học của người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Kiến trúc sư Jean Francois Milou (Singapore) là người thiết kế, bao gồm các hạng mục nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn. Sau khi lựa chọn nhiều phương án, Bình Định thống nhất chọn phương án khối nhà tròn hài hòa với cảnh quan.
Ông Trần Trung Quân, Giám đốc Kỹ thuật Tổ hợp không gian khoa học, cho biết đây là "điểm hẹn" tuyệt vời khơi gợi niềm đam mê khám phá, giúp học sinh, giới trẻ học tốt hơn các môn khoa học ở trường.
Tổ hợp được xây giữa không gian thiên nhiên lý tưởng, xung quanh là núi bao bọc, bên cạnh là biển. Học sinh đến đây khám phá khoa học đồng thời có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Giáo sư Ngô Bảo Châu góp ý xây dựng cụm công trình. Theo GS Châu, tổ hợp này cần được đầu tư công nghệ cao về robot, kính thiên văn đa chiều và sự giao thoa ánh sáng mô phỏng không gian vũ trụ sinh động. Ông tin tưởng khi hoàn thành nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Giáo sư Trần Thanh Vân (bìa phải), người sáng lập ra Hội Gặp gỡ Việt Nam, trò chuyện với các nhà khoa học ở thung lũng Quy Hòa. GS Vân cùng với GS Rolf Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), tình nguyện kêu gọi bạn bè quốc tế hỗ trợ trang thiết bị cho Tổ hợp không gian khoa học ở Quy Nhơn.
Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sau ba năm khởi công xây dựng đến nay các hạng mục đã hoàn thành.
Việc lắp đặt thiết bị cho 4 phòng phục vụ giới thiệu, giảng dạy các môn khoa học đã hoàn tất. Các chuyên gia cùng nhà thầu đang tiếp tục lập dự toán, nghiên cứu để tiếp tục lắp đặt thiết bị thêm cho 7 phòng và xây Đài quan sát Thiên văn.
Mô hình máy gia tốc thẳng phục vụ giảng dạy cho học sinh, sinh viên vừa được lắp đặt. Lãnh đạo tỉnh Bình Định lý giải tổ hợp là công trình đặc biệt mới mẻ tại Việt Nam về thiết kế lẫn kỹ thuật thi công. Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị liên danh tư vấn thiết kế tại Việt Nam phải điều chỉnh thiết kế nhiều hạng mục nên tổng vốn đầu tư dự án tăng. Từ mức đầu tư ban đầu 110 tỷ đồng, đến nay tổng vốn đã lên gần 200 tỷ. Cuối năm nay, cụm công trình dự kiến đi vào hoạt động.
Góc nhìn từ sảnh chính của Nhà vũ trụ và Bảo tàng hướng ra vườn cảnh quan. Vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đề xuất giáo sư Ngô Bảo Châu kêu gọi bạn bè thiết kế, xây dựng mô hình "Nhà toán học" khoảng 1.000 m2 trong ở tổ hợp này. Giáo sư Châu nhận lời, hứa sẽ chung tay góp sức.
Toàn cảnh Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) hài hòa với phong cảnh thiên nhiên nằm trong quy hoạch tổ hợp do kiến trúc sư Milou thiết kế. Mỗi năm, trung tâm này thu hút hàng trăm nhà khoa nổi tiếng thế giới, đặc biệt những nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel đến đây làm việc và tạo động lực, cơ hội lớn khơi dậy niềm đam mê khoa học cho giới trẻ Việt Nam.
Sơ đồ Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn ở Tổ hợp không gian khoa học. Tổ hợp được Chính phủ định hướng trở thành khu đô thị khoa học và giáo dục, là điểm đến và cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước.
Vị trí Tổ hợp không gian khoa học ở thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn). (Ảnh: Google Maps.)