24/05/2018, 14:55

Tổ chức quản lý, thuận lợi và khó khăn của công ty Cổ phần

Do tính chất có nhiều chủ sở hữu của công ty Cổ phần nên các cổ đông không thể thực hiện trực tiếp vai trò chủ sở hữu của mình mà phải thông qua tổ chức đại diện làm nhiệm vụ quản lý lãnh đạo công ty đó là: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản ...

Do tính chất có nhiều chủ sở hữu của công ty Cổ phần nên các cổ đông không thể thực hiện trực tiếp vai trò chủ sở hữu của mình mà phải thông qua tổ chức đại diện làm nhiệm vụ quản lý lãnh đạo công ty đó là: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành và kiểm soát viên.

Đại hội đồng cổ đông là cơ quan lãnh đạo quyết định cao nhất của công ty. Đại hội đồng cổ đông đại diện cho trên 3/4 số vốn điều lệ của công ty và được thành lập theo biểu quyết của đa số phiếu bầu. Đại hội đồng cổ đông thường kỳ triệu tập vào cuối năm để giải quyết công việc kinh doanh của công ty trong khuôn khổ điều lệ như quyết định phương hướng hoạt động của công ty thông qua tổng kết năm tài chính, quyết định việc phân chia lợi nhuận, bầu hoặc bãi miễn thành viên trong Hội đồng quản trị và kiểm soát viên, Đại hội đồng cổ đông bất thường được triệu tập để sửa đổi điều lệ của công ty.

Hội đồng quản trị là bộ máy quản lý của công ty bao gồm từ 3-12 thành viên. Hội đồng quản trị có toàn quyền nhân danh công ty quyết định mọi vấn đề có liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty. Hội đồng quản trị bầu ra một thành viên làm chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể là người kiêm chức vụ Giám đốc hay Tổng giám đốc. Giám đốc hay Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn trong phạm vi được giao. Công ty Cổ phần thường có hai kiểm soát viên do Đại hội bầu ra, trong đó có it nhất một người có chuyên môn kế toán và không phải là thành viên của Hội đồng quản trị hay người thân cận của Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc.

Xét về tính chất hoạt động của công ty Cổ phần : Sự hoạt động trong công ty Cổ phần mang tính dân chủ cao do số lượng các cổ đông là những chủ sở hữu nhiều. Vì thế mà cơ cấu tổ chức và chức năng của từng bộ phận vừa đảm bảo được vai trò sở hữu vừa đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty . Bằng việc quy định mệnh giá thấp , hợp lý, công ty Cổ phần thu hút được đông đảo sự tham gia của công chúng, do vậy mà công ty Cổ phần mang tính xã hội hoá cao, kéo theo sự quản lý mang tính dân chủ. Hoạt động manh tính công khai, đặc biệt là công khai trước mọi cổ đông với tư cách là những chủ sở hữu. Do đó tạo điều kiện cho các cổ đông có được những hiểu biết về hoạt động của công ty, có đựơc tiếng nói riêng của mình, có khả năng kiểm tra được những hoạt động của công ty, từ đó có những quyết định kinh doanh riêng của mình.

Thuận lợi của công ty Cổ phần phải kể đến là việc thu hút và sử dụng vốn nhàn rỗi trong dân cư nhờ vào việc phát hành cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán. các công ty Cổ phần có khă năng huy động được một lượng vốn lớn chỉ trong một thời gian ngắn. cách thu hút vốn của công ty Cổ phần không chỉ dừng lại ở những nhà đầu tư lớn mà còn hấp dẫn được một lượng tiền khá lớn đang nằm rải rác trong dân cư, kể cả những người không giầu có gì cũng có thể tham gia mua cổ phiếu bởi hầu hết những cổ phiếu thường có mệnh giá thấp. Hơn nữa, việc đầu tư vào các công ty Cổ phần thường đem lại lợi ích lớn hơn so với việc gửi tiền vào các quỹ tín dụng hay ngân hàng. Thông thường lợi tức do cổ phiếu đem lại cao hơn lãi suất tiền gửi, dẫn đến hiệu quả kinh doanh cao, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Điểm thuận lợi nữa của công ty Cổ phần là các cổ đông trong công ty không được phép rút vốn ra khỏi công ty mà chỉ có thể mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho những người khác thông qua thị trường chứng khoán. Do vậy số vốn kinh doanh của công ty luôn luôn ổn định cho dù có những biến động lớn về nhân sự trong công ty . Có số vốn lớn, công ty Cổ phần sẽ có điều kiện áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tận dụng hết dược những cơ hội kinh doanh , thích ứng nhanh được với những biến động của thị trường, đem lại hiệu quả kinh doanh cao.

Với những thuận lợi trên, công ty Cổ phần đã có vai trò thúc đẩy sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán; tạo điều kiện thực hiện xã hội hoá các hình thức sở hữu.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, công ty Cổ phần cũng phải đối mặt với những khó khăn như: sự ảnh hưởng nặng nề của tư duy kinh tế kế hoạch hoá tập trung cao độ trong điều kiện chiến tranh kéo dài. Trong tư duy cũng như trong thực tiễn xây dựng cơ sở vật chấ kỹ thuật , người ta vẫn thường xem nhẹ các quy luật kinh tế khách quan của thị trường , coi kinh tế thị trường là của riêng Chủ nghĩa tư bản, từ đó dẫn đến hậu quả là việc hạch toán kinh tế trong các doanh nghiệp là mang tính hình thức, các doanh nghiệp Nhà nước thực chất chỉ là người sản xuất và gia công thuê cho Nhà nước chứ không thực sự là một chủ thể kinh doanh đầy trách nhiệm. Tư tưởng này thật là xa lạ đối với một công ty Cổ phần trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, lực lượng sản xuất của ta còn quá yếu kém; cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu; hệ thống pháp luật, chính sách quản lý còn chưa thống nhất đồng bộ, thủ tục hành chính còn quá rườm rà, quan liêu; cơ cấu kinh tế chưa hợ lý…

Tóm lại, những thuận lợi và khó khăn của công ty Cổ phần là một mâu thuẫn lớn , song bắt buộc phải kiên quyết đổi mới, phải có những giải pháp và bước đi phù hợp với trình độ thực tế cơ sở. Do vậy mà mục tiêu và quan điểm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước thông qua Cổ phần hoá là đúng đắn và cần thiết.

0