12/01/2018, 11:38

Tình hình thế giới và Đông Dương

Tình hình thế giới và Đông Dương Tháng 9 - 1939. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở châu Âu. ...

Tình hình thế giới và Đông Dương

Tháng 9 - 1939. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở châu Âu.

Tháng 9 - 1939. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở châu Âu, tháng 6 - 1940, quân đội phát xít Đức kéo vào nước Pháp. Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức. Ở Viễn Đông, quân phiệt Nhật cũng đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc và cho quân tiến sát biên giới Việt - Trung.
Thực dân Pháp ở Đông Dương đứng trước hai nguy cơ : một là ngọn lửa cách mạng giải phóng của nhân dân Đông Dương sớm muộn sẽ bùng cháy : hai là phát xít Nhật đang lăm le hất cẳng chúng.
Sau khi đầu hàng Nhật ở Lạng Sơn (9 - 1940), rồi mở cửa cho chúng vào Đông Dương, thực dân Pháp đã suy yếu rõ rệt. Nhật tiếp tục lấn bước để biến Đông Dương thành thuộc địa và căn cứ chiến tranh của chúng. Ngày 23 - 7 - 1941, tại Hà Nội, Chính phủ Pháp công bố kí kết một hiệp ước giữa Pháp và Nhật - Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương.
Hiệp ước thừa nhận Nhật có quyền sử dụng tất cả sân bay và cửa biển ở Đông Dương vào mục đích quân sự. Khi phát động chiến tranh Thái Bình Dương (7 -12 - 1941). Nhật lại bắt thực dân Pháp ở Đông Dương kí thêm một hiệp ước cam kết hợp tác với chúng về mọi mặt (như tạo mọi sự dễ dàng cho việc hành binh, cung cấp lương thực, bố trí doanh trại, giữ gìn trật tự xã hội ở Đông Dương) để bảo đảm hậu phương an toàn cho quân đội Nhật. Kể từ đây, trong thực tế, Pháp và Nhật đã câu kết chặt chẽ với nhau trong việc đàn áp, bóc lột nhân dân Đông Dương.
Mặc dù bị Nhật ức hiếp, tước đoạt mọi bề, thực dân Pháp vẫn có nhiều thủ đoạn gian xảo để thu được lợi nhuận cao nhất. Trước hết, chúng thi hành chính sách “kinh tế chỉ huy”, thực chất là lợi dụng thời chiến để nắm độc quyền toàn bộ nền kinh tế Đông Dương và tăng cường việc đầu cơ tích trữ để vơ vét bóc lột nhân dân ta được nhiều hơn. Thủ đoạn thứ hai là tăng các loại thuế. Riêng các khoản thuế rượu, muối và thuốc phiện từ năm 1939 đến năm 1945 đã tăng lên gấp ba lần.
Thủ đoạn tàn ác của Nhật là thu mua lương thực, chủ yếu là lúa gạo, theo lối cưỡng bức với giá rẻ mạt, một phần để cung cấp cho quân đội Nhật, một phần để tích trữ, chuẩn bị chiến tranh. Chính thủ đoạn tàn ác này đã gây ra nạn khan hiếm lương thực nghiêm trọng làm cho khoảng 2 triệu đồng bào ta, chủ yếu là nông dân ở miền Bắc chết đói vào cuối năm 1944 - đầu năm 1945.
Dưới hai tầng áp bức, bóc lột nặng nề của Pháp - Nhật, các tầng lớp nhân dân ta bị đẩy đến tình trạng cực khổ, điêu đứng.

0