06/05/2018, 08:50

Tìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác – Văn mẫu hay lớp 7

Xem nhanh nội dung Hãy tìm một số ví dụ để chứng minh sự giản dị thể hiện trong thơ văn của Bác Hồ – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Cao Bằng Giản dị là đức tính nổi bật nhất trong con người vĩ đại của Hồ Chí Minh. Cuộc đời Bác – cuộc đời chính trị lay trời chuyển ...

Xem nhanh nội dung

Hãy tìm một số ví dụ để chứng minh sự giản dị thể hiện trong thơ văn của Bác Hồ – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Cao Bằng

Giản dị là đức tính nổi bật nhất trong con người vĩ đại của Hồ Chí Minh. Cuộc đời Bác – cuộc đời chính trị lay trời chuyển đất – nhưng cũng là cuộc đời của một con người, có lối sống thanh bạc vô cùng. Để ca ngợi phẩm chất cao quý ấy, đã có biết bao bài báo, bài văn thơ của bao nhiêu tác giả trong nước và ngoài nước. Và chính Người đã ghi lại lối sống giản dị của mình bằng chính những vần thơ cũng hết sức giản dị, tự nhiên.

Sự giản dị của Bác nhất quán từ lối sống đến ngôn ngữ nói, viết và trong quan hệ với mọi người. Như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói, chúng ta chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Quan niệm về sự giản dị đã được Người bộc lộ trong nhiều bài thơ:

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,

Trần mà như thế khác gì tiên.

(Sáu mươi tuổi)

Như vậy, lối sống này thực sự là một lối sống văn minh, xuất phát từ một cách nghĩ rất tiến bộ. Chẳng cần phải quan trọng vật chất, cái đáng quý ở sự giàu có về tinh thần và sự thanh cao của tâm hồn. Sáu mươi ba tuổi  Bác lại viết:

Sống quen thanh đạm nhẹ người

Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung

Thật vậy, chỉ khi nào trong suy nghĩ không vướng bận lo toan vật chất tầm thường thì tinh thần mới thư thái bay bổng. Tâm hồn cao quý ấy vút nên từ cuộc sống vô cùng giản dị, thậm chí có phần kham khổ của người chiến sĩ cách mạng:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo hẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

(Tức cảnh Pác Bó)

Cảm động làm sao khi biết rằng nơi rừng sâu hang tối, nơi bàn đá chông chênh là nơi Người tạo nên những trang sử hào hùng cho dân tộc. Ăn thế, ở thế nhưng chính sự giản dị về vật chất đã làm nổi bật sự phong phú trong đời sống tinh thần của Bác. Ý chí, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tính hài hước – hóm hỉnh vẫn nổi lên trên nền bức tranh gian khổ: Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Ngay cả trong vòng tù tội, vật chất thiếu thốn đủ bề nhưng đời sống tinh thần của Bác không vì thế mà khô cằn và kém phần lãng mạn. Vượt ra khỏi khó khăn về vật chất, vượt ra khỏi chấn song nhà tù, Bác làm bạn với trăng:

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cành đẹp đêm nay, khó hững hờ;

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

(Ngắm trăng)

Giản dị trong đời sống, Người còn giản dị trong cả ngôn ngữ văn thơ. Có lẽ, chưa có ai lại đưa việc tế nhị của con người vào thơ tự nhiên và hài hước như Bác:

Đau khổ chi bằng mất tự do

Đến buồn đi ỉa cũng không cho

Cửa tù khi mở, không đau bụng

 Đau bụng thì không mở cửa tù.

(Bị hạn chế)

Sau bốn tháng bị giam cầm trong nhà tù dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch, chúng ta chẳng còn nhận ra vị lãnh tụ vĩ đại trong hình hài quỷ đói:

Răng rụng mất một chiếc

Tóc bạc thêm mấy phần

Gầy đen như quỷ đói

Ghẻ lở mọc đầy thân.

(Bốn tháng rồi)

Quả là hết sức chân thật và hóm hỉnh! Chuyện bình thường là vậy. Song đến những vấn đề triết lí cao cả sâu xa, trong thơ Bác cũng trở nên bình dị và rất dễ hiểu:

Sự vật xoay vần đã định sẵn

Hết mưa là nắng hửng lên thôi

…. Hết khổ là vui vốn lẽ đời

(Trời hửng)

Quy luật vận động của tự nhiên, của con người đã được Hồ Chủ Tịch đúc kết trong mấy câu thơ mộc mạc đến không ngờ. Để khuyên răn mọi người phải không ngừng phấn đấu rèn luyện mới mong ngày thành công, Bác đã sử dụng hình ảnh hạt gạo gần gũi quen thuộc đối với một nước nông nghiệp như nước ta:

Gạo đem vào giã bao đau đởn,

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công

(Nghe tiếng giã gạo)

Người giản dị trong cả mối quan hệ với tất cả mọi người. Thiếu niên nhi đồng là đối tượng Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Đơn giản mà sâu xa, mộc mạc mà ý nghĩa, khi đối tượng khuyên răn là các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác đã đúc kết trọn vẹn sự nhắn nhủ của mình trong năm điều ngắn gọn, dễ thuộc dễ nhớ. Các cháu ghi nhớ một cách dễ dàng và phấn đấu làm theo bởi tính gần gũi, không hô hào đao to búa lớn và phù hợp với lứa tuổi:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Học tập tốt, lao động tốt.

Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt.

Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Khiêm tốt, thật thà, dũng cảm.

Sống là người giản dị, mất đi, Bác cũng mong được thanh thản, nhẹ nhàng. Thật xúc động khi đọc những lời Di chúc của Người, khi Người muốn một lễ tang đơn giản, được hòa mình vào mảnh đất thân yêu. Nhân dân thương tiếc Người, cả thế giới ca ngợi Người không chỉ bởi Người là vị lãnh tụ vĩ đại mà Người còn là vị cha già của dân tộc Việt Nam.

Giản dị trong đời sống, trong tác phong, trong quan hệ với mọi người, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Em hãy tìm một số ví dụ để chứng minh cho sự giản dị trong thơ văn của Bác – Bài làm 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh sự nghiệp cứu nước vĩ đại, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản văn chương vô cùng quý giá.

Bác không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương và chưa bao giờ tự nhận mình là văn nghệ sĩ. Bác viết văn, làm thơ xuất phát từ nhận thức văn chương là vũ khí sắc bén chống quân thù và là phương tiện thuận lợi để tuyên truyền cách mạng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã trải qua nhiều hoàn cảnh sống và tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Tùy từng tình huống, từng nhiệm vụ chính trị mà Bác có cách viết cho phù hợp. Với lực lượng quần chúng cách mạng phần lớn là nông dân, công nhân, Bác đã chọn hình thức sáng tác quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ như ca dao, thơ lục bát… để lồng vào đó nội dung chính trị.

Giản dị trong đời sống – đó là điều nổi bật trong phong cách của Hồ Chủ tịch . Bác cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho nhân dân hiểu được, nhớ được và thực hiện được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong qua trình vận động cách mạng, Bác làm nhiều bài ca dưới hình thức văn vần để giác ngộ quần chúng như Bài ca sợi chỉ, Bài ca binh lính, Bài ca đoàn kết… Bác viết thật mộc mạc, giản dị để người nghe, người đọc dễ tiếp thu và truyền bá cho nhau.

Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu:

Sau khi về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác đã viết nhiều câu thơ, bài thơ làm tài liệu giác ngộ, vận động quần chúng tham gia vào hội Việt Minh, đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật:

Muốn phá sạch nỗi bất bình,
Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào.

Hoặc:

Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.

Thơ Bác còn chỉ ra nguyên nhân khổ đau, bất hạnh của nông dân:

Dân ta không có ruộng cày,
Bao nhiêu đất tốt về Tây đồn điền.

Hay của giai cấp công nhân:

Công nhân sức mạnh nghề quen
Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ
Mà mình quần rách áo xơ
Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm 
Lại còn đánh chửi tần phiền 
Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua.

Bác thể hiện rõ nỗi khổ, nỗi nhục của kẻ lầm đường lạc lối cầm súng giặc bắn vào cha mẹ, anh em, bà con làng xóm:

Hai tay cầm khẩu súng dài,
Ngắm đi ngắm lại, bắn ai bây giờ.

Cuối năm 1946, thực dân Pháp và đế quốc Mĩ cấu kết với nhau, cố tình xâm lược nước ta một lần nữa. Sau khi chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa được thành lập, với cương vị Chủ tịch, Bác đã làm bài thơ chúc mừng năm mới 1947, kêu gọi đồng bào quyết tâm kháng chiến để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do vừa giành được:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kì kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công.

Xuân 1949 là mùa xuân tưng bừng khí thế trong bài thơ nổi tiếng của Bác:

Người người thi đua
Ngành ngành thi đua,
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua;
(Mừng xuân 1949)

Cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chấn đông năm châu. Miền Bắc giải phóng, nhân dân nô nức bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương lớn của miền Nam – thành đồng Tổ quốc – đang ngày đêm trực tiếp đối đầu với quân xâm lược Mĩ và bè lũ tay sai.

Bài thơ chúc Tết năm 1956 là lời Bác hô hào, động viên nhân dân cả nước đoàn kết một lòng đánh Mĩ:

Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí bền gan chiến đấu, 
Hòa bình, thống nhất thành công.

Nhân dân Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về lại hân hoan, phấn khởi đón nghe thơ Bác vì đó chính là tâm tình, ý nguyện, là lí tưởng và khát vọng chiến thắng của toàn dân tộc.

Mừng xuân 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác để lại cho đất nước, nhân dân:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào!
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Thơ Bác chính là con người Bác, thật gần gũi, giản dị mà cũng thật sâu sắc, hào hùng. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.

Dân tộc Việt Nam sung sướng và hạnh phúc được chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ kính yêu!

Đức tính giản dị của Bác qua một số bài thơ – Bài làm 3

Từ trước tới nay đã có rất nhiều bài nghiên cứu về hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ ca, bài viết ngắn này chỉ tập trung một khía cạnh nhỏ, đó là sự giản dị của Bác Hồ được thể hiện trong một số bài thơ tiêu biểu ở Việt Nam.

Tố Hữu là một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ, đã khắc họa thành công hình tượng Hồ Chí Minh – nhân vật sử thi đẹp nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Riêng về đức tính giản dị của Bác Hồ được tác giả nêu bật trong nhiều bài thơ, tạo điểm sáng trong tấm gương đạo đức cách mạng của Bác. Trong bài Sáng tháng năm Bác xuất hiện đầy thân mật và giản dị:

Bác kêu con đến bên bàn

Bác ngồi Bác viết, Nhà Sàn đơn sơ.

Một ngôi nhà đơn sơ nơi làm việc của Bác cũng nói lên được nhiều điều về một lãnh tụ. Và sau đó không lâu chúng ta được gặp lại từ đơn sơ này một lần nữa trong thơ Tố Hữu:

Làng Sen quê Bác đây rồi

Hàng phi lao đứng giữa trời reo vui

Sông Lam nước chảy xanh trời

Bên hàng dâm bụt bồi hồi tiếng chim

Ngôi nhà lá dựng trang nghiêm

Đơn sơ phên liếp thân quen thuở nào

Ngát đưa hương bưởi ngọt ngào

Vườn cam phơi ánh nắng đào gió bay.

Hoặc:  

Ba gian nhà trống, nồm đưa võng

Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh.

(Theo chân Bác)

Sự đơn sơ ấy không chỉ là ngôi nhà ở Làng Sen, mà chính ngay giữa Thủ đô Hà Nội, nơi ở của một vị Chủ tịch Nước vẫn là một cốt cách thanh bạch, giản dị:

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.

(Theo chân Bác)

Vừa qua, trong các cuộc thi kể chuyện Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh từ cơ sở đến quận, huyện, tỉnh thành…hầu như ở đâu cũng nhắc lại bốn câu thơ Tố Hữu viết về sự giản dị mà vĩ đại của Cụ Hồ:

Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Ta bên Người, Người toả sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.

(Sáng tháng năm)        

Chế Lan Viên cũng là nhà thơ lớn của nền thơ Việt Nam thế kỷ XX, khối lượng tác phẩm rất đồ sộ và nhiều thể loại. Ông có khoảng 30 bài viết về Bác Hồ rất thành công. Có lẽ mọi thế hệ người Việt khó quên được bài thơ Người đi tìm hình của nước, khó quên được hình ảnh “viên gạch hồng” chống lại cả một mùa băng giá nơi xứ người trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc (đã được Chế Lan Viên tái hiện lại trong bài thơ này). Ở một bài thơ khác của Chế Lan Viên, chúng ta gặp lại từ đơn sơ để diễn tả phẩm chất giản dị của cụ Hồ:

Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép

Manh áo chàm, Bác mặc quá đơn sơ.

Nói về sự giản dị của Người có rất nhiều bài thơ viết về chiếc áo vải, áo ka ki bạc màu, đôi dép lốp cao su… Trong trường ca Mặt đường và khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm viết:

Đôi dép của Người mòn vẹt gót

Người đã đi khắp ngả đường đất nước hành quân.

Cũng là đôi dép của Bác Hồ, nhưng nhà thơ Bằng Việt trong bài Gửi lòng con đến cùng cha lại thể hiện ở một góc độ khác:

Hành trang Bác chẳng có gì

Một đôi dép mỏng đã lì chông gai

Cho con núi rộng sông dài

Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm.

Riêng Hải Như thì tâm tình:

Đôi dép lốp như cùng ta kể rõ

Người quên Người dành hết thảy cho ta

(Chúng cháu canh giấc ngủ, Bác Hồ ơi…)

Trở lại với nhà thơ Chế Lan Viên, bằng sự cảm nhận tinh tế đầy trí tuệ, thi sĩ đã khái quát Hồ Chí Minh giản dị như một chân lý:

Là chân lý Bác chẳng nói nhiều hơn chân lý

Cả nước nghe, khi im lặng Bác cười

Chẳng phải lật sách nào ra tìm hiểu Bác

Bác sống trong ta, Bác ở giữa đời.

(Bác)

Nói về Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã nói rằng Hồ Chủ tịch “càng vĩ đại, càng giản dị”. Đức tính giản dị của Bác ngày hôm nay vẫn là bài học lớn của mỗi cán bộ, đảng viên. Học tập đạo đức của Bác trước tiên nên học tập cách sống giản dị hàng ngày.

Bằng những dẫn chứng trong văn học và trong thực tế đời sống hãy chứng minh rằng “Bác Hồ là người sống vô cùng giản dị, thanh bạch” – Bài làm 4

Bác Hồ vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, không ai lại không yêu mến, quý trọng Người. Dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới ngưỡng mộ và ngợi ca Bác. Thế nhưng bất ngờ thay trong đời sống hàng ngày Bác lại là người vô cùng giản dị và thanh bạch. Sự giản dị và thanh bạch của Bác từ cuộc đời đã đi vào trong thơ ca.

Trước khi đi vào chứng minh ta phải cần tìm hiểu thế nào là giản dị và thế nào là thanh bạch. Giản dị nghĩa là đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống, cách ứng xử cũng như trang phục trong đời sống thường ngày. Còn thanh bạch là sự trong sạch, giữ lối sống, phẩm chất của mình không để cho sự giàu sang cám dỗ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trước hết chúng ta nói về giản dị. Sự giản dị của Bác được thể hiện nhiều mặt trong đời sống, từ lối sống đến cách làm việc và cả trong lời nói hàng ngày.

Lẽ thường các nguyên thủ quốc gia bao giờ cũng ở trong những dinh thự sang trọng, đẹp đẽ còn Bác Hồ của chúng ta chỉ ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ, phòng ngủ của Bác chỉ độ mười mét vuông, một chiếc giường nhỏ và chiếc chiếu cói quá ư đơn giản. Trong Trường ca “Theo chân Bác” nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Nhà gác dơn sơ một góc vườn 
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn 
Giường mây chiếu cói đơn chăn gối 
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.”

Bữa cơm của Bác cũng chỉ vài ba món đơn giản. Bác rất thích ăn rau muống luộc với cà muối, món bình dân của người xứ Nghệ. Thức ăn còn thừa Bác dọn lại để cẩn thận sạch sẽ. Cách sống như vậy chứng tỏ Bác rất quý trọng công sức lao động và luôn cần kiệm trong đời sống.

Trong tác phong sinh hoạt hàng ngày, trong làm việc và cách cư xử quan hệ với mọi người sự giản dị của Bác lại biểu hiện một cách khác. Đi kháng chiến Bác chống gậy trúc leo núi, vắt khăn lên vai lội suối ăn ngô nướng cùng với đồng bào chiến sĩ. Vào thời kì miền Bắc xây dựng cuộc sống mới, Bác ra đồng cầm gàu tát nước với bà con nông dân. Chiến tranh bùng nổ, Bác đội mũ sắt ra thăm trận địa pháo, xuống bếp thăm anh nuôi. Bác quan tâm đến các thương binh, gởi thư động viên thăm hỏi và kêu gọi cả toàn xã hội cùng quan tâm động viên giúp đỡ. Bác quan tâm đến tất cả mọi người một cách ân cần, chu đáo từ các anh em phục vụ đến kiều bào ở nước ngoài lúc nào Bác cũng chân tình, cởi mở, hoà đồng. Có câu chuyện kể lại rằng có một lần đến Pháp, đại biểu kiều bào đến thăm Bác khách đông, phòng khách không đủ ghế ngồi, Bác đã ngồi xuống sàn nhà mời mọi người ngồi thế nói chuyện một cách thân mật. Đó là hình ảnh của vị cha già dân tộc ân cần thân mật hỏi thăm đàn con bao năm lưu lạc ở quê người. Qua cách sông, cách cư xử của Bác thể hiện đời sống tâm hồn của một con người có tư tưởng lớn lao, vĩ đại.

Sự giản dị của Bác còn được thể hiện ở trong lời nói, bài viết hàng ngày. Lời nói của Bác rất rõ ràng không cầu kì hoa mĩ mà rất ấm áp chân tình. Ngày 2/9/1945, giữa không khí thiêng liêng trang trọng trước hàng vạn đồng bào quốc dân, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập – đang đọc giữa chừng Bác dừng lại nhìn về phía mọi người và hỏi: Đồng bào nghe tôi nói rõ không, cả hàng vạn người cùng cất lên tiếng đáp “có… có… có”. Cậu hỏi của Bác đã xoá đi ranh giới ngăn cách giữa một vị chính khách và quần chúng nhân dân kéo tất cả mọi người về sự gần gũi, gắn bó. Những bài viết của Bác thường rất ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, tuỳ đối tượng tiếp nhận mà Bác có cách viết riêng phù hợp. Ví dụ như, để kêu gọi nông dân đoàn kết Bác lấy hình ảnh hòn đá:

Hòn đá to, hòn đá nặng 
Chỉ một người nhấc không đặng 
Hòn đá nặng, hòn đá bền 
Chỉ một người nhấc không lèn 
Phải đồng sức phải đồng lòng 
Việc gì khó củng thành công.

Sự giản dị đó đã làm cho mọi người tiếp thu được chân lí một cách dễ dàng, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Bác Hồ không chỉ giản dị mà còn rất thanh bạch, sự thanh bạch của Bác được thế hiện trong cách sống của Bác. Bác là một vị lãnh tụ đứng đầu quốc gia nhưng Bác chối từ tất cả vinh hoa phú quý, không ở dinh thự mà ở nhà sàn, không đóng những bộ com lê đắt tiền mà chỉ những bộ đồ ka ki đơn giản, đôi dép cao su bình dị. Suốt đời Bác vì dân, vì nước không tư lợi một tí gì cho bản thân. Chiếc giường của Bác chỉ chiếc chiếu cói như muôn triệu người Việt Nam khác không hề có trướng gấm màn nhung sang trọng.

Nhà thơ Tô" Hữu đã thay mặt dân tộc ngợi ca Bác:

Bác để tình thương cho chúng con 
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son 
Mong manh áo vải hồn muôn trượng 
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
(Bác ơi – Tố Hữu)

Ngay cả khi từ giã cuộc đời, “ra đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lê nin” Bác vẫn thể hiện sự thanh bạch cao quý của mình. Tháng 9/1969, Bộ Chính trị thật đau lòng nhưng vẫn phải đưa vấn đề hậu sự để hỏi xin ý kiến của Bác. Ý muốn của Bộ Chính trị là Bác mất thi hài phải được đặt một nơi long trọng an toàn. Bác không đồng ý mà bảo thiêu xác lấy tro vừa giữ được vệ sinh vừa đỡ tốn kém. Nhưng sau đó ý kiến tập thể giữ lại thi hài của Bác để ngày thống nhất đồng bào miền Nam ra thăm còn được thấy Bác. Đó là nguyện vọng của nhân dân cả nước, là lợi của nhân dân, Bác đành im lặng chấp nhận.

Lối sống giản dị, thanh bạch của Bác càng thể hiện tâm hồn cao cả của Bác, sự trong sạch suốt đời vì dân vì nước của Bác và chính vì vậy Bác luôn ở trong trái tim của mỗi chúng ta. Là con cháu của Bác, em thấy mình phải noi gương Bác cố gắng giản dị trong cách sống, cách sinh hoạt, không chạy theo lối sống đua đòi, phải luôn gần gũi, hoà đồng với mọi người và bạn bè.

Bác ơi tim Bác mênh mông thế 
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
(Bác ơi — Tố Hữu)

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

0