Tìm hiểu số phận của 4 vĩ nhân "bỏ quên" trái tim
Không may mắn như những người khác, họ đã phải từ giã cõi đời mà không có trái tim bên mình... Số phận của những vĩ nhân "bỏ quên" trái tim Cái chết là điều tất yếu không thể tránh khỏi trong cuộc sống và con người chúng ta, ai cũng hiểu được điều đó. Trước điều trớ trêu ấy của cuộc đời, ...
Không may mắn như những người khác, họ đã phải từ giã cõi đời mà không có trái tim bên mình...
Số phận của những vĩ nhân "bỏ quên" trái tim
Cái chết là điều tất yếu không thể tránh khỏi trong cuộc sống và con người chúng ta, ai cũng hiểu được điều đó. Trước điều trớ trêu ấy của cuộc đời, ai cũng chỉ mong mình được toàn vẹn khi nhắm mắt xuôi tay.
Nhưng không phải ai cũng được thỏa nguyện mong ước ấy. Trong lịch sử, có rất nhiều người đã không thể ra đi một cách yên bình. Họ nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay trong khi trái tim vẫn còn lưu lạc...
1. Robert the Bruce và trái tim lạc lối nơi sa trường
Robert the Bruce, sinh ra vào mùa hè năm 1274, mang trong mình ba dòng máu Scotland, Gaelic và quý tộc Anh. Với tài năng của mình, mới 24 tuổi ông đã trở thành một trong ba người bảo hộ xứ Scotland. Năm 1304, cha ông đột ngột qua đời và Robert trở thành người kế thừa ngai vàng mà cha mình để lại, tức vua xứ Scotland.
Vua của Vương quốc Anh lúc bấy giờ là Edward I cho rằng Bruce là kẻ cướp ngôi dơ bẩn. Viện cớ đó, Edward I tấn công Scotland nhằm sát nhập vùng đất này vào Vương quốc Anh. Thua trận ở Methven, Robert phải chạy trốn tới Ireland trong khi vợ con, em gái ông đã bị Edward I bắt giữ và bêu đầu.
Vô cùng tức giận, Robert tuyên chiến với kẻ tử thù. Sau nhiều năm chiến đấu kiên cường, phần thắng cuối cùng cũng thuộc về ông. Edward II (con của Edward I) với tài năng hạn chế đã không thể chiến thắng được Robert, thậm chí còn bị chính vợ mình là Hoàng hậu Isabella phế truất. Nước Anh chủ hòa và Robert trở lại với ngôi vua xứ Scotland.
Robert the Bruce chỉ đạo quân đội trên chiến trường
Robert the Bruce sống những ngày tháng yên bình cho tới cuối cùng năm 1329. Trước khi qua đời, Robert vẫn luôn muốn thảo phạt những kẻ vô đạo đức nhưng sức khỏe của ông đã không còn như xưa. Biết mình sẽ không thể trực tiếp chỉ huy cuộc Thánh chiến, ông đã ban lệnh cho một kỵ sĩ thân tín phải đem trái tim của mình trong một chiếc hộp ra chiến trường và chôn nó tại Jerusalem.
Nơi chôn cất trái tim của người anh hùng xứ Scotland
Nhưng thật không may, Sir James Douglas - người có nhiệm vụ đưa trái tim tới vùng đất thánh, đã bị hạ sát trong trận chiến với người Ma-rốc. Những người còn sống sót đành phải mang trái tim vua Robert về chôn cất tại tu viện Melrose, Scotland, khiến ước mơ của Robert the Bruce mãi mãi còn dang dở.
2. Percy Shelley và trái tim không bao giờ cháy
Percy Shelley (1792 - 1822) là một trong những nhà thơ lãng mạn lớn của Vương quốc Anh thế kỷ XVIII. Người ta biết tới ông với tư tưởng cấp tiến đi trước thời đại. Đó cũng là lý do Percy chỉ thực sự nổi danh sau khi qua đời.
Cuộc đời của Percy Shelley không may mắn như những nhà thơ khác. Năm 1822, ông qua đời vì chết đuối khi thuyền đi ngang qua Địa Trung Hải, khi chỉ còn cách một tháng là tới sinh nhật thứ 30.
Họ quyết định hỏa táng cơ thể của ông trên bãi biển. Nhưng thật kỳ lạ, trái tim của ông lại không hề bị ngọn lửa thiêu cháy. Người bạn chí cốt của ông, nhà thám hiểm Edward Trelawny, đã lấy nó ra khỏi ngọn lửa.
Tất cả mọi người khi đó đều vô cùng hoảng hốt và có phần kinh sợ. Sau một hồi tranh cãi mà không thể tìm ra nguyên nhân, những người bạn của Percy quyết định trao trái tim này cho vợ của ông là Mary.
Trái tim của ông được Mary cất giữ cho tới khi bà qua đời. Con cháu bà tìm thấy nó trong một túi lụa dưới ngăn bàn và đem nó chôn chung với con trai nhà thơ là Florence Shelley tại hầm mộ gia đình ở Bournemouth, Vương Quốc Anh, 67 năm sau khi ông qua đời.
Còn về phần trái tim bất tử của Percy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, bộ phận này của ông bị mắc chứng canxi hóa nặng, dẫn tới việc ngọn lửa không thể đốt cháy được nó trên bãi biển năm nào.
3. Frédéric François Chopin và hành trình trái tim hồi hương của nghệ sĩ
Nhà soạn nhạc lãng mạn Frédéric Chopin sinh ra vào tháng Ba năm 1810, ở Warszawa, Ba Lan. Là thần đồng âm nhạc, Chopin đã tự sáng tác ra những bản nhạc piano từ khi mới 7 tuổi.Ông cũng được mệnh danh là Mozart thứ hai với tài năng âm nhạc của mình.
Năm 1830, Chopin tới Paris và bắt đầu sự nghiệp nhạc công của mình. Tại đây ông gặp George Sand, người phụ nữ đã "hủy hoại" cuộc đời ông suốt 9 năm trời.
Chân dung Frédéric Chopin
Vì mối tình trắc trở với Sand, Chopin đã bỏ lỡ ít nhất là 30 bản kiệt tác piano. Sand thường xuyên tổ chức tiệc tùng ở nhà, khiến nghệ sĩ người Ba Lan không thể có không gian yên tĩnh. Quá đau buồn vì không thể tập trung sáng tác, Chopin mắc bệnh hen suyễn.
Chopin và nữ nhà văn Pháp George Sand
Sau đó, Chopin chia tay George Sand. Ông chuyển tới Anh tháng 11/1848 và mắc bệnh nặng. Ông muốn quay trở về nhà mình tại Pháp, nhưng đã quá trễ, Chopin trút hơi thở cuối cùng khi vừa tới Paris vào năm 1849. Dường như biết trước số phận của bản thân, Chopin đã yêu cầu một người bạn chuẩn bị đoạn nhạc Chiêu hồn của Mozart cho tang lễ của mình.
Trái tim Chopin ngừng đập chính thức vào ngày 17 tháng 10 năm 1849 khi ông 39 tuổi. Sau khi qua đời, cơ thể ông được chôn cất tại thành phố Pere Lachaise. Theo ý nguyện của Chopin, nhạc sĩ muốn hỏa táng trái tim mình rồi dùng tro tàn gắn vào cây thánh giá tại Nhà thờ lớn của Warszawa. Nhưng những người thân muốn trái tim ông được giữ lại.
Chị gái Chopin và những người yêu nước đã bí mật đưa trái tim và nắm đất ông mang theo từ thời trai trẻ trở về Warszawa vì muốn tránh cho chúng lọt vào tay Đức quốc xã. Sau đó, họ chôn cất trong hũ pha lê và giấu trái tim Chopin trong cột trụ của nhà thờ Holy Cross. Cho tới ngày nay, các nhà khoa học vẫn liên tục kiểm tra và bảo quản trái tim nhạc sĩ thiên tài, mong rằng một ngày sẽ tìm ra nguyên nhân cái chết đáng tiếc của người nghệ sĩ trẻ.
Nơi an nghỉ của trái tim người nghệ sĩ thiên tài xứ Ba Lan
4. Thomas Hardy và số phận trái tim nghiệt ngã
Hardy sinh ra vào năm 1840 tại làng Bockhampton, Stinsford, Vương quốc Anh. Ông dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho văn học và thơ ca nước Anh và được rất nhiều nhà thơ, nhà văn trẻ ngưỡng mộ.
Chân dung nhà văn Thomas Hardy
Thế nhưng cuộc đời của Hardy gặp phải rất nhiều chuyện đau khổ. Emma Gifford - người vợ đầu gối tay ấp của Hardy ngày càng trở nên lạnh nhạt với ông. Khi bà qua đời năm 1912, nhà văn nổi tiếng tổn thương và suy sụp hoàn toàn.
Ông chìm đắm văn học, tập trung vào việc viết lách để quên đi người vợ thân yêu. Nhưng nỗi đau ngày càng gia tăng khiến Hardy mắc chứng sưng phổi vào mùa đông năm 1927.
Một năm sau, nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia nổi tiếng qua đời với di nguyện mong được chôn cất tại quê nhà Stinsford. Thế nhưng, bạn bè cho rằng ông phái được chôn ở tu viện Westminster, nơi phù hợp cho một người có nhiều cống hiến như Hardy. Và khi người dân Stinsford biết được thân thể Hardy sẽ được đưa về Wesminster, họ đã phản đối kịch liệt. Một cuộc tranh chấp không đáng có về nơi chôn cất nhà văn nổi tiếng đã xảy ra. Tất cả đều muốn người con ưu tú của nước Anh được yên nghỉ tại điểm phù hợp nhất.
Nghi lễ đưa trái tim của Hardy đi chôn cất
Cuối cùng hai bên đi tới quyết định rằng thân thể của ông sẽ được để lại ở Westminster, còn trái tim sẽ được đưa về Stinsford. Vậy mà trớ trêu thay, xui xẻo không hề buông tha cố nhà văn xấu số. Trái tim của Hardy đã bị một con mèo đã cướp đi khi các bác sĩ phẫu thuật không để ý. Và để bù đắp lại sai lầm này, người ta đã xử tử con mèo rồi chôn nó cùng với phần nội tạng còn lại của Hardy tại Stinsford.
Ngôi mộ của Thomas Hardy tại quê nhà Stinsford