02/06/2017, 23:43
Thuyết minh về sông Thu Bồn
Sông Thu Bồn với diện tích lưu vực rộng 10.350km², là một trong những lưu vực sông nội địa lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Dak Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông ...
Sông Thu Bồn với diện tích lưu vực rộng 10.350km², là một trong những lưu vực sông nội địa lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Dak Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng.
Trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang để đổ ra vịnh An Hòa, Tam Quang, huyện Núi Thành. Sông Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở mạn Tây Quảng Nam rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu.
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm băng qua các ghềnh thác, khi thênh thang băng qua những đồng ruộng phì nhiêu, làng mạc trù phú, khi ghé qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông biểu hiện một dáng dấp riêng. Nhưng bất cứ ở đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông hài hòa sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với sự phong phú của cải được bàn tay và khối óc của người đất Quảng gây dựng.
Từ Trà Mi, dòng sông đổ về Tiên Phước, phía dưới có thác Cả, nước đổ trắng xóa như một dải thắt lưng lụa bạch trên nền áo xanh của rừng núi. Nơi đây không gian tĩnh mịch, chỉ đôi khi mới có một đàn voi xuất hiện lội qua sông, làm náo động dòng nước ào ào. Qua khỏi Trà Linh, sông lượn mình giữa hai ngọn núi cao sừng sững như bức tường gọi là hòn Kẽm. Chân núi hòn Kẽm có nhiều phiến đá trắng, trên đó còn lưu giữ những chữ cổ Chiêm Thành. Đến Giao Thủy, sông Thu Bồn đón nhận nhánh sông Vu Gia từ Hà Tân đổ về để cùng chảy về phía Nam, rồi chia làm hai nhánh bao bọc lấy vùng Gò Nổi. Từ đó hai dòng chảy qua Chợ Củi, Câu Lâu và cuối cùng hòa nhập để ra Cửa đại.
Thu Bồn vào buổi sáng, giữa lấp lóa sóng nước bởi ánh mặt trời phản chiếu là bảng lảng khói sương, trưa, sông xanh biếc, lặng yên, nhẫn nại phơi mình trong nắng. Chiều xuống, sau trò bỡn cợt giữa sóng và những tia nắng tinh nghịch là khói bếp, khói từ những xóm chài, từ những con thuyền đang lừ đừ trôi sau một ngày xuôi ngược phút chốc làm cho khung cảnh trở nên u linh, tịch mịch. Bất giác, thấy mình như chiếc lá, mỏng manh, bé bỏng giữa thăm thẳm chiều sông nước.
Dòng Thu Bồn là một trong những dòng sông đã đi vào thơ ca như bóng dáng một kiều nữ thoáng hiện trong làng sương sớm. Vào những ngày đẹp trời, dùng thuyền nhỏ đi trên sông Thu Bồn để thưởng thưc những cảnh đẹp và thăm các làng nghề truyền thống thì thật là thú vị. Có rất nhiều người đã ví tên của dòng sông Thu Bồn nghe chăng khác nào cái tên của một người con gái mang nét đẹp chất phác, dịu hiền của đất Quảng Nam - Đà Nẵng.