02/06/2017, 23:43
Thuyết minh về món ăn bê thui Cầu Mống
Cuối năm, trời se se. Muốn nhắn với bạn phương xa về ăn miếng bê thui Cầu Mống, chấm vị mắm cái thơm lừng, nhấp chút rượu gạo để không phải quay quắt nhớ mùi tết quê hương... Gần là phố bạn Đà Nẵng cũng có quán mang danh bê thui Cầu Mống, tít tắp Sài Gòn, Hà Nội, cũng lấy Cầu Mống đặt tên cho ...
Cuối năm, trời se se. Muốn nhắn với bạn phương xa về ăn miếng bê thui Cầu Mống, chấm vị mắm cái thơm lừng, nhấp chút rượu gạo để không phải quay quắt nhớ mùi tết quê hương...
Gần là phố bạn Đà Nẵng cũng có quán mang danh bê thui Cầu Mống, tít tắp Sài Gòn, Hà Nội, cũng lấy Cầu Mống đặt tên cho quán bê thui. Nhưng để tìm đúng cái vị bò tái ngòn ngọt, dai dai, bùi bùi, thịt màu hồng đào bắt mắt, da giòn rùm rụm, hay chén mắm cái thơm lừng, cay nồng của ớt, âm ấm của gừng thì phải tìm đến Cầu Mống thứ thiệt ở Điện Phương (Điện Bàn), nơi ngôi làng gắn với cây cầu được đặt tên cho một món ngon... nhớ đời.
Nhắn bạn phương xa, rằng để có được món bê thui nổi tiếng trên suốt chặng đường thiên lý Bắc Nam, người dân nơi này phải vất vả, gắng gỏi từng ngày mới giữ được hương vị. Một món ăn ngon phải được chế biến từ những nguyên liệu ngon, sạch. Bê dùng để thui là loại bê chừng 25 - 30kg, phải biết cách giữ lửa thế nào cho vừa đủ để cả con bê chín đều. Thịt bê ngon phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói. Mắm chấm thịt phải từ loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất, rau sống phải là rau Trà Quế. Trải miếng bánh tráng mỏng từ các lò tráng bánh ở Điện Minh, Vĩnh Điện, hay bánh tráng Đại Lộc, nhón vài lát thịt bê cuốn với rau, chấm mắm cái ớt tỏi, cắn thêm miếng ớt xanh, nghe vị ngọt, mặn, cay nồng… thấm tận ruột non. Chẳng thế mà cánh lái xe đường dài cứ tới Cầu Mống là muốn dừng lại, đưa du khách thưởng thức món này rồi mới tiếp tục lên đường. Nhờ đó, bê thui Cầu Mống thêm nổi tiếng khắp Bắc - Nam. Dừng, đón trả khách, cánh lái xe lại hỏi: “Ai xuống bê thui Cầu Mống?”, nghe thân thương đến lạ!
Món bê thui Cầu Mống đến nay vẫn chưa tìm được xuất xứ, nhưng truyền nhân thì đã có vài đời. Quán Mười đã qua 3 đời bán món này. Bảy Lép cũng chẳng kém cạnh khi giờ những đứa em và con ông đang thay nhau quản lý. Ngay những lò thui bê cũng đã qua 2 - 3 đời, cha truyền con nối. Anh Dưỡng tiếp quản lò thui bê của cha, còn anh Ngô Trường Sơn lại nhận lò từ những người họ hàng của mình. Ở thôn Triêm Trung (Điện Phương) giờ đây có nhiều lò thui bê mọc lên, đúng như quy cách làm ăn hiện đại, hệ thống từ nguyên liệu đến thành phẩm đều được thực hiện tại địa phương, góp phần giải tỏa nỗi lo về an toàn thực phẩm.
Hằng năm, những quán bê thui Cầu Mống đóng góp vào ngân sách địa phương kha khá. Nhớ hồi lễ hội 400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm diễn ra vào năm 2007, những quán bê thui đã “chịu khó” đầu tư để quảng bá danh tiếng của mình khi thết đãi hơn 100 suất cho buổi lễ. Dù vậy, bê thui Cầu Mống mới chỉ là một món ăn đặc trưng khi nhắc đến đất Quảng, còn cả một quãng đường dài để món ăn này xác lập được “thương hiệu” được bảo hộ trên thương trường rộng lớn.