Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng – Văn hay lớp 9
Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng – Văn hay lớp 9 Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng – Bài số 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Tiền Giang U Minh là một vùng đất sình lầy, chẳng chịt kênh rạch, rừng xanh điệp trùng bao la, trải dài trải rộng trên một diện tích ...
Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng – Văn hay lớp 9
Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng – Bài số 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Tiền Giang
U Minh là một vùng đất sình lầy, chẳng chịt kênh rạch, rừng xanh điệp trùng bao la, trải dài trải rộng trên một diện tích gần 2000km2.
Rừng U Minh tựa lưng vào miền Tây Nam Bộ, mặt hướng ra Vịnh Thái Lan, trải dài từ sông Ông Đốc phía Nam (tỉnh Cà Mau) cho đến sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) phía bắc. Sông Trèm Trẹm và sông Cái Tàu chia U Minh thành hai phần xấp xỉ nhau, đó là U Minh Thượng ở phía Bắc và U Minh Hạ ở phía Nam.
Thiên nhiên ở U Minh vô cùng hoang sơ và hùng vĩ. Trước năm 1945, hai tiếng U Minh gợi lên cái gì xa xăm và thăm thẳm, heo hút và mênh mông. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn "Văn minh miệt Vườn" đã viết: "U Minh có nghĩa là tối và mờ, u u minh minh, có lẽ ở đây cây cỏ quá dày và rậm rạp, nước ngập lênh láng, đất lại thấp nên thuở xưa còn gọi là Láng Biển, Láng U Minh."
Có thể đến U Minh bằng đường thủy hoặc đường bộ, những đường thủy thuận tiện hơn. Đi xuồng máy tới Cà Mau, theo sông Cái Tàu và sông Trèm Trẹm mà đi lên. Hoặc dùng tàu, thuyền từ Rạch Giá men theo bờ biển mà đi xuống.
Rừng ngập mặn ở Cà Mau là rừng đước. Còn rừng ở U Minh là rừng tràm. Cây tràm cao từ 10-20m, từ xa nhìn chỉ thấy một màu xanh vô tận của rừng tràm nối tiếp với màu xanh bao la của da trời. Cây tràm là thứ gỗ quý của rừng U Minh. Ngoài ra còn có cây móp và dây choai. Dây choai dẻo và bền không kém gì song mây, để bện đăng hoặc làm nguyên liệu cho hàng thủ công mĩ nghệ. Rễ móp rất nhẹ, dai, xốp, để làm phao lưới cá, làm nút chai.
Mùa hè đến, rừng chàm nở hoa trắng xóa, dâng hương ngào ngạt. Hàng ngàn, hàng vạn…đàn ong kéo về hút nhụy hoa, mật hoa. Những người "ăn ong" kéo nhau vào rừng tràm "Gác kèo" cho ong làm tổ. Mỗi tổ ong có thể cho vài lít mật, mỗi người " gác kèo" có thể lấy được hàng trăm lít mật ong sau mỗi mùa hoa. Mật ong rừng tràm U Minh có màu vàng óng, trong veo, để lâu không biến màu, biến chất, có hương vị ngát thơm ngọt ngào đặc biệt. Rừng tràm U Minh mỗi năm có thể cung cấp khoảng 50 – 60 tấn mật ong. Hoa tràm chứa 2% tinh dầu. Tinh dầu màu vàng xanh trong suốt là một dược liệu quý hiếm.
Rừng U Minh là xứ sở của muỗi mòng và thú dữ. Heo ường, khỉ già, rắn, kì đà, trăn, cá sấu, cọp. Ca dao còn truyền lại:
"U Minh, Rạch Giá, thị quán sơn trường,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua."
Kênh rạch U Minh nhiều tôm cá. Rừng U Minh là một sân chim khổng lồ với hàng trăm loại chim. Tiếng chim xào xạc trong vòm cây lá. Chiều chiều, từng đàn chim bay về ríu ra ríu rít làm xôn xao cả khu rừng. Trong màn đêm vẫn có một số loài chim gọi nhau đi ăn đêm. Tiếng chim gọi đàn, tiếng lá reo, tiếng sóng vỗ trên sông cái Tàu, sông Trèm Trẹm, trên vịnh Thái Lan… lao xao, rì rầm suốt đêm ngày tạo nên khúc nhạc rừng U Minh đã mấy ngàn năm qua.
Đến thăm thú sân chim U Minh, du khách ngạc nhiên và vô cùng thú vị khi nhìn thấy những con ngỗng trời có đôi cách đồ sộ hàng sải tay, nặng bảy tám kí, đậu oằn cả những cành cây lớn, những con giang sen cao lêu nghêu, chàng bè cổ quái, mỏ to bằng cổ tay người lớn. Nhiều loài cò, điên điển, cồng cộc, le lé, ó biển…quy tụ về đây thành đàn, đẻ trứng, sinh con, sinh cháu, làm cho họ hàng nhà chim ngày một đông đúc, đàn đàn lũ lũ không kể xiết.
Những vỉa than bùn dày 2 – 5 m là kho vàng đen có trữ lượng hàng tỉ tấn mà rừng U inh đã và đang làm giàu cho quê hương xứ sở. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, U Minh được đầu tư và khai phá. Giao thông thủy bộ được mở mang. Nhiều thị tứ, làng mạc nối tiếp nhau mọc lên theo bờ kênh rạch, sông ngòi. Cảnh quan ngày một thay đổi to lớn.
Rừng U Minh là một vùng đất giàu có với bao tiềm năng kì diệu. U Minh hứa hẹn. U Minh đang vẫy tay đón chờ những bàn tay, khối óc và lòng dũng cảm của tuối trẻ chúng ta.
Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng – Bài số 2
Dãy núi cao hơn 1.300 mét, nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang như một bình phong đứng trấn giữ từ phía bắc cho Hà Nội, và chỉ cách Thủ đô khoảng 50km đường chim bay. Ba đỉnh núi nhô lên cao víu trông giống như 3 hòn đảo bồng bềnh trên biển mây nên được gọi là Tam Đảo.
Trong lòng thung lũng, dưới tán cây thông xanh là những khách sạn, khu nghỉ nhỏ xinh nằm rải rác thành vòng tròn, thoắt ẩn thoắt hiện giữa làn mây lúc họp, lúc tan. Thác Bạc cao hơn trên 50 mét từ trên đỉnh núi tuôn xuống thành ba bậc trắng xoá, ầm ầm vang động suốt đêm ngày, làm cho Tam Đáo thêm phần tráng lệ.
Năm 1904, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương mới phát hiện ra Tam Đảo. Sau đó, nhiều năm bọn thực dân lần lượt xây dựng Tam Đảo thành nơi nghỉ mát của chúng, gồm 163 toà biệt thự tráng lệ. Đầu năm 1947, ta phải thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” để đánh giặc, nên toàn bộ khu nghỉ mát Tam Đao đã bị phá huỷ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Chính phủ đã xây dựng một số công trình, chủ yếu để hội họp giữa thời kì bom đạn, khói lửa.
Cuối thế kỷ XX, ta mới bắt đầu xây dựng và phát triển Tam Đảo thành nơi nghỉ mát và du lịch. Tính đến đầu năm 2008 đã có 43 khách sạn với 1542 phòng; trong đó có 4 khách sạn 2 sao mang tên Hạ Long, Sao Mai, Mi-ni và Thế Giới Xanh. Tam Đảo còn phải vươn lên phát triển nhiều hơn nữa mới mang tầm vóc của một khu du lịch hiện đại, hoành tráng thu hút được nhiều khách du lịch gần xa.
Mùa hè nóng bức, ngột ngạt, đến với Tam Đảo để hưởng thụ không khí mát lành, để đi dạo trong rừng, để tắm suối, để khám phá cây cỏ, hoa lan, địa lan, muông thú lạ nơi Vườn quốc gia Tam Đảo.
Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng – Bài số 3
Nói đến rừng Sác là người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ. Sác là tên chung của các loại cây rừng ngập mặn như đước, vẹt, dưng, dà…. Giữa mênh mông rừng sác, tiếng bìm bịp rúc con nước lớn, con nước ròng, tiếng chim cúc cu gọi bạn tình, tiếng lá reo hòa cùng tiếng sóng vỗ, bao la mênh mông một màu xanh.
Về mặt Địa Lý, Cần Giờ là một phần đồng bồi Đồng Nai, có tên là Rừng Sác Gia Định, từng rộng đến 170.000ha, chiếm một phần ba diện tích rừng ngập mặn của cả nước.
Cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, thuyền chiến của quân Nguyễn Ánh như lá tre đậu kín các luồng lạch và mặt cửa sông Cần Giờ. Thuở ấy, rắn rết nhiều vô kể, cá sấu nối đuôi nha bơi lượn hàng đàn, chim trời hàng vạn con, chiều chiều đậu trắng xóa ngọn cây xanh, tiếng kêu vang động một vùng sông nước.
Trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, rừng Sác- Cần Giờ là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công anh hùng. Các chú, các cô đã dũng sĩ treo mình trong tán cây rừng, đã vùi mình trong bùn lầy, đã bơi lội trong dòng nước, ôm bom, vác súng, xuất quỷ nhập thần, đà hàng chục lần đốt cháy kho xăng Nhà Bè, đánh phá quân cảng Cát Lái, hàng trăm lần phục kích bắn cháy, bắn đắm tàu giặc trên bảy con sông chảy qua Cần Giờ. Các chúc, các cô đã đem chí khí, lòng quả cảm và xương máu của tuổi hai mươi để viết nên những trang sử, những chiến công hiển hách. Có bao chiến sĩ đã ngã xuống trong mưa bom bão đạn của Mỹ- Ngụy. Có nhiều cô gái đã bị cá sấu nuốt chửng trong những đêm phục kích giặc, đi tải đạn.
Đến thăm rừng Sác- Cần Giờ hôm nay, du khách nghiêng mình, cúi đầu thành kính thắp nén hương trên mộ các liệt sĩ anh hùng của Đoàn 10 đặc công,và nhẩm đọc những dòng này khắc trên Bia tưởng niệm:
"860 anh hùng liệt sĩ Rừng Sác đã ra đi,
Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó
Khói lửa ngút trời sử sách ghi"...
Giặc Mỹ xâm lược đã trút xuống rừng Sác- Cần Giờ một triệu gallons hợp chất độc hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Sau năm 1975, cả một vùng rộng lớn rừng ngập mặn ở đây chỉ còn trơ lại đất hoàng hóa. Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đổ biết bao công sức, mồ hôi và tiền của, suốt hơn 30 năm trời, kể từ năm 1979, mới phục hồi được hệ sinh thái rừng ngập mặn, để ngày nay có 31 ngàn ha rừng với 175 loài thực vật, cùng với bảy con sông lớn vầ chằng chịt hàng trăm con rạch nuôi nấng, bảo tồn 700 loài khu hệ thủy sinh không xương sống ; 130 loài khu hệ cá; chín loài lưỡng thể, ba mươi mốt loài bò sát; bốn loài có vú của hệ sinh động vật có xương sống, trong đó có những loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ. Huyện Cần Giờ chiếm 1/3 diện tích Thành phố Hồ Chí Minh đã được phủ màu xanh. Phục hồi rừng ngập mặn là chiến công vô cùng to lớn của nhân dân ta trong hòa bình tái thiết đất nước.
Đến thăm khu nghĩa trang rừng Sác- Cần Giờ ngày nay (2009), ta được hạnh ngộ một nhân chứng lịch sử và kháng chiến, một anh hùng của Đoàn 10 đặc công ngày xưa. Đó là ông Nguyễn Văn Tám, đã vào rừng đánh giặc từ năm 1958, lúc còn là một thiếu niên. Ông đã trải qua hàng trăm, hàng nghìn trận đánh ác liệt. Bao máu và nước mắt của ông đã đổ xuống. Ông đã nhiều lần ôm đồng đội tử thương bơi qua sông. Ông đã bao phen cùng đồng đội vào sinh ra tử đốt cháy kho xăng Nhà Bè, bắn cháy tàu chiến giặc trên sông Cần Giờ. Ông từng là Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ bốn khóa liên tục, là người chỉ huy trồng lại 3.000 ha rừng đước đầu tiên. Và mấy năm nay, ông trở lại đời thường là hướng dẫn viên du lịch của Khu Di tích căn cứ Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Ngày nắng hay ngày mưa, du khách vẫn nhìn thấy ông Tám, người nhỏ, da ánh màu phèn mặn, bộ quân phục bạc màu, đi thắp từng nén hương lê từng tấm mồ người liệt sĩ, bởi ông "không dứt được rừng", "không xa rời được đồng đội đã hi sinh."
Nghiêng mình trước hương hồn các chiến sĩ anh hùng rừng Sác- Cần Giờ.Cúi đầu cảm phục ông Nguyễn Văn Tám, người anh hùng đoàn 10 đặc công rừng Sác. Nghe sóng vỗ trầm hùng, nghe gió thổi rừng cước reo, nghe cá quẫy và tiếng lao xao của đàn chim trời, ta mới thấm thía màu xanh của rừng Sác là màu xanh của tình nghĩa thủy chung, là màu xannh của niềm tin và hi vọng, màu xanh bất diệt, bền vững của giang sơn xứ sở muôn quý nghìn yêu.
Hồng Loan tổng hợp
Bài viết liên quan
- viết một lá thư gửi thầy cô giáo cũ – Văn hay lớp 5
- Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Văn hay lớp 9
- Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Hà Tiên – Văn hay lớp 8
- Thuyết minh về Dân ca quan họ Bắc Ninh – Văn hay lớp 12
- Phát biểu cảm nghĩ về bài Sông nước Cà Mau – Văn hay lớp 6
- Thuyết minh về cây tre – Văn hay lớp 8
- Thuyết minh về cây tre – Văn hay lớp 8
- Tả cánh đồng làng vào mùa xuân – Văn hay lớp 2