Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Văn hay lớp 9
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Văn hay lớp 9 Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài số 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Phan Thiết còn rất nổi tiếng với những tháp Chàm cổ kính, kì vĩ, độc đáo. Cách thành phố Phan Thiết gần 7 km về phía Đông Bắc ...
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Văn hay lớp 9
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài số 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Phan Thiết còn rất nổi tiếng với những tháp Chàm cổ kính, kì vĩ, độc đáo. Cách thành phố Phan Thiết gần 7 km về phía Đông Bắc là nhóm tháp Chàm Pôshanư có niên đại trên 1200 năm của dân tộc Chăm, nằm trên đỉnh đồi Ngọc Lâm.
Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận, miền cực nam Trung Bộ nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Phan Thiết nổi tiếng với những ngôi chùa cổ rất quy mô và cổ kính như chùa Liên Trì, chùa Bà Đức Sanh, chùa Phật Quang,… Chùa Phật Quang còn gọi là Chùa Cát được xây dựng vào nửa đầu thế ki 18. Chiếc chuông đồng rất lớn được đúc năm 1750, bộ kinh Pháp Hoa với 118 bản khắc gỗ hoàn thành năm 1734. Chùa Ông uy nghi tráng lệ được xây dựng năm 1770 với hàng dãy cột chạm khắc tinh xảo treo hàng trăm câu đối sơn son thếp vàng cực kì lộng lẫy.
Phan Thiết còn rất nổi tiếng với những tháp Chàm cổ kính, kì vĩ, độc đáo. Cách thành phố Phan Thiết gần 7 km về phía Đông Bắc là nhóm tháp Chàm Pôshanư có niên đại trên 1200 năm của dân tộc Chăm, nằm trên đỉnh đồi Ngọc Lâm. Nhóm tháp này được tạo tác từ cuối thế kỉ thứ 8, là nơi thờ Pôshanư vị nữ vương Chiêm Thành. Cách đây trên 300 năm nhiều tháp Chàm đã bị vùi lấp, tới đây chỉ còn lại một tháp chính lớn nhất, một tháp nhỏ ở sát chùa, và một tháp nhỏ ở gần tháp chính.
Trong tháp chính có bệ thờ Linga-Yoni, biểu tượng của thần Shiva bằng đá xanh đen còn nguyên vẹn với những thớt đá đồ sộ được chạm khắc các biểu tượng thể hiện sự sinh tồn của dân tộc Chăm. Cuối thế kỉ 19, trong tháp nhỡ vẫn còn thờ con bồ Khỉ đá rất lớn nhưng sau đó thì không thấy nữa (?). Có lẽ đó là thần Nadin như ta vẫn thấy thờ trong các tháp Chàm ờ Phan Rang.
Ba, bốn thế kỉ trước, quanh tháp Pôshanư là các làng mạc trù phú của người Chăm. Do chiến tranh, do biến động của thiên nhiên và lịch sử nên phần nhiều đã di dời đi lập nghiệp ở những nơi khác. Nhưng hàng năm. người Chăm từ mọi nơi vẫn trở vể tháp Pôshanư để thực hiện các nghi lễ tôn giáo truyền thống linh thiêng.
Tháp Chăm Pôshanư được xếp hạng di tích quốc gia với chế độ trùng tu, bảo vệ đặc biệt. Nó là di sản văn hóa vô giá của đất nước ta. Du khách gần xa đến với Phan Thiết không thể không đến chiêm ngưỡng những tháp Chàm, dấu tích một nền văn minh từ nghìn xưa đang trầm mặc cùng tuế nguyệt.
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài số 2
Trong số hàng nghìn di tích lịch sử của Hà Nội, hơn 500 di tích đã được xếp hạng, thì Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một di tích gắn liền với sự thành lập của kinh đô Thăng Long dưới triều Lý, đã có lịch sử gần nghìn năm, với quy mô khang trang bề thế nhất, tiêu biểu nhất cho Hà Nội và cũng là nơi được coi là biểu tượng cho văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Theo Đại Việt sử kí, vào mùa thu năm Canh Tuất – 1070, Vua Lý Thánh Tông đã cho khởi công xây dựng Văn Miếu để thờ các bậc tiên thánh tiên hiền, các bậc nho gia có công với nước, trong đó có thờ Khổng Tử – người sáng lập ra nền nho giáo phương Đông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.
Sáu năm sau – năm 1076, Vua Lý Nhân Tông quyết định khởi xây Quốc Tử Giám – một trường Nho học cao cấp nhât hồi bây giờ nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự lựa chọn đầu tiên của triều đình phong kiến Việt Nam về vấn đề giáo dục, đào tạo con người Việt Nam theo mô hình Nho học châu Á. Hiện trong di tích còn có 82 tấm bia đá, trên đó được khắc tên của 1306 vị đã từng đỗ tiến sĩ trong 82 kì thi từ giữa năm 1484 và 1780. Cũng trên các tấm bia này đã ghi lại người đỗ tiến sĩ cao tuổi nhất trong lịch sử là ông Bàn Tử Quang. Ông đỗ tiến sĩ khi 82 tuổi. Người trẻ nhất là Nguyễn Hiền, quê Nam Trực (Nam Định), đậu trạng nguyên năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16 (tức năm 1247) dưới triều Trần Thái Tông khi đó mới 13 tuổi.
Từ đó, Văn Miếu cùng Quốc Tử Giám – được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã tồn tại đến thế kỉ XIX. Tọa lạc trên khuôn viên hơn 54.000m2, khu di tích Văn Miếu – Quôc Tử Giám nằm giữa bốn dãy phố, cổng chính ở đường Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Đông giáp phô" Tôn Đức Thắng, phía Tây là phố Văn Miếu. Bên ngoài có trường vây bôn phía, bên trong chia làm 5 khu vực.
Khu vực 1 gồm có Văn hồ (hồ văn); Vàn Miếu môn, tức cổng tam quan ngoài cùng, cổng có 3 cửa, cửa giữa to cao và xây hai tầng, tầng trên có ba chữ Văn Miếu môn. Khu vực thứ hai, từ cổng chính đi thẳng vào cổng thứ ba chữ Văn Miếu môn. Khu vực 2, từ cổng chính đi thẳng vào cổng thứ hai là Đại Trung môn, bên trái là Thánh Dực môn, bên phải có Đạt Tài môn. Tiếp trong là Khuê Văn Các (được xây dựng vào năm 1805). Khu vực 3 là giếng Thiên Quang (Thiên Quang Tỉnh có nghĩa là giếng trời trong sáng). Khu vực này có 82 bia Tiến sĩ dựng thành hai hàng, mặt bia quay về giếng, là một di tích thật sự có giá trị. Qua cửa Đại Thành là vào khu vực thứ 4, cửa Đại Thành cũng mở đầu cho những kiến trúc chính như hai dãy Tả Vu và Hữu Vu, chính giữa là Tòa Đại Bái đường, tạo thành một cụm kiến trúc hình chữ Ư cổ kính và truyền thống. Xưa, đây là nơi thờ những vị Tổ đạo Nho. Khu trong cùng là nơi giảng dạy của trường Quốc Tử Giám thời Lê, nhiều thế hệ nhân tài “nguyên khí của nước nhà” đã được rèn giũa tại đây. Khi nhà Nguyễn dời trường Quốc học vào Huế, nơi đây dùng làm đền thờ Khi Thánh (cha mẹ Khổng Tử), nhưng ngôi đền này đã bị hư hỏng hoàn toàn trong chiến tranh. Điều đáng mừng là trong năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khởi công xây dựng Thái học đường với giá trị 22 tỉ đồng. Công trình này mang tính yêu cầu của thời đại, đó là công trình mới nhằm tôn vinh nền văn hóa của dân tộc. Những người đời sau đến đây có được những giây phút tưởng niệm những người đã có công sáng lập và xây dựng nền giáo dục Viêt Nam.
Trải qua bao thăng trầm và những biến cố của lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không còn nguyên vẹn như xưa. Những công trình thời Lý, thời Lê hầu như không còn nữa. Song Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên được những nét tôn nghiêm cổ kính của một trường đại học có từ gần 1000 năm trước của Hà Nội, xứng đáng là khu di tích văn hóa hàng đầu và mãi là niềm tự hào của người dân Thủ đô khi nhắc đến truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài số 3
Chùa Trăm Gian còn được gọi là chùa Sở, được xây dựng từ đời vua Lý Cao Tông (1185). Chùa tọa lạc trên một quả đồi cao chứng 50m, thuộc dãy núi Tiên Lữ (còn gọi là Mã Sơn), xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội.
Cảnh quan của chùa Trăm Gian rất u tích, mái chùa che rợp bởi nhiều lớp, nhiều tầng tán là xanh sum suê của hàng trăm cây cổ thụ, cây gỗ quý như cây lim, cây trắc… Đặc biệt có gần 30 cây thông xanh tốt được trồng hàng trăm năm nay.
Chùa Trăm Gian được làm theo kiểu kiến trúc thời Lý – Trần trong thế kỉ 12. Quy mô đồ sộ, rất độc đáo: cứ bốn cột là một gian ; chùa có cả thảy 100 gian.
Phía ngoài có bốn cột trụ và hai quá dùng làm nơi đánh cờ tướng trong ngày hội. Nhà Giá Ngự nhìn ra ao sen. Tam quan còn gọi là gác chuông, kiến trúc theo kiểu hai tầng chồng diêm tám mái bằng gỗ quý, cao khoảng 8m. Trên gác chuông treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 0,6m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794).
Đi sâu vào là chùa chính. Hai vị Hộ Pháp (Ông Thiện, Ông Ác) vô cùng đồ sộ, oai nghiêm đứng trấn giữ. Gần đấy có Tòa Thiêu Hương. Trong cùng là hai lớp thượng điện thờ Phật. Nối tiếp nhà Tổ là một ngôi nhà 16 cột làm theo kiểu bốn mái, đao cong với hình tượng linh vật rướn cánh tung bay lên trời xanh. Ở đây có treo một cái trống to, mặt trống có đường kính 1m, tang trống màu son, một chiếc khánh đồng dài 1,2m, cao 0,6m, đúc năm Cảnh Hưng thứ mười (1750).
Chùa Trăm Gian hiện còn trên 100 tượng Phật bằng gỗ hoặc bằng vàng tâm, hoặc bằng đất sơn son thếp vàng. Có những pho tượng quý hiếm như tượng Tuyết Sơn, 18 vị La Hán, Phật Quan Thế Âm. Còn có tượng Quan Đô (Đô đốc Đông) – vị anh hùng một thời Tây Sơn đã tiêu diệt hàng vạn giặc Thanh xâm lược (1789) ở Đống Đa.
Chùa Trăm Gian gắn liền với bao huyền tích huyền thoại. Chùa từng bị giặc Minh đốt phá tan hoang, đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Chùa Trăm Gian là một chùa cổ, một danh lam thắng cảnh của xứ Đoài, một di tích văn hóa – lịch sử của dân tộc.
Ngày Mồng 4 tháng Giêng hằng năm là ngày lễ hội chùa Trăm Gian kéo dài trong 10 ngày, có hàng nghìn hằng vạn Phật tử và du khách gần xa kéo về dự lễ hội.
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài số 4
Có ý kiến cho rằng: Trong nền văn hóa cổ nước ta có rất nhiều viên ngọc bị che lấp bởi lớp bụi thời gian mà nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm tòi, bảo vệ cho nó sáng mãi. Khu di tích lịch sử văn hóa chùa Dâu là một viên ngọc như thế. Xây dựng từ những năm đầu Công nguyên, chùa Dâu lại mang một giá trị đặc biệt của trung tâm truyền giáo đạo Phật đầu tiên ở nước ta. Chùa Dâu nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh xưa thuộc Tống Khương, huyện Luy Lâu, quận Giao Chỉ.
Từ xa xưa người dân nơi đây thường sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dân gian vẫn thường gọi là vùng dâu hoặc kẻ dâu. Chất mộc mạc thôn dã và giản dị nơi đây đã góp phần không nhỏ tạo lên nét đẹp dân gian tự nhiên của chùa.
Khoảng đầu Công nguyên một số nhà sư từ Ấn Độ đi theo đường biển vào Luy lâu để truyền đạo. Nhanh chóng chùa đã trở thành một trung tâm truyền giáo đạo Phật đầu tiên để từ đây lan rộng sang Lạc Dương (Trung Quốc) và một số nơi khác. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ làm cho chúng ta tự hào và trân trọng bởi ý nghĩa của giá trị văn hóa nơi đây. Nhưng không dừng lại ở đó, chùa còn đào tạo được 500 vị tăng ni, dịch được 15 bộ kinh, làm được hàng chục bảo tháp có các vị cao tăng nổi tiếng đã đến đây trụ trì như Mâu Bát, Pháp Hiền, Chi Y Cương Nương, Khâu Đà La…
Ban đầu chùa Dâu chỉ là một cái am nhỏ, sau phát triển lên thành một ngôi chùa với tên gọi đầu tiên là Cổ Châu tự (nghĩa là một viên ngọc quý). Đến thế kỷ thứ II sau Công nguyên (khoảng 187-226, thời Sỹ Nhiếp) hệ tư pháp được ra đời chùa Dâu thời bà Pháp Vân nên gọi là Pháp Vân tự. Vào thế kỷ XIV (1313), có thể nói đây là đợt hưng công lớn nhất. Dưới đời vua Trần Nhân Tông, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã cho xây lên chùa to lớn như ngày nay: Chùa có hàng trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp mà bao đời nay khách từ muôn phương vẫn về đây chiêm ngưỡng. Hành động ấy, việc làm ấy của ông cha ta thời xưa đã thể hiện ý thức dân tộc, sự tôn trọng, đề cao văn hóa, bản sắc dân tộc.
Chùa Dâu được coi là nơi rất thiêng liêng nên đã có lần chùa được gọi là Diên Ứng tự (tức cầu gì được nấy). Điều đó đã được minh chứng qua các đời vua của triều đại xa xưa cũng từng về chùa Dâu như vua Lý Thánh Tông cầu tự (tức cầu con) và gặp được nguyên phi Ỷ Lan khi đi thuyền trên sông Dâu. Năm Đinh Tị 1737 có rất nhiều vua chúa cung tần mĩ nữ qua lại lễ Phật cầu đảo thăm chùa, vãn cảnh,…Với diện tích khoảng 1730m2 trên khu đất rộng bằng phẳng nằm cạnh sông Dâu, chùa được xây dựng mang đậm phong cách nghệ thuật, kiến trúc của thời Lý, Trần do được tu sửa vào thời kỳ này.
Quan trọng nhất là tháp Hòa Phong, tháp có chín tầng song trải qua thời gian lịch sử lâu dài nay chỉ còn ba tầng có chiều cao khoảng 15m. Chân tháp hình vuông, trong lòng tháp có bốn bệ gạch bốn bên, trên mỗi bệ là một tượng hộ pháp bằng gỗ cao 1,6m. Ở tầng hai của tháp có biển đá khắc chữ "Hòa Phong tháp". Đặc biệt hơn nữa tháp dùng để đặt các xá lị, bên trên là một chiếc khánh đồng và một chiếc chuông đồng lớn có niên đại từ 1893. Màu thời gian đã bao phủ lên tháp những lớp rong rêu xanh màu cổ kính. Song có thể nói giá trị của tháp Hòa Phong trong quần thể di tích chùa Dâu là không nhỏ bởi đã gây sự chú ý đặc biệt của khách du lịch thăm quan từ bốn phương về đây.
Đến với chùa Dâu ngoài cảnh quan đồ sộ, chúng ta còn được chiêm ngưỡng những pho tượng quý giá như Pháp Vân, Kim Đồng, Ngọc Nữ, những bức phù điêu chạm khắc trên những bức trống, cốn, giá chiêng mà ngày nay ít khi có được. Tất cả đều được tạc và rèn đúc rất tinh xảo trong bàn tay các nghệ nhân đời xưa.
Tiêu biểu đó là tượng Pháp Vân cao 1m85cm tạo trong thế ngồi ở tòa sen toàn thân sơn màu cánh dán. Với chân dung tai to, lông mày cong lá liễu, cổ cao ba ngấn tay phải dơ 5 ngón lên trời, trong lòng bàn tay có một viên ngọc sáng. Nét thanh thoát, mềm mại của bức tượng đã toát lên vẻ nhân từ, độ lượng của nhà Phật thiêng liêng, cao quý.
Ta còn nhận thấy rằng tín ngưỡng phật giáo Ấn Độ đan xen trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam như thờ các vị thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Gửi gắm vào đó là những mong ước cho mùa màng bội thu, cơm no áo ấm cho mọi chúng sinh của nhân dân khi trời đất được mưa thuận, gió hòa.
Một điểm đáng nói nữa trong công trình kiến trúc của chùa Dâu là hình trạm trổ trên đá. Đó là phong cảnh thiên nhiên chim muông, hoa lá, đặc biệt là rồng. Theo một số nhà nghiên cứu thì một số hiện vật bằng đá, gạch đất nung trang trí có hình vẽ rồng phần lớn là kiến trúc nghệ thuật rồng có niên đại vào thời Lý Trần. Con rồng không chỉ là biểu tượng văn hóa quý trong di sản văn hóa vật thể mà còn hiện diện rất phong phú trong di sản văn hóa phi vật thể. Nó đi vào đời sống hôm nay như một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội.
Ngày nay kiến trúc của chùa Dâu vẫn giữ nguyên như cũ: Nhà tiền thất, tháp Hòa Phong, Tiền Đường, tòa Tam Bảo, Thượng Điện, Hạ Điện, Hậu Đường, hai dãy hành lang,… Tuy nhiên thì cầu chín nhịp và Điện Tam quan đã không còn.
Hằng năm cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, không ai bảo ai người dân từ thập phương đều kéo về nơi đây lễ Phật cầu may. Đó cũng là ngày hội chính của chùa Dâu, ngày mà bà Man Nương sinh hạ.
Hội Dâu mở trong 3 ngày: mồng 7, mồng 8, mồng 9 âm lịch với một quy chế rất chặt chẽ. 11 kiệu Phật được rước ra ngoài trời, đi khắp 12 làng xã trong Tổng Khương. Các kiệu Phật được phong áo rất lộng lẫy uy nghi. Gắn với lễ hội còn có các trò chơi dân gian như thi cướp nước, múa trống, múa gậy, múa sư tử. Ban đêm có hát chầu văn, hát chèo, hát trống quân,… Đi theo các pho tượng rước còn có các tán, long, tù và, trống chiêng… tất cả đã tạo nên cho ngày hội thêm đông vui, náo nhiệt.
Về với chùa Dâu ta còn được nghe kể rất nhiều chuyện, truyền thuyết dân gian về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, về sự tích giữa ông Khâu Đà La và bà Man Nương đầy ly kỳ, hấp dẫn. Trong hiện tại và tương lai chùa Dâu mãi là một nơi mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam, là một nơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Không biết tự bao giờ, hội Dâu đã thành lịch trong dân gian với những câu ca quen thuộc:
Mồng bảy hội Khám
Mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu
Cũng về hội Gióng.
Đồng thời chùa Dâu – hội Dâu đã trở thành tiếng gọi tâm linh đối với tất cả mọi người:
Dù ai đi đâu, về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng tư, ngày tám, nhớ về hội Dâu.
Ngược dòng lịch sử, bóc trần từng lớp bụi thời gian ta mới thấy hết được ý nghĩa và vẻ đẹp truyền thống của khu di tích văn hóa chùa Dâu. Tôi tin rằng cả ngày hôm nay và mai sau viên ngọc quý đó sẽ mãi được trường tồn và bảo vệ bởi những lớp người tiến bộ của xã hội chủ nghĩa. Để chùa Dâu xứng đáng với tên gọi là một trung tâm phật giáo đầu tiên của nước ta. Niềm tự hào ấy không chỉ của những người dân Kinh Bắc mà của cả dân tộc, của cả trang sử vẻ vang trong nét đậm đà bản sắc quê hương.
Thuyết minh về một di tích văn hóa cổ – Bài số 5
Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 70km về phía tây bắc, địa đạo Củ Chi sẽ dưa du khách trở về với những tháng năm gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc. Dù du khách đã nghe nhiều về địa đạo nhưng phải đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe mới thấy hết sự thú vị, độc đáo của vùng đất thép thành đồng này.
Địa đạo Củ Chi không mang vóc dáng vẻ kì vĩ của những kì quan tồn tại hàng bao thế kỉ như Kim Tự Tháp, vườn treo Babilon, Angkovát… nhưng đây là một công trình vĩ đại với trên 200km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất. Nơi đây quả là một kì quan đánh giặc độc đáo có một không hai. Nó mang chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù và ý chí kiên cường, bất khuất của “vùng đất thép”, một trong những biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Nhưng sự tích có thật từ địa đạo đã quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có vào bậc nhất thế giới. Đến đây ta mới hiểu vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại có thể đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức tưởng chừng không cân sức này, nhân dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt.
Rời địa đạo, bạn sẽ đến đền Bến Dược. Ngắm cổng tam quan, nhà văn bia, tháp 9 tầng và ngôi điện chính với kiến trúc truyền thống rất đẹp, hài hòa cùng thiên nhiên. Đặc biệt là khu Đền tưởng niệm chiến sĩ và đồng bào với một quần thể kiến trúc mang tính đặc thù dân tộc, hiện đại trang nghiêm.
Trong Đền tưởng niệm có ghi đầy đủ họ tên của 44.357 liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong các cuộc kháng chiến giải phóng bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 632 tấm đá hoa cương. Trước đền có bài văn bia khắc đá của nhà thơ Viễn Phương.
Đền tưởng niệm Bến Dược là công trình độc đáo của khu di tích, được xây dựng lên từ nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, thề hiện đạo 11 “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu, công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, khu căn cứ địa đạo Củ chi đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Không chỉ tham quan khu di tích, bạn có thể tập bắn súng, thưởng thức những món ăn đặc sản của Củ Chi tại nhà hàng Địa đạo Củ Chi với khung cảnh thoáng mát, bên dòng sông Sài Gòn thơ mộng.
Rời địa đạo Củ Chi, chắc chắn trong lòng bạn sẽ đọng lại rất nhiều cảm xúc. Đó chính là lòng cảm phục sự thông minh, linh hoạt và sáng tạo của người dân Củ Chi khi thiết kế ra hệ thống địa đạo; là cảm giác thích thú khi được làm một chú bộ đội, được bắn súng thật và hơn thế là niềm xúc động khi nghiêng mình tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống cho độc lập, tự do hôm nay… Đó là những giá trị lịch sử sẽ in đậm trong lòng những ai đã từng một lần đến với địa đạo Củ Chi.
Hồng Loan tổng hợp
Bài viết liên quan
- Thuyết minh về một làng cổ hay phố cổ – Văn hay lớp 9
- Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Văn hay lớp 9
- Giải thích và chứng minh câu tục ngữ “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” – Văn hay lớp 8
- Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh – Văn hay lớp 9
- Thuyết minh về lễ hội làng – Văn hay lớp 9
- Phân tích tác phẩm Vào phủ Chúa Trịnh (Trích Thượng kinh kí sự) – Văn hay lớp 11
- Kể lại một câu chuyện về gương hiếu học mà em biết – Văn hay lớp 5
- Phân tích tác phẩm Tây tiến (Quang Dũng) – Văn hay lớp 12