03/06/2017, 19:39

Thuyết minh về một tác giả văn học: Puskin

Ngày 6-6-1799 đã trở thành ngày đáng nhớ không chỉ của những người trong dòng họ Puskin mà còn là của nước Nga và của cả nhân loại – Ngày thiên tài thơ Alêchxan Xecghêêvits Puskin ra đời. Người đã dùng “phép nhiệm màu thi ca” mang lại niềm vinh quang kiêu hãnh cho nước Nga và tạo ra những biến đổi ...

Ngày 6-6-1799 đã trở thành ngày đáng nhớ không chỉ của những người trong dòng họ Puskin mà còn là của nước Nga và của cả nhân loại – Ngày thiên tài thơ Alêchxan Xecghêêvits Puskin ra đời. Người đã dùng “phép nhiệm màu thi ca” mang lại niềm vinh quang kiêu hãnh cho nước Nga và tạo ra những biến đổi to lớn trong thế giới văn hoá tinh thần trong đất nước.


Xuất thân từ dòng họ quý tộc lâu đời và quyền quý vào loại bậc nhất nước Nga thời bấy giờ, Puskin được dạy dỗ một cách chu đáo. Mặc dù đến đời ông Xecgây Livôvits – cha của Puskin, kinh tế gia đình có phần sa sút song Xécgây Livôvits rất coi trọng việc dạy dỗ học hành cho con cái, duy trì nếp sống văn hoá trong gia đình bởi thế ông đã mời rất nhiều gia sư giỏi về nhà dạy học. Puskin yêu thích thơ văn một phần do thiên tính, một phần thừa hưởng từ một số người trong gia đình, đặc biệt là ông chú – nhà thơ Vaxili Livôvits. Từ những buổi bình thơ đọc văn diễn kịch tại nhà do chú tổ chức, hồn thơ Puskin được nuôi dưỡng từ đó.

Ngoài những yếu tố ấy, Puskin còn được tiếp xúc cảm nhận vốn thơ ca dân gian từ bà ngoại, lão bộc Nikita Côdơlôp, và nhũ mẫu Aria Rôđiônnôpna. Họ đã gieo vào tâm hồn của cậu bé Puskin những giá trị tinh thần quý báu của con người Nga, đất nước Nga. Bà ngoại thường dạy cháu tiếng Nga, bởi mặc dù bà rất tự hào vì cậu cháu yêu quý thông minh học giỏi, nói tiếng Pháp như người Pháp nhưng bà cũng không hề muốn cháu bà, một người Nga mà lại nói tiếng Nga như một người nước ngoài. Còn lão bộc Nikita quả là một kho truyền thuyết can trường hào hiệp, thương người sẵn sàng ra tay giúp kẻ yếu. Nhưng Puskin thích nhất vẫn là được nghe nhũ mẫu Aria hát những ca khúc dân gian Nga và nghe bà kể chuyện cổ tích, mặc dù bà không biết chữ nhưng lại có một trí nhớ tuyệt vời. Những bài hát, những câu chuyện có một sức hút kỳ diệu trong tâm hồn ông và trở nên thật gần gũi, tất cả đã in vào tâm trí ông suốt cuộc đời. Cho đến mãi sau này hình ảnh nhũ mẫu vẫn thường xuất hiện trong thơ Puskin với những tình cảm đằm thắm:
            
Bạn thân thiết trong những ngày cơ cực
Nguồn mến thương nâng bước cuộc đời con.
 
Sau này, quãng thời gian học tập ở trường Lixê đã để lại nhiều kỉ niệm đẹp trong lòng Puskin. Trong kỳ thi thơ 1815 do trường tổ chức, ông đã viết bài Những kỉ niệm hoàng thôn ghi nhớ lại thời kỳ cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1912 của nhân dân Nga đánh lại đội quân xâm lược của Napôlêông. Bài thơ được đón nhận nhiệt liệt và nhà thơ Giucôpxki không ngần ngại tiên đoán về Puskin là Người khổng lồ tương lai. Cùng quãng thời gian sáu năm học tập ở trường, Puskin đã cho ra đời những bài thơ hay trẻ trung trong sáng…

Sau khi tốt nghiệp trường Lixê, Puskin đứng giữa hai sự lựa chọn. Nhận sự bổ nhiệm làm thư ký bộ ngoại giao ở Pêtécbua hay tiếp tục niềm đam mê văn chương, dâng hiến đời mình cho những lý tướng cao cả. Có sự lựa chọn ấy là bởi đời sống chính trị ở nước Nga đang trở nên gay gắt, chính phủ Nga Hoàng ngày càng phản động. Trước tình hình đó, nhiều trí thức tiến bộ đã tập hợp nhau lại lập ra những tổ chức bí mật chống Nga Hoàng. Puskin cũng hoà mình vào không khí cách mạng đó. Và những bài thơ có nội dung chóng Nga Hoàng một cách gay gắt ra đời: Tự do (1817), Những câu chuyện thần thoại Nôen (1818), Gửi Sađaep (1818)… Tất nhiên những vần thơ đó không được in nhưng lại được rât nhiều người chép tay và thuộc lòng. Điều đó đã khiến Nga Hoàng Alêchxan I nổi giận và lo sợ trước những vần thơ “ gây náo loạn” và đòi “phải tống cổ Puskin đi Xibia”- cũng có nghĩa là bị tống vào cõi chết.

Nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, Puskin chỉ bị đày đi phương Nam bốn năm (1820-1824) sau đó bị quản thúc tại trại ấp quê nhà Mikhailôp xcôie hai năm (1824-1826). Ở đó ông tiếp xúc với những người chiến sĩ tháng chạp và càng ý thức một cách sâu sắc về giá trị, bản chất đích thực của tự do. Bởi thế cảm giác về tự do thường trực trong con người nhà thơ, chỉ cần có một cớ nhưng cũng đủ bật lên câu chữ. Puskin đã viết hàng loạt bài thơ ca ngợi tự do: Ánh mặt trời của ban ngày đã tắt (1820), Người tù (1822), Con chim nhỏ (1823), Người gieo giống tự do trên đồng vắng (1823)…

Ngoài ra nhà thơ còn muốn thử thách mình ở một thể loại lớn hơn: Trường ca, và ở một phương pháp mới: lãng mạn. Ông đã thành công với bản trường ca Rutxlan và Lutmila (1820) – tác phẩm đã đưa ông lên ngang hàng với nhiều nhà thơ Nga nổi tiếng đương thời. Đặc biệt nhà thơ Giucôpxki, người từng mệnh danh là “đã phát hiện ra chủ nghĩa lãng mạn cho văn học Nga” đã tặng Puskin một bức chân dung của chính ông với lời đề tặng: "Thầy chiến bại tặng học trò chiến thắng". Đối với nhà thơ trẻ tuổi, đây quả là một phần thưởng to lớn quý giá. Bản trường ca không hề bắt chước mô phỏng những tác phẩm văn học dân gian mà nó được hoàn thiện như một tác phẩm độc lập, in đậm dấu ấn cá tính sáng tạo, tự do nồng nhiệt của tác giả. Không dừng lại ở đó, Puskin đã sáng tạo thêm hàng loạt những bản trường ca xuất sắc khác như: Người tù Kapka (1820-1821), Anh em kẻ cướp (1821-1822), Đoàn người Sưgan (1824) phản ánh sự bất mãn không thoả hiệp của thanh niên tiến bộ đương thời với trật tự xã hội hiện hành. Với những tác phẩm này, Puskin được coi là nhà thơ hàng đầu của khuynh hướng lãng mạn tích cực trong văn học Nga đầu thế kỷ XIX.

Bị đày sang phương Bắc, tự lòng Mikhailốpxcôie Puskin tiếp tục sáng tác vở bi kịch lịch sử Bôrit Gôđunôp và viết tiếp tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônêghin còn dang dở, thể hiện những trăn trở về lẽ sống và hạnh phúc cá nhân của tầng lớp thanh niên quý tộc.

Trở về Pêtécbua sau 6 năm lưu đày, Puskin tiếp tục làm thơ, viết kịch bằng thơ, viết truyện ngắn, viết báo. Đặc biệt ông cưới Natalia Gônsarôva – cô gái xinh đẹp nhất Matxcơva năm 1831. Trong khoảng thời gian này tuy hạnh phúc trong cuộc sống gia đình nhưng Puskin luôn cảm thấy ngột ngạt nặng nề bởi mối bất hoà của nhà thơ với Nga hoàng. Nhưng càng buồn đau, ông vẫn tìm thấy niềm vui trong thi ca. Trong hoàn cảnh xót xa tột độ ấy, Puskin cho ra đời những tác phẩm bất hủ. Tiểu thuyết thơ Epghêni Ônêghin được hoàn thành trong thời điểm đó và được xem là cuốn “Bách khoa toàn thư của đời sống Nga”, trở thành kiệt tác của văn học thế giới. Tiếp theo là chùm truyện ngắn nổi tiếng: Người trưởng trạm, Phát súng, Bão tuyết, Cô tiểu thư nông dân, Con đầm pic, Con gái viên đại uý… với những tư tưởng mới mẻ, với những bài học có giá trị với con người..

Hơn hết, nhà thơ vẫn giữ được hồn thơ trong trẻo đằm thắm thiết tha mặc dù đang sống trong những ngày buồn đau ảm đạm giữa một triều đình đầy nhỏ nhen xấu xa. Bởi vậy một chút rung động nhỏ nhoi cũng gợi nên những vàn thơ “xao xuyến tâm hồn” như “bông hoa nhỏ”, “ngoại và anh”, “ cô và em”…

Sau khi viết bài Đài kỷ niệm, Puskin linh cảm thấy một tai hoạ nào đó đang đến gần. Và quả như vậy, tên Pháp lưu vong Đăngtex đã quấy rối hạnh phúc gia đình, bôi nhọ thanh danh Puskin. Để giữ gìn danh dự, Puskin buộc phải quyết đấu. Ông bị Đăngtex sát hại vào tháng 1 năm 1837.

Lo sợ bạo loạn trước cái chết của Puskin, chính quyền Nga Hoàng cố ý tổ chức mai táng Puskin một cách lặng lẽ. Một tờ báo địa phương chỉ kịp đưa tin: "Mặt trời của thi ca Nga lặn mất rồi. Puskin đã tạ thế, tạ thế giữa độ tuổi tràn trề sung sức bỏ dỡ sự nghiệp lớn lao! Chúng tôi không đủ sức nói nhiều về ông và cũng chẳng cần thiết. Bất kì một trái tim Nga nào cũng đều biết cái giá của sự tổn thất không thể bù đắp được này. Và bất cứ trái tim Nga nào cũng sẽ quặn đau". Vâng! Chính cái tin đó đã khẳng định vị trí to lớn của nhà thơ lỗi lạc trong trái tim con người nước Nga.

Không chỉ đóng góp vào kho tàng văn học Nga những tác phẩm có giá trị mà Puskin còn đóng góp vào phong cách nghệ thuật thêm phong phú. Do ảnh hưởng từ gia đình mà tác phẩm của ông đậm đà tính dân tộc, phong vị Nga, sử dụng thi liệu hình ảnh từ văn học dân gian Nga. Ngoài ra, Puskin còn có công lớn trong việc đưa trường ca, kịch có giá trị trong nền văn học Nga. Đồng thời góp phần nâng ngôn ngữ đời sống trở thành ngôn ngữ văn học giàu giá trị. Như vậy, tên tuổi Puskin đã trở thành biểu tượng của văn học Nga, thơ ông gần gũi mọi tâm hồn Nga. Gorki coi Puskin là "khởi đầu của mọi khởi đầu".

Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp văn học và phong cách nghệ thuật của Puskin ta càng khẳng định vai trò to lớn của nhà thơ trong nền văn học Nga và của cả thế giới. Những sáng tác của Puskin đã bồi đắp cho văn học Nga qua hai thế kỉ và cho tới bây giờ chúng ta cũng có thể khẳng định như thế.

0