08/05/2018, 20:46

Thuyết minh về một loài vật nuôi mà em yêu thích

Đề bài : Thuyết mình về một loài vật nuôi mà em yêu thích. Bài làm Nếu như trước đây, nhắc tới các loài thú cưng, được chọn để làm cảnh thì chó, mèo, kì nhông, chim chóc... thường được liệt vào danh sách hàng đầu, nhưng hiện nay, một loài động vật nữa cũng được giới trẻ đặc ...

Đề bài: Thuyết mình về một loài vật nuôi mà em yêu thích.

Bài làm

   Nếu như trước đây, nhắc tới các loài thú cưng, được chọn để làm cảnh thì chó, mèo, kì nhông, chim chóc... thường được liệt vào danh sách hàng đầu, nhưng hiện nay, một loài động vật nữa cũng được giới trẻ đặc biệt yêu thích và nuôi phổ biến rộng khắp trong các hộ gia đình của người Việt, đó là loài thỏ. Với vẻ ngoài ưa nhìn, bắt mắt, hiền lành và dễ gần, dễ nuôi, thỏ được xem như một loài thú bông dành cho các bạn nữ tuổi teen. Đồng thời, chúng cũng đem lại những lợi nhuận to lớn về mặt kinh tế cho những người nông dân.

   Loài thỏ vốn là một loài động vật có vú nhỏ, được xếp vào họ Leporidae thuộc bộ Lagomorpha, sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới. Thỏ gồm có 60 loại giống, được phân thành bảy loại chính, điển hình như thỏ rừng châu Âu (Oryctolagus cuniculus), thỏ đuôi bông (giống Sylvilagus; 13 species), thỏ Amami (Pentalagus furnessi, và một số loài thỏ quý hiếm ở Amami Oshima, Nhật. Hiện nay, do nhu cầu thẩm mĩ về mặt hình thức bên ngoài, người nuôi đã cho ghép đôi các giống thỏ khác nhau về dòng giống nên tạo ra rất nhiều các màu sắc đẹp mắt. Và người Việt cũng quen gọi theo lối gọi dân dã theo màu lông của thỏ như: thỏ bướm Pháp, thỏ trắng New Zealand, thỏ xám đen, thỏ vàng...

   Thỏ được thuần chủng và du nhập vào nước ta từ rất lâu rồi, người ta ước tính khoảng trên dưới hai trăm năm về trước. Nên thỏ là loài động vật rất gần gũi với người dân Việt. gần tới mức, thỏ đã đi vào dòng chảy văn học dân gian rất tự nhiên và chứa đựng biết bao nhiêu những bài học sâu sắc ở đời như truyện cổ tích "Thỏ và rùa"; "con thỏ khôn ngoan"; "thỏ con không vâng lời mẹ"... các câu chuyện không chỉ gây hứng thú, hấp dẫn các em thiếu nhi mà còn đem lại cho mọi lứa tuổi sự hiểu biết phong phú về xã hội, con người...

   Về đặc điểm ngoại hình và tập tính, bên ngoài thỏ có một lớp lông mao rất dày, có tác dụng giữ ấm cơ thể; đôi tai dài và dựng đứng lên, với thính giác nhạy bén nên chỉ cần một tiếng động nhỏ từ xa là chúng đã có thể bắt được các tín hiệu xung quanh. Điều đó, giúp thỏ có thể trốn tránh được hiểm nguy từ mọi sự đe dọa tác động vào. Mắt thỏ thường có hai màu: đen và đỏ. Tùy vào màu lông bên ngoài mà mắt thỏ có sự khác nhau về màu sắc. Nếu lông thỏ trắng thì mắt thỏ sẽ màu đỏ; còn nếu lông thỏ pha trộn các màu khác với nhau thì mắt sẽ có màu đen. Nhờ có lớp gương phản quang Tapetum lucidum nên vào buổi tối, dù không có đèn điện mắt thỏ vẫn rất tinh tường và khi chiếu ánh đèn điện vào mắt thỏ thì mắt chúng sẽ phát sáng ra các sắc màu lấp lánh. Khác với các loài vật bốn chi khác, hai chân sau của thỏ dài hơn hai chân trước và được gấp khúc. Vì thế, thỏ không đi bằng bốn chân mà lại "nhảy cóc" bằng hai chân sau. Dưới mỗi ngón chân đều có móng dài, sắc và có lớp lông đệm dày, vừa có tác dụng giúp thỏ đi lại vững vàng, lại vừa giúp chúng tự vệ trước sự tấn công của kẻ thù. Với bộ hàm chắc, khỏe, những chiếc răng thỏ, đặc biệt là hai chiếc ở hàm trên phát triển rất dài, sắc, và nhọn, thỏ có thể gặm nhấm bất cứ những thức ăn khô cứng nào đó như mía, ngô, khoai, sắn... Mặc dù, thỏ nay đã được thuần hóa, nuôi trong các hộ gia đình nhưng tập tính đào hang của chúng vẫn không thay đổi. Chiếc hang vừa là nơi để chúng che mưa, che nắng, trốn tránh kẻ thù, lại vừa là nơi an toàn để chúng sinh sản, bảo vệ các con non. Mỗi năm, thỏ đẻ từ 5 đến 7 lứa, mỗi lứa trung bình từ 6 đến 10 con. Trước khi đẻ, thỏ có biểu hiện nhổ lông bụng, cắp rác và trộn với nhau để làm ổ đẻ. Thỏ có đặc tính vừa nuôi con bú, lại vừa mang thai. Vì thế, sau ba ngày sinh sản, thỏ có thể được phối giống và tiếp tục chửa.

   Tuy nhiên, do cấu tạo khoang mũi hết sức phức tạp, nhạy bén nên thỏ có thể phân biệt được mùi của nhau. Chúng thường phân chia ranh giới lãnh thổ bằng mùi nước tiểu. Mặc dù tính bầy đàn cao nhưng khi bắt đầu tới tuổi động dục (con đực 8 tháng tuổi, con cái 6 tháng tuổi có thể sinh sản),con cái sẽ chủ động rời đi, tìm nơi cư trú riêng của mình để nuôi dưỡng thai kì cho tới khi sinh nở.

   Thức ăn của thỏ rất đa dạng, nhưng có thể chia theo hai nhóm chính, thức ăn tươi và thức ăn khô. Thức ăn tươi là loại thức ăn xanh như: các loại cỏ voi, cỏ mía, lá su hào, lá bắp cải... Đây là thức ăn chính của thỏ. Bên cạnh đó, để bổ sung protein và chất đạm khác, thỏ còn ăn cả những thức ăn khô. Thức ăn khô này là cám viên dành riêng cho thỏ, được chiết suất gồm rất nhiều các thành phần khác nhau, hỗ trợ tăng trọng, nhanh lớn và nâng cao sức đề kháng.

   Các loại bệnh thường gặp ở thỏ là: bệnh ghẻ, sình bụng do rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... Dù thỏ có khả năng thích nghi thời tiết, môi trường sống rất tốt nhưng sức đề kháng của thỏ kém. Một trong các nguyên nhân chính gây nên các loại bệnh thường gặp bên trên là do thức ăn không được đảm bảo, mất vệ sinh, đặc biệt là thức ăn tươi xanh. Vì thế, mặc dù thỏ dễ ăn, dễ nuôi nhưng người nuôi thỏ rất chú trọng điều này.

   Ngày nay, do nhu cầu tăng cao, thỏ không chỉ để làm thú cưng mà còn trở thành món ăn đặc sản như thỏ ướp lá chanh, thịt thỏ sốt vang, thỏ hầm thuốc bắc... rất giàu vitamin, tốt cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, lông và da thỏ còn để làm đồ trang sức, làm áo phục vụ con người. Với cấu tạo nội tạng bên trong khá giống cấu tạo ở người, nên thỏ từ lâu còn được chọn làm vật thí nghiệm để tạo ra các loại thuốc mới... Đặc biệt phân của thỏ còn giàu Nitơ và phốt pho nên có thể tận dụng để bón cây, nuôi cá, nuôi chuột bạch... Vì có rất nhiều những lợi ích trên nên nuôi thỏ đã và đang trở thành một ngành kinh tế phát triển rất mạnh, đem lại lợi nhuận lớn cho người nông dân.

   Tóm lại, thỏ là một loài động vật có ích, đáp ứng được nhu cầu về mặt tinh thần và vật chất của con người, vừa có thể làm cảnh, lại vừa đem lại lợi nhuận về kinh tế lớn. Vì thế, việc lựa chọn chăn nuôi thỏ là một sự lựa chọn thông minh. Bởi việc nuôi thỏ rất có tiềm năng, đặc biệt đang được nhà nước đặc biệt quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện.

Các bài văn mẫu lớp 9: Viết tập làm văn số 1

0