04/06/2017, 00:31

Thuyết minh cây lúa (Bài 5)

Việt Nam đất nước ta ơi Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn. Đất nước Việt Nam, cái nôi của nền văn minh lúa nước. Lúa là cây lương thực hàng đầu và có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Lúa được trồng khắp nơi trên nước ta, trên những cánh đồng bạt ngàn. Từ ngàn đời nay, ...

Việt Nam đất nước ta ơi Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.

Đất nước Việt Nam, cái nôi của nền văn minh lúa nước. Lúa là cây lương thực hàng đầu và có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Lúa được trồng khắp nơi trên nước ta, trên những cánh đồng bạt ngàn. Từ ngàn đời nay, cây lúa là nguồn sống, là người bạn tâm giao của những người nông dân. Cây lúa không chỉ đem lại lợi ích tinh thần mà còn mang lại lợi ích vật chất.

Lúa là loại cây thân cỏ. Thân lúa ngắn chỉ khoảng năm mươi hay sáu mươi xen-ti-mét, thon nhọn ở đầu và ráp ở phiến lá, mặt lá. Khi đang phát triển lá lúa xanh mướt, tràn trề sức sống. Khi chín, lá lúa vàng, từng bông lúa uốn trĩu nặng. Mỗi cây lúa từ khi hạt thóc bắt đầu nảy mầm cho đến khi thu hoạch thường phải trải qua nhiều giai đoạn: từ một hạt thóc khi đem ngâm trong nước ủ ấm ba đến bốn ngày, mầm cây đã dài, rễ xuất hiện. Người ta đem mầm ra ruộng gieo và chăm sóc khoảng hai mươi ngày thì thành mạ đủ tiêu chuẩn để cấy. Vào giai đoạn này, cây đã có ba đến bốn lá mầm và cao khoảng mười đến mười hai xen-ti-mét. Thân lá có đốt, được tạo bởi các lá lúa hợp lại. Khi phát triển đến một mức độ nhất định cây lúa có các nhánh phụ, thường thì năm đến sáu cây tạo thành khóm lúa. Sau giai đoạn này, lúa thường ngừng đẻ nhánh, nó chuyển sang giai đoạn đứng cái và làm đòng. Đây là thời kì lúa trổ và thụ phân và cũng là lúc quyết định năng suất lúa. Sau thời kì này, những hạt lúa lớn dần, bông lúa bắt đầu trĩu xuống, uốn cong như những chiếc cần câu. Sau một thời gian hạt lúa chắc lại, chín dần và cây lúa chuyển sang màu vàng ươm đợi ngày thu hoạch. Ngày mùa khắp cánh đồng ta chỉ thấy một màu vàng óng, mùi hương của lúa chín thoang thoảng làm xao xuyến lòng người. Đến ngày thu hoạch, các bác nông dân cùng nhau cắt lúa, chuyển về nhà dùng máy tuốt lúa tách riêng hạt thóc để phơi khô. Những hạt lúa tốt được chọn để riêng, dùng làm giống cho mùa sau.

Căn cứ vào màu sắc lúa mà ta biết lúa đang ở giai đoạn phát triển nào để có cách bón phân hợp lí. Khi trồng lúa người nông dân phải thường xuyên “thăm nom” chăm sóc cây lúa phòng có những kẻ thù gây hại như sâu bọ, châu chấu,... Nhưng kẻ thù đáng sợ nhất là thời tiết bất lợi: mưa quá to hay gió quá lớn sẽ làm cho cây lúa chết. Vì vậy, người nông dân phải căn cứ vào thời tiết trong năm đề trồng cho hợp lí.

Lúa ở Việt Nam có rất nhiều loại: lúa tẻ, lúa nếp, lúa thường, lúa đặc sản. Trong lúa đặc sản lại có lúa tẻ, tám thơm, tám xoan, tám ấp bẹ, nàng hương, nếp cái hoa vàng,... Tuỳ theo từng thời vụ và đất ở từng địa phương mà người ta có giống lúa trồng thích hợp. Từ hạt gạo ta có thể làm ra biết bao nhiêu món ăn ngon, bổ như: bánh chưng bánh dày, bánh nếp, bánh phở,... Những món ăn mang đậm hương vị đồng đất quê nhà khiến những người con xa quê bồi hồi nhớ về, khiến cho những vị du khách nước ngoài ăn một lần rồi nhớ mãi không quên. Một món ăn rất ngon, một thứ quà đặc biệt làm từ lúa non đó là cốm. Những hạt cốm xanh non, thơm mùi lúa đã lấy hết thóc còn lại thân và lá người ta đem phơi khô thành rơm rạ. Rơm là thức ăn cho trâu bò, làm chất đốt hay để lợp nhà,... Rơm ủ mục làm phân bón cho ruộng đồng. Từ rơm người ta có thể trồng nấm rơm hay để làm chổi, đan tết lại làm mũ. Vào thời chiến tranh người ta dùng mũ rơm để che nắng che mưa, lại có thể dùng nguỵ trang tránh được bom đạn. Ngoài ra còn có vỏ trấu có thể làm chất đốt hay để ấp trứng. Cám gạo còn là thức ăn chủ yếu cho gia súc và gia cầm. Tóm lại, cây lúa có rất nhiều công dụng từ thân đến lá, thóc gạo đều có thể sử dụng được.

Cây lúa không chỉ là yếu tố không thế thiếu trong đời sống vật chất mà trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Cây lúa cho ta những món ăn thơm thảo để dâng lên ông bà tổ tiên. Thời xa xưa, Lang Liêu làm bánh chưng, bánh dày dâng lên vua Hùng, còn ngày nay vào những dịp Tết cồ truyền trên mâm cổ cúng tổ tiên không thể thiếu cặp bánh chưng bánh dày như muốn dâng lên tổ tiên tất cả tinh hoa của đất trời, của thiên nhiên trong từng hạt gạo trắng ngần. Cây lúa đã tạo nên nền văn hoá ẩm thực đa dạng và phong phú của nước ta. Nếu như mùa xuân đã có bánh chưng, bánh dày thì đến mùa hạ người ta lại được thưởng thức vị dẻo bùi của hạt gạo, vị thơm ngon của bún trong bát bún riêu cua. Mùa thu nhắc cho ta đến món quà đặc biệt, đó là cốm. Đến mùa đông, một chén xôi nóng làm cho ta quên đi cái giá lạnh của thời tiết.

Lúa thân thuộc, gắn bó với người dân Việt Nam đã từ lâu rồi. Nền văn minh lúa nước ra đời cách nay cũng đã hàng nghìn năm. Vì vậy mà lúa nước được coi là vẻ đẹp vĩnh hằng, là biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh những cánh đồng lúa bát ngát mênh mông đã đi vào các bài hát, bài thơ cũng như đã trở thành đề tài sáng tạo đầy hứng thú của các nghệ sĩ. Hình ảnh những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những lũy tre làng xanh ngắt đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam thân thuộc, bình dị. Hạt gạo đã đi vào bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa:
 
Hạt gạo làng ta
 Có vị phù sa
Cửa sông Kinh Thầy
 Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay,...
Hay trong câu ca:
Ai ơi bưng bát cơm đầy.
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Đó chính là tình cảm của con người Việt Nam dành cho cây lúa, một cây lương thực đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống của người Việt Nam.

Bước sang thế kỉ XXI, Việt Nam dần đi vào xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhưng cây lúa và giá trị tiềm năng của nó vần giữ vị trí số một trong quá trình phát triển của đất nước. Cây lúa đã đi vào lòng người Việt Nam như một phần không thể thiếu từ bao đời nay. Mỗi khi bưng bát cơm thơm, được nấu từ những hạt gạo trắng ngần, lòng ta lại bâng khuâng nghĩ đến quê hương, nghĩ đến những con người đã từng đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm ra hạt gạo. Vì thế chúng ta phải biết trân trọng, giữ gìn và tiếp tục phát huy nền văn minh lúa nước lâu đời.

0