Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế
1- Khởi kiện và thụ lý vụ án kinh tế. a- Khởi kiện: Pháp luật quy định: quyền khởi kiện một vụ án là quyền của cá nhân hoặc pháp nhân có đủ tư cách của một chủ thể kinh doanh và có quyền và lợi ích hợp pháp bị tranh chấp hoặc bị xâm phạm. Để khởi kiện vụ án kinh tế, người khởi kiện phải làm ...
1- Khởi kiện và thụ lý vụ án kinh tế.
a- Khởi kiện:
Pháp luật quy định: quyền khởi kiện một vụ án là quyền của cá nhân hoặc pháp nhân có đủ tư cách của một chủ thể kinh doanh và có quyền và lợi ích hợp pháp bị tranh chấp hoặc bị xâm phạm.
Để khởi kiện vụ án kinh tế, người khởi kiện phải làm đơn yêu cầu toà án giải quyết vụ án kinh tế trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Nếu quá thời hạn trên đương sự mất quyền khởi kiện.
Kèm theo đơn kiện phải có các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu của nguyên đơn.
• Toà bác đơn kiện trong các trường hợp sau:
– Người khởi kiện không có quyền khởi kiện.
– Thời hạn khởi kiện đã hết.
– Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lựcpháp luật của toà án hoặc cuả cơ quan có thẩm quyền khác.
– Sự việc đã được các bên thoả thuận trước là phải giải quyết theo thủ tục trọng tài.
b- Thụ lý vụ án:
Là việc thẩm phán chấp nhận đơn của người khởi kiện và ghi vào sổ thụ lý vụ án của toà án để giải quyết.
• Toà án sẽ thụ lý vụ án với những điều kiện sau:
– Người khởi kiện có quyền khởi kiện.
– Sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.
– Đơn kiện được gửi đúng thời hiệu khởi kiện.
– Nguyên đơn đã nộp tạm ứng án phí.
– Sự việc chưa được giải quyết bằng bản án hoặc có hiệu lực pháp luật của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
– Sự việc không được các bên thoả thuận trước là phải quyết theo thủ tục trọng tài.
2- Chuẩn bị xét xử:
• Sau khi thụ lý vụ án, toà kinh tế phải tiến hành chuẩn bị xét xử.
• Thời hạn chuẩn bị xét xử là 40 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với các vụ án phức tạp thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
• Trong công tác chuẩn bị xét xử toà kinh tế phải tiến hành các công việc chủ yếu sau:
– Thông báo việc kiện: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, toà án phải thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết nội dung đơn kiện.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông báo bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải gửi cho toà án ý kiến của mình bằng văn bản về đơn kiện và các tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
– Xác minh thu thập chứng cứ: Trong tố tụng kinh tế chứng cứ chủ yếu do đương sự cung cấp khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh đồng thời là quyền chứng minh của mình. Tuy nhiên để đảm bảo việc xét xử vụ án kinh tế được chính xác toà án có thể tiến hành thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ các tình tiết cuả vụ án.
– Hoà giải: Trước khi mở phiên toà giải quyết các vụ án kinh tế toà án phải tiến hành hoà giải để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nếu đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án thì toà án lập biên bản hoà giải thành. Trong thời hạn 10 ngày mà các bên không thay đổi thì toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật. Trường hợp các đương sự không thể thoả thuận được thì toà án lập biên bản hoà giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
• Kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử thẩm phán được phân công chủ toạ có quyền ra một trong những quyết định sau:
– Đưa vụ án ra xét xử.
– Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
– Đình chỉ việc giải quyết vụ án
Toà quyết định tạm đình giải quyết vụ án trong các trường hợp sau:
– Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết, pháp nhân đã giải thể mà chưa có cá nhân pháp nhân thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng.
– Đã hết thời hạn xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng.
– Chưa tìm được địa chỉ của bị đơn hoặc bị đơn bỏ trốn.
– Cần đợi kết quả giải quyết vụ án hình sự, dân sự và vụ án kinh tế khác.
– Đã có toà thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó là đương sự của vụ án.
– Trong khi đang giải quyết vụ án có liên quan đến doanh nghiệp phát hiện doanh nghiệp đã lâm vào trình trạng phá sản.
Toà quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án trong các trường hợp sau:
– Người khởi kiện rút đơn kiện.
– Nguyên đơn dù được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt.
– Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết, pháp nhân đã giải thể mà quyền và nghĩa vụ của họ không có cá nhân ,pháp nhân thừa kế.
– Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác nhau.
– Thời hạn khởi kiện đã hết trước ngày thụ lý vụ án.
– Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà.
– Đã có quyết định của toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó là đương sự của vụ án.
3- Phiên toà sơ thẩm.
• Theo quyết định của pháp luật, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, toà án phải mở phiên toà trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn đó không quá 20 ngày.
• Phiên toà sơ thẩm được tiến hành dưới sự điều hành của một Hội đồng xét xử gồm 2 thẩm phán và 1 hội thẩm và với sự có mặt của các đương sự người làm chứng, người phiên dịch, người giám định và kiểm soát viên (nếu Viện kiểm soát có yêu cầu kiểm tra phiên toà).
• Thủ tục tiến hành:
– Bắt đầu phiên toà.
– Xét hỏi tại phiên toà.
– Tranh luận tại phiên toà.
– Nghị án.
– Tuyên án.
– Hoàn chỉnh biên bản phiên toà.
4- Thủ tục phúc thẩm.
Phúc thẩm vụ án kinh tế là việc toà án cấp trên xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm của toà án cấp dưới chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quyết định của pháp luật.
Đương sự hoặc người đại diện đương sự có quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Thời hạn kháng cáo là 10 ngày kể từ ngày toà án tuyên án hoặc ra quyết định .
Viện trưởng Viện kiểm soát cùng cấp hoặc trên một cấp có quyền kháng nghị, thời hạn kháng nghị là 10 ngày (đối với Viện kiểm soát cùng cấp) hoặc 20 ngày (đối với Viện kiểm soát cấp trên) kể từ ngày toà tuyên án hoặc ra quyết định.
5- Thủ tục xem xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
a- Giám đốc thẩm.
• Thẩm quyền giám đốc thẩm bao giờ cũng thuộc về toà án cấp trên trực tiếp của toà án đã ra bản án, quyết định xét xử giám đốc thẩm.
Cụ thể:
– Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp Tỉnh giám đốc thẩm những vụ án, bản án đã có hiệu lực của Toà án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị.
– Toà kinh tế – Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà thuộc toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.
– Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các toà thuộc toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.
– Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đôc thẩm những vụ án , quyết định của uỷ ban thẩm phán toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.
• Khách thể của quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm: Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới trên cơ sở kháng nghị của những người có thẩm quyền.
• Căn cứ để kháng nghị:
– Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
– Kết luận trong bản án quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
– Các sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật
• Những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
– Chánh án tòa án tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp.
– Phó chánh án tòa án tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân địa phương
– Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng VKS nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện
• Thời hạn kháng nghị là 9 tháng kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật
• Hội đồng xét xử có quyền:
– Bác kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu thấy rằng kháng nghị không có căn cứ.
– Sửa đổi một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
– Huỷ bản án, quyết định bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại trong trường hợp có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hoặc việc xác minh thu thập chứng cứ của toà án cấp dưới không đầy đủ mà toà án cấp giám đốc thẩm không thể bổ sung được.
– Huỷ bản án, quyết định bị kháng nghị và đình chỉ việc giải quyết vụ án theo những căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án kinh tế.
b- Thủ tục tái thẩm.
• Khách thể của quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Là Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới trên cơ sở kháng nghị của những người có thẩm quyền.
• Căn cứ để kháng nghị:
– Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự không thể biết được khi giải quyết vụ án.
– Có cơ sỏ để chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch là không đúng sự thật hoặc có sự giả mạo bằng chứng.
– Người tiến hành tố tụng cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.
– Bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà toà án dựa vào đó để giải quyết vụ án bị huỷ bỏ.
• Người có thẩm quyền kháng nghị:
– Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp.
– Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng VKS nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện
• Thẩm quyền xét xử theo thủ tục tái thẩm: Giống như thủ tục giám đốc thẩm.
• Hội đồng xét xử có quyền:
– Giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
– Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại.
– Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ việc giải quyết vụ án theo những căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án kinh tế.