14/01/2018, 00:38

Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể

Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể Đăng ký kinh doanh cá thể là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện Hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. ...

Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể

Đăng ký kinh doanh cá thể là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện Hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Theo quy định tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính, và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì từ ngày 1/1/2009 sẽ bãi bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và chỉ thu thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp trong một hộ gia đình có nhiều người cùng tham gia kinh doanh nhưng chỉ có một người đứng tên trong đăng ký kinh doanh thì người đứng tên trong đăng ký kinh doanh là đối tượng nộp thuế.

Ai có thể đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh?

Cá nhân là công dân Việt Nam có thể đăng ký kinh doanh hội kinh doanh. Cá nhân này đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Một nhóm người hoặc một hộ gia đình cũng có thể đăng ký kinh doanh loại hình doanh nghiệp hộ kinh doanh.

Trách nhiệm tài chính của chủ Hộ kinh doanh?

Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ của hộ kinh doanh. Điều này có nghĩa nếu việc kinh doanh thất bại, chủ hộ kinh doanh sẽ phải sử dụng các tài sản cá nhân của mình (tiền, nhà, đất, xe ôtô, v.v.) để trang trải các khoản nợ của hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh được phép sử dụng bao nhiêu lao động?

Một hộ kinh doanh được phép sử dụng không quá 10 lao động. Hộ kinh doanh sử dụng hơn 10 lao động phải đăng ký kinh doanh dưới một trong các hình thức doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp, gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.

Một Hộ kinh doanh có thể có bao nhiêu địa điểm kinh doanh?

Một hộ kinh doanh chỉ được phép đăng ký một địa điểm kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Hộ kinh doanh nếu muốn hoạt động kinh doanh tại hai địa điểm kinh doanh trở lên phải đăng ký kinh doanh dưới một trong các hình thức doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh có được phép sở hữu và sử dụng con dấu hay không?

Không. Hộ kinh doanh không được quyền làm và sử dụng con dấu.

Loại hình kinh doanh hộ gia đình nào được phép miễn trừ việc đăng ký kinh doanh?

Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp trên phạm vi địa phương. Mức thu nhập thấp được quy định không được vượt quá mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Bạn cần tìm hiểu kỹ mức thu nhập thấp được quy định tại địa phương mình để biết hộ kinh doanh của mình có được miễn trừ việc đăng ký kinh doanh hay không.

Các quy định áp dụng cho việc đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh?

Luật Doanh nghiệp 2005; Luật sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp năm 2013

Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể: 

Trình tự, thủ tục đăng ký như sau:

1. Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh và kèm theo bản sao Giấy chứng minh nhân dân của cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

2. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh gồm:

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Số vốn kinh doanh;

d) Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình. Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao Giấy chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.

Đối với những ngành, nghề phải có vốn pháp định thì kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 42 Nghị định này;

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

4. Nếu sau 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Định kỳ vào tuần thứ nhất hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cơ quan thuế cùng cấp và Sở chuyên ngành.

0