Thời kỳ 1921 – 1930 : Hình thành cơ bản tư tưởng về cách mạng Việt Nam
Thời kỳ 1921 – 1930 : Hình thành cơ bản tư tưởng về cách mạng Việt Nam Trong giai đoạn từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc có những hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận hết sức phong phú, sôi nổi trên địa bàn nước Pháp (1921-1923), Liên Xô (1923-1924), Trung Quốc (1924-1927), ...
Thời kỳ 1921 – 1930 : Hình thành cơ bản tư tưởng về cách mạng Việt Nam
Trong giai đoạn từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc có những hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận hết sức phong phú, sôi nổi trên địa bàn nước Pháp (1921-1923), Liên Xô (1923-1924), Trung Quốc (1924-1927), Thái Lan (1928- 1929). Trong khoảng thời gian này, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam đã hình thành về cơ bản.
Người viết nhiều bài báo tố cáo chủ nghĩa thực dân, đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc. Khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới.
Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1927). Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chánh cương vắn tắt. Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt) (1930) và nhiều bài viết khác của Người trong giai đoạn này là sự phát triển và tiếp tục hoàn thiện tư tưởng, cách mạng về giải phóng dân tộc. Những tác phẩm có tính chất lý luận nói trên chứa đựng những nội dung căn bản sau đây :
Bản chất của chủ nghĩa thực dân là “ăn cướp” và “giết người”. Vì vậy, chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp công nhân.
Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ khăng khít với nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể bùng nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc muốn nhấn mạnh vai trò tích cực, chủ động của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân.
Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mệnh”, đánh đuổi bọn ngoại xâm, giành độc lập, tự do.
Ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, bị đế quốc, phong kiến bóc lột nặng nề. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành được thắng lợi cần phải thu phục, lôi cuôn được nòng dân đi theo, cẩn xây dựng khối công nông liên minh làm động lực cho cách mạng. Đồng thời, cần phải thu hút, tập hợp rộng rãi các giai tầng xã hội khác vào trận tuyến đấu tranh chung của dân tộc.
Cách mạng muốn thành công trước hết cần phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin và phải có một đội ngũ cán bộ sẵn sàng hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, vì lợi ích và sự tồn vong của dân tộc, vì lý tưởng giải phóng giai cấp công nhân và nhân loại.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân chứ không phải việc của một vài người. Vì vậy, cần phải tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp lên cao. Đây là quan điểm cơ bản đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về nghệ thuật vận động quần chúng và tiến hành đấu tranh cách mạng.
Những quan điểm cách mạng trên đây của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỷ XX được giới thiệu trong các tác phẩm của Người, cùng các tài liệu mácxít khác, theo những đường dây bí mật được truyền về trong nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo ra một xung lực mới, một chất men kích thích, thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển theo xu hướng mới của thời đại.