Tại sao chỉ có người Đông Á và thổ dân châu Mỹ có răng sữa hình xẻng?
Chiếc răng sữa hình xẻng của người con chính là do đặc điểm tiến hóa nơi bầu sữa người mẹ, tất cả vì mục đích sinh tồn vào thời kỳ... đồ đá! Hầu hết chúng ta đều có răng sữa, chuyện đó không có gì lạ. Thế nhưng các nhà nghiên cứu tại ĐH California lại đưa ra 1 phát hiện thú vị - đó là răng sữa ...
Chiếc răng sữa hình xẻng của người con chính là do đặc điểm tiến hóa nơi bầu sữa người mẹ, tất cả vì mục đích sinh tồn vào thời kỳ... đồ đá!
Hầu hết chúng ta đều có răng sữa, chuyện đó không có gì lạ. Thế nhưng các nhà nghiên cứu tại ĐH California lại đưa ra 1 phát hiện thú vị - đó là răng sữa hình chiếc xẻng chỉ có ở người Đông Á và thổ dân châu Mỹ mà ít thấy ở các nhóm dân cư khác.
Cho đến ngày nay, gần như 100% thổ dân châu Mỹ vẫn có răng sữa hình xẻng. Tỷ lệ này ở người Đông Á là 40%. Vì sao lại thế? Điểm chung giữa 2 nhóm người này là gì?
Răng sữa bình thường (trái) và răng sữa hình xẻng (phải).
Khảo cổ học xác nhận đúng là họ có điểm chung, nhưng nó lại nằm ở... giữa Thái Bình Dương cách đây 25 ngàn năm, tức vào thời kì Đồ đá!
Lúc ấy, giữa lục địa Á Âu và lục địa Bắc Mỹ tồn tại một dải đất hẹp gọi là cầu nối Bering, ngày nay đã chìm xuống đáy biển.
Người cổ Đông Á đã muốn men theo dải đất này đến Bắc Mỹ nhưng không thành công, vì phía trước là băng tuyết không có dấu hiệu nào của sự sống.
Ngay ở chính cầu nối Bering, điều kiện sống cũng vô cùng khắc nghiệt. Khí hậu nơi đây lạnh giá và luôn vắng bóng Mặt trời, nguồn thức ăn lại ít ỏi.
Không ngạc nhiên khi ta biết chỉ có nhóm nhỏ cư dân có thể tiếp tục tồn tại - ngày nay họ được gọi là người Bering.
Cầu nối Bering đã chìm xuống biển, ngày nay chỉ còn có Eo biển Bering ở Thái Bình Dương
Để duy trì nòi giống, người phụ nữ Bering đã phát triển 1 đặc điểm tiến hóa quan trọng! Gene EDAR chịu trách nhiệm sản sinh protein đã nảy sinh đột biến, dẫn đến mô vú phát triển dày đặc hơn khi họ có con cái.
Hay nói cách khác, các ống dẫn sữa chi chít hơn giúp con của các bà mẹ Bering hấp thụ được nhiều sữa, và như vậy có đủ chất béo và vitamin D để sinh tồn giữa nơi đói khát, thiếu ánh Mặt trời.
Cuộc sống khắc nghiệt của người Bering.
Đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Leslea Hlusko nói: "Đặc điểm tiến hóa trên cho thấy ý nghĩa to lớn của mối quan hệ mẹ - con, nó ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của con người".
Cuối cùng, sau khi mắc kẹt suốt 10 ngàn năm ở dải đất Bering, một nhóm nhỏ cư dân đã có thể quay về Đông Á trong khi phần lớn tiếp tục đến Bắc Mỹ như dự định ban đầu của tổ tiên mình.
Những cư dân châu Mỹ đầu tiên có gốc gác từ Đông Á. Khi vừa đến Mỹ, họ có ngoại hình giống người Inuit (ảnh) hơn là thổ dân ngày nay.
Quay lại chuyện răng sữa, có thể giải thích như sau. Khi 1 gene biến đổi, nó kéo theo nhiều đặc điểm sinh học khác cũng thay đổi theo.
Đó không chỉ là bầu vú của người mẹ mà còn có vài điểm ở người con như: tóc dày, dài và răng sữa có hình xẻng!
Răng sữa hình xẻng đặc trưng của thổ dân châu Mỹ và người Đông Á.
Trải qua hàng chục ngàn năm, đặc điểm tiến hóa này vẫn được sinh học tự nhiên giữ lại ở người thổ dân châu Mỹ và gần phân nửa người Đông Á - những hậu duệ của người Bering kiên cường thuở xưa!