Thơ Hàn Mạc Tử chủ yếu là thơ trữ tình hướng nội. Anh, chị hãy bình giảng khổ thơ sau trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để làm rõ ý kiến trên: Gió theo lối gió, mây đường mây,…Có chở trăng về kịp tối nay?.
Thơ Hàn Mạc Tử chủ yếu là thơ trữ tình hướng nội. Anh, chị hãy bình giảng khổ thơ sau trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để làm rõ ý kiến trên: Gió theo lối gió, mây đường mây,…Có chở trăng về kịp tối nay?. Huế đẹp thơ. Núi sông diễm lệ. Con gái Huế xinh tươi và đa tình. Nếp sống thanh lịch của miền ...
Thơ Hàn Mạc Tử chủ yếu là thơ trữ tình hướng nội. Anh, chị hãy bình giảng khổ thơ sau trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để làm rõ ý kiến trên: Gió theo lối gió, mây đường mây,…Có chở trăng về kịp tối nay?.
Huế đẹp thơ. Núi sông diễm lệ. Con gái Huế xinh tươi và đa tình. Nếp sống thanh lịch của miền núi Ngự sông Hương đã trở thành ấn tượng và cảm mến sâu sắc đối với bao người gần xa...
Huế đẹp thơ. Núi sông diễm lệ. Con gái Huế xinh tươi và đa tình. Nếp sống thanh lịch của miền núi Ngự sông Hương đã trở thành ấn tượng và cảm mến sâu sắc đối với bao người gần xa:
“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt...”
Thơ ca viết về Huế có nhiều bài hay. Tiêu biểu là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ " của Hàn Mạc Tử (1912-1940), nhà thơ lỗi lạc trong phong trào “Thơ mới”. Bài thơ có 3 khổ thơ thất ngôn nói về cảnh sắc và cô gái Vĩ Dạ trong hoài niệm với bao cảm xúc bâng khuâng, man mác, thẫn thờ.
Vĩ Dạ, một làng cổ xinh đẹp nằm bên bờ Hương Giang thuộc cố đô Huế, qua hồn thơ Hàn Mạc Tử mà trở nên gần gũi yêu thương đối với nhiều người hơn 60 năm qua. Đây là khổ thơ thứ hai của bài “Đây thôn Vĩ Dạ".
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vìĩ khi “nắng mới lên” ...ở khổ thơ thứ hai. Hàn Mạc Tử nhớ đến một miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật nhiều thương nhớ và lưu luyến. Có gió, nhưng “gió theo lối gió”. Cũng có mây, nhưng “mây đường mây’’. Mây gió đôi đường, đôi ngả:
“Gió theo lối gió / mây đường mây”.
Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối. gợi tả một không gian gió, mây chia lìa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ “gió” và “mây” được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi lên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông thi nhân đã và đang sống trong cảnh ngộ chia li và xa cách. Ngoại cảnh gió mây chính là tâm cảnh Hàn Mạc Tử.
Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã hóa thành “dòng nước buồn thiu”, càng thêm mơ hồ, xa vắng. “Buồn thiu” là buồn héo hon cả gan ruột, một nỗi buồn day dứt triền miên, cứ thấm sâu mãi vào hồn người. Hai tiếng “buồn thiu” là cách nói của bà con xứ Huế. Bờ bãi đôi bờ sông cũng vắng vẻ, chỉ nhìn thấy “hoa bắp lay”. Chữ “lay" gợi tả hoa bắp đung đưa trong làn gió nhẹ. Hoa bắp. hoa bình dị của đồng nội cũng mang tình người và hồn người.
Hai câu thơ 14 chữ với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Hình như đó là cảnh chiều hôm? Hàn Mạc Tử tả ít mà gợi nhiều, tượng trưng và ấn tượng. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ biểu hiện một tâm cảnh: thâm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn.
Hai câu thơ tiếp theo gợi nhớ một cảnh sắc thơ mộng, cảnh đêm trăng trên Hương Giang ngày nào. “Dòng nước buồn thiu” đã biến hóa kì diệu thành "sông trăng” thơ mộng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Hàn Mạc Tử được nhiều người ngợi ca, kết tinh rực rỡ bút pháp nghệ thuật tài hoa lãng mạn. Chữ “đó" cuối câu 3 bắt vần với chữ “có” đầu câu 4, âm điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm “có chở trăng về kịp tối nay?”. “Thuyền ai" phiếm chỉ. gợi lên bao ngỡ ngàng bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi. Con thuyền mồ côi nằm trên bến đợi “sông trăng” là một nét vẽ thơ mộng và độc đáo. Đã có “Thuyền ai đậu bến Cô Tô’’ hiện lên trong ánh trăng và tiếng quạ kêu sương trong thơ Trương Kế đời Đường. Đã có “sông xuân đâu chẳng súng ngời trăng” trong “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư, 1300 năm về trước. Lại có cảnh “Gió trăng chứa một thuyền đầy” (Nguyễn Công Trứ). Còn có “Trăng sông Trà như tấm gương soi dòng nước bạc” (Cao Bá Quát ). Qua đó, ta thấy hình tượng “sông trăng” là mới mẻ, sáng tạo. Cả hai câu thơ của Hàn Mạc Tử, câu thơ nào cũng có trăng. Ánh trăng tỏa sáng dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người (vì người xa cách chia li) mà chỉ “chở trăng về”. Phải “về kịp tối nay” vì đã cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng. Con thuyền tình của ước vọng nhưng đã thành vô vọng! Bến sông trăng trở nên vắng lặng vì “thuyền ai” chỉ là con thuyền mồ côi.
Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng. Cảnh đẹp một cách mộng ảo. Cả ba hình ấy đều biểu hiện một nỗi niềm, một tâm trạng cô đơn thương nhớ đối với cảnh và người nơi thôn Vĩ. Như ta đã biết, thời trai trẻ, Hàn Mạc Tử đã từng học ở Huế, từng có một mối tình đơn phương với một thiếu nữ thôn Vĩ, mang tên một loài hoa. Với chàng thi sĩ tài hoa, đa tình và bất hanh, đang sống trong cô đơn và bệnh tật, nhớ Vĩ Dạ là nhớ cảnh cũ xưa. Cảnh “gió theo lối gió, mây đường mây", cảnh “thuyền ai đậu bến sông trăng đó” là cảnh đẹp mà buồn. Buồn vì chia lìa, xa vắng, lẻ loi và vô vọng.
Khổ thơ trên đây, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều thấm đẫm tình thương nhớ và một nỗi “buồn thiu” lẻ loi. vần thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Thơ Hàn Mạc Tử, đúng là thơ trữ tình hướng nội “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này” ...
Trích: loigiaihay.com