Thiên nhiên trong nhiều bài thơ mới (1932 – 1945) đẹp nhưng buồn. Hãy giải thích và chứng minh bằng bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.
Thiên nhiên trong nhiều bài thơ mới (1932 – 1945) đẹp nhưng buồn. Hãy giải thích và chứng minh bằng bài thơ "Tràng giang" của Huy Cận. Một trong những đề tài và cảm hứng lớn của "Thơ mới" (1932 – 1945) là thiên nhiên. Nhìn chung, đó là một thiên nhiên đẹp nhưng ...
Thiên nhiên trong nhiều bài thơ mới (1932 – 1945) đẹp nhưng buồn. Hãy giải thích và chứng minh bằng bài thơ "Tràng giang" của Huy Cận.
Một trong những đề tài và cảm hứng lớn của "Thơ mới" (1932 – 1945) là thiên nhiên. Nhìn chung, đó là một thiên nhiên đẹp nhưng buồn. Vì sao thiên nhiên trong Thơ mới đẹp và vì sao thiên nhiên trong Thơ mới lại buồn?
Bài thơ Tràng giang của Huy Cận có thể giải đáp cho vấn đề trên.
Vì sao thiên nhiên trong Thơ mới đẹp? Vì thiên nhiên thực ở ngoài đời vốn đẹp, đất nước ta cây cối xanh tươi quanh năm, ánh nắng chan hòa bốn mùa:
Việt Nam đất nước chan hòa,
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa tươi xanh.
(Nguyễn Đình Thi)
Thiên nhiên đẹp đó lại được lọc qua tâm hồn nghệ sĩ của các nhà thơ lãng mạn vốn rất tinh tế và nhạy cảm nên lại càng lung linh rực rỡ. Đó là cái đẹp của nghệ thuật chứ không phải cái đẹp trong cuộc đời. Một chiếc áo mơ phai dệt lá vàng của Xuân Diệu, một vườn ai mướt quá xanh như ngọc của Hàn Mặc Tử, một con hổ say mồi đứng uống ánh, trăng tan của Thế Lữ… là những vẻ đẹp như thế.
Nhưng vì sao thiên nhiên đẹp đó lại buồn? Vì lòng nhà thơ buồn nên nỗi buồn đã thấm vào cảnh vật, làm cho thiên nhiên cũng đượm buồn. Lòng nhà thơ buồn vì họ đều thuộc thế hệ thi nhân mất nước, sống trong cảnh đời nô lệ, lại mang cái "tôi" bé nhỏ, cô đơn của các nhà thơ lãng mạn. Vì thế Xuân Diệu nhìn trời đẹp mà vẫn cảm thấy buồn:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.
Nghe mưa rơi, lòng Huy Cận dâng lên một "nỗi sầu vạn cổ":
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
Cái buồn và cái đẹp ở đây hài hòa gắn bó với nhau trong quan điểm thẩm mĩ của các nhà thơ lãng mạn thời kì 1932 – 1945. Trong cái buồn có cái đẹp và trong cái đẹp lại thường chứa đựng cái buồn. Quan điểm này chắc chắn có phần chịu ảnh hưởng của các nhà thơ lãng mạn phương Tây, đặc biệt là các nhà thơ lãng mạn Pháp như Rim-bô, Véc- len, Bô-đờ-le… Trong màu sắc của nó, ta vẫn có thể tìm thấy ít nhiều ý nghĩa nhân văn, tình người trong đó.
Những điều trên đây dược biểu hiện khá rõ qua một bức tranh thiên nhiên tiêu biểu của thơ mới: bài thơ Tràng giang của Huy Cận.
Tràng gianglà bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ lãng mạn Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám, cũng là một trong những.bài thơ quen thuộc và nổi tiếng của phong trào "Thơ mới" 1932 – 1945. Đó là hình ảnh một con sông đẹp và buồn qua nỗi lòng Huy Cận, một thi nhân mất nước đang sống bơ vơ giữa cuộc đời, chưa tìm dược hướng đi cho mình trong cảnh đời nô lệ ấy. Hai nét đẹp và buồn kết hợp hài hòa, xuyên thấm vào nhau trong từng hình ảnh, chi tiết, từng câu thơ, chữ thơ, trong cả bài thơ để tạo nên một Tràng giang vừa cổ điển vừa hiện đại — một Tràng giang "mang mang thiên cổ sầu" của hồn thơ Huy Cận.
Tràng gianglà một con sông đẹp. Đất nước ta có nhiều dòng sông đẹp. Nhưng đã mấy ai đưa được những dòng sông đẹp đó vào thơ. Phải có cảm nhận tinh tế, phải có con mắt của thi nhân thì vẻ đẹp đó mới hiện hình lên từng dòng chữ, thành bức tranh thơ. Tràng giang của Huy Cận là một bức tranh thơ như thế.
Ở Tràng giang, thiên nhiên tạo vật trở thành cổ điển nhưng được nhà thơ cảm nhận bằng một cái nhìn mới mẻ và tinh tế. Có cái đẹp của màu sắc hài hòa bên sông:
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Một nét đẹp quen thuộc, giản dị mà ta thường gặp ở những dòng sông quê hương, nhưng đi vào câu thơ vẫn có gì như êm dịu, mượt mà hơn.
Có cái đẹp của dòng sông mênh mang giữa đất trời bao la vô tận:
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Đây là vẻ đẹp mới mẻ, có giá trị phát hiện của thi nhân. Huy Cận đã đem đến cho người đọc một vẻ đẹp mới của dòng sông, của bầu trời trong cái không gian ba chiều mênh mông và sâu thăm thẳm. Thiên nhiên được mở rộng đến không cùng trong cảm hứng vũ trụ, vốn là cảm hứng rất riêng và cũng rất đặc sắc của Huy Cận.
Lại có cái đẹp như trong một bức tranh cổ điển:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Cảnh chiều tà được vẽ lên thật đẹp: một cánh chim chiều chao liệng trên nền mây bạc, đôi cánh hút lấy nắng hoàng hôn như cùng chim sa xuống lấp lánh phía chân trời. Hai nét vẽ chấm phá của nhà nghệ sĩ, một nét hùng vĩ, một nét cô đơn, mà như thu được linh hồn của tạo vật vào bức tranh thơ. Cánh chim chiều của Huy Cận gợi nhớ những cánh chim chiều trong thơ xưa:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
(Bà Huyện Thanh Quan)
Như vậy, "Tràng giang" là một bài thơ sông nước mang một vẻ đẹp trang trọng, cổ kính nhưng lại mới mẻ.
Tràng gianglà một con sông buồn. Con sông đẹp đó lại là một con sông buồn mênh mang, thấm thìa bởi lòng nhà thơ buồn nên nỗi buồn đã thấm sâu vào cảnh vật:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
(Nguyễn Du)
Trong bài thơ, câu nào, hình ảnh nào, cho đến từng chi tiết, từng chữ thơ cũng đều buồn da diết. Cảnh buồn, người buồn, cho đến cả âm điệu và nhạc thơ cũng buồn mênh mang, sâu lắng. Đó là nỗi buồn mang cảm hứng sông núi, vũ trụ mà thi nhân đã cô đúc lại trong lời đề từ:
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.
Đi vào thơ, khổ nào cũng buồn. Khổ một là cảnh trên sông với con sóng buồn điệp điệp, dòng nước sầu trăm ngả và một cành củi khô bơ vơ lạc lõng. Khổ hai là cảnh xung quanh sông với cái không gian ba chiều rộng mênh mông, sâu thăm thẳm càng làm cho cảnh vật thêm bé nhỏ, hiu hắt, cô đơn: cồn nhỏ lơ thơ, gió đìu hiu, cảnh vãn chợ chiều và bến cô liêu. Đến một con sông không bóng người, không sự sống (Mênh mông không một chuyến đò ngang – Không cầu gợi chút niềm thân mật) mà chỉ còn lại những cụm bèo trôi dạt trên sông hay chính là hình ảnh những cuộc đời chìm nổi, bơ vơ. Ở khổ bốn, nỗi buồn dâng lên trước cảnh hoàng hôn trên sông và biến thành nỗi nhớ nhà vẫn mênh mang không dứt như sóng nước vẫn dập dềnh trên Tràng giang:
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Cảnh buồn chính vì người buồn. Nhân vật trữ tình trong bài thơ tuy không xuất hiện nhưng vẫn hiện lên rất rõ qua bài thơ. Đó là Huy Cận với nỗi buồn sông núi của một thi nhân mất nước. Đứng trước Tràng giang mênh mang đất trời bao la, thi nhân cảm thấy "rợn ngợp": con người thì bé nhỏ, hữu hạn còn vũ trụ thì vô tận, vô cùng. Cái cảm giác cô đơn, trống vắng, chông chênh đó đã tạo nên nét buồn riêng của Huy Cận trong Tràng giang và nỗi buồn đó đã dẫn đến cảm nhận về "cái không" của thi sĩ trước dòng sông hoang vắng: không tiếng (Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều), không đò (Mênh mông không một chuyến đò ngang), không cầu (Không cầu gợi chút niềm thân mật), không khói (Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà).
Tóm lại, không âm thanh cuộc sống, không sự vật, con người, không biểu tượng, gia đình, quê hương… không có gì cả! Trong tâm trạng như thế, thi sĩ chỉ còn là một cành củi khô, một cụm bèo trôi giạt trên sông, một cánh chim chiều nhỏ bé đang sa xuống tận phía trời xa. Một thi nhân mất nước chưa tìm được hướng đi cho mình, lại mần cảm trước thiên nhiên và cuộc đời, làm sao lại không có nỗi buồn như thế được? Người đọcngày hôm nay hiểu nỗi lòng Huy Cận, trân trọng "nỗi buồn thế hệ" của nhà thơ vì đằng sau nỗi buồn ấy là một tâm sự yêu nước thầm kín, một tình người yêu quê, nhớ nhà thăm thẳm.